Riêng giáo xứ Saint-Francois de Molitor ở quận 16 tưng bừng với đoàn ngũ đông đảo các giáo lý viên. Một điều đáng chú ý là từ vài năm nay, con số các giáo lý viên gần như đồng đều giữa hai phái nam và nữ. Sự hiện diện của quý ông giáo lý viên cạnh quý bà giáo lý viên tạo nên bầu khí mới mẻ và đầy khích lệ. Sau đây là chứng từ của ông Guillaume Wallut, gần 10 năm qua tự nguyệm thi hành sứ vụ dạy giáo lý.
Giáo xứ chúng tôi tổ chức buổi giáo lý qua nhiều giai đoạn khác nhau vào sáng Chúa Nhật chung quanh Lời Chúa. Lúc 10 giờ, tôi và một người cha gia đình khác, đọc một truyện Kinh Thánh cho trẻ em và các em giữ thinh lặng lắng tai nghe một cách lạ thường. Rồi lúc 10 giờ 15, một Linh Mục phụ trách phần Phụng Vụ Lời Chúa dành cho trẻ em bên ngoài Thánh Lễ. Khi Thánh Lễ chấm dứt, có 15 phút giải trí. Sau đó tôi dạy giáo lý trong vòng 45 phút cho đến trưa. Mục đích của chúng tôi là giúp các em có một kỷ niệm tốt đẹp về giờ học giáo lý. Vì thế tôi cố gắng biến giờ giáo lý thành một thời điểm vừa thú vị vừa linh động hầu cho giáo lý được ghi khắc trong tâm trí thơ trẻ của các em. Tôi thường đặt và trả lời các câu hỏi cách hết sức giản dị và cụ thể. Chẳng hạn: ”Đức Chúa GIÊSU KITÔ là Ai? Thánh Lễ là gì?”. Tôi dùng chính ngôn ngữ đơn sơ của các em. Tôi cũng trình bày việc cầu nguyện như một cái gì hết sức tự nhiên có âm hưởng trong cuộc sống thường nhật của các em. Tôi nói với các em – giống như Đức Thánh Cha Phanxicô – rằng: ”Cầu nguyện là nói lời chào, cám ơn, xin lỗi, xin phép, xin vui lòng” .. Các em hiểu ngay thứ ngôn ngữ thực tế này.
Tôi tìm thấy trong việc dạy giáo lý một niềm vui hết sức tự nhiên. Tự nhiên như hơi thở. Bởi lẽ, tôi cảm thấy cần phải chứng tỏ mình thuộc về cộng đoàn xứ đạo bằng cách dấn thân tham gia các sinh hoạt tông đồ của giáo xứ. Thêm vào đó, ngoài sự kiện tích cực: các em có các nam giáo lý viên bổ sung vào hàng ngũ các nữ giáo lý viên vẫn hiện diện như từ trước đến nay, còn có điểm thuận lợi dành cho chính Đức Tin của tôi. Các buổi dạy giáo lý vào sáng Chúa Nhật củng cố đời sống thiêng liêng của tôi và giúp tôi ra khỏi hình ảnh một người cha gia đình chỉ lo cặm cụi làm ăn và không gần gũi con cái. Giờ đây tôi dễ dàng mở cuộc bàn luận trao đổi về Lời Chúa với con cái trong các bữa ăn nơi gia đình.
Song song với sự có mặt của các nam giáo lý viên nơi các giáo xứ Paris là sự tham gia mỗi ngày một đông đảo vào Nhóm các nam giáo sư phụ trách môn tôn giáo nơi trường học. Đó là ”Nhóm Repères – Mục Tiêu” do ông Denis Gancel khởi xướng cách đây 11 năm nơi giáo xứ Saint-Ferdinand des Ternes ở quận 17. Năm ấy – 2005 – vài ngày sau khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từ trần, trong một buổi canh thức cầu nguyện, ông Denis bỗng lóe lên ý nghĩ:
– Cần khơi động phong trào các người con tinh thần của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hưởng ứng việc dạy giáo lý cho các thanh niên thiếu nữ.
Ông nhận linh cảm như lời mời gọi bắt chước khuôn mặt của vị Giáo Hoàng khả ái và diễn tả tình phụ tử của ngài bằng cách nói về THIÊN CHÚA cho các thế hệ trẻ, tương lai của xã hội và thế giới.
Từ đó đến nay – 11 năm trôi qua – Nhóm ”Mục Tiêu” hiện có khoảng 50 giáo sư phụ trách môn tôn giáo nơi các trường học, tụ họp mỗi tháng một lần. Họ cầu nguyện chung và khích lệ nhau trong sứ vụ linh thiêng cao cả. Các thành viên của Nhóm rất hài lòng về kinh nghiệm của sứ vụ này. Họ không còn cảm thấy đơn độc trong cuộc sống Đức Tin hoặc trong việc công bố Lời Chúa. Nhưng nhất là, việc dạy môn tôn giáo giúp họ khiêm tốn hiểu rằng, họ không phải là ”ông chủ” nhưng chỉ đơn thuần là ”phu cáng” mang giới trẻ đến cho Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Vị Chủ Tế Tối Cao. Họ cũng luôn luôn tự nhắc nhở phải dành cho Đức Chúa GIÊSU và Lời của Ngài chỗ đứng ưu tiên hàng đầu. Họ chỉ là tôi tớ phục vụ.
… Đức Chúa GIÊSU phán cùng các môn đệ rằng: ”Thầy là cây nho thật, và CHA Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ Lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được .. Nếu anh em ở lại trong Thầy và Lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm CHÚA CHA được tôn vinh chính là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”(Gioan 15,1-5/7-8).
(”PARIS NOTRE-DAME, L’Église en mission à Paris”, Journal du Diocèse de Paris, Hebdomadaire, No 1585, 27 Aout 2015, trang 15-16)
(Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, RadioVaticana 08.02.2016)