“Chiều ngày 26-7-1644 Anrê Phú Yên được dẫn đến pháp trường. Tới nơi toàn thắng, thầy quỳ xuống cầu nguyện để chiến đấu cho can đảm hơn. Lính gác chung quanh. Họ không cho tôi ở bên trong vòng lính, nhưng viên đội trưởng cho phép tôi vào, và đứng cạnh thầy. Thầy vẫn quỳ dưới đất, mắt nhìn lên trời, miệng luôn hé mở và đọc tên Chúa Giêsu.”
Cha Đắc Lộ đừng gần thầy Anrê
ngày 26 tháng 7 năm 1644
Tôi có người quen ở tỉnh Phú Yên, trong một dịp ghé thăm, tôi được biết mình đang ở ngay trên quê hương của thầy giảng Anrê Phú Yên, nay là giáo xứ Mằng Lăng, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tôi mượn cha sở được cuốn “Người Chứng Thứ Nhất” của Phạm Đình Khiêm, và ngay tại hành lang nhà thờ Mằng Lăng hôm ấy, khuôn mặt thiên thần của một người trẻ có chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử Hội Thánh Việt Nam đã làm tâm hồn tôi rung động sâu xa.
Hôm sau, tôi đi thăm xóm Lò Giấy, cách nhà thờ Mằng Lăng chừng 2 km, nơi chôn rau cắt rốn của thầy giảng Anrê Phú Yên. Đây là một xóm nghèo, hiện chỉ còn chưa tới mười gia đình công giáo. Tôi đến, ngồi bên bờ sông Kỳ Lộ, con sông ngăn cách nhà thờ Mằng Lăng với xóm Lò Giấy, tôi hồi tưởng lại một con người, một cuộc đời, một thanh niên, một giáo lý viên, một nhân chứng của Đức Kitô vào thời khai sinh Hội Thánh Việt Nam.
1. Anrê Phú Yên Là Ai?
Người mà từ xưa người ta quen gọi là “Thầy giảng Anrê”, sinh tại tỉnh Phú Yên năm 1625. Rửa tội năm 16 tuổi, do chính cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Một năm sau, Anrê xin được thu nhập vào nhóm các thầy giảng giáo lý do cha Đắc Lộ mới thành lập. Vì tuổi còn trẻ, cần phải được hoàn tất chương trình đào tạo, Anrê được gởi gắm cho vị quan thuộc nhóm thầy giảng tên là Inhaxiô, một vị thừa sai tin cậy và là trụ cột của cộng đồng công giáo còn non trẻ. Anrê tiến triển vượt bậc trong việc học kinh sách truyền thống, nhất là về đức tin Kitô giáo, đồng thời đảm nhận những công việc thấp hèn nhất để phục vụ nhà Chúa và luyện tập công tác giảng dạy.
Nhóm thầy giảng khoảng 12 người được cha Đắc Lộ hướng dẫn. Nhóm đạt được những thành công đáng kể trong việc rao giảng Tin Mừng, điều này làm nảy sinh lòng đố kỵ và tình trạng căng thẳng trong triều đình chúa Nguyễn, cũng như tại xứ Quảng Nam, là nơi có trung tâm sinh hoạt của nhóm. Vị quan trách nhiệm chính quyền dinh Quảng Nam thề sẽ tiêu diệt Inhaxiô, và đã nhận được giấp phép cho bắt giam và kết án tử hình ngài.
2. Không ai có tình yêu lớn hơn
Thời điểm ân phúc trọng đại đến với Anrê Phú Yên vào tháng 7 năm 1644, tại Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng hiện nay. Hôm ấy, anh đang ở trụ sở các cha Dòng Tên tại Hội An. Cha Đắc Lộ cũng như các thầy giảng khác đi làm việc tông đồ. Lính tìm thầy Inhaxiô không được nên tức giận thu hết ảnh tượng, đập phá nhà cửa, rồi trói anh dẫn đi. Cha Đắc Lộ kể: “Anrê bị điệu tới quan trấn, bị tố cáo là giáo dân và thầy giảng. Rồi họ dẫn thầy vào ngục, nơi đã có một chứng nhân khác cũng tên là Anrê. Cả hai thức suốt đêm, coi như đêm cuối của đời mình, an ủi nhau, tin tưởng vào ngày mai cả hai sẽ về thiên quốc.” Ngay hôm sau, quan trấn kết án tử hình cả hai. Trước tòa án, Anrê đã tuyên xưng đức tin một cách phi thường, không giây phút nào nao núng: “Ước chi tôi có được ngàn mạng sống của tôi để hiến dâng tất cả cho Chúa hầu đền đáp ơn Ngài.” Bị kết án, Anrê chờ đợi cái chết một cách rất bình thản, lòng đầy hân hoan, chỉ xin mọi người cầu nguyện cho thầy để thầy được “…giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến blọn (trọn) đời”. Cha Đắc Lộ vận động tất cả mọi người Bồ Đào Nha ở Hội An đến xin quan trấn khoan hồng. Người kia được tha, vì có con cháu. Riêng anh “sẽ phải chết như đã xin, để dạy cho mọi người biết vâng lệnh chúa.” Chúa ở đây là chúa Nguyễn ở Huế.
