Thành thánh đã bị tàn phá, và máu của các tôi tớ Chúa đã đổ ra chan hoà. Tất cả những điều này chắc hẳn là quy chiếu tình hình của dân được tuyển chọn sau tai ương quốc gia bị đế quốc Babilonia xâm lăng năm 586-587 trước công nguyên, cả khi có vài sửa đổi nhỏ đã có thể cho phép một thích ứng nào đó với các tình hình tương tự trong các thời gian kế tiếp, chẳng hạn như tình hình của nhà Macabei hồi thế kỷ thứ II trước công nguyên (1 Mcb 7,17), được nói tới rõ ràng trong các câu 2-3 của thánh vịnh.
Văn thể là lời than van công cộng. Thánh vịnh gồm phần giới thiệu trường hợp, các câu 1-4; lời than van, các câu 5-12; và kết luận, câu 13.
Thánh vịnh 79 bắt đầu một cách bất thình lình với việc trình bầy trường hợp thảm hại của dân Israel, các câu 1-4. Cộng đoàn Israel hướng tới Thiên Chúa để xin Ngài can thiệp. Tình trạng xúc phạm đối với đền thánh là điều tha thiết không chỉ đối với đất nước Israel mà cũng đối với chính Thiên Chúa, và sự kiện máu các tín hữu Chúa đổ ra lai láng là các điểm nóng bỏng, và như thế chúng chứng minh cho thấy có tính thuyết phục hơn liên quan tới tình hình thảm hại được trình bầy với Thiên Chúa.
“Lạy Thiên Chúa, dân ngoại đã xâm lăng lãnh địa Ngài; chúng làm ô uế cả nơi thánh điện, phá huỷ Giê-ru-sa-lem thành đống tro tàn; tử thi những người tôi tớ Chúa, chúng đem liệng cho chim trời ăn; xác những kẻ hiếu trung với Ngài, lại quẳng làm mồi cho dã thú. Quanh khắp cả Giê-ru-sa-lem chúng đổ máu dân Ngài như nước chảy, người chết chẳng ai chôn.
Chúng con bị láng giềng thoá mạ người chung quanh phỉ báng nhạo cười.”
“Ôi lậy Thiên Chúa”: trên bình diện văn chương đây là phần còn lại duy nhất của lời khẩn nài dẫn nhập thường thấy bắt đầu lời than van. Nó cho thấy tác giả trình bầy trường hợp lên Thiên Chúa.
“Dân ngoại” tức những người không tin nhận Thiên Chúa của Israel và không khẩn cầu Ngài. Nói cách khác họ là những “thù địch” của Thiên Chúa như tác giả thánh vịnh 74 định nghĩa (Tv 74,4) “Họ đã xúc phạm đến đền thánh Chúa” : đó cũng là điều tác giả thánh vịnh 74 đau đớn nghi nhận: “Thánh điện Ngài, chúng châm lửa đốt, đền thờ Thánh Danh, chúng xúc phạm, chúng san bằng” (Tv 74,7). Chúng biến Giêrusalem thành một đống hoang tàn, như các ngôn sứ đã báo trước. “Chúng vất xác các tôi tớ Ngài cho chim trời ăn”: là dấu chỉ của một sự trừng phạt lớn lao như ngôn sứ Giêrêmia đã báo trước: “Tử thi của dân này sẽ thành mồi cho muông chim cầm thú mà không ai xua đuổi. Ta sẽ làm cho các thành thị Giu-đa và các phố phường Giê-ru-sa-lem im bặt tiếng hò reo tưng bừng rộn rã, tiếng hát của cô dâu chú rể, vì cả xứ sẽ trở nên chốn hoang tàn đổ nát.” (Gr 7,33-34). Vườn nho Israel Thiên Chúa sẽ để cho hoang tàn như tác giả thánh vịnh 80 đã kêu lên: “Tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ? Khách qua đường mặc sức hái mà ăn! Heo rừng vào phá phách, dã thú gặm tan hoang.” (Tv 80,13-14). Đây cũng là cảnh xảy ra dưới thời Macabei khi dân Do thái bị bách hại thảm khốc bởi tay vua Antioco Epifane, như viết trong chương 7 sách Macabei I: “”Chúng để xác những kẻ hiếu trung với Ngài nằm la liệt khắp nơi, và máu của họ đổ ra quanh khắp cả Giê-ru-sa-lem, chẳng ai chôn cất.” (! Mcb 7,17).
“Chúng đổ máu họ như nước quanh Giêrusalem”: ngôn sứ Giêrêmia đã báo trước hình phạt dân thành Giêrusalem vì họ đã nghe các ngôn sứ giả: “Còn lũ dân đã nghe chúng tuyên sấm, sẽ gặp phải gươm đao và đói khát, sẽ bị quẳng xác ra ngoài đường phố Giê-ru-sa-lem, mà chẳng được ai chôn cất” (Gr 14,16).
