Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy!

– Ông là một côn đồ!

Rồi họ giam Cha vào một căn phòng và canh gác cẩn mật. Đêm đêm bọn công an đến phòng giam vừa để tra hỏi vừa để buộc tội. Vị Thừa Sai can đảm đáp trả rành mạch. Cho tới ngày 16-11-1951 nhóm công an muốn biết danh tánh các cộng sự viên cũng như những điều các tín hữu Công Giáo tỏ bày với vị Linh Mục trong tòa Giải Tội. Vị Thừa Sai hoàn toàn giữ thinh lặng. Tức giận, họ đe dọa:
– Ngày mai chúng tôi sẽ hành hung ông và sẽ có cách làm cho ông phải khai hết, nói hết!

Đêm ấy, vị Thừa Sai quyết định cắt lưỡi, để khỏi phản bội thiên chức Linh Mục và Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ nhân loại.

Vị Thừa Sai ấy là Cha Alfeo Emaldi (1902-1976) thuộc dòng Thừa Sai Saverio do Chân Phúc Guido Maria Conforti (1865-1931) thành lập.

Alfeo Emaldi chào đời ngày 15-3-1902 tại Ravenna (Bắc Ý). Năm lên 6 tuổi, vào một buổi sáng Chúa Nhật, từ nhà thờ trở về cậu bé nói với Mẹ:
– Hôm nay Cha Sở leo lên mái nhà và Cha la hét chống lại mọi người!
Bà mẹ ngạc nhiên hỏi lại:
– Cha Sở leo lên mái nhà thật sao? Cậu bé mạnh mẽ đáp:
– Thật vậy! Cha bước lên các bậc cấp rồi con không thấy Cha Sở nữa!

Đúng ra là Cha Sở bước lên tòa giảng và từ trên cao Cha Sở giảng cho mọi người nghe. Bà mẹ hiểu ngay bé Alfeo bị cận thị nặng. Bà đưa con đi khám và từ đó Alfeo phải mang cặp kính cận dày thật dày.

Bé Alfeo có thân mình mảnh khảnh và sức khoẻ mỏng manh. Nhưng bé diễm phúc hấp thụ từ Cha Mẹ một Đức Tin Công Giáo vững như đá và một ý chí sắt son không sợ lao nhọc. Khi mãn bậc tiểu học cậu bé thưa với Cha Mẹ:
– Con muốn trở thành Linh Mục!

Alfeo gia nhập Chủng Viện ở Ravenna. Nhưng trong lòng chú chủng sinh cảm thấy như bị lửa đốt. Chú thấy trước mắt mở rộng chân trời bao la như thế giới. Chú như nghe lời Đức Chúa GIÊSU KITÔ thúc giục:

– Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án (Máccô 16,15-16).

Hiểu rõ ước nguyện thầm kín của chủng sinh, Cha Giám Đốc nói với Alfeo:
– Cha gởi con đến với Đức Cha Conforti, ngài đang cần các Nhà Thừa Sai.

Thật thế, vào thời kỳ ấy Đức Cha Guido Maria Conforti (1865-1931), Giám Mục giáo phận Parma (Bắc Ý) vừa thành lập hội dòng Thừa Sai Saverio.

Và Alfeo Emaldi chính thức gia nhập dòng Thừa Sai Saverio ngày 19-8-1919. Thầy hăng say học tập nhưng thể xác thì vẫn giữ nguyên dáng vẻ mảnh khảnh yếu ớt. Khi nạn dịch ”sốt tây-ban-nha” ập xuống trong vùng, các chủng sinh cũng chung số phận. Nhưng thầy Alfeo không bị cơn sốt hành hạ. Thầy tận tâm chăm sóc anh em trong chủng viện cho đến khi chính thầy bị lây bệnh. Thầy đau đớn lo sợ sẽ không theo đuổi lý tưởng trở thành Linh Mục. Các Bề Trên liền gởi thầy đi chữa trị ở Vicenza, nơi có đền thánh Đức Mẹ Monte Berico. Thầy Alfeo tức tốc đến ngay đền thánh và van xin Đức Mẹ MARIA chữa khỏi bệnh. Và thầy được lành bệnh thật. Từ đó thầy thường nói:
– Tôi khỏi bệnh nhờ Đức Mẹ chữa lành chứ không phải nhờ uống thuốc!

Thầy Alfeo luôn có tính tình vui tươi, thân thiện và làm bạn với hết mọi người. Thầy thụ phong Linh Mục ngày 2-2-1926 và không bao lâu sau được chỉ định đi truyền giáo bên Trung Quốc. Trước khi lên đường Đức Cha Conforti nhắn nhủ các tân Thừa Sai:
– Đức Chúa GIÊSU KITÔ từng phán rằng: ”Thầy sai các con như chiên đến giữa bầy sói .. nhưng các con đừng sợ vì Thầy đã chiến thắng thế gian”. Giờ đây anh em cũng thế, anh em sẽ trở thành những người chiến thắng.

Khởi hành từ Venezia (Bắc Ý) ngày 26-2-1926 Cha Alfeo đặt chân đến Trung Quốc tại Thành-Chu nằm bên bờ sông Hoàng-Hà ngày 19-5-1926. Cha khởi sự ngay việc học tiếng Tàu, một ngôn ngữ đầy dẫy nhiêu-khê, đặc biệt đối với người bị cận thị nặng như Cha. Nhưng chỉ vỏn vẹn một tháng sau, Cha có thể giảng bằng tiếng Tàu và dạy giáo lý cho người Tàu! Thật là tuyệt diệu.

