Thánh vịnh 69 C

69c - Thánh vịnh 69 C

Thánh vịnh 69 là lời cầu của một người cảm thấy mình bị chìm ngập trong biển khổ đau. Thực ra đây là các khổ đau gây chết chóc do sự thù ghét và cái gian ác của những người tố cáo tác giả thánh vịnh tội ăn cắp, mà ông đã không phạm. Chúng bao phủ ông với sự xấu hổ nhục nhã. Tác giả người cầu nguyện ở đây biết rằng Thiên Chúa cho phép việc tố cáo sai lầm ấy đối với các lỗi lầm khác mà ông đã phạm (c. 6). Ông là một người tôi tớ của Thiên Chúa khổ đau vì Ngài (c. 8). Vì thế giờ đây chiến thắng của các thù địch của ông cũng sẽ là một hổ nhục không phải chỉ cho ông, mà cũng là cho tất cả những người hy vọng nơi Thiên Chúa của Israel nữa (c. 7). Chính vì thế hiệp với lời cầu cho ơn cứu rỗi của mình (c. 30) sẽ là lý do vui mừng cho những kẻ “khiêm tốn kiếm tìm Thiên Chúa” (c.33) là lời cầu xin tha thiết cho sự thất bại hổ nhục của các thù địch (cc. 23-29). Hai câu sau cùng nhấn mạnh trên ơn cứu rỗi của Sion qua việc tái thiết các thành phố của của Giuđa, chắc hẳn đã được thêm vào sau này liên quan tới phụng vụ, như trong trường hợp thánh vịnh 51.

Văn thể là loại thánh vịnh than van cá nhân. Thánh vịnh gồm phần mở đầu, các câu 2-8; việc trình bầy trường hợp của tác giả, các câu 9-13; phần chính, các câu 14-20; lời cầu chống lại các kẻ thù, các câu 21-30; lời hứa chúc tụng, các câu 31-32; thánh thi tạ ơn, các câu 33-35 và phần phụng vụ thêm vào sau này, các câu 36-37.

Như thế phần cuối cùng của thánh vịnh 69 các câu 31-37 gồm ba đề tài: lời hứa chúc tụng, thánh thi tạ ơn và phần phụng vụ.

Hai câu 31-32 gồm lời hứa chúc tụng “danh Thiên Chúa”, kèm theo lời tạ ơn, nghĩa là lễ tế tạ ơn, thường kết thúc các thánh vịnh than van.

“Tôi sẽ hát bài ca chúc mừng Danh Thánh, sẽ dâng lời cảm tạ tán dương Người. Làm như vậy sẽ đẹp lòng Giavê hơn dâng tiến bò bê đủ móng đủ sừng.”

Hát ca chúc tụng danh thánh Chúa cũng là điều tác giả thánh vịnh 61 nói đến khi kết thúc thánh vịnh: “Bấy giờ con mãi đàn ca mừng Danh Thánh, ngày lại ngày, xin giữ trọn lời nguyền.” Sự khẳng định việc hát ca chúc tụng danh Thiên Chúa và tán dương Chúa với các hành động tạ ơn thì đẹp lòng Ngài hơn dâng bò tơ mọc móng mọc sừng. Xem ra ở đây có tư tưởng bài chủ trương duy lễ nghi như trong thánh vịnh 51, trong đó các tác giả nói: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài. Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.” (Tv 51,17-19). Nó muốn tái trao ban giá trị cho dữ kiện nội tâm của cử chỉ phụng tự, như việc hiến tế hay dâng lễ vật, bằng cách lượng định trở lại chiều kích của khiá cạnh bề ngoài. Nghĩa là con người có dâng lên Thiên Chúa bất cứ hiến tế thế nào, và có nhiều tới đâu đi nữa, nếu nó không phát xuất từ xác tín và cảm nghiệm của tâm hồn cần chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa và biết ơn Ngài, mà chỉ có cử chỉ hiến tế bề ngoài không thôi, thì hiến tế vô giá trị và không ích lợi gì cho họ.

