Chắc hẳn khẳng định trang trọng này đã nảy sinh từ một lời than van trước đó của cộng đoàn với Thiên Chúa, liên quan tới chiến thắng bề ngoài của các kẻ gian ác, là đề tài đã được khai triển trong thánh vịnh 73.
Văn thể có thể được coi như thánh vinh Sion, vì vài kiểu diễn tả và đề tài đặc thù của nó giống như các thánh vịnh 46, 48 và 76. Nhưng nó cũng được xếp vào nhớm các thánh vịnh vương quyền của Giavê, vì có đề tài chính là Thiên Chúa thẩm phán như hai thánh vịnh 97, 98. Tuy nhiên, trong hình thái nó có văn thể hỗn hợp: tạ ơn công cộng và cá nhân, sấm ngôn và lời cảnh cáo ngôn sứ. Thánh vịnh gồm phần nhập đề câu 2; sấm ngôn, các câu 3-4; lời cảnh cáo, các câu 5-9; và phần kết luận, các câu 10-11.
Giống như thánh vịnh 73 thánh vịnh 75 mở đầu với lời tạ ơn và đưa chúng ta đến với thời điểm, trong đó “những người khẩn cầu danh Giavê”, nghĩa là cộng đoàn trung thành của dân Israel, nâng lên Thiên Chúa hành động tạ ơn trong đền thờ vì các “việc diệu kỳ” Ngài đã làm cho họ, và vì Ngài đã phán xử công minh và đánh phạt phường gian ác
“Lạy Thiên Chúa, chúng con xin tạ ơn Ngài, tạ ơn Ngài và cầu khẩn Thánh Danh, kỳ công Ngài, chúng con xin kể lại.”
Thông thường trong các thánh vịnh tạ ơn câu mở đầu này là mời gọi cộng đoàn tín hữu tạ ơn Giavê. Chẳng hạn tác giả thánh vịnh 106 kêu lên: “Ha-lê-lui-a. Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 106,1). Tác giả thánh vịnh 118 cũng mời: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118,1).
“Những kẻ kêu cầu danh Giavê”: việc kêu cầu danh Thiên Chúa thường đi kèm bởi việc kể ra các kỳ công của Ngài, như viết trong thánh vịnh 105: “Ha-lê-lui-a. Hãy tạ ơn Giavê, cầu khẩn danh Người, vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân.Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa, và suy gẫm mọi kỳ công của Người.” (Tv 105,1-2).
Hai câu 3-4 của thánh vịnh là một lời sấm bảo đảm anh ninh cho cộng đoàn khỏi mọi đảo lộn vũ trụ, vì Thiên Chúa sẽ phán quyết thẳng ngay vào thời đã định như trong chương trình của Ngài.
“Chúa phán: “Vào thời Ta ấn định, Ta sẽ xử công minh.
Mặt đất cùng toàn thể dân cư, dù rung chuyển, chính Ta đã làm cho cột trụ nó vững rồi.”.
“Một tận” mo’ed trong nghĩa thời gian ám chỉ thời gian đã được thoả thuận với một giao ước. Trong bối cảnh cứu độ nó miêu tả thời điểm Thiên Chúa thành toàn các lời hứa của Ngài, như ngôn sứ Khabacúc viết trong chương 2: “Đó là một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định. Nó đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành, chứ không làm cho ai thất vọng. Nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ, vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu” (Kbc 2,3). Đó cũng là ý nghĩa cứu độ như tác giả thánh vịnh 102 viết: “.Chính Ngài sẽ đứng dậy và thương xót Xi-on, vì nay đã đến thời thi ân giáng phúc.” (Tv 102,14)
“Trong đó Ta sẽ xét xử công minh » : dịch sát chữ là « Ta sẽ xét xử sự ngay thẳng ». Sự phán xử công minh của Thiên Chúa là điều được dân Israel chờ đợi, như viết trong thánh vịnh 9: “Về phần Chúa, Chúa ngự trị ngàn đời, Người lập toà xét xử. Người xét xử thế giới theo lẽ công minh, cai trị muôn dân theo đường chính trực.” (Tv 9,8-9). Dân Israel cũng chờ đợi “việc cai trị ngay thẳng” từ phiá các người quyền thế của trần gian này. Tác giả thánh vịnh 58 hỏi họ như sau: “Hỡi những kẻ quyền thế, có thực các người phán quyết công minh, xét xử người ta theo đường chính trực?” (Tv 58,2). Sự phán xử của Thiên Chúa có thể được hiểu trên bình diện lịch sử, nghĩa là trong nghĩa một can thiệp của Ngài để bênh vực dân Ngài chống lại các kẻ áp bức họ. Nhưng sự thiếu vắng nhấn mạnh trên các thù địch bên ngoài và việc nhấn mạnh trên khiá cạnh luân lý của tình hình đang được than van trong thánh vịnh hướng chúng ta tới chỗ giải thích “sự phán xử của Thiên Chúa” được nhấn mạnh ở đây, nếu không trong kiểu triệt để, thì là trong chìa khoá của chiều kích luân lý cánh chung nhiều hơn.
