Thầy thuốc đông y công giáo hiện nay

phong kham 5 ton giao - Thầy thuốc đông y công giáo hiện nay
Ảnh minh họa, nguồnPhòng khám 5 tôn giáo

Bản thân tên gọi đã được xã hội công nhận và đòi hỏi người thầy thuốc đông y phải là người lương thiện, tốt lành, ngay thẳng và thanh bạch. Với hệ thống bằng cấp và giấy phép hành nghề hiện tại thầy thuốc đông y làm việc có ở cả công và tư; có người là bác sĩ, y sĩ đông y, lương y, lương dược được nhà nước đào tạo, có người là lương y gia truyền.

Hiện thực đời sống cho thấy: mặc dù Tây y cùng với khoa học hiện đại phát triển vượt bậc nhưng những bài thuốc và phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc của Đông y cũng vẫn không thể thiếu được và chắc chắn là còn sống mãi. Đó là nhờ tính khái quát và phù hợp của y lý Đông y thuận theo đời sống của con người theo nhịp vận hành của vũ trụ cùng với nền y đức thâm thúy mà bao đời các tiên sư răn dạy trong đó có Hải Thượng Lãn Ông, một đại y tôn của Đông y Việt Nam. Chín điều Y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông được giới Đông y xem là đạo đức hành nghề y dược học cổ truyền.

Những điều cụ thể trong Y huấn cách ngôn về đạo đức làm người, về tư cách thầy thuốc, về chuyên môn nghề nghiệp, về đối nhân xử thế đều phù hợp với Tin Mừng của Chúa mà mọi lương y Công giáo đều có thể phấn đấu học tập và vận dụng để “gia tăng đức ái” trong hoạt động hành nghề. Ta cũng dễ dàng nhận thấy người lương y thường mang dáng vẻ bình dân, gần gũi với người bệnh và người thân cận, đa số trường hợp chản trị lương y cũng chính là ‘bác sĩ tâm lý” của bệnh nhân.

Có người lương thắc mắc sao “người Công giáo theo đạo của Tây” mà lại làm Đông y, họ không hiểu rằng chính từ nhiều điểm giao nhau của y đức Đông y và Phúc âm cứu thế tạo nhiều nâng đỡ tinh thần cho người Công giáo học và hành nghề Đông y. Đông y không bao giờ nói đến phá thai, nói đến trợ tử và còn coi đó là phản y đức, giáo lý Công giáo quy đó là tội ác. Đông y không những chữa bệnh mà còn tạo cho người bệnh sống toàn diện, trong Mt(9,35) hay Mt (14,16) và nhiều nơi khác nữa trong Kinh Thánh… Chúa cũng làm và dạy như vậy. Thực tế ở Bình Định có nhiều thầy thuốc Đông y Công giáo tên tuổi còn lưu truyền như thầy Mười Gò Bồi, thầy Ba Miễn Xuân Phương, thầy Thám Diêu Trì…và về sau còn nhiều thầy khác nữa.

Hiện nay đa số các lương y Công giáo ở ta đều hoạt động hành nghề tư nhân. Quý thầy sống khép mình, thuận thảo với cộng đoàn và láng giềng. Quản lý của nghành y tế ở ta tương đối chặt chẽ nên quý thầy cũng chẳng màng phô trương thanh thế gì, sống “kính Chúa, yêu người” một cách bình dị vậy thôi.Tình trạng công nghiệp hóa tràn lan thu hẹp nguồn dược liệu tại chỗ và nạn thuốc giả Trung Quốc tràn ngập thị trường cũng là những khó khăn và thách thức cho quý thầy hành nghề hiện nay.