“Chúng con đã trở thành một nỗi hổ nhục cho láng giềng”: đây cũng là điều tác giả thánh vịnh 44 thở than: “Ấy dân Ngài, Ngài đem bán rẻ, giá cả thế này, lợi lộc gì đâu! Ngài để cho láng giềng thoá mạ, kẻ chung quanh phỉ báng chê bai. Ngài làm cho chúng con nên trò cười cho dân ngoại, chúng lắc đầu, tỏ vẻ khinh khi.” (Tv 44,13-15). Còn tác giả thánh vịnh 80 thì kêu lên: “Cơm Ngài cho ăn chỉ là châu luỵ, nước Ngài cho uống là suối lệ chứa chan. Ngài đã khiến chúng con thành cớ cho lân bang cãi cọ tranh giành, cho thù địch nhạo cười chế giễu.” (Tv 80,6-7).
Các câu 5-7 của thánh vịnh 79 là lời khẩn nài Thiên Chúa can thiệp để làm vơi nhẹ gánh nặng khiến cho cộng đoàn quỵ ngã (c. 8) hầu như phải chết (c.11). Tác giả xin Thiên Chúa thực hiện việc báo thù chính đáng trên các dân ngoại c(c.6) vì họ đã xúc phạm đến danh thánh Chúa (cc.9-12) và đổ máu các tôi tớ Ngài (c. 11).
“Đến bao giờ, lạy Giavê, Ngài còn nổi giận, Ngài nổi giận mãi sao? Đến bao giờ lòng ghen còn cháy bừng như lửa? Xin giáng trận lôi đình xuống đầu các dân ngoại đã không nhận biết Ngài, và trên các vương quốc chẳng kêu cầu Thánh Danh, vì chúng đã tiêu diệt nhà Gia-cóp, tàn phá cả đất đai. Tội tiền nhân, xin Chúa đừng nhớ mãi mà trừng phạt chúng con. Xin dủ lòng thương mau đến giúp, vì chúng con đã khổ quá nhiều. Lạy Chúa Trời, Đấng cứu độ chúng con, xin Ngài thương phù trợ, để danh Ngài rạng rỡ. Xin giải thoát chúng con, và thứ tha tội lỗi, vì danh dự của Ngài. Sao Ngài để cho dân ngoại nói: “Thiên Chúa chúng ở đâu? ” Ước gì chúng con thấy nhãn tiền: Ngài làm cho chư dân nhận biết rằng chúng phải đền nợ máu tôi tớ Ngài, máu chúng đã đổ ra. Ước gì tiếng tù nhân rên siết vọng lên thấu tai Ngài. Xin giơ tay hùng mạnh cứu sống những người mang án tử. Lạy Chúa, kẻ láng giềng chúng con đã lăng nhục Chúa, xin trả báo cho bản thân chúng gấp bảy lần. “Phần chúng con là dân của Ngài, đoàn chiên Ngài chăn dắt, chúng con sẽ tạ ơn Ngài mãi mãi và dâng lời ca tụng đến muôn thuở muôn đời.”
“Đến bao giờ lậy Giavê? Lẽ nào Ngài sẽ giận luôn mãi?”: đây là câu hỏi mà tác giả các thánh vịnh khác cũng đã nêu lên với Chúa. Chẳng hạn tác giả thánh vịnh 74 hỏi Chúa như sau: “Lạy Chúa Trời, sao cứ mãi bỏ rơi, sao bừng bừng nổi giận với đoàn chiên Ngài hằng chăn dắt?… Lạy Thiên Chúa, tới bao giờ đối phương còn phỉ báng? Địch quân cứ nhục mạ danh Ngài mãi mãi sao?” (Tv 74,1.10). Còn tác giả thánh vịnh 89 thì hỏi Chúa: “ Đến bao giờ, lạy Giavê, Ngài còn lánh mặt? Ngài lánh mặt mãi sao?
Đến bao giờ cơn giận còn cháy bừng như lửa?” (Tv 89,47).
