Thánh vịnh 69 B

69b - Thánh vịnh 69 B

Thực ra đây là các khổ đau gây chết chóc do sự thù ghét và cái gian ác của những người tố cáo tác giả thánh vịnh tội ăn cắp mà ông đã không phạm. Chúng bao phủ ông với sự xấu hổ nhục nhã. Tác giả người cầu nguyện ở đây biết rằng Thiên Chúa cho phép việc tố cáo sai lầm ấy đối với các lỗi lầm khác mà ông đã phạm (c. 6). Ông là một người tôi tớ của Thiên Chúa khổ đau vì Ngài (c. 8). Vì thế giờ đây chiến thắng của các thù địch của ông cũng sẽ là một hổ nhục không phải chỉ cho ông, mà cũng là cho tất cả những người hy vọng nơi Thiên Chúa của Israel nữa (c. 7). Chính vì thế hiệp với lời cầu cho ơn cứu rỗi của mình (c. 30) sẽ là lý do vui mừng cho những kẻ “khiêm tốn kiếm tìm Thiên Chúa” (c.33) là lời cầu xin tha thiết cho sự thất bại hổ nhục của các thù địch (cc. 23-29). Hai câu sau cùng nhấn mạnh trên ơn cứu rỗi của Sion qua việc tái thiết các thành phố của của Giuđa, chắc hẳn đã được thêm vào sau này liên quan tới phụng vụ, như trong trường hợp thánh vịnh 51.

Văn thể là loại thánh vịnh than van cá nhân. Thánh vịnh gồm phần mở đầu, các câu 2-8; việc trình bầy trường hợp của tác giả, các câu 9-13; phần chính, các câu 14-20; lời cầu chống lại các kẻ thù, các câu 21-30; lời hứa chúc tụng, các câu 31-32; thánh thi tạ ơn, các câu 33-35 và phần phụng vụ thêm vào sau này, các câu 36-37.

Các câu 14-19 của thánh vịnh 69 là lời cầu tác giả thánh vịnh dâng lên Thiên Chúa. Chúng có cùng các kiểu diễn tả của phần đầu, các câu 2-7, miêu tả tình trạng âu lo của ông. Ở đây ông kêu lên lòng lành và sự xót thương của Thiên Chúa (c. 14), và xin Ngài giải thoát ông (c. 17).

“Lạy Giavê, phần con xin dâng Ngài lời nguyện, lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân. Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày, vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ. Xin Ngài kéo con lên cho khỏi lún xuống chỗ sình lầy, cho con thoát tay thù, thoát dòng nước thẳm. Xin đừng để sóng cồn cuốn con đi, đừng để cho vực thẳm nuốt con vào, và miệng hố sâu ngậm lại, chôn sống. Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu mà đáp lại lời con; xin mở lượng hải hà mà đoái thương nhìn đến. Xin đừng lánh mặt tôi tớ Chúa đây, này con gặp nguy khốn, xin mau trả lời. Mong Chúa tiến lại gần và thương cứu mạng, ban ơn giải thoát, vì có kẻ ghét con.”


“Nhưng con… “: là kiểu nói trong các thánh vịnh bắt đầu một đoạn mới. “Thời ân phúc” là thời đã được lòng lành của Thiên Chúa ấn định để chấp nhận các lời cầu xin của dân Ngài. Thời ân phúc cũng ám chỉ thời của việc chấp nhận chắc chắn từ phía Thiên Chúa. Đây cũng là lý do giải thích tại sao tín hữu lại kêu cầu lên Chúa, như tác giả thánh vịnh 32 khẳng định: “Vì thế, ai là người hiếu trung với Chúa sẽ kêu cầu Ngài lúc gặp cảnh gian truân; cho dầu nước lũ có ngập tràn cũng không dâng tới họ.” (Tv 32,6). Còn tác giả thánh vịnh 102 thì khẳng định: “Chính Ngài sẽ đứng dậy và thương xót Xi-on, vì nay đã đến thời thi ân giáng phúc.” (Tv 102,14). Ngôn sứ Isaia cũng nhắc lại cho tín hữu biết: “Giavê phán thế này: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Ta đã gìn giữ ngươi, đặt ngươi làm giao ước giữa Ta với dân, để phục hồi xứ sở, để chia lại những gia sản đã bị tàn phá” (Is 49,8).

“Vì lòng trung thành của ơn cứu độ Ngài”: lòng trung thành của Thiên Chúa đối với các lời hứa cứu độ là nền tảng sự chắc chắn của Israel biết mình sẽ được nhận lời.

“Ước chi dòng nước lũ không nhận chìm con, bùn lầy không nuốt chửng và con không chìm sâu xuống”: tất cả các hình ảnh cụ thể này diễn tả cái chết rình rập tác giả.