Tuy vậy, bằng y thuật học hỏi được và kinh nghiệm gia truyền để lại giới lương y đang gìn giữ một kho tàng tri thức y học vô giá, góp phần không nhỏ vào việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa được nhiều trường hợp bệnh nan y, tư vấn gìn giữ sức khỏe cho nhiều người…

Quý thầy Đông y vốn kín tiếng, Quý thầy Đông y Công giáo – ở hạt Bình Định có khoảng vài chục- càng kín tiếng hơn, nên việc vận động quý thầy giúp ích gì cho giáo xứ, cho giáo hội thường hơi khó, nhưng khi quý thầy đã hưởng ứng thì với kiến thức chuyên biệt và đạo đức truyền thống lành mạnh chắc chắc họ sẽ làm việc rất thật tình và hiệu quả cho việc thực thi đức ái Kitô giáo.

Đã có những mô hình Phòng chẩn trị Đông y Công giáo ở miền Nam và miền Bắc, chỗ cha Ngô Hành ở Nha Trang chẳng hạn, vừa góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân cả lương lẫn giáo vừa làm việc từ thiện, tông đồ bác ái. Nếu Đức cha, cha hạt trưởng hoặc quý cha sở muốn triển khai, chắc là toàn thể anh chị em lương y công giáo sẽ sẵn sàng góp công góp sức cho công cuộc Phúc âm hóa nghành y tế đang phục hồi trở lại trên Giáo phận nhà. Việc đào tạo đội ngũ thầy thuốc và tạo lập các cơ sở khám chữa bệnh bằng Đông y dễ dàng và ít tốn kém hơn Tây y rất nhiều, cung cách phục vụ của Đông y phù hợp với tôn chỉ nhiều hội dòng cũng là một điều kiện nhân sự thuận lợi.

Tin yêu vào Hội thánh Chúa, giới Đông y sẽ góp phần làm “nối dài cánh tay từ ái của Người trên nhân loại khổ đau và giúp họ nhận ra khuôn mặt của một vị Thiên Chúa từ nhân đang đồng hành và chia sẻ nỗi khổ đau của họ, nhờ đó họ dễ dàng tin vào Tin Mừng cứu độ của Người.”, lời thư Đức cha Matthêô gửi quý thầy thuốc trong năm Đức tin 2013 như còn thôi thúc mãi ở mỗi người lương y Công giáo.

NHÂN NGÀY HỌP MẶT GIỚI THẦY THUỐC VÀ THẦY GIÁO GIÁO HẠT BÌNH ĐỊNH CHÀO MỪNG NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM TẠI QUY NHƠN NGÀY 22/02/2014

Lương y Antôn Dương Thành Thiêng
UVTV Hội Đông y tỉnh Bình Định


Chín điều y huấn cách ngôn (Hải Thượng Lãn Ông)

1- Phàm người học thuốc, tất phải hiểu thấu lý luận đạo Nho, có thông lý luận đạo Nho thì học thuốc mới dễ. Khi có thời giờ nhàn rỗi, nên luôn luôn nghiên cứu các sách thuốc xưa nay. Luôn luôn phát huy biến hóa, thu nhập được vào Tâm, thấy rõ được ở mắt thì tự nhiên ứng vào việc làm mà không phạm sai lầm.

2- Được mời đi thăm bệnh : nên tùy bệnh cần kíp hay không mà sắp đặt đi thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hoặc nghèo hèn mà nơi đến trước chỗ tới sau hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém khi lòng mình có chỗ không thành thật, thì khó mong thu được kết quả.

3- Khi xem bệnh cho phụ nữ, góa phụ, ni cô… cần phải có người nhà bên cạnh mới bước vào phòng để thăm bệnh để tránh hết sự nghi ngờ. Dù cho đến con hát, nhà thổ cũng vậy, phải đứng đắn coi họ như con nhà tử tế, không nên đùa cợt mà mang tiếng bất chính, sẽ bị hậu quả về tà dâm.