“Lòng ghen cháy bừng như lửa” của Thiên Chúa là đề tài thường gặp trong nền văn chương ngôn sứ và đệ nhị luật. Đó là phản ứng của Thiên Chúa trước sự bất trung của dân được tuyển chọn, bỏ Ngài để chạy theo tôn thờ các thần ngoại. Tương quan giữa Giavê với dân Israel là tương quan tình yêu phu thê. Vì thế mọi bất trung phản bội của Israel đối với Chúa là tội ngoại tình. Các ngôn sứ gọi Israel là người vợ bất trung, ngoại tình với các thần ngoại giáo. Tác giả sách Đệ Nhị Luật khẳng định trong chương 4 như sau: “Thật vậy, Giavê, Thiên Chúa của anh (em), là một ngọn lửa thiêu, một vị thần ghen tương” (Đnl 4,24)
“Xin hãy đổ trên dân ngoại sự kinh khủng của Ngài” cũng là điều ngôn sứ Giêremia xin với Chúa; “Xin giáng trận lôi đình xuống đầu các dân ngoại đã không nhận biết Ngài, và trên các bộ tộc chẳng kêu cầu Thánh Danh.” (Gr 10,25). Việc không hiểu biết Thiên Chúa khiến cho họ là những người “vô thần”, thù nghịch với Thiên Chúa và dân Ngài, vì thế đáng phải chịu sự thịnh nộ của Chúa. Nó không chỉ đến từ niềm tin của Israel nơi Thiên Chúa nhưng còn phát xuất từ kinh nghiệm các áp bức và tàn phá phải chịu dọc dài lịch sử của mình. Các lời sấm của các ngôn sứ chống lại các dân ngoại cũng nằm trong cùng chiều hướng này.
“Xin đừng nhớ đến các lỗi phạm của cha ông chống lại chúng con”: diễn tả luật “thưởng phạt” hữu hiệu trong Do thái giáo, nghĩa là các thế hệ con cháu phải mang hình phạt của các thế hệ cha ông, như viết trong chương 20 sách Xuất Hành: “vì Ta, Giavê, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông.” (Xh 20,5). Rất thường khi trong lời cầu nguyện cộng đoàn, tín hữu xin Thiên Chúa thôi thi hành luật ấy, vì sự công bằng của nó có thể bị thảo luận, đặc biệt khi đó là những “đứa con vô tội”. Lời kêu xin lòng nhân từ của Thiên Chúa cũng dựa trên luật thưởng phạt, quy chiếu sự ghen tương của Ngài nhưng cũng không quên rằng Thiên Chúa thương xót những ai tuân giữ các điều luật của Ngài: “Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.” (Xh 20,6).
“Vì vinh quang danh Ngài xin cứu chúng con… Tại sao dân ngoại phải nói: Thiên Chúa chúng ở đâu?”: đây là lý do thuyết phục Thiên Chúa can thiệp thường gặp trong lời cầu cá nhân cũng như công cộng của Israel, như viết trong thánh vịnh 42: “Tại sao dân ngoại phải nói: Thiên Chúa chúng ở đâu?… Xương cốt con gãy rời từng khúc, bởi đối phương lăng nhục thân này, khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi: “Này Thiên Chúa ngươi đâu? “” (Tv 42,4.11).
Ngôn sứ Gioen cũng viết trong chương 2: “Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng sự Giavê hãy than khóc và nói rằng: “Lạy Giavê, xin dủ lòng thương xót dân Ngài! Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại! Chẳng lẽ các dân lại được cớ mà nói: Thiên Chúa của chúng ở đâu rồi? ” (Ge 2,17)
“Xin bầy tỏ sự báo thù cho máu các tôi tớ Chúa đã đổ ra”: Vào cuối thánh ca của ông Môshê cũng có viết: “Hỡi các dân tộc, hãy reo hò mừng dân Chúa, vì Người bắt đền nợ máu các tôi tớ của Người, báo oán các đối thủ của Người, và xá tội cho đất, cho dân của Người.” (Đnl 32,43) Lời xin Thiên Chúa báo oán máu các tôi tớ Ngài đối với dân cư ác độc của trái đất cũng được tìm thấy trong lời cầu của các vị tử đạo trong chương 6 sách Khải Huyền (Kh 6,10).
“Ước gì tiếng rên xiết của ngưòi tù tội lên đến tai Ngài”: ám chỉ những người bị đi đầy bên Babilonia, mà số phận bị coi như số phận của các kẻ bị kết án tử hình.
“Xin trả bẩy lần cho các kẻ láng giềng của chúng con”: lời xin báo oán 7 lần xem ra quá đáng, nhưng phù hợp với tâm thức của con người vùng Đông phương cổ: ai giết Cain sẽ bị trả thù gấp bảy (St 4,15), còn Lamech thì bị báo thù gấp bảy mươi lần bảy.
Thánh vịnh 79 kết thúc với lời hứa chúc tụng trong sự chắc chắn lời cầu nguyện được ưng nhận. “Dân Ngài là đoàn chiên Ngài dẫn dắt” là các kiểu diễn tả cho thấy ý thức của dân Israel đặc biệt thuộc về Thiên Chúa, vì thế họ chắc chắn cơn thịnh nộ của Ngài sẽ không kéo dài luôn mãi đối với họ.
TV 79
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 07.04.2017)