“Đất có chuyển rung với tất cả dân cư của nó”: có thể có một nghĩa đơn thuần trong chiều kích vũ trụ, quy chiếu các vụ động đất như trong thánh vịnh 46: “Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta. Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo. Nên dầu cho địa cầu chuyển động, núi đồi có sập xuống biển sâu, dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng, ta cũng chẳng sợ gì.
Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi, Thiên Chúa nhà Gia-cóp là thành bảo vệ ta.” (Tv 46, 2-4).
Ông Gióp cũng tả quyền năng của Thiên Chúa như sau: “Người chuyển núi dời non mà chúng không hay, Người lật nhào chúng trong cơn thịnh nộ, Người làm rung chuyển móng nền cõi đất và cột trụ của nó phải lung lay.” (G 9,5-6). Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi các yếu tố vũ trụ quan trong ngôn ngữ miêu tả sự tỏ hiện vinh quang của Thiên Chúa cũng như trong ngôn ngữ ngôn sứ-khải huyền cho phép chúng ta trông thấy trong phần hai này của lời sấm một ý nghĩa cứu độ, có tính cách luân lý cánh chung, hoà hợp với ý nghĩa chung của thánh vịnh.
Các câu 5-9 của thánh vịnh 75 là lời cảnh cáo ngôn sứ chống lại những kẻ huyênh hoang khoác lác và gian ác, nêu bật các hậu quả luân lý việc phán xử của Thiên Chúa, đồng thời cho thấy thực tại của nó đang đổ ập xuống tràn đầy cơn thịnh nộ tai hạị của nó đối với tất cả những kẻ gian ác trên trần gian này.
“Ta bảo lũ kiêu căng: “Đừng kiêu ngạo! Bảo phường tội lỗi: “Chớ dương oai! Này chớ dương oai ngạo với Trời, ăn nói ngang tàng khinh cả Chúa”. Vì chẳng có chi tự đông đoài hay sa mạc làm cho ai được cất nhắc lên. Chỉ Thiên Chúa mới là thẩm phán, Chúa hạ bệ người này, cất nhắc kẻ kia. Vì này tay Giavê cầm chén rượu, chén rượu đầy mùi vị đắng cay, rót cho bọn gian ác trên đời, tất cả đều phải uống, uống không chừa cặn.”
“Chớ dương cao mào”: dịch sát chữ là chớ dương cao sừng”: cái “sừng” trong ngôn ngữ kinh thánh biểu tượng cho quyền lực hay sự kiêu căng của con người.
“Chống lại Đấng trên cao” : “lammerôm” trong tiếng Do thái có nghĩa là “hướng lên cao” trong đó từ “marôm” song song với “đá tảng” của vế thứ hai câu 6 là một tính từ cổ xưa của Thiên Chúa. Tác giả thánh vịnh 73 nhắc tới sự hiện những kẻ huyênh hoang khoác lác nguyền rủa Thiên Chúa như sau: “Chúng chế giễu, buông lời thâm độc, lại kiêu căng bàn chuyện ức hiếp người; miệng chẳng từ xúc phạm trời cao, lưỡi tự do tung hoành cõi đất. Nên dân ta hướng về chúng cả, lời chúng thốt ra, hăm hở nuốt vào. Chúng bảo: “Chúa Trời đâu có biết, Đấng Tối Cao nào hiểu chuyện chi! ” (Tv 73,8-11).
