Nếu nó không được coi là một lời cầu nguyện của tín hữu (cc. 3a. 14b), một lời than van khẩn nài (c. 3b) sự trợ giúp của Thiên Chúa cứu độ, thì nó sẽ được coi như thế bởi tiếng kêu âu lo của một kẻ tuyệt vọng, bị đè bẹp dưới sức nặng khổng lồ của một số phận khiến cho ông cảm thấy mình đang ở trên bờ của mồ sâu (c. 4), còn hơn nữa như thể là đã bị chôn vùi trong mồ của vương quốc kẻ chết (c.7), bị nhốt kín, không có lối thoát trong ngục tù Sheol (c. 9). Bị mọi người bỏ rơi ông chỉ có người bạn duy nhất là bóng tối (c.19). Ngoài ra, nếu không có lòng tin nơi Thiên Chúa khiến cho ông nhận ra trong tình trạng của mình sức nặng bàn tay của Ngài và cho tới sự kinh hoàng của ông, thì tiếng kêu của ông có lẽ đã có thể biến thành một tiếng thét nổi loạn chống lại biết bao tàn ác từ phía một vì Thiên Chúa xem ra tìm được vui thích khi trút mọi kinh hoàng khiếp sợcủa Ngài trên một thụ tạo đáng thương như ông, bị phó mặc cho cái chết ngay từ tuổi thanh xuân (c.16-17).
Chúng ta đang đứng trước mầu nhiệm khổ đau của con người, mà ánh sáng yếu ớt của niềm tin cựu ước không thể soi sáng được. Thật vậy, vì không được soi sáng bởi một viễn tượng hạnh phúc tưởng thưởng ở thế giới bên kia (cc.6.1.13), con người gặp nhiều mạo hiểm (c. 4) và bị đánh ngã bởi số phận buồn thương chờ đợi ông trong mồ sâu, chỉ còn có thể hướng lên Thiên Chúa, là Chúa của sự sống và cái chết, để Ngài thôi thịnh nộ che lấp gương mặt bình thường tốt lành của Ngài và thu hồi quyết định để mặc ông cho số phận đen tối (c. 15).
Trên bình diện văn chương tưởng nên nhắc tới một nét đặc biệtcủa loại than van: đó là sự kiện hoàn toàn thiếu vắng yếu tố chính là lời cầu nguyện bầu cử cũng như chúc dữ. Nó cũng thiếu các lý do quan trọng như sự tin tưởng, lời hứa chúc tụng, ngoài ra không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy tội lỗi hay sự vô tội của tác giả, mặc dù có quy chiếu rõ ràng về mọi khốn khó ông phải chịu vì Chúa. Đây có phải là một sáng tác dang dở hay không? Cũng có thể là như thế.
Văn thể là lời than van cá nhân. Thánh vịnh gồm các lời kêu xin dẫn nhập, các câu 2-3; việc trình bầy trường hợp, các câu 4-10; các lý do thuyết phục, các câu 11-13; và các lời kêu gọi mới và việc trình bầy lại trường hơp, các câu 14-19.
Lời than van bắt đầu với các công thức chuyên biệt của việc dâng lên Thiên Chúa lời cầu như là tiếng kêu liên lỉ lên sự hiện diện của Chúa và một lời than van khẩn nài sự can thiệp cứu rỗi của Ngài.
“Lậy Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, trước thánh nhan, đêm ngày con kêu cứu. Nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài, xin lắng nghe tiếng lòng thổn thức”.
“Thiên Chúa của sự cứu độ con”: kiểu gọi này cho thấy rõ ràng niềm tin tưởng lớn lao mà tín hữu cầu nguyện đặt để nơi Thiên Chúa của mình, mặc dù giọng điệu tiêu cực của toàn thánh vịnh. Đây cũng là tâm tình của tác giả thánh vịnh 27: “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào? Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa?” (Tv 27,1).
“Ngày và đêm”: ám chỉ lời cầu liên lỉ không ngừng nghỉ, là một dấu chỉ của sự tin tưởng mạnh mẽ cũng như sự cần thiết trầm trọng. Đây cũng đã là tâm tình của tác giả thánh vịnh 22: “Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng, đêm van Ngài mà cũng chẳng yên.” (Tv 22,3).
