Thánh vịnh 73 B

73 - Thánh vịnh 73 B

Văn thể là thánh vịnh khôn ngoan với các yếu tố than van, tin tưởng và tạ ơn. Thánh vịnh gồm khẳng định mở đầu, câu 1; sự thịnh vượng của phường gian ác, các câu 2-12; cám dỗ tác giả phải chịu, các câu 13-16; mạc khải của Thiên Chúa, các câu 17-22; và các khẳng định kết thúc, các câu 27-28.

Sau khi ghi nhận cuộc sống thịnh đạt của quân gian ác, tác giả thánh vịnh trình bầy cám dỗ ông phải chịu, các câu 13-16. Tuy là người công chính nhưng xem ra ông chỉ biết các trừng phạt (cc.13-14). Sự đối chọi này tuy không làm cho ông khước từ cung cách sống liêm chính của mình để đứng về phía phường gian ác, nó cũng khiến cho ông bị lạc hướng, và là một đảo lộn đối với trí thông minh của ông, không thể hiểu được lý do tại sao (c.16)

“Lạy Chúa, như thế là con đã uổng công giữ lòng trong trắng, giữ tay thanh sạch! Suốt ngày con bị đòn bị đánh, mỗi sớm mai hình phạt sẵn chờ. Giả như con tự nhủ: mình nói năng như chúng, thì con đã thất trung với giống dòng con Chúa. Nên con mới gẫm suy để hiểu chuyện này, nhưng đối với con thật là vất vả”.

“Như thế thật là uổng công”: từ “ak” ở đây nêu bật sự trái nghịch, đồng thời diễn tả sự vỡ mộng cay đắng, mà ngôn sứ Malakhi đã đặt vào môi miệng của dân Do thái: “Phụng thờ Thiên Chúa thật là viển vông, tuân giữ các lệnh truyền của Giavê và bước đi ủ rũ trước nhan Người, nào ích lợi chi? Giờ đây chúng tôi cho những kẻ kiêu ngạo là có phúc; phải, những kẻ làm điều ác được thịnh đạt, họ thử thách Thiên Chúa mà chẳng hề hấn gì.” (Ml 3,14-15).

“Và đã rửa tay con trong sự vô tội”: đây là cử chỉ nghi lễ thanh tẩy, ở đây cũng như trong thánh vịnh 26, nó ám chỉ sự vô tội của tác giả: “Lạy Giavê, con rửa tay nói lên lòng vô tội và đi vòng quanh bàn thờ Chúa,
để hát bài cảm tạ tri ân và tường thuật mọi kỳ công của Ngài.” (Tv 26,6). Cũng có thể là tác giả phải thực thi lễ nghi chứng tỏ sự vô tội của mình, để phản bác mọi lời tố cáo ông có tội nên mới gặp các tai ương đó. Quan hệ nhân quả giữa các tai ương đánh phạt và sự vô tội của ông trái nghịch với giáo thuyết truyền thống liên quan tới sự thưởng phạt của Do thái giáo, dậy rằng Thiên Chúa tưởng thưởng người công chính và đánh phạt kẻ tội lỗi. Và bề ngoài nó song song với sự thịnh vượng của các kẻ gian ác là các thù địch cụ thể của tác giả thánh vịnh và cung cách sống tội lỗi của họ.

“Nếu con đã nói”: nguy cơ nhượng bộ cám dỗ nói năng hành xử như phường gian ác đã rất lớn đối với tác giả. Chỉ việc nhớ lại mình là con cái của dân được Thiên Chúa tuyển chọn đã kìm hãm được ông không sống như chúng. Là con cái Thiên Chúa tín hữu nhận biết bàn tay sửa dậy của Thiên Chúa là Cha.

“Con nghĩ tới điều bí nhiệm này nhưng nó quá phức tạp đối với mắt con”: nghĩa là đối với trí khôn con. Đôi mắt là dụng cụ giúp quan sát và nhìn thấy nhận ra.

Phần ba của thánh vịnh các câu 17-22 là giải đáp cho các thắc mắc của tác giả. Ánh sáng cởi nút thắt của điều bí nhiệm đã khiến cho ông phải khắc khoải âu lo: trong thánh điện trí khôn ông đã được soi sáng (c. 17) liên quan tới tình trạng này, chỉ đáng ganh tỵ bởi những ai “dại dột” và ngu dốt” (cc. 21-22) – trong đó các kẻ gian ác đang đứng trước mặt Thiên Chúa. Đây là một tình trạng trơn trượt dẫn tới số phận cuối cùng bị hủy diệt bất thình lình và hoàn toàn (cc. 18-19), và sự tan biến của mọi gương mặt ảo tưởng (c. 20).

