Vậy bạn có suy nghĩ thế nào về những người đang sống với HIV/AIDS? Những suy nghĩ của bạn thường mang tính tích cực hay tiêu cực?
Đối với riêng tôi, mới đầu tôi có suy nghĩ không mấy tích cực về bệnh nhân HIV/AIDS. Tôi nghĩ: những người nhiễm HIV/AIDS là những người có dáng vẻ bề ngoài xanh xao, mệt mỏi, ốm yếu, suy dinh dưỡng, ăn mặc bẩn thỉu. Là những người ăn chơi xa đọa, không biết giữ mình… những hình ảnh đó luôn hiện ra trong đầu tôi. Nhưng khi cùng với anh chị nhân viên xã hội của dự án đến sinh hoạt, chia sẻ với những người đang sống với HIV/AIDS tại “Dự án Cầu Vồng”. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy các bạn trẻ độ tuổi khoảng từ 40 trở lại, các bạn ăn mặc rất lịch sự với nét mặt rất lạc quan. Nhìn các bạn trẻ này, làm sao có thể biết được sự may mắn lại không đến với các bạn khi chính các bạn đang mang trong mình mang căn bệnh của thế kỉ: nhiễm virút HIV/AIDS. Tôi thiết nghĩ nếu nhìn dáng vẻ bề ngoài như vậy, thì làm sao có thể biết ai không nhiễm và nhiễm HIV/AIDS, thật là khó phải không các bạn?
Tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình sau ba tháng thực tập tại Dự án Cầu Vồng. Đến với các anh chị em đang sống với HIV/AIDS, tôi đã cảm nghiệm được sự đau khổ tột cùng nhất của các anh chị không phải là sự đau đớn của căn bệnh nhưng chính là sự gán nhãn và từ chối của tất cả mọi người, đặc biệt là những người thân trong gia đình khi biết họ mang trong mình virút HIV. Chị L tâm sự rằng: “Từ khi chồng tôi chết vì căn bệnh HIV/AIDS thì bên nội, bên ngoại đều bỏ mặt mẹ con chúng tôi. Họ đuổi chúng tôi ra khỏi nhà, không cho ở chung vì sợ lây HIV/AIDS”. Chị vừa nói vừa khóc và nắm lấy bàn tay thật chặt, dường như chị đang cố gắng chịu đựng một nỗi đau tột cùng về sự bỏ rơi của người thân.
Chị H chia sẻ: “Khi tôi và chồng tôi biết mình nhiễm HIV/AIDS, chúng tôi đã quyết định không nói ra cho ai biết, dù là người thân trong gia đình. Tôi sợ mình sẽ bị đuổi ra khỏi nhà vì tôi đang sống chung với gia đình bên nội. Tôi biết một ngày nào đó họ cũng phát hiện ra hai vợ chồng nhiễm HIV/AIDS, nhưng ở được ngày nào thì hay ngày nấy”. Vì những người thân trong gia đình khó có thể chấp nhận bệnh HIV/AIDS, nên hai vợ chồng chị H phải sống trong nỗi sợ hãi và lo lắng sẽ phát hiện mình nhiễm và đuổi ra khỏi nhà.
Chị T cũng tâm sự: “…. Không có con nhỏ là tôi đã chết rồi, tôi sống mà như không sống, sống trong đau khổ và sự từ bỏ của người thân vậy sống để làm gì. Tôi cảm thấy rất hận bản thân mình, Chúa không công bằng với tôi. Các chị em trong nhà cưới chồng, thì chồng thương, lại giàu có không đau bệnh, còn tôi mọi đau khổ, bệnh tật là tôi phải nhận hết. Sao lại như vậy, khi biết mình đã nhiễm HIV/AIDS tôi đã bỏ đạo và không muốn sống nữa…” Khi lắng nghe chị T tâm sự, tôi thấy chị dường như mất hết hy vọng vào cuộc sống. Chị đã một lần tự tử nhưng được hàng xóm cứu sống.
Không phải chỉ phụ nữ nhưng với phái mạnh, các anh cũng cảm nhận được sự hất hủi của gia đình khi lâm vào hoàn cảnh này, Anh M tâm sự: “Khi con tôi biết tôi nhiễm HIV/AIDS, nó không cho tôi đụng vào nó và bất cứ thứ gì của nó. Nó ăn riêng, gặp tôi là nó tránh xa ra và không bao giờ nói chuyện lâu với tôi dù chỉ là 5 phút”….
Khi đọc được những lời tâm sự của những người đang sống với HIV, tôi tự nhủ tại sao mọi người lại khó chấp nhận và tránh xa người nhiễm như vậy. Mọi người sợ lây bệnh chăng?, Sợ trở thành gánh nặng cho mình chăng?,…câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ các cuộc trò chuyện chiếm tỷ lệ cao nhất: là “sợ lây nhiễm HIV/AIDS”.
Khi nhắc đến bệnh HIV/AIDS, người ta thường nghĩ đó là một căn bệnh không có thuốc chữa, chỉ có con đường chết mà thôi. Nên mọi người sợ lây nhiễm HIV/AIDS và rồi sẽ chết, nên cách tốt nhất là cứ tránh xa họ. Một điều thật tệ hại là mọi người luôn nghĩ những người nhiễm HIV/AIDS là những người ăn chơi xa đọa, đàng điếm, tội lỗi…nên sự chết, đau khổ, mọi người xa lánh… là hậu quả tất nhiên mà họ phải chịu. Đây cũng là suy nghĩ của tôi trước khi làm việc với người nhiễm HIV/AIDS. Nhưng thật ra những người đang sống với HIV không phải hầu hết là mại dâm, xì ke, ăn chơi xa đọa…, mà có thể là những em bé vô tội, có thể là những bác sĩ, y sĩ bị lây nhiễm HIV vì nghề nghiệp, có thể là những bệnh nhân không may tiếp nhận truyền máu không qua xét nghiệm… có thể và …..!
Các bạn thân mến!
Mỗi người đều có một số phận riêng, không ai giống ai. Có người vừa mới sinh đã gặp được biết bao hạnh phúc, niềm vui này đến niềm vui khác, có người cả cuộc đời không biết khổ là gì?. Nhưng cũng có người khi mới sinh ra đã gặp bất hạnh, sinh ra không được chăn ấm nệm êm, không được sự yêu thương vỗ về của cha mẹ. Có người mới sinh ra đã phải mang trong mình virút HIV.
Dù bạn là ai, dù bạn ở địa vị nào đi chăng nữa bạn cũng là một người mang một trái tim biết yêu thương. Các bạn hãy đến với những người đang sống với HIV bằng tất cả con tim của các bạn. Tình yêu thương của các bạn có ảnh hưởng rất lớn đối với sự sống còn của những người không may mắn này.
Vậy mỗi người chúng ta hãy thay đổi suy nghĩ, cách nhìn, thái độ, hành động của mình đối với những người đang sống với HIV để xã hội có được một cuộc sống đầy ấp tình yêu thương, lành mạnh giữa con người với nhau, đồng thời cũng góp phần vào việc đẩy lùi nạn dịch HIV/AIDS trên đất nước chúng ta.
Nguyễn Loan, Caritas Việt Nam