Thánh Philipphê là người Bétxaiđa, cùng quê với Thánh Anrê và Thánh Phêrô (x. Ga 1,44). Trước khi theo Chúa Giêsu, Ngài là môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài đã giới thiệu Chúa Giêsu choông Nathanael (Ga 1,45-46). Trước câu hỏi của Chúa Giêsu: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? Philipphê trả lời: Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” (Ga 6,5).
Qua trang Tin Mừng hôm nay ông đã mạnh dạn xin Chúa Giêsu “Cho thấy Chúa Cha” (Ga 14,8). Chúa Giêsu đã cho ông biết: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14, 9). Sau ngày lễ Ngũ Tuần, Ngài đi truyền giáo tại Sitti, rồi giảng dạy ở Hiêrapoli, xứ Rigie và chịu đóng đinh vì danh Chúa tại đây.
Thánh Giacôbê, còn gọi là Giacôbê hậu, là anh em bà con với Chúa Giê-su (Mt 13,55 – Mc 6,3) và là con của ông Anphê (Mt 10,3 – Mc 3,18 – Lc 6,15 – Cv 1,13). Ngài được Chúa Kitô phục sinh hiện ra cách riêng (1Cr 15,7). Ngài đã từng lãnh đạo giáo đoàn Giêrusalem (Cv 12,17 – 15,13 – 21,18) và giúp cho nhiều người Do thái đón nhận đức tin (Cv 15,13-31). Ngài có một địa vị quan trọng trong cộng đoàn sơ khai.
Nhờ đâu, chúng ta khẳng định như vậy? Thứ nhất, khi Phêrô được thiên thần giải thoát khỏi ngục tù đã nói: “Hãy đem tin cho Giacôbê và các anh em được biết” (Cv 12,17). Thứ hai, sau khi trở lại, Thánh Phaolô đã từng gặp Giacôbê, và lần cuối cùng gặp Giacôbê khi ông đang họp với hàng niên trưởng (Cv 21,18). Thứ ba, Thánh Phaolô cũng nhắc đến Giacôbê trong thư Côlôsê: “Giacôbê, Kêpha (Phêrô) và Gioan, những vị có thế giá như cột trụ ấy đã bắt tay tôi và Barnaba tỏ dấu hiệp thông” (Gl 2,9). Thánh Gia-cô-bê để lại một bức thư. Ngài chịu tử đạo năm 62.
Được sống với Thầy, được nghe những bài giảng của Thầy về Chúa Cha, Philipphê nhận ra Chúa Cha là Đấng cao cả nhưng cũng rất tốt lành, là nguồn hạnh phúc, cho nên ông và các tông đồ khác đã ước ao được thấy Chúa Cha: Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện ! Qua đó, chúng ta thấy được tấm lòng khao khát tìm kiếm chân lý của Philipphê và các Tông đồ.
Ước nguyện ấy lại được Chúa Giêsu đáp ứng một cách dễ dàng không ngờ : ai Thấy Thầy là thấy Cha! Một ước vọng có vẻ cao sang nhưng lại được được đáp ứng quá nhanh chóng đến độ bất ngờ như thế, thực sự là một Tin vui hạnh phúc cho loài người chúng ta trên hành trình tìm kiếm chân lý, nhưng nhiều khi cũng vì quá dễ dàng, nên chân lý vĩ đại này lại thường bị bỏ quên. Người ta thích đi con đường dài vàhiểm trở (để quan trọng hóa vấn đề) hơn là chọn con đường có vẻ quá đơn giản như thế. Người ta đi tìm Chúa nơi nao trong khi Chúa ở rất gần, ở bên cạnh, ở trong lòng ta thì lại không biết, không thấy ! Người ta thích suy tư lý luận dài dòng phức tạp nhưng lại quên rằng Thiên Chúa của chúng ta và đường lối của Ngài lại rất đơn sơ.
Có lẽ Philipphê và Giacôbê cùng các Tông đồ sau khi được Chúa dạy dỗ bài học hôm nay, đã ý thức để sống thân mật với Chúa hơn, lãnh nhận chân lý với niềm tin yêu, và sau này các Ngài đã đổ máu đào để làm chứng cho chân lý ấy.