Sau các lời kêu gọi dẫn nhập tác giả thánh vịnh đã tiếp xúc với Thiên Chúa, là Đấng ông đặt tất cả niềm hy vọng được trợ giúp, tín hữu trình bầy trường hợp của mình. Theo các kiểu diễn tả và các hình ảnh ông dùng xem ra chúng là các hình ảnh tuyệt vọng nhất. Ngôn ngữ thông thường hướng tới chỗ thậm xưng của các lời than van, trong việc miêu tả ở đây chiếm được sự mạnh mẽ và hữu hiệu đặc biêt.
“Vì hồn con ngập tràn đau khổ, mạng sống con âm phủ gần kề, thân kể như đã vào phần mộ, ví tựa người kiệt sức còn chi! Con nằm đây giữa bao người chết, như các tử thi vùi trong mồ mả đã bị Chúa quên đi, và không được tay Ngài săn sóc. Chúa hạ con xuống tận đáy huyệt sâu, giữa chốn tối tăm, giữa lòng vực thẳm. Cơn giận Chúa đè nặng thân con như sóng cồn xô đẩy dập vùi. Chúa làm cho bạn bè xa lánh và coi con như đồ ghê tởm. con bị giam cầm không thể thoát ra, mắt mờ đi vì quá nhiều đau khổ. Lạy Chúa, suốt cả ngày con kêu lên Chúa và giơ tay hướng thẳng về Ngài”.
“Vì linh hồn con no đầy mạo hiểm”: việc trình bầy trường hợp của ông được giới thiệu như một lý do giải thích các lời kêu xin dẫn nhập.
“Mạng sống con đã tới ngưỡng của của Sheol”: kiểu nói này diễn tả sự trầm trọng tột cùng tình trạng của ông hầu như nó là tiền phòng của mồ mả, “gần cửa âm ty” như viết trong thánh vịnh 107.
“Giữa những kẻ xuống hố sâu”: tác giả thánh vịnh không chỉ cảm thấy mình gần hố sâu, nhưng đang tiến về đó một cách không thể tránh được: nó là nơi của sự huỷ hoại cuối cùng, như viết trong thánh vịnh 28: “Lạy Chúa là núi đá cho con trú ẩn, con kêu lên Ngài, xin đừng nỡ giả điếc làm ngơ. Vì nếu Ngài cứ im hơi lặng tiếng, thì con sẽ giống như kẻ đã xuống mồ.” (Tv 28,1); hay trong thánh vịnh 30: “Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.” (Tv 30,4).
“Giữa các kẻ chết”: có sự gia tăng trong việc miêu tả của tác giả: giờ đây ông thấy mình đã đến ranh giới của cuộc sống và cảm thấy tất cả sức nặng của cái chết đè nặng trên người, y như sức nặng đè trên các tử thi , khiến cho chúng bất động trong mồ.
“Bị đâm thâu”: giống như các xác chết ngoài chiến trận, mà cuộc sống đã bị bạo lực giật mất nằm vương vãi đó đây trên cánh đồng hay chồng chất lên nhau trong các hố chôn tập thể.
“Chúa không còn nhớ tới nữa”: Thiên Chúa không làm phép lạ cho những người đã chết, Ngài không có việc tưởng nhớ cứu rỗi cho họ. Chính vì thế những kẻ xuống hố sâu không còn hy vọng vào sự trung tín của Ngài.
“Họ như những người đã bị bàn tay Ngài chặt lià”: nghĩa là họ bị đặt ra ngoài vùng cứu độ. Đối với con ngườicựu ước thời gian của sự cứu độ là thời gian hiện tại. Một khi đã đi qua các cánh cửa của cái chết trong thế giới bên kia, con người bước vào trong nơi “hư thối” mà Thiên Chúa diễn tả tột đỉnh sự sống, không có tiếp xúc sống động nào với nó. Chỉ sau này trong Thánh Kinh Cựu Ướcmới được mở ra cho vương quốc các kẻ chết một vòng xoáy của sự sống với niềm hy vọng của sự sống lại. Trong thánh vịnh 88 khiá cạnh thần học tiêu cực này được tác giả thánh vịnh sử dụng như là một yếu tố miêu tả sự trầm trọng tột cùng trường hợp của ông.
