Thầy phó tế hoặc thầy có chức giúp lễ cũng có thể đọc lời nguyện khi tráng chén

chalice - Thầy phó tế hoặc thầy có chức giúp lễ cũng có thể đọc lời nguyện khi tráng chén

Hỏi: Số 137 của Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) cho biết: “Cho rước lễ xong, chủ tế hoặc phó tế tráng chén. Trong lúc tráng chén, chủ tế đọc thầm: “Lạy Chúa, miệng chúng con vừa rước Mình và Máu Chúa, xin cho chúng con tiếp nhận với tâm hồn trong sạch, và xin cho ân huệ đời này trở nên linh dược cho chúng con được sống muôn đời”. Thưa cha, điều này có ý nghĩa gì đối với việc đọc lời nguyện nếu linh mục không phải là người tráng chén? Liệu thầy phó tế hay thầy có chức giúp lễ đọc lời nguyện, hoặc liệu linh mục đọc lời này trong khi thầy phó tế hay thầy có chức giúp lễ tráng chén, hoặc liệu lời nguyện này được bỏ qua hoàn toàn? – G. K., Holmdel, New Jersey, Hoa Kỳ.

Đáp: Mặc dù bạn đọc này qui chiếu đến số 137 của Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), thực ra bạn trích dẫn nó từ số 137 của Lễ Quy Sách Lễ Rôma (OM).

Các số liên quan của Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma là như sau:

“163. Cho rước lễ xong, vị tư tế rước hết rượu thánh hiến còn lại ngay tại bàn thờ; còn bánh thánh còn dư thì hoặc rước hết tại bàn thờ hay đưa cất trong nhà tạm.

“Vị tư tế trở lại bàn thờ, thu những mụn bánh nếu có; rồi ngài đứng sang phía cạnh bàn thờ hay tới bàn phụ mà gạt các mụn bánh trên đĩa thánh và trong bình thánh vào chén thánh; ngài vừa tráng chén, vừa đọc thầm: “Quod ore sumpsimus, Domine Lạy Chúa, miệng chúng con…” và dùng khăn lau chén mà lau. Nếu tráng chén trên bàn thờ, thì sau đó người giúp lễ sẽ đem bình và chén xuống bàn phụ. Cũng có thể để bình chưa tráng, nhất là khi có nhiều bình, trên một khăn thánh ở bàn thờ hay bàn phụ, che đậy lại tùy nghi, để liền sau lễ, khi giải tán dân chúng rồi, sẽ tráng.

“183. Cho rước lễ xong, cùng với vị tư tế trở về bàn thờ, thầy lượm các vụn bánh thánh, nếu có, rồi đem chén thánh và các bình thánh xuống bàn phụ mà tráng và xếp dọn lại như thường lệ, trong khi vị tư tế trở về ghế. Cũng có thể để chén và bình thánh chưa tráng, chưa lau trên một khăn thánh ở bàn phụ, che đậy lại tùy nghi, để liền sau lễ sẽ tráng, một khi đã giải tán dân chúng.

“249. […] Phó tế rước hết tại bàn thờ Máu Thánh còn lại, có thể nhờ vài vị đồng tế giúp, nếu cần, rồi đem chén thánh đến bàn phụ, và chính thầy hay một thầy có chức giúp lễ tráng, lau và xếp đặt chén thánh.

“270. Vị tư tế tráng chén ở bên trái bàn thờ hay tại bàn phụ. Nếu chén được tráng ở bàn thờ, thì người giúp có thể đưa về bàn phụ, hay đặt bên trái bàn thờ.

“Việc tráng chén

“278. Mỗi khi có mãnh vụn bánh thánh dính nơi các ngón tay, nhất là sau khi bẻ bánh hoặc cho giáo dân rước lễ, vị tư tế phải lau các ngón tay trên đĩa hoặc rửa nếu cần. Cũng phải thu lượm các mãnh, nếu chúng rơi ngoài đĩa thánh.

“279. Các chén thánh được vị tư tế, phó tế hay thầy có chức giúp lễ tráng lau sau rước lễ hoặc sau Thánh Lễ, nên làm việc này tại bàn phụ. Tráng chén bằng nước hoặc bằng nước và rượu, và người tráng uống hết. Ðĩa thánh được chùi bằng khăn lau.