“Cho tới ngày được vào trong thánh điện, con mới am tường hậu vận chúng ra sao. Quả Ngài đặt chúng vào nơi trơn trượt, đẩy cho rơi vào cảnh điêu tàn. Trong nháy mắt, hỡi ôi, chúng đã sụp đổ rồi, nỗi kinh hoàng ập xuống, cuốn mất cả tăm hơi! Lạy Chúa, khi tỉnh giấc, Ngài xua đuổi hình ảnh chúng đi, như giấc mộng phai mờ lúc người ta thức dậy. Khi lòng con ngậm hờn cay đắng và nỗi đớn đau thấu tận ruột gan, con quả đã ngu si chẳng hiểu, trước mặt Ngài, như thú vật nào hơn!”.

“Cho tới khi con bước vào thánh điện của Thiên Chúa”: tác giả thánh vịnh vào trú ẩn nơi thánh điện gần Thiên Chúa cùng với giải pháp cho vấn nạn cá nhân liên quan tới sự thịnh nộ bề ngoài của Thiên Chúa trong các khổ đau của ông. Ông tìm thấy điều bí nhiệm đã làm cho ông khắc khoải, nghĩa là ông hiểu đâu là số phận cuối cùng của phường gian ác sống nhởn nhơ vui vẻ xem ra hạnh phúc lắm.

“Trong nháy mắt chúng biến thành đống đổ nát”: tác giả ghi nhận sự sụp đổ của kẻ gian ác như thể là một biến cố đã xảy ra. Đây là kiểu hành văn đặc thù của loại văn thể ngôn sứ. Cái thịnh vượng hạnh phúc bề ngoài của phường gian ác sẽ bị tiêu tan huỷ diệt cùng với số phận của chúng.

“Khi tim con trở thành trầm trọng hơn, thận con bị đâm thâu”: tác giả muốn miêu tả tình trạng khó chịu nội tâm qua các cơ phận nội tạng, đồng thời cũng nhấn mạnh việc hiểu biết mầu nhiệm của “cuộc sống bất tận với Thiên Chúa”

“Con dại dột ngu dốt, một thú vật đích thật trước mặt Ngài”: Trở lại tử tưởng của thời không hiểu biết của mình và nguy cơ rơi vào cung cánh sống và số phận đáng than khóc của các kẻ gian ác, tác giả gán cho mình các tước hiệu tồi tệ nhất, kẻ cả việc gọi mình là súc vật.

Các câu 23-26 của thánh vịnh 73 trình bầy khiá cạnh tích cực của giải pháp: số phận chắc chắn của tác giả nằm trong tay Thiên Chúa. Thiên Chúa cầm tay dắt ông đi (c. 23) Ngài hướng dẫn ông và sẽ bảo đảm cho ông vinh quang (c. 24). Chính vì thế ngoài Thiên Chúa ra, không có gì và không có ai trên trời cũng như dưới đất, có thể trở thành đối tượng sự khao khát của ông (c. 25). Vì thế mọi sự có thể thuyên giảm, kể cả cuộc sống của ông, nhưng Thiên Chúa sẽ luôn mãi là “đá tảng” và là “phần chén” của ông (c. 26). Trong phần này và trong hai câu kết thánh vịnh, vang vọng lên tất cả các đề tài của thánh vịnh 16, là thánh vịnh điển hình của sụ tin tưởng. Trong các đề tài đó nổi bật đề tài sự hiểu biết đặc biệt tác giả đã nhận được từ Giavê (16,7) liên quan tới ân huệ sự hiện diện của Thiên Chúa và sự trợ giúp yêu thương của Ngài (16,8) cũng như liên quan tới các “con đường của sự sống”, nghĩa là ân huệ phước lộc sẽ kéo dài cho đến cùng (16.11).

“Thật con ở với Chúa luôn, tay con Ngài nắm chẳng buông chẳng rời, dắt dìu khuyên nhủ bao lời, một mai đưa tới rạng ngời quang vinh. Con còn ai chốn trời xanh? bên Ngài thế sự thật tình chẳng ham. Dẫu cho hồn xác suy tàn, thì nơi ẩn náu, kỷ phần lòng con, muôn đời là Chúa cao tôn.”