“Chúa đã đặt con trong hố dưới lòng đất”: theo ngôn ngữ thông dụng của Thánh Kinh tác giả thánh vịnh trình bầy trường hợp ở đây như được Thiên Chúa cho phép, theo nguyên tắc mọi lý do đều bởi Thiên Chúa như được diễn tả một cách rõ ràng trong bài thánh thi của bà Anna, mẹ ngôn sứ Samuel như viết trong sách Samuel I chương 2: “Giavê là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên” (1 Sm 2,6).
“Hố dưới đất” bôr takhtijjah tương đương với Sheol takhtijjah trong thánh vịnh 86: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, con hết lòng cảm tạ, Thánh danh Ngài, con mãi mãi tôn vinh, vì tình Chúa thương con như trời như biển, Ngài đã kéo con ra khỏi vực thẳm âm ty.” (Tv 86,12-13).
“Nỗi kinh hoàng của Ngài”: như hạnh phúc đến từ phúc lành của Thiên Chúa thế nào, thì mọi rủi ro đều được gán cho sự thịnh nộ của Ngài, một cách độc lập với tội lỗi hay ít nhất với chủ thể như vậy, ít nhất là bề ngoài.
“Các sóng của Ngài”: là các làn sóng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa nhận chìm kẻ bất hạnh trong vực thẳm, như viết trong thánh vịnh 42: “Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm, khi tiếng thác của Ngài tuôn đổ ầm vang.
Sóng cồn theo nước cuốn, Ngài để cho tràn ngập thân này.” (Tv 42,8).
Sự kiện thân nhân bạn bè xa lánh kẻ đã bị Thiên Chúa đả thương và coi họ như là một đối tượng của sự kinh hoàng, như một kẻ phong cùi, được tác giả thánh vịnh 31 miêu tả như sau: “Con đã nên trò cười cho thù địch và cho cả hàng xóm láng giềng. Bạn bè thân thích đều kinh hãi,
thấy con ngoài đường, ai cũng tránh xa.” (Tv 31,12). Ông Gióp cũng từng thở than như thế: “Anh em tôi, Người đẩy họ xa tôi, Người quen biết coi tôi như người dưng nước lã. Thân bằng quyến thuộc đều dứt nghĩa đoạn tình,
khách trọ nhà cũng lãng quên tôi” (G 19,13-14). Vài nhà chú giải nghĩ tới bệnh phong cùi của tác giả khiến ông bị loại trừ theo luật do thái (Lv 13,46), như trường hợp vua Ozia (x. 2 V 15,5).
“Mắt con mỏi”: đây cũng là trường hợp tác giả thánh vịnh 6 phải chịu: “Rên siết đã nhiều, nên con mệt mỏi, trên giường ngủ, những thổn thức năm canh, từng giọt vắn dài, lệ tuôn đẫm gối, mắt hoen mờ vì quá khổ đau, thêm suy nhược bởi quân thù vây hãm.” (Tv 6,7-8). Đó cũng là tâm tình của tác giả thánh vịnh 31: “Xin xót thương, lạy Chúa, bởi vì con lâm cảnh ngặt nghèo, quá sầu đau, mắt đà mòn mỏi, hồn ảo não và thân hình tiều tuỵ” (Tv 31.10). “Giơ tay lên hướng về Chúa”: là thái độ đặc thù của người khẩn cầu cũng thường gặp trong các văn bản tôn giáo Medopotamia và Ai Cập.
Các câu 11-13 diễn tả yếu tố thứ ba của lời than van là trình bầy với Thiên Chúa các lý do thuyết phục. Lợi ích Thiên Chúa nhận đuợc là có thêm một tín hữu nữa trên đời chúc tụng Ngài trên trái đất. Nó đòi buộc Ngài làm phép lạ chữa lành tín hữu, tuy bất hạnh nhưng nói cho cùng là tôi tớ trung thành của Ngài, theo cái lý luận vụ lợi của tác giả thánh vịnh và của truyền thống tôn giáo gợi hứng cho ông. Hơn là một tính toán thấp hèn, tư tưởng của tác giả và của truyền thống tôn giáo được hướng dẫn bởi niềm tin chân thành nơi quyền năng cứu độ của Thiên Chúa.