Chiều ngày 26-7-1644, anh được dẫn đến pháp trường Gò Xử. Cha Đắc Lộ kể tiếp: “Tới nơi toàn thắng, thầy quỳ xuống cầu nguyện để chiến đấu cho can đảm hơn. Lính gác chung quanh. Họ không cho tôi ở bên trong vòng lính, nhưng viên đội trưởng cho phép tôi vào, và đứng cạnh thầy. Thầy vẫn quỳ dưới đất, mắt nhìn lên trời, miệng luôn hé mở và đọc tên Chúa Giêsu.” Được lệnh, một người lính lấy giáo đâm anh từ phía sau lưng, thâu qua ngực chừng hai bàn tay. Anh đưa mắt trìu mến nhìn cha Đắc Lộ để vĩnh biệt. Cha nói anh hãy nhìn lên trời là nơi anh sắp tới và có Chúa Giêsu đón tiếp. Anh ngước mắt lên cao và không nhìn xuống nữa. Cũng tên lính lấy giáo đâm anh lần thứ nhì, rồi lần thứ ba, như thể muốn tìm trái tim anh. Điều kỳ lạ là anh vẫn quỳ chứ không ngã. Cuối cùng, lính phải lấy mã tấu chém hai nhát, đầu anh lìa khỏi cổ, xác anh ngã gục, hồn anh về với Chúa. Cha Đắc Lộ đưa xác anh về Áo Môn, còn đầu anh về Rôma. Năm ấy anh 19 tuổi.
3. Tâm hồn lớn trong vóc dáng nhỏ
Sau khi chứng kiến thấy giảng Anrê Phú Yên hiến dâng mạng sống cho Đấng đã hiến dâng mạng sống cho mình, cha Đắc Lộ nói với mọi người: “Tôi hết sức mong đợi mọi người trên thế giới được biết người đầy tớ tuyệt diệu của Chúa, để thúc đẩy họ nhận biết và yêu mến Đấng bạn trẻ này đã yêu mến đến chịu chết vì Người.”
Tôi nhớ đến anh, một người trẻ gắn liền việc theo Chúa với việc phục vụ Hội Thánh. Anh không nghĩ theo Chúa chỉ để được lợi lộc đời này hay hạnh phúc đời sau.
Tôi nhớ đến anh một thiếu niên thôn quê, chắc là ít học và cả đến ngây ngô. Cha Đắc Lộ là một giáo sư thần học. Một số thầy giảng từng là tiến sĩ, cứ nhân. Anh không có gì đáng kế, đáng khoe. Nhưng ai cũng có gì đó để đóng góp. Mặt trời chiếu sáng ban ngày haymặt trăng chiếu sáng ban đêm. Vào những đêm không trăng, những ngôi sao nhỏ lấp lãnh cũng tô điểm bầu trời
Tôi nhớ đến anh, ngay hôm bị bắt, không đi làm tông đồ, nhưng ở nhà săn sóc mấy thầy giảng bị bệnh. Trong chương trình cứu độ bao trùm cả không và thời gian, mỗi người chỉ đóng một vai trò rất nhỏ. Riêng anh chấp nhận làm những việc được trao, những việc vừa sức, trong vai trò của người đàn em, người phụ tá.
Tôi nhớ đến anh, người thắp lên một ngọn đèn, chứ không ngồi nguyền rủa bóng tối. Tống thị và quan trấn đời nào chẳng có? Anh không xuống đường la hét, cũng không đóng cửa rên rỉ. Anh nhập đoàn với Hội Thánh, với Hội Thầy Giảng, làm một tia sang, làm một hạt muối, để mặt đất tươi đẹp hơn, đáng sống hơn.
Tôi nhớ đến anh,một người trẻ vui khi bị bắt, vui khi bị kết án, vui khi bị hành hình. Anh không phải là mọt triết gia lạnh lùng trước sự sống và cái chết. Anh có một niềm hy vọng. Khi theo đạo, anh bước theo Đức Giêsu. Khi nhập Hội Thầy Giảng, anhmuốn trở thành cộng sự viên của Chúa. Khi tử đạo, anh hân hoan thấy mình nên giống Chúa trên thành giá. Đức Kitô đã phục sinh: đó là hy vọng duy nhất của anh. Anh vui vì tìm được niềm hy vọng. Anh vui hơn vì dấn than với niềm hy vọng. Anh vui nhất khi đạt được niềm hy vọng. Anh trở thành chứng nhân của niềm hy vọng.
Cosma Hoàng Văn Đạt , S.J.