“Bò tơ mọc sừng và mọc móng tẽ ra” là kiểu diễn tả trong các văn bản lễ nghi nhằm phân biệt các thú vật trong sạch dùng trong lễ nghi sát tế, với các thú vật không trong sạch, không được dùng trong hiến tế. Chẳng hạn chương 11 sách Lêvi có viết: “Mọi con vật có chân chẻ làm hai móng và thuộc loài nhai lại, thì các ngươi được ăn. Tuy nhiên, trong các loài nhai lại và các loài có móng chẻ hai, các ngươi không được ăn các con này: con lạc đà, vì nó nhai lại, nhưng không có móng chẻ hai: các ngươi phải coi nó là loài ô uế; con ngân thử, vì nó nhai lại, nhưng không có móng chẻ hai: các ngươi phải coi nó là loài ô uế; con thỏ rừng, vì nó nhai lại, nhưng không có móng chẻ hai: các ngươi phải coi nó là ô uế” (Lv 11,3-7).

Chương 14 sách Đệ Nhị Luật cũng xác định các súc vật trong sạch dân Do thái được phép ăn và súc vật ô uế không được phép ăn như sau: “ Anh (em) không được ăn cái gì ghê tởm. Đây là những loài vật anh (em) được ăn: bò, cừu, dê, nai, sơn dương, hoẵng, dê rừng, linh dương, dê sừng dài, cừu rừng. Mọi con vật có chân chẻ làm hai móng và thuộc loài nhai lại, thì anh (em) được ăn. Tuy nhiên, trong các loài nhai lại và các loài có móng chẻ hai, anh em không được ăn các con này: con lạc đà, con thỏ rừng, con ngân thử – vì chúng nhai lại, nhưng không có móng chẻ hai: anh em phải coi chúng là loài ô uế -; con heo, vì nó có móng chẻ hai, nhưng không nhai lại: anh em phải coi nó là loài ô uế. Thịt của chúng, anh em không được ăn, xác chết của chúng, anh em không được đụng đến.” (Đnl 14,3-8). Và đương nhiên là không được sát tế các thú vật ô uế cho Thiên Chúa. Khuynh hướng nội tâm hóa các sinh hoạt phụng tự và phụng vụ này rất hay đẹp. Nó cho thấy giá trị đích thực của sinh hoạt thờ phượng bao gồm cả việc hát ca chúc tụng và cảm tạ danh thánh Chúa, và chúng được Thiên Chúa khấng nhận hơn các vật hiến tế.

Các câu 33-35 của thánh vịnh 69 là một thánh thi ngắn gồm ba câu gắn liền với lời hứa chúc tụng Thiên Chúa. Thánh thi bao gồm lời mời dẫn nhập hướng tới những kẻ khiêm hạ “ebjônim” mời gọi họ vui lên, vì Thiên Chúa lắng nghe họ và không khinh rẻ những người bị tù tội, và kết thúc với lời mời vũ hoàn chúc tụng Thiên Chúa.

“Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên, người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi. Vì Giavê nhận lời kẻ nghèo khó, chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm. Ca tụng Chúa đi, hỡi trời cao đất thấp, hỡi biển sâu cùng hải vật muôn vàn!”

“Hãy xem, hỡi những kẻ khiêm hạ và hãy vui lên”: lời mời hướng tới các người “khiêm nhường và có con tim ngay thẳng” là một sắc thái của loại thánh thi, để họ nhận ra các ơn thánh Thiên Chúa rộng ban cho tín hữu, và như thế họ chia sẻ niềm vui của tác giả. Đây đã là tâm tình của tác giả thánh vịnh 34: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Giavê, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Giavê xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên. Hãy cùng tôi ngợi khen Giavê, ta đồng thanh tán tụng danh Người.” (Tv 34,2-4). Tác giả thánh vịnh 30 cũng kêu mời: “Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Giavê, cảm tạ thánh danh Người.” (Tv 30,5). Trong thánh vịnh 22 tác giả cũng mời gọi mọi người cùng ông chúc tụng Thiên Chúa như sau: “Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương. Hỡi những ai kính sợ Giavê, hãy ca tụng Người đi! Hỡi toàn thể giống nòi Gia-cóp, nào hãy tôn vinh Người! Dòng dõi Ít-ra-en tất cả, nào một dạ khiếp oai” (Tv 22,23-27).

