Một trong những bạn đường đầu tiên của Thánh Phêrô Favre đã viết rằng: “Nơi anh Phêrô Favre, những đức tính nhân bản và kinh nghiệm thiêng liêng được hòa hợp cách quân bình hoàn hảo. Anh nối kết tình bạn thật là hay và gây ảnh hưởng trên tâm tình họ một cách thật ý tứ, đến nỗi, nhờ cách sống và lời nói dịu dàng đáng mến, anh hăng say lôi cuốn đến với Thiên Chúa tất cả những người mà anh tiếp xúc”.
Thánh Phêrô Favre sinh vào ngày thứ 2 mùa Phục Sinh, ngày 15 tháng 4 năm 1506 ở Villaret, xứ Savoie, trên một vùng cao hùng vĩ của dãy núi Alps. Kế bên con đường đi từ Annecy hướng cảng Petit Bornard chạy đến Villaret, với bên phải là dãy núi Blanc và bên trái là dãy núi Geneva có một cụm nhà bằng gỗ thuộc làng Saint-Jean-de-Sixt, cao hơn mặt nước biển khoảng 2000 mét.
Cha của Favre là Louis Favre và mẹ là Marie Perissin. Cả hai ông bà đều là nông dân nghèo ở vùng Grand-Bornand. Lúc 5 tuổi, Favre đã học giáo lý. Cậu bé Favre thích trò chuyện và luôn chia sẻ tất cả những điều đã được học từ mẹ và cha xứ cho mọi người. Favre thích dạy những điều căn bản trong đức tin Kitô giáo cho bạn bè cùng trang lứa với ngài.
Một tâm hồn cầu nguyện và hiếu học
Tuổi thơ Favre gắn liền với việc chăn cừu trên những cánh đồng yên tĩnh và hoang vắng; điều này đã giúp Favre có được cách cầu nguyện đơn sơ và tự phát. Lúc lên 10, Favre rất hiếu học, vì vậy được cha mẹ gửi đi học tại Thones, một thành phố nhỏ dưới thung lũng. Chẳng bao lâu sau, Favre biết đọc và viết tiếng La-tinh cũng như những kiến thức căn bản về La-tinh. Ở tuổi 12, Favre học La-tinh khá tốt, nên cha mẹ gửi cậu đến trường La-tinh ở vùng Roche, giữa Villaret và Geneva, không xa ngôi làng của Favre lắm. Trường này do linh mục Pierre Veliard, một người có nhiều ảnh hưởng trên giới trẻ, thành lập và điều hành. Favre quý mến thầy giáo của mình là Cha Veliard và đặc biệt yêu thích thánh Bruno, vị sáng lập Dòng Carthusians. Từ nhỏ, Favre đã tuyên một lời khấn đơn về việc sống khiết tịnh.
Một sinh viên thông minh, hiền lành và khiêm tốn
Lúc 19 tuổi, Favre vẫn tiếp tục học ở trường Roche. Favre học một vài phần về Thần học theo Những Luận Đề của Pedro Lombard, đồng thời với việc học tiếng La-tinh. Năm 1522, người anh họ của Favre là Dom Claude Perission nhận chức bề trên nhà dưỡng lão của Reposoir, và năm 1525, với sự giúp đỡ của người anh họ này, Favre đã chuyển lên học ở Paris.
Favre có chiều cao trung bình, dáng vẻ dễ thương và rắn rỏi, râu tóc màu vàng nhạt, nước da trắng. Ngài có lòng trắc ẩn với người khác và rất sùng đạo. Favre tính tình chân thành, khiêm tốn, thánh thiện, dịu dàng và tốt bụng.
Vào dịp lễ Thánh Remigio năm 1527, Favre bắt đầu năm thứ 2 thần học và cũng đang hoàn tất những đề tài nghiên cứu về văn chương xuất sắc của mình. Giáo sư Juan de la Penã nói rằng khi ông có chút nghi ngờ nào liên quan đến học thuyết của Aristotle, ông không biết phải bàn hỏi với ai ngoại trừ Favre, vì cậu rất giỏi tiếng Hy Lạp. Có lẽ đây cũng là lý do tại sao Juan de la Penã yêu cầu Favre giúp đỡ Inhaxio (I-nhã) Loyola trong việc học.
Một người bạn chân thành
Favre là người hay do dự, e thẹn và có cá tính cực kỳ cẩn thận. Cậu là một người sợ phải quyết định hay thay đổi, sợ bị cười chê và có ít bạn. Vì vậy, Favre hơi lưỡng lự và e dè trước đề nghị của giáo sư Juan. Việc giúp đỡ I-nhã về môn triết học tự nhiên và con người thì quá dễ dàng đối với Favre. Tuy nhiên, những cuộc đàm luận mang tính học thuật giữa hai người dần chuyển sang một cách thế khác cao hơn, thiêng liêng hơn, vốn là lĩnh vực mà người sinh viên lớn tuổi xứ Basque trội hơn hẳn cậu giáo viên trẻ đến từ Saboya.
Khi Favre nhận ra I-nhã là món quà của Chúa gửi đến cho mình, Favre đã cởi mở lương tâm với I-nhã, và bắt đầu nói về lời khấn khiết tịnh của mình và về những cám dỗ và những bối rối vốn đã làm cho Favre đau khổ rất nhiều. Thực vậy, về đời sống khiết tịnh, Favre không biết cách điều khiển tính dục, cảm xúc, tình cảm.
Người môn đệ của I-nhã
I-nhã khuyên Favre nên xưng tội chung với tiến sĩ Castro và thường xuyên lãnh nhận các bí tích, xưng tội và tham dự thánh lễ mỗi tuần. I-nhã cũng dạy Favre cách xét mình hằng ngày và thực hành xét mình riêng. Favre quyết định theo I-nhã như một người thầy thiêng liêng.
Nửa cuối năm 1534, sau chuyến đi thăm gia đình, Favre có ước muốn nhận chức thánh. Favre đã làm Linh Thao một tháng dưới sự hướng dẫn cẩn thận của I-nhã, trong một ngôi nhà ở đường thánh Giacôbê ngoại ô Paris. Mùa đông quá khắc nghiệt đến độ nước sông Seine đã đóng băng chỉ trong vòng 8 ngày. Pierre Favre đã không bật lò sưởi, ngủ với áo mỏng và quần ngắn. Favre cầu nguyện ngoài sân phủ đầy tuyết. Khi biết những hình thức hãm mình khổ chế quá đáng của Favre, I-nhã đã buộc Favre phải ngưng lại, phải mặc ấm và ăn uống đầy đủ. Trong tháng linh thao này, Favre tái khẳng định quyết tâm theo I-nhã và cũng quyết định làm linh mục.
Vị tông đồ Linh Thao
Favre chịu chức linh mục vào ngày 24 tháng 5 năm 1534 và Favre dành ra hai tháng để chuẩn bị dâng lễ mở tay. Thánh Lễ mở tay của Favre vