Trang Tin Mừng hôm nay phải được gọi theo thánh Phaolô là “sự điên rồ của Thiên Chúa”. Sự điên rồ đã thúc đẩy Chúa Giêsu đến độ hóa thân làm người và chết cho tất cả những người tội lỗi.
Những ai chọn theo Đức Kitô không còn có thể ở lại trong bình diện lí luận nữa, mà phải đi vào tình yêu. Và chỉ như thế chúng ta mới thể lắng nghe và đón nhận lời mời gọi của Đức Kitô hôm nay:
“Nếu ai muốn theo Thầy mà không yêu mến Thầy hơn cha, mẹ, vợ con và ngay cả cuộc sống riêng của mình thì không thể làm môn đệ Thầy”.
Nghe lời ấy, chúng ta rất dễ bị cám dỗ muốn so sánh Chúa Giêsu với một người độc tài áp đặt những đòi hỏi phi lí.
Chúa Giêsu nói với những ai muốn làm môn đệ Người. Người nói với quần chúng đông đảo, làm chứng Người muốn kêu gọi hết mọi người và muốn mọi người được hạnh phúc.
Do đó, Lời của Chúa Giêsu không dành riêng cho một nhóm người nào. Ðừng bảo những lời ấy chỉ có giá trị đối với người Do Thái đồng thời với Người. Cũng đừng nói ngày nay những lời ấy chỉ dành cho linh mục và tu sĩ. Chúa Giêsu nói với tất cả chúng ta ngày hôm nay. Người bảo: Muốn đến với Người và làm môn đệ của Người phải ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em mình và cả mạng sống của mình nữa. Lại phải vác khổ giá mình mà đi sau Người. Và phải từ bỏ của cải mình đi hết thảy.
Dĩ nhiên Chúa chẳng vô lý đòi chúng ta bỗng dưng phải bỏ cha mẹ, bạn hữu, mạng sống và của cải. Con người ở đời phải có những sự ấy. Và nếu những sự ấy giúp chúng ta đến với Chúa và làm môn đệ của Người, thì có chi mà phải ghét bỏ? Nhưng khi mà những sự ấy trở thành chướng ngại vật cho chúng ta trên đường đi theo Chua, thì hôm nay Người bảo chúng ta phải dứt khoát lựa chọn: hoặc bỏ chúng để được Người, hoặc giữ chúng mà mất Người. Không có lối thoát nào khác. Không phải vì Chúa quá đòi hỏi; nhưng giữa ánh sáng và tối tăm, giữa tình yêu và hận thù, người ta phải lựa chọn.
Thế nên, tiếp theo Chúa bảo người ta phải suy nghĩ, cân nhắc. Như người muốn xây tháp, như vua sắp đi giao chiến, phải suy tính kỹ lưỡng kẻo tháp xây không nổi, đánh trận sẽ thua, khiến không những bị cười nhạo mà cuộc đời cũng tiêu luôn.
Người ta phải suy nghĩ trước khi đi theo Chúa. Và theo Chúa không như theo bất cứ một ai. Những người Do Thái đồng thời với Ðức Giêsu còn có thể hiểu lầm được, chứ ngày nay chúng ta đã thấy rồi, Chúa đã đi con đường thập giá, ai muốn đi sau Người, cũng phải mang lấy thập giá.
Kẻ muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu Kitô phải vác thập giá đi sau Ðấng đã vác thập giá mở đường cứu độ cho muôn người. Ðối với những thính giả ở thời Ðức Giêsu, điều này có một ý nghĩa rất cụ thể. Người ta vẫn thấy những tên tù tội phải vác thập giá đi đến nơi chịu tử hình. Ngày nay chúng ta đã thấy Ðức Giêsu đi như thế. Ai đi sau Người tất bị khai trừ bởi những ai phủ nhận đường lối Người đã đi. Không chấp nhận bị khai trừ như vậy không thể làm môn đệ của Người được. Và khi đi vào con đường thập giá như vậy, làm sao còn có thể bám vào của cải thế gian nữa? Do đó hãy hiểu hai đòi hỏi “ghét cha mẹ” và “từ bỏ của cải” như là điều kiện và hậu quả của việc lựa chọn đi vào đường lối của Chúa, khi tình yêu tự nhiên và của cải thế gian ngăn trở người ta bước đi sau Chúa để trở thành môn đệ của Người.