Phải liệu sao Máu Thánh còn lại sau khi cho rước được uống hết tại bàn thờ.

“280. Nếu bánh thánh hay phần bánh thánh bị rơi vải, phải kính cẩn nhặt lấy, nếu có chút Máu Thánh rớt xuống chỗ nào, thì phải rửa nơi đó bằng nước, và sau đó đổ nước ấy vào giếng thánh đặt trong phòng thánh” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang)

Số 137 của Lễ Quy (OM 137) và số 163 của Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM 163) chỉ đề cập đến linh mục đọc lời nguyện: “Lạy Chúa, miệng chúng con…”

Liệu việc đề cập đặc biệt đến linh mục này nhất thiết phải ngụ ý một ý định là loại trừ các thừa tác viên khác làm việc tráng chén khỏi đọc lời nguyện sao?

Ý kiến cá nhân của tôi là rằng đây không phải là trường hợp. Lý do của tôi là như sau:

– Việc chỉ đề cập đến linh mục là có thể hiểu được trong số 163 của Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM 163), bởi vì số này đề cập đến Thánh lễ được cử hành bởi một linh mục mà không có các thừa tác viên có chức thánh hoặc thừa tác viên lãnh tác vụ Giúp lễ.

– Chữ đỏ và lời nguyện đã có trong hình thức ngoại thường của Nghi lễ Rôma vào thời kỳ khi chỉ có linh mục tráng chén mà thôi. Qui chế dường như được mang vào hình thức thông thường, mà không tính đến các qui chế tiếp theo được ghi nhận trong số 279 của Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM 279), vốn cho phép các thừa tác viên khác tráng chén, mà không có sự phân biệt rõ ràng, mặc dù không nhắc đến lời nguyện ở đây.

– Việc không nhắc đến lời nguyện không phải là bằng chứng của ý muốn loại trừ các thừa tác viên khác. Trong Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, thường đưa ra lời giải thích chi tiết nhất của một chủ đề trong lần đầu tiên nó được đề cập đến, và sau đó chỉ nói cách ngắn gọn khi cùng một chủ đề ấy đến trong một hình thức khác của Thánh Lễ. Thí dụ: số 183 của Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM 183) tóm tắt số 163 trong ngữ cảnh của Thánh lễ có một phó tế. Sau đó, số 249 của Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM 249) là ngắn gọn hơn, khi nó phác thảo quá trình đồng tế, mặc dù có thể rằng một linh mục thực hiện việc tráng chén, nếu không có thầy phó tế hoặc thầy có chức giúp lễ ở đó. Tương tự như vậy, số 270 của Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM 270), vốn cập đến Thánh Lễ chỉ có một thừa tác viên, cũng không nhắc đến lời nguyện tráng chén, mặc dù hầu như chắc chắn rằng linh mục tráng chén.

Tuy nhiên, có một điểm nên được xem xét hơn. Bản văn của lời nguyện này hàm ý rằng người tráng chén đã Rước lễ. Đây là điều chắc chắn trong trường hợp của linh mục, vì ngài luôn luôn rước cả hai hình.

Mặc dù ngày nay, thầy phó tế hoặc thầy có chức giúp lễ làm việc tráng chén hầu như chắc chắn đã Rước Lễ, có thể rằng đôi khi họ không Rước lễ. Trong các trường hợp giả thuyết này, lời nguyện sẽ được bỏ qua một cách hợp lý.

Cuối cùng, lời nguyện này là rất cổ xưa và được tìm thấy trong các bản thảo Latinh sớm nhất của Nghi lễ Rôma. Theo chuyên viên phụng vụ nổi tiếng Joseph Jungmann, S.J., lời nguyện này, được sử dụng ngay sau phần Rước lễ, là thuộc một nhóm lời nguyện “ban đầu được dành cho các tín hữu cũng như linh mục; cả tín hữu và linh mục đều tìm thấy sự nuôi dưỡng cho lòng đạo đức cá nhân của họ từ cùng một nguồn”.

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 26-9-2017)

Exit mobile version