Đối với chúng ta hôm nay, chúng ta có khát khao tìm kiếm chân lý, tìm kiếm hạnh phúc đích thực không? Có người vất vả đi tìm hạnh phúc tạm bợ, giả tạo nơi tiền bạc, danh vọng, lạc thú…; có người đi tìm ở triết thuyết này, đạo pháp kia; có người biết là phải đi tìm Chúa nhưng không biết tìm ở đâu! Thì đây, Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời đễ dàng đến bất ngờ : Thầy là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Thì ra gặp Chúa Giêsu là gặp Chúa Cha nguồn Sự thật, thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha nguồn sự sống, yêu mến Chúa Giêsu là yêu mến chính Thiên Chúa là nguồn tình yêu. Mà làm thế nào để tìm biết Chúa Giêsu?
Nếu anh biết Thầy, anh cũng sẽ biết Cha. Bi đát là cho đến hôm nay nhiều người trong chúng ta vẫn chưa biết Chúa Giêsu, mặc dù ta mang danh là Kitô hữu, ta vẫn nghe Kinh Thánh mỗi ngày, vẫn rước Chúa mỗi ngày! Nếu một người lương dân hỏi: Chúa Kitô là ai? Có lẽ phần đông chúng ta cũng gặp khó khăn trong câu trả lời đấy!
Và rồi phải chăng đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại cách sống đạo của chính mình, kẻo chúng ta cũng bị trách như Chúa Giêsu trách Philipphê: Thầy ở với anh bấy lâu mà anh không biết thầy ư? Phải chăng chúng ta cần tiếp cận Kinh Thánh một cách ý thức hơn, dành thời giờ học hỏi Kinh Thánh nhiều hơn, để biết đọc, biết suy, biết cảm nếm, để chúng ta có thể gặp được Đức Kitô Phục sinh đang sống động trong từng trang, từng Lời Kinh Thánh và để chính Đức Kitô sống động trong cuộc sống thường ngày của ta.
Nhiều người, qua những biến cố thăng trầm đã nói : “Bây giờ tôi mới biết Đức Kitô là ai, bây giờ tôi mới cảm nghiệm tình Chúa yêu tôi như thế nào! Trước đó họ vẫn đọc Kinh Thánh chứ, vẫn nghe Kinh Thánh, vẫn học giáo lý, vẫn nghe giảng dậy hàng ngày, nhưng có lẽ những hiểu biết, Đức Tin, lòng yêu mến có được chỉ là vay mượn, không đích thật là của mình, cho nên nó hời hợt, không có chiều sâu và dễ bị nghiêng ngả chao đảo khi gặp thử thách đau khổ.
Khi và chỉ khi nào chính chúng ta khám phá, trải nghiệm thì Đức Tin vào Đức Ki tô mới kiên vững, tình mến vào Chúa Kitô mới nồng nàn, và như thế chúng ta sẽ gặp được Chúa Cha là nguồn chân lý, bình an và hạnh phúc, và khi đó, chúng ta có thể làm được những điều như Chúa Giêsu đã làm, đó là làm nhân chứng cho Tin Vui phục sinh ở mọi nơi, để Chúa Cha được tôn vinh nơi Chúa con, để nhân loại được hạnh phúc trong Tình yêu của Chúa Ba Ngôi.
Là những người có đức tin, chúng ta sẽ có một câu trả lời tích cực, chúng ta sẽ dễ dàng trả lời được rằng: “Chúng ta sống ở đời để nhận biết, thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự và yêu anh em như mình, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp, để sau này sẽ đượchưởng hạnh phúc đời đời”.
Hạnh phúc thật của con người, như thánh Tôma khẳng định, không phải là ở đời này, nhưng là ở đời sau. Như vậy, đời sống con người trên trần gian này chỉ là một cuộc hành trình, một hành trình hướng về Thiên Chúa, là tình yêu tuyệt đối, là chân lý và là sự Thiện tuyệt hảo.
HuệMinh