Khi theo Ngài, Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải vác thập giá mình mà theo (Lc14, 27). Thập giá ở đây là gì? Đó chính là đời sống ta, là trách nhiệm mà Thiên Chúa trao gửi cho ta. Hãy hoàn thành trách nhiệm của mình một cách hoàn hảo, chúng ta sẽ hân hoan và tự tin đi theo Người. Nếu bạn là một người tu sĩ ư? Hãy sống trọn đời sống của người tu sĩ. Bạn là một người cha ư? Hãy sống trọn trách nhiệm của một người cha, biết lo cho gia đình và nuôi dạy con cái nên người. Bạn là một giáo sư ư? Hãy làm trọn bổn phận của mình, hãy chuẩn bị giáo án đầy đủ và trao gửi tâm huyết, kiến thức của mình cho thế hệ trẻ để giúp họ nên người trưởng thành. Vác thập giá mình để đi theo Đức Giêsu chính là đi đến tận cùng của tình yêu. Đó chính là làm mọi việc vì tình yêu.
Và người môn đệ Chúa Giêsu phải là người biết ngồi lại, suy nghĩ như một người muốn xây tháp hay như ông vua chuẩn bị giao chiến (Lc 14, 28-32). Người môn đệ không phải là người vô tri, hành động thiếu suy nghĩ, nhưng là người biết dùng sự khôn ngoan mà Thiên Chúa ban tặng cho anh để phân định và phục vụ tốt hơn. Phục vụ nước Thiên Chúa giữa đời.
Theo Chúa Giê su là đi ngược lại những cách sống của thời đại chúng ta. Sự chọn lựa của tin mừng có thể kéo theo những đoạn tuyệt đau đớn. Nó sẽ quấy rầy chúng ta trong các thói quen, tiện nghi chúng ta. Đó là trường hợp của những người sẵn sàng hi sinh thời giờ để giảng dạy giáo lí, coi sóc một nhóm trẻ hoặc tham dự vào các hội đòan và làm việc phục vụ giáo xứ. Vị trí ưu tiên dành cho tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi người, đặc biệt cho những người bé nhỏ, những kẻ đau yếu, những người bị lọai trừ. Ngài mời gọi tất cả chúng ta đi theo Ngài để trở thành chứng nhân trong thế giới hôm nay.
Của cải đời này cũng thật đáng quý, nhưng khi cần, người ta sẵn sàng từ bỏ của cải để dành lấy những giá trị cao hơn. Khi bị cướp hăm doạ tính mạng và đòi lấy của cải bạc tiền, người ta sẵn sàng bỏ của lấy người. Khi bị một chứng bệnh nan y đe doạ cướp đi mạng sống, người ta sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ bạc để kéo dài đời sống, dù chỉ sống thêm được một năm.
Qua cuộc đời từ bỏ của mình, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy từ bỏ không là mất đi nhưng là được lại và là được lại gấp nhiều lần.
Làm môn đệ Chúa Giêsu, đó không hề là một chuyện ‘rẻ tiền’, dễ dãi. Bởi vì điều ấy giả thiết rằng người ta phải sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì thiết thân nhất của mình – dù đó là cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, hay cả mạng sống mình nữa. Nhưng từ bỏ mới chỉ là một phần việc. Phần còn lại càng thách đố hơn gấp bội: Vác thập giá mình mà đi theo Chúa Giêsu! Thập giá không chỉ gợi liên tưởng cái chết, mà đó còn là cái chết thê thảm, cái chết tận cùng nhục nhã. Chúa Giêsu không hề lập lờ, giấu giếm các điều kiện để theo Ngài. Trái lại, Ngài rất rõ ràng về các đòi hỏi đối với những ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu. Đó là không giữ lại cho riêng mình bất cứ điều gì; trái lại phải sẵn sàng chịu tước mất tất cả, ngay cả mạng sống mình, dù một cách ê chề, nhục nhã.
Nếu chúng ta yêu thương Chúa Giê su thì ta hãy để Ngài đi vào trong cuộc sống của chúng ta. Sự hiện diện của Ngài là một luồng Ánh sáng đến ở trong cuộc đời chúng ta và biến đổi từ bên trong. Khi cử hành Thánh lễ, chúng ta có thể múc tận nguồn để tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta đi theo Đức Ki tô. Chúng ta hãy cầu xin Ngài ban cho chúng ta sức mạnh để trở thành nhân chứng nhiệt thành cho tình yêu của Người trong cuộc sống hôm nay.
Huệ Minh