4- Phàm thầy thuốc nên nghĩ đến việc giúp đỡ người, không nên tự ý cầu vui như mang rượu lên núi, chơi bời ngắm cảnh, vắng nhà chốc lát, lỡ có bệnh cấp cứu làm cho người ta sốt ruột mong chờ, nguy hại đến tính mạng con người. Vậy cần biết nhiệm vụ mình là quan trọng như thế nào”

5- Phàm gặp phải chứng bệnh nguy cấp, muốn hết sức mình để cứu chữa, tuy đó là lòng tốt, nhưng phải nói rõ cho gia đình người bệnh biết trước rồi mới cho thuốc. Lại có khi phải cho không cả thuốc, như thế thì người ta sẽ biết cảm phục mình. Nếu không khỏi bệnh cũng không có sự oán trách và tự mình cũng không hổ thẹn.

6- Phàm chuẩn bị thuốc thì nên mua giá cao để được loại tốt. Theo sách Lôi Công để bào chế và bảo quản thuốc cho cẩn Thận. Hoặc theo đúng từng phương mà bào chế, hoặc tùy bệnh mà gia giảm. Khi lập ra phương mới, phải phỏng theo ý nghĩa của người xưa, không nên tự lập ra những phương bữa bãi để thử bệnh. Thuốc sắc và thuốc tán nên có đủ. Thuốc hoàn và thuốc đơn nên chế sẳn. Có như thế mới ứng dụng được kịp thời, khi gặp bệnh khỏi phải bó tay.

7- Khi gặp bạn đồng nghiệp, cần khiêm tốn, hòa nhã, giữ gìn thái độ kính cẩn, không nên khinh nhờn. Người lớn tuổi hơn mình thì kính trọng; người học giỏi thì coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng; người kém mình thì dìu dắt họ. Giữ được lòng đức hậu như thế, sẽ đem lại nhiều hạnh phúc cho mình.

8- Khi đến xem bệnh ở những nhà nghèo túng hoặc những người mồ côi, góa bụa, hiếm hoi, càng nên chăm sóc đặc biệt. Vì những người giàu sang không lo không có người chữa, còn người nghèo hèn thì không đủ sức đón được thầy giỏi, vậy ta để tâm 1 chút họ sẽ được sống 1 đời. Còn như những người con thảo, vợ hiền, nghèo mà mắc bệnh, ngoài việc cho thuốc, lại còn tùy sức mình chu cấp cho họ nữa. Vì có thuốc mà không có ăn thì cũng vẫn đi đến chỗ chết. Cần phải cho họ được sống toàn diện mới đáng gọi là nhân thuật. Còn những kẻ vì chơi bời phóng đãng mà nghèo và mắc bệnh thì không đáng thương tiếc lắm.

9-Khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi, chớ có mưu cầu quà cáp vì những người nhận của người khác cho thường hay sinh ra nể nang, huống chi đối với những kẻ giàu sang, tính khí bất thường mà mình cầu cạnh, thường hay bị khinh rẻ. Còn việc tâng bốc cho người ta để cầu lợi thường hay sinh chuyện. Cho nên nghề thuốc là thanh cao, ta càng giữ khí tiết cho trong sạch. Tôi xét lời dạy bảo của các bậc tiên hiền về lòng tử tế và đức hàm dục, rèn luyện cho mình rất chặt chẽ và đầy đủ. Đạo làm thuốc là 1 nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người và vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi, kể công. Tuy không có sự báo ứng ngay nhưng để lại âm đức về sau. Phương ngôn có câu : “Ba đời làm thuốc có đức thì đời sau con cháu tất có người làm nên khanh tướng” đó phải chăng là do có công vun trồng từ trước chăng” Thường thấy người làm thuốc, hoặc nhân bệnh cha mẹ người ta ngặt nghèo hoặc bắt bí người ta lúc đêm tối, trời mưa, có bệnh nguy cấp : bệnh dễ chữa bảo là khó chữa, bệnh khó bảo là không trị được, giở lối quỷ quyệt đó để thỏa mãn yêu cầu, rắp tâm như thế là bất lương. Chữa cho nhà giàu thì tỏ tình sốt sắng, mong được lợi nhiều, chữa cho nhà nghèo thì ra ý lạnh nhạt, sống chết mặc bay. Than ôi! Đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng mua bán, như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn không thể tha thứ được!”.

Hải Thượng Lãn Ông

Exit mobile version