Cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Ki-tô là một điều huyền bí vô tận, nó mang lại sự cứu chuộc vĩnh viễn. Điều huyền bí đó vẫn hằng tiếp diễn. Điều huyền bí đó vẫn đang tiếp diễn. Qua nhiều cách khác nhau, Đức Ki-tô vẫn đang chết trong các nỗi đau của chúng ta. Tất cả chúng ta đều có những câu chuyện thương đau, những khổ nạn của Thứ Sáu Tuần Thánh mà tâm điểm là thập giá, với tất cả cay đắng và cái chết thật sự.
Gần đây có một bà chia sẻ với tôi câu chuyện thương đau của bà. Được sự cho phép của bà, tôi chia sẻ câu chuyện này với các bạn, nguyên văn, không cắt xén, thẳng thắn và bi thương. Đó cũng là câu chuyện về cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô, của một trong số hàng triệu người sống và làm chứng cho Phúc Âm, những người con khó nghèo của Chúa, đã nếm mật đắng khổ nạn ngày Thứ Sáu Tuần Thánh trong thể xác và tâm hồn họ:
Cha à, cha nên đọc quyển sách này. Đó là quyển Chiếc lều tạm của Mary Gordon. Trong quyển sách này bà có viết một tiểu luận về bạo lực tình dục. Giá mà con đã đọc nó hai mươi lăm năm trước đây. Chắc chắn nó sẽ giúp con trong những năm con sống hụt hẫng. Trong quyển sách này, tác giả kể bà bị hiếp hai lần, một lần do chính người chú của bà. Khôi hài là khi nghe chuyện của người khác thì bà thấy chuyện mình cũng không đến nổi tệ.
Câu chuyện của con cũng thật tệ. Con bị chính cha con lạm dụng khi con mới chín tuổi. Một cái gì đó trong con đã chết từ đó. Bốn mươi năm sau, thật sự, con vẫn còn sốc. Cuộc sống trọn vẹn của con thật sự đã chấm dứt kể từ đó. Con nhớ con đã đọc một quyển sách của bà Joyce Carol Oates, bà nói ngắn gọn: “và tinh thần rời khỏi xác người đàn ông đó!” Đó cũng là những gì đã xảy ra với con… tinh thần lìa khỏi xác con lúc con chín tuổi. Thật sự, từ đó con không còn thiết tha chi với cuộc sống.
Có vài lần con vượt qua được khi con có thể chôn vùi nó, vứt nó qua một bên, lờ quên nó, để tiếp tục sống, để hành động bình thường như mọi người. Vâng, con đã vượt qua được cảm xúc của mình – con đã yêu (trong chừng mực nào đó), con kết hôn, có ba cháu nhỏ – và có lúc con còn nghĩ con đã bỏ nó qua một bên. Thậm chí con có thể tha thứ cho cha (trong chừng mực nào đó). Con nhớ con đã về dự đám tang cha, nhìn ông nằm trong áo quan ở nhà quàn. Gương mặt ông có vẻ thanh thản (thanh thản hơn trong ký ức con). Nỗi căng thẳng và tức giận thường xuyên của con gần như tiêu dần theo cuộc đời ông. Ông trông có vẻ thanh thản. Con đã hôn ông. Con đã hòa giải. Ông đã chết và con muốn để cho ông và điều đó mất đi! Nhưng nó vẫn không chết. Nó vẫn không mất đi.
Con bắt đầu đọc những quyển sách tranh đấu cho nữ quyền, nhưng con biết dù thế nào đi nữa thì nó cũng sẽ biến mất, theo một cách khác. Con đã đọc những quyển sách đó và nó làm cho trực diện với vết thương của mình. Con đã hiểu nhiều hơn. Và con giận nhiều hơn: giá mà, giá mà… giá mà cha con đã không bệnh hoạn, giá mà xã hội công bằng hơn, giá mà phụ nữ được bình đẳng về quyền và sức, giá mà đàn ông không đáng nguyền rủa như vậy! Giá mà… Đúng vậy, càng ngày con càng giận hơn. Lòng con lạnh như băng. Con khắt khe với gia đình – chồng, con, và những người chung quanh, trong giáo xứ, bạn bè, tất cả mọi người! Lạy Chúa, con đã chiến đấu – và con cũng làm điều đúng! Thật không công bằng. Đó là một mối nhục gớm ghiếc mà cuộc đời, đặc biệt là cuộc đời của những phụ nữ, có thể mãi mãi bị hủy hoại dễ dàng. Thật không công bằng khi sống trong một thế giới không công bằng với phụ nữ.
Vâng, nỗi giận dữ đã phá hỏng cuộc hôn nhân của con, phá hỏng mối quan hệ của con với một Giáo Hội con từng yêu mến và tôn kính; phá hỏng hạnh phúc của con. Nhưng có một cái gì đó khác đã phá hỏng con trước đó lâu rồi! Con mong có một ai đó hiểu được điều đó.
Đôi lúc con nghĩ điều đó đúng, ngay cả với Thiên Chúa! Con mệt mỏi, con không còn cầu nguyện được. Có lúc con đã có ý tưởng về Thiên Chúa như một phụ nữ. Nhưng, cuối cùng, Thiên Chúa, cha hay mẹ, ai cần biết?
Con có những cảm xúc lẫn lộn như thế. Đôi khi, thậm chí con còn không muốn được chữa lành hay hạnh phúc. Con chỉ muốn níu lấy, níu chặt lấy cái chết khủng khiếp, nhưng không phải lỗi con, thật bất công!
Nhưng một cái gì đó khác trong con muốn con buông bỏ. Con muốn có sự sống, niềm vui, tình yêu trở lại. Con không sinh ra với nỗi giận dữ, con không muốn chết đi với nỗi giận dữ! Con không muốn trở thành nỗi giận dữ này.
Lạ là dù qua tất cả chuyện này, nỗi giận, cay chua, không đi nhà thờ, tất cả như thập giá đối với con. Con không biết giải thích cách nào, ngay cả với chính con, nhưng cách này cách khác, đó là biểu tượng cho con hy vọng rằng, ở một nơi nào đó, có một ai đó hiểu con.
Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
Nguyễn Kim An dịch
(phanxico.vn 28.05.2019)