Phần ba của thánh vinh gồm các câu 20-30, trong đó tác giả gợi lại sự hổ nhục và sầu não các thù địch đã gây ra cho ông (cc.20-22), rồi ông khẩn cầu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa rơi xuống trên họ và xoá bỏ cả sự tưởng nhớ họ trong đất của người sống nữa, và như thế một cách tuyệt đối lấy đi khỏi họ khả thể làm hại người khác (cc. 23-29). Rồi ông kết thúc phần này nguyền ruả này với lời kêu khiêm tốn và đạo hạnh xin Thiên Chúa cứu vớt mình.

“Chúa biết rõ con bị người chửi mắng, lại mang vào thân tủi hổ với nhục nhằn; những kẻ thù con, Ngài nhìn thấy cả. Lời thoá mạ làm tim này tan vỡ, con héo hắt rã rời. Nỗi sầu riêng, mong người chia sớt, luống công chờ, không được một ai; đợi người an ủi đôi lời, trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu! Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua. Ước gì bàn tiệc chúng dọn ra nên cạm bẫy cho chúng sa vào, và trở thành dò lưới ngay với cả bạn thân. Ước gì mắt chúng mù đi không thấy nữa, và lưng sụm xuống đến mãn đời. Xin Ngài đổ cơn thịnh nộ lên người chúng và cho lửa giận ập xuống đầu. Ước gì nơi chúng ở phải tan hoang, lều trại chúng không còn ai trú ngụ. Vì kẻ bị Ngài đánh, chúng ngược đãi chẳng tha; kẻ bị Ngài đả thương, chúng lại còn gây thêm thương tích. Xin đổ lên đầu chúng hết tội này đến tội kia và chẳng hề kể chúng là công chính trước mặt Ngài. Ước gì chúng bị xoá tên trong sổ trường sinh, chẳng được ghi vào số những người công chính. Phần con đây, thật khốn cùng đau khổ, lạy Chúa Trời, xin cứu vớt đỡ nâng.”

Các tâm tình này của tác giả cảm thấy mình bị bỏ rơi cũng diễn tả kinh nghiệm, mà Đức Giêsu cảm nhận, khi âu sầu cầu nguyện trong vuờn cây dầu, trước cái chết gần kề, mong mỏi các môn đệ cũng tỉnh thức cầu nguyện hỗ trợ tinh thần cho Ngài trong giờ phút nghiêm trọng này, trong cuộc chiến chống lại cám dỗ không theo chương trình của Thiên Chúa Cha (Mt 26,49). Tả cảnh Giêrusalem bị đạo binh Babilonia đánh phá và bị bỏ rơi sách Ai Ca viết: “Chẳng thấy kẻ nào đến ủi an trong số những người yêu thuở trước. Bạn hữu thân tình nay bội ước, thành ra cả một lũ địch thù.” (Ac 1,2).

“Chúng đã cho con mật đắng”: khi trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu thánh sử Mátthêu đã quy chiếu văn bản này của thánh vịnh, và nhắc tới sự kiện trước khi đóng đinh Chúa Giêsu người ra cho Ngài uống rượu pha mật đắng (Mt 27, 34), trong khi thánh sử Marco chỉ đề cập tới “rượu có pha mộc dược” (Mc 15,23). Trong phần một câu 21 thánh vịnh nói tới mật đắng như là “thực phẩm”, và chỉ trong phần hai của cùng câu 21 mới nói giấm như “thức uống”. Thật ra thánh sử Gioan đã nhắc tới cái khát của Chúa Giêsu khi Ngài hấp hối trên thập giá, như việc thành toàn Thánh Kinh, và nhắc tới sự kiện khi nghe Ngài kêu khát, người ta đã lấy miếng bọt biển có thấm giấm chua buộc vào một nhành hương thảo rồi đưa lên cho Ngài uống. Nhắp xong Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!”. Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí (Ga 1928-30).

“Bàn của chúng biến thành dây trói… các bữa tiệc của chúng thành bẫy sập”: lời nguyền rủa này cũng được thánh Phaolô nhắc lại trong chương 11 thư gửi giáo đoàn Roma, khi trình bầy thái độ mù loà cố ý không tin của dân Do thái đối với Tin Mừng: “Đa-vít cũng nói: Ước gì bàn tiệc của chúng nên dò, nên bẫy cho chúng sa vào, và nên cớ vấp ngã, nên hình phạt đích đáng! Ước gì mắt chúng mù đi không thấy nữa và lưng sụm xuống đến mãn đời.” (Rm 11,9-10). Tác giả thánh vịnh 59 cũng nguyền rủa các kẻ gian ác như sau: “Trong cơn thịnh nộ, xin tiêu diệt chúng đi, xin tiêu diệt, để chúng không còn nữa, cho thiên hạ biết rằng: Thiên Chúa thống trị nhà Gia-cóp, và khắp cõi địa cầu.” (Tv 59,14).