Cũng giống như thánh vịnh 51 và nhiều thánh vịnh khác nữa thánh vịnh 69 cũng kết thúc với một phần được thêm vào sau này, và có mầu sắc duy quốc gia liên quan tới việc tái lập quốc gia được tuyển chọn trên “núi Sion”, trong “thành của Giuđa”. Có lẽ nó đã được thêm vào trong môi trường phụng tự của thời tái thiết đền thánh. Việc thêm vào này không cho phép nghĩ rằng thánh vịnh đã được sáng tác thời lưu đầy hay thời hậu lưu đầy.

“Vì Chúa Trời sẽ giải cứu Xi-on, các thành thị miền Giu-đa, Người cũng tái thiết, cho dân đến định cư lập nghiệp. Miền đất ấy sẽ trở nên gia tài của giống nòi các tôi tớ Chúa, thành quê hương xứ sở của những người mến chuộng Thánh Danh.”

“Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho Sion…” Tác giả thánh vịnh 51 cũng xin với Chúa: “Xin rộng lòng tuôn đổ hồng phúc xuống Xi-on, thành luỹ Giê-ru-sa-lem, xin Ngài xây dựng lại.” (Tv 51,20). Tác giả thánh vịnh 102 thì nói: “Rồi ra, ở Xi-on, người người sẽ rao truyền danh thánh Giavê, tại Giê-ru-sa-lem, ai nấy ngợi khen Người, khi mọi nước mọi dân tập trung về để thờ phượng Giavê… Con cháu bề tôi sẽ an cư lạc nghiệp, và dòng giống tồn tại trước nhan Ngài.” (Tv 102, 22-23.29). Viễn tượng tái thiết này cũng đã được ngôn sứ Isaia báo trước: “Ta làm cho ứng nghiệm lời của tôi tớ Ta, cho dự định của các sứ giả Ta được thành tựu. Ta nói về Giê-ru-sa-lem: “Cho nó có dân cư! “, và về thành thị Giu-đa: “Cho nó được tái thiết! “, những nơi điêu tàn, Ta sẽ xây dựng lại.” (Is 44,26). Ngôn sứ Edekiel cũng đã ghi lại lời Thiên Chúa nói với dân Do thái như sau: “Này Ta đến với các ngươi, Ta quay mặt lại với các ngươi; các ngươi sẽ được trồng cấy và gieo hạt. Ta sẽ tăng số dân cho các ngươi, hỡi toàn thể Ít-ra-en. Các thành thị sẽ có người cư ngụ và các nơi điêu tàn sẽ được tái thiết.” (Ed 36,9-10).

“Dòng dõi các tôi tớ Người sẽ có gia nghiệp…”: Tác giả thánh vịnh 5 cầu chúc vui mừng cho những tín hữu tìm đến nương ẩn bên Chúa: “ Còn những người trú ẩn bên Chúa, ước chi họ đều được hỷ hoan và reo vui mãi tới muôn đời. Chúa bảo vệ những người mến yêu Danh Thánh, nhờ Ngài, họ phấn khởi mừng vui.” (Tv 5,12). Tác giả thánh vịnh 47 thì khẳng định: “ Người chọn lựa cho chúng tôi phần cơ nghiệp, cơ nghiệp làm cho kẻ Người thương là Gia-cóp được nở mặt nở mày.” (Tv 47,5). Còn ngôn sứ Isaia III thì nói tiên tri: “Từ Giacóp, Ta sẽ cho phát xuất một dòng dõi, và từ Giuđa, một người sở hữu các núi của Ta; những kẻ được Ta tuyển chọn sẽ sở hữu chúng, ở đó các tôi tớ Ta sẽ cư ngụ” (Is 65,9).

TV 69 C

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 16.01.2017)



Exit mobile version