Trong vòng 25 năm ngược xuôi trên cánh đồng truyền giáo Trung Quốc, Cha Alfeo đảm trách nhiều chức vụ, thay đổi nhiều cứ điểm, nhưng điều quan trọng đối với Cha chỉ là loan báo Tin Mừng. Cha nhắc đi nhắc lại:

– Nếu tôi có mặt trên đất nước Trung Quốc là vì mục đích duy nhất là để rao giảng Đức Chúa GIÊSU KITÔ và đưa người Trung Hoa trở về với Ngài.

Cha Alfeo thường dùng xe đạp để viếng thăm các cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé tại các nơi xa xôi hẻo lánh. Vào gần cuối thập niên 1940 đã có tiếng đồn về cái ông Mao-Trạch-Đông (1893-1976) đang chuẩn bị thao túng và rục rịch nắm trọn quyền hành tại Trung Quốc. Nhưng Cha Alfeo không mảy may lo sợ. Cha vẫn hăng say tiếp tục các công tác mục vụ của nhà truyền giáo. Các anh em cùng dòng thường hỏi đùa:
– Ủa, Cha không bao giờ gặp các băng cướp sao?
Cha Alfeo ung dung trả lời:
– Gặp làm sao được? Bởi lẽ tôi đi trên con đường của THIÊN CHÚA còn bọn họ thì đi trên con đường của ma quỷ mà!
Hoặc Cha hóm hỉnh nói thêm:
– Rất có thể vì bị cận thị quá nặng nên tôi không trông thấy bọn cướp chăng?

Dân chúng ở khu vực sông Hoàng-Hà không ai là không biết đến tên vị Thừa Sai người Ý Alfeo Emaldi. Cha tiếp rước giúp đỡ mọi người, đặc biệt trong những giờ phút hoạn nạn đau thương. Không ai đến với Cha mà không được giúp đỡ bằng cách này hay cách khác. Nhưng món quà cao cả nhất mà Cha muốn cống hiến cho mọi người chính là Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ Duy Nhất của con người, hôm qua, hôm nay và mãi mãi! Cũng chính vì Ngài mà Cha từ bỏ tất cả để đến đất nước Trung Hoa để đưa các linh hồn về với Chúa. Bởi vì, không có Đức Chúa GIÊSU KITÔ thì cũng không có ơn cứu rỗi. Chỉ duy nhất nơi Đức Chúa GIÊSU KITÔ con người mới tìm thấy Chân Lý và có được sự sống vĩnh cửu.

Nhưng rồi cũng đến cái ngày đau thương 1-10-1949 khi Mao-Trạch-Đông chủ tịch đảng cộng sản vô thần lên nắm quyền chỉ huy đại quốc Trung Hoa!

Và chuyện phải đến đã đến. Một buổi chiều tháng 11 năm 1951, 20 tên công an đến bắt Cha Alfeo Emaldi mang đi. Họ giam Cha nơi căn phòng và liên lĩ hạch sách tra hỏi Cha. Cho đến một hôm họ muốn biết tên các cộng sự viên và những điều các tín hữu Công Giáo xưng thú trong tòa Giải Tội. Cha hoàn toàn giữ thinh lặng. Họ liền đe dọa:
– Ngày mai chúng tôi sẽ hành hung ông và sẽ có cách làm cho ông phải khai hết, nói hết!

Đêm ấy, vị Thừa Sai quyết định cắt lưỡi, để khỏi phản bội thiên chức Linh Mục và Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ nhân loại. Chính Cha kể lại như sau.

Đêm ấy tôi đi đi lại lại trong phòng và khẩn cầu Đức Mẹ MARIA cứu giúp. Bỗng mắt tôi chạm phải cái dao lam cạo râu đang nằm trên bàn. Tôi thầm nghĩ:
– Nếu bị câm, hẳn mình không thể nói! Còn ngày mai, ai biết được họ sẽ dùng các thủ đoạn nào khiến mình có thể phản bội lương tâm và các tín hữu Công Giáo yêu dấu???

Nghĩ vậy nên thu hết can đảm tôi kéo lưỡi ra ngoài rồi dùng dao lam cắt lưỡi. Máu tuôn ra rơi xuống sàn nhà. Không hiểu vì lý do gì ngay chính lúc đó người canh tù bỗng mở cửa và trông thấy máu chảy.

Ông hoảng hốt lên tiếng báo động. Người ta vội vàng mang tôi đến nhà thương. Nơi đây một bác sĩ tìm cách làm ngưng máu chảy. Các người cộng sản lên tiếng trách cứ tôi đã dám làm mất mặt nhà nước vô thần của họ. Và lệnh truyền tung ra:
– Tôi bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Trung Quốc!

Thế là ngày 3-12-1951 tôi có mặt tại nước Ý.

Trở lại quê hương yêu dấu Cha Alfeo Emaldi tiếp tục công tác mục vụ của vị Linh Mục luôn luôn rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Cha êm ái trút hơi thở cuối cùng ngày 14-8-1976, vọng Lễ trọng Đức Mẹ Linh Hồn và Xác lên Trời, hưởng thọ 74 tuổi.

… Đức Chúa GIÊSU hỏi ông Simon Phêrô: ”Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: ”Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Chúa GIÊSU nói với ông: ”Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: ”Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?” Ông đáp: ”Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người nói: ”Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Người hỏi lần thứ ba: ”Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phêrô buồn vì Đức Chúa GIÊSU hỏi tới ba lần: ”Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: ”Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Chúa GIÊSU bảo: ”Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Đức Chúa GIÊSU nói vậy, có ý ám chỉ ông Simon Phêrô sẽ phải chết cách nào để tôn vinh THIÊN CHÚA. Thế rồi, Ngài bảo ông: ”Hãy theo Thầy”(Gioan 21,15-19).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, 8 Novembre 2009, n.43, Anno VIII, trang 13-16)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Exit mobile version