“Ước chi lều của chúng trở thành sa mạc”: lời nguyền rủa này cũng sẽ được thánh Phêrô nhắc tới, khi tụ tập các tông đồ để lựa chọn người thay thế Giuđa. Phúc Âm cũng nhắc tới sự kiện Giuđa sau khi phản bội Đức Giêsu đã tuyệt vọng ra đi thắt cổ tự tử, ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng lòi cả ruột gan ra. Tiền Giuđa ném trả lại Thượng Hội Đồng Do thái đã dùng để mua thửa ruộng của người thợ gốm để chôn người ngoại quốc, gọi là “ruộng máu”. Tông đồ Phêrô trích lại thánh vịnh và nói: “Thánh vinh có chép rằng: Ước gì lều trại nó phải tan hoang, không còn ai trú ngụ, ước gì người khác nhận lấy chức vụ của nó” (Cv 1, 20) .

“Kẻ mà Chúa đã đánh”: theo nguyên tắc truyền thống trong việc thưởng phạt của Thiên Chúa mọi sự dữ vật lý đều có nguồn gốc là nơi một lỗi lầm luân lý, và theo nguyên tắc ấy tác giả thánh vịnh phán xử tình trạng riêng của mình. Thật thế, trong lời nguyện khai mào ông đã cảm thấy cần phải xưng thú lỗi lầm của mình (c. 6). Nhưng kẻ bị Thiên Chúa đánh phạt kiểu đó không mất đi quyền được con người cảm thương. Vì thế những người tỏ ra không thương xót, hay tệ hơn nữa chua cay với kẻ bị Thiên Chúa đánh phạt, thì trở thành thù địch của Thiên Chúa và đáng bị phạt.

“Xin thêm lỗi lầm trên lỗi lầm”: ở đây lỗi lầm là hình phạt vì lầm lỗi. Tác giả thánh vịnh xin Thiên Chúa đừng để cho các kẻ thù nghịch được hưởng các ân huệ lòng thương xót của Ngài. Đó cũng là nghĩa “không đạt tới công lý” của lòng thương xót. Trong lời cầu chống lại các kẻ bách hại mình ngôn sứ Giêrêmia cũng dùng thứ ngôn ngữ tương tự: “Lạy Giavê, mọi âm mưu chúng bày ra để hại con chính Ngài biết rõ. Lỗi lầm chúng, xin Ngài đừng bỏ qua, tội lỗi chúng sờ sờ trước Thánh Nhan, xin Ngài đừng xoá sạch. Trước Thánh Nhan, xin cho chúng phải thất điên bát đảo, và đến lúc Ngài nổi trận lôi đình, xin cứ thẳng tay trừng trị chúng.” (Gr 18,23). Trong lời xin Thiên Chúa báo oán các kẻ thù cá nhân này của tác giả chúng ta nhận ra đòi buộc tái lập trật từ luân lý tôn giáo đã bị quấy phá bởi các công việc và hành động độc hại của những kẻ gian ác, phân tích cho cùng là các thù địch của Thiên Chúa, trước khi và hơn là thù địch của các tôi tớ Ngài.

“Ước chi chúng bị xóa khỏi sổ của những kẻ sống”: Sổ của những kẻ sống là kiểu nói chỉ tìm thấy ở đây trong Thánh Kinh Cựu Ước, và là “sổ của những kẻ công chính”. Chương 32 sách Xuất Hành có đề cập tới “cuốn sách” do Thiên Chúa viết, và các người Do thái phạm tội tôn thờ con bò vàng bị chính Thiên Chúa xoá tên. Việc xoá tên khỏi sổ này bao gồm sự loại trừ không cho họ vào Đất Hứa (Xh 32,32-33). Thánh Kinh Tân Ước nói tới “cuốn sách sự sống” nhiều lần. Chẳng hạn khi nghe các môn đệ thuật lại việc ma qủy khuất phục các ông khi nghe danh Ngài, Chúa Giêsu trả lời: “Các con chớ mừng rỡ vì quỷ thần phải khuất phục các con, nhưng hãy mừng vì tên các con đã được ghi trên trời” (Lc 10,20). Trong chương 4 thư gửi tín hữu Philiphê thánh Phaolô cũng nói tên tuổi các cộng sự viên đã được ghi trong sổ trường sinh (Fl 4,3). Sách Khải Huyền hay nói tới “cuốn sổ trường sinh”. Chúa Kitô phục sinh nói với tín hữu giáo đoàn Sardi đã không làm dơ bẩn áo mình: “Ai thắng sẽ được mặc áo trắng. Ta sẽ không xoá tên người ấy khỏi Sổ Trường Sinh” (Kh 3,5). Chương 13 nói đến những kẻ thờ lậy Con Thú “là những người từ tạo thiên lập địa không được ghi tên trong Sổ Trường Sinh của Chiên Con đã bị giết” (Kh 13,8). Có tên trong cuốn sách sự sống hay Sổ Trường Sinh có nghĩa là được cứu rỗi.

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 16.01.2017)



Exit mobile version