“Chúa hạ bệ người này cất nhắc kẻ kia”: việc phán xử hay cai trị của Thiên Chúa đối với loài người được nhìn trong hai khiá cạnh đối nghịch nhau, khiá cạnh tiêu cực của việc trừng phạt các kẻ gian ác bị hạ bệ, và khiá cạnh tích cực là cất nhắc lên cao kẻ khiêm nhường. Thái độ này của Thiên Chúa sẽ được diễn tả rõ ràng hơn trong câu kết thánh vịnh. Lời cầu nguyện của bà Anna mẹ ngôn sứ Samuel cũng rất giống văn bản ở đây hầu như theo lược đồ của hai cực đối nghịch nhau. Sau khi tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa bà Anna nói: “Các ngươi chớ nhiều lời huyênh hoang tự đắc, miệng những thốt ra điều ngạo mạn, vì Chúa là Thiên Chúa quán thông, mọi hành vi chính người xét xử. Cung nỏ người hùng bị bẻ tan, kẻ yếu sức lại trở nên hùng dũng. Người no phải làm mướn kiếm ăn, còn kẻ đói được an nhàn thư thái. Người hiếm hoi thì sinh năm đẻ bảy, mẹ nhiều con lại ủ rũ héo tàn. Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên. Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có, Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao. Kẻ mọn hèn Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng. Vì nền móng địa cầu là của Chúa. Người đặt cả hoàn vũ lên trên. Chúa gìn giữ bước chân người trung hiếu, còn ác nhân bị tiêu diệt trong chốn mịt mù, vì con người đâu phải mạnh mà thắng” ( 1 Sm 2,3-9). Thánh thi Magnificat của Đức Maria chắc hẳn cũng đã lấy hứng từ đây (Lc 1,46-55).
“Này đây trong tay Giavê có một chén”: lời cảnh cáo kết thúc với một thị kiến có màu sắc khải huyền, trong đó sự phán xử của Thiên Chúa được giới thiệu trong hình ảnh “chén thịnh nộ”. Hình ảnh rượu Chúa đã đổ vào chén diễn tả giai đoạn thực hiện việc phán xử gần kề. Hình ảnh kép chén và rượu rất thường gặp trong nền văn chương ngôn sứ và ám chỉ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chống lại dân Ngài, nhất là nơi ngôn sứ Giêrêmia chống lại các quốc gia tôn thờ thần giả. Chẳng hạn ngôn sứ Isaia viết trong chương 51: “Thức dậy, thức dậy đi, đứng lên nào, Giê-ru-sa-lem hỡi! Từ tay Giavê, ngươi đã nhận, đã uống chén lôi đình, ngươi đã cạn chén nồng choáng váng.” (Is 51,17).