“Chúa đâu làm phép lạ cho người đã mạng vong, âm hồn đâu trỗi dậy ca tụng Chúa bao giờ? Trong mồ mả, ai nói về tình thương của Chúa? Cõi âm ty, ai kể lại lòng thành tín của Ngài? Những kỳ công Chúa nơi tối tăm ai rõ? Đức công chính Ngài, chốn quyên lãng ai hay?”
“Có lẽ Chúa làm các điều kỳ diệu cho các kẻ chết?”: là câu hỏi hùng biện, như mọi câu hỏi khác của thánh vịnh 88. Câu trả lời tiêu cực đã được đưa ra trước trong câu 6b: “đối với những kẻ đã chết Chúa không còn nhớ gì; họ đã bị chặt xa khỏi bàn tay Chúa. Vua Edekia bị lâm trọng bệnh, sau khi được Chúa cho thoát khỏi ngưỡng cửa của cái chết, mới hát lên bài thánh thi cảm tạ như sau: “Vì ở chốn tử vong, không người ca tụng Chúa, và trong nơi âm phủ, chẳng ai ngợi khen Ngài. Kẻ xuống mồ cũng dứt niềm trông cậy vào lòng Chúa tín trung. Chỉ người sống, vâng chỉ người sống mới ca tụng Ngài như thể con nay. Người cha sẽ dạy cho con cái rõ Ngài là Đấng tín trung.” (Is 38,18-19).
“Các bóng tối” là các âm hồn người chết tan biến từ từ như bóng đêm là một quan niệm thông thường của thời xa xưa trong thế giới đông phương cũng như cổ điển (Is 14,9; Cn 2,18; G 26,5)
“Trong nơi của sự huỷ hoại”: abaddôn trong tiếng Do thái ám chỉ nơi ở của người chết, trong đó yếu tố nhậy cảm của nó là thịt xác đi đến chỗ bị huỷ diệt qua sự thối rữa. Đây là từ vựng của nền văn chương khôn ngoan ( G 26,6; Cn 15,11).
“Vùng đất của quên lãng” trong nghĩa chủ quan cũng như trong nghĩa khách quan: trong vương quốc kẻ chết không có ai nhớ tới Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng không nhớ tới kẻ chết.
Các câu 14-19 là phần cuối cùng của thánh vịnh 88, trong đó tác giả trở lại với trường hợp của mình với các nhấn mạnh khiến cho Chúa xót thương ông và can thiệp cứu giúp ông.
“Phần con đây, con kêu lên Ngài, lậy Chúa, mới tinh sương đã chờ chực nguyện xin. Lậy Chúa, thân con đây Chúa nỡ nào ruồng rây, ẩn mặt đi mà chẳng đoái hoài. Từ thuở bé, con đã khổ nhiều và luôn ngắc ngoải. Chúa làm con kinh hãi, con hóa ra thẫn thờ. Bao cơn thịnh nộ Ngài đổ ngập thân con, bấy nỗi kinh hoàng khiến con rời rã. Bủa vây con suốt ngày ngần ấy thứ, dồn dập tư bề như nước bao la. Cận thân Chúa khiến lià xa, chung quanh bầu bạn chỉ là bóng đêm”.
“Hấp hối từ thuở thanh xuân” là kiểu nói rất mạnh thuộc ngôn ngữ thậm xưng. Thiên Chúa đã khiến cho bạn bè xa lánh ông, như viết trong thánh vịnh 38: “ Con bị tai ương, người thân kẻ nghĩa chẳng tới gần,
bà con ruột thịt cũng đứng xa.” (Tv 38,12; hay như trong sách ông Gióp chương 19: “Anh em tôi, Người đẩy họ xa tôi, người quen biết coi tôi như người dưng nước lã. Thân bằng quyến thuộc đều dứt nghĩa đoạn tình, khách trọ nhà cũng lãng quên tôi.” (G 19,13-14).
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 02.07.2017)