“Thật con ở với Chúa luôn”: khi vào trong đền thánh trước sự hiện diện của Thiên Chúa tác giả thánh vịnh được sống kinh nghiệm và khám phá ra sự thật cao vời ủi an được thuộc về Ngài. Bị các sự dữ đàn áp ông cảm thấy mình như chết, bị bỏ rơi cho số phận khắc nghiệt của mình. Nhưng giờ đây ông cảm thấy được Thiên Chúa “nắm lấy bàn tay phải”. Đây cũng là kiểu diễn tả ngôn sứ Isaia II dùng để minh giải sứ mệnh của Người Tôi Tớ khổ đau của Giavê Thiên Chúa (Is 42,6) cũng như của dân Israel (Is 41,13). Chúa cầm tay dắt ông đi một cách chắc chắn tới một số phận của vinh quang. Tác giả thánh vịnh 16 cũng xác tín rằng ông sẽ không bao giờ vấp ngã, vì Thiên Chúa ở bên phải ông, và vì thế ông sẽ say sưa vui suớng vì được ở bên phải Chúa (Tv 16,8.11).

“Với lời khuyên nhủ Chúa hướng dẫn con, và rồi Ngài đưa con vào vinh quang”: lược đồ truyền thống cựu ước của cuộc sống con người kết thúc với cái chết thể lý; cả khi không được dự phóng một cách rõ ràng lược đồ này đã được vượt thắng bởi khẳng định sự chắc chắn tác giả nuôi dưỡng rằng cuộc sống của ông với Thiên Chúa sẽ không còn các hạn chế trên bình diện không gian cũng như trong thời gian. Tuy không phải là khẳng định sự bất tử, nhưng tư tưởng này là một cột mốc tiến triển ghi dấu con đường dẫn tới đó.

“Con có ai trên trời ngoài Chúa ra, con không ham muốn ai khác trên trái đất này”: Đây cũng là tâm tình của tác giả thánh vịnh 16: “Ngài là Chúa của con, ngoài Ngài ra con không có thiện ích nào khác”. Ở đây tác giả muốn nhấn mạnh sự đồng điệu giữa niềm tin của ông nơi Giavê, là Thiên Chúa duy nhất ngự trên trời, và điều tốt lành ích lợi mà ông có thể ước mong trong cuộc sống trên trần gian này là điều kiện sự hiện hữu của ông.

“Dẫu cho thịt xác và cả con tim có suy giảm, thì đá tảng của lòng con và phần của con là Thiên Chúa đến muôn đời”: Nếu động từ “kalah” không có nghĩa ám tỷ, thì ở đây chúng ta có một trong những khẳng định tột đỉnh trong nền tu đức cựu ước. Cuộc sống hiện tại trên trần gian này, với tất cả những gì là tốt lành và ngon ngọt nó có thể cống hiến, và cả chính sự hiện hữu nhìn trong khiá cạnh bên ngoài, thịt xác, và khía cạnh bên trong, con tim, là những thiện ích mà tác giả sẵn sàng từ bỏ, để có được Thiên Chúa là thiện ích tối cao. Chúng ta đang ở trong sự từ bỏ hoàn toàn tột đỉnh của nền tu đức tân ước. Khẳng định này lại còn mạnh mẽ hơn nữa, nếu so sánh với câu 14 miêu tả các khổ đau thể lý và luân lý, mà tác giả phải chịu đến độ khiến cho lòng tin của ông bị chao đảo. Ngoài việc trao ban cho vấn đề hóc búa tế nhị của sự thưởng phạt đời sau các câu 23-26 của thánh vịnh 73 là một trả lời cho vấn nạn các khổ đau của người công chính.

“Phần chén của con”: là đề tài tin tưởng của thánh vịnh 16: “Lậy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc danh cho con. Ngài nắm giữ số phận con”. Câu này ám chỉ điều kiện sống của chi tộc Lêvi có Giavê Thiên Chúa là phần gia nghiệp.

“Đến đời đời” : diễn tả điều kiện ưu tiên của tác giả cảm thấy mình được ở bên phải Thiên Chúa trong cuộc sống diễm phúc.

Hai câu 27-28 kết thúc thánh vịnh 73, tóm tắt bài học khôn ngoan đuợc minh giải bởi kinh nghiệm thần bí của tác giả. Những kẻ xa rời Thiên Chúa và bất trung với Ngài phải tàn lụi mai một, trong khi tác giả đã ẩn náu bên Giavê thì được nhận vào hưởng cuộc sống thân tình bên Thiên Chúa là thiện ích đích thật duy nhất. Nhưng bài học này cũng được loan báo cho tất cả mọi người như dấu chỉ lòng biết ơn của tác giả, cũng như chứng tá hiệu quả các hành động của Thiên Chúa.

“Kìa ai xa Chúa, sẽ mai một hết, những kẻ phụ Ngài, Ngài diệt cả đi. Còn hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa, chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời. Mọi việc Ngài làm, con xin kể lại nơi cửa vào thành thánh Xi-on.”

(Linh Tiến Khải

, RadioVaticana 26.01.2017/
Asia News 26/07/2017)


Exit mobile version