Trong chương 23 ngôn sứ Edekiel tố cáo tội tôn thờ thần ngoại của hai chị em là hai vương quốc miền bắc và miền nam và báo cho biết cả hai phải uống chén thịnh nộ của Thiên Chúa như sau: “Ngươi đi theo đường lối của chị ngươi. Ta cũng sẽ trao chén của nó vào tay ngươi. Giavê là Chúa phán thế này: Ngươi sẽ uống chén của chị ngươi; chén ấy vừa sâu lại vừa rộng. Ngươi nên trò cười, thành đề tài nhạo báng, vì chén ấy chứa được quá nhiều.” (Ed 23,31-32). Ngôn sứ Giêrêmia báo trước hình phạt dân Ammôn như sau: “ Quả vậy, Giavê phán thế này: Ai không chấp nhận án phạt là uống chén ấy, sẽ cứ phải uống; phần ngươi, chẳng lẽ ngươi lại thoát khỏi hình phạt? Ngươi không thoát khỏi hình phạt đâu, ngươi sẽ phải uống!” (Gr 49,12). Thiên Chúa cũng dùng Babilonia như chén thịnh nộ đánh phạt các dân nước: “Ba-by-lon là chén vàng trong tay Giavê, nó làm cho toàn cõi đất phải say sưa, các dân tộc đã uống rượu của nó, vì thế mà hoá ra rồ dại.” (Gr 51,7). Trong chương 25 ngôn sứ miêu tả chén lôi đình của Thiên Chúa đánh phạt các dân nước như sau: “Thật vậy, Giavê, Thiên Chúa Ít-ra-en, phán với tôi như sau: Ngươi hãy cầm lấy từ tay Ta chén rượu tức là cơn lôi đình, và ngươi hãy bắt mọi dân tộc mà Ta sai ngươi đến phải uống chén ấy. Chúng sẽ uống vào, sẽ lảo đảo và hoá ra điên dại vì lưỡi gươm mà chính Ta sẽ gửi cho chúng. Tôi đã cầm lấy chén từ tay Giavê và tôi đã bắt mọi dân mà Giavê sai tôi đến phải uống. Đó là Giê-ru-sa-lem và các thành miền Giu-đa, các vua chúa và các thủ lãnh của thành, để biến chúng nên chốn hoang tàn, nên đồ kinh tởm, nên đề tài trào phúng và đầu đề châm chọc; đó là Pha-ra-ô vua Ai-cập, các bề tôi, các thủ lãnh và toàn dân của vua ấy; đó là tất cả đám đông hỗn tạp; tất cả các vua xứ Út; tất cả các vua xứ Phi-li-tinh: Át-cơ-lôn, Ga-da, Éc-rôn và phần dân Át-đốt còn sót lại; là Ê-đôm, Mô-áp và con cái Am-mon; là tất cả các vua Tia, tất cả các vua Xi-đôn và tất cả các vua ở hải đảo bên kia biển; là Đơ-đan, Tê-ma, Bút, tất cả những dân cạo tóc hai bên thái dương; là tất cả các vua Ả-rập, tất cả các vua của đám đông hỗn tạp định cư trong sa mạc; là tất cả các vua Dim-ri, tất cả các vua Ê-lam, tất cả các vua Mê-đi. Tất cả các vua phương Bắc, gần cũng như xa, kẻ trước người sau và mọi vương quốc trên cõi đất, trên mặt đất này. Còn vua Sê-sác sẽ uống sau cùng. Ngươi sẽ nói với chúng: Giavê các đạo binh, Thiên Chúa Ít-ra-en, phán như sau: Hãy uống cho say! Hãy mửa ra và ngã vật xuống, không còn chỗi dậy nổi trước lưỡi gươm mà chính Ta phóng vào giữa các ngươi. Nếu chúng từ chối không nhận lấy chén từ tay ngươi mà uống, thì ngươi sẽ bảo chúng: Giavê các đạo binh phán như sau: Thế nào các ngươi cũng phải uống! Vì này, cả chính thành kêu cầu Danh Ta, Ta còn gieo tai giáng hoạ, thì huống hồ các ngươi? Không! Các ngươi không được yên đâu, vì chính Ta cho phóng gươm để trừng phạt mọi dân cư trên cõi đất. Sấm ngôn của Giavê các đạo binh” (Gr 25,15-29). Chương 16 sách Khải Huyền cũng nhắc tới sáu chén lôi đình của Thiên Chúa đánh phạt trần gian tội lỗi (Kh 16,4).
Hai câu 10-11 kết thúc thánh vịnh 75 với lới hứa của thánh thi tạ ơn và tái khẳng định niềm tin của cộng đoàn vào thực tại và sự hữu hiệu của sự phán xử công thẳng của Thiên Chúa. Ở đây cũng như nơi khác trong lời cầu cộng đoàn cá nhân tác giả đại diện cho mọi người.
“Phần tôi đây, sẽ hoan hỷ muôn đời và đàn ca kính Chúa nhà Gia-cóp. Tôi sẽ đập tan uy quyền kẻ dữ, còn uy thế người lành sẽ được nâng cao.”
TV 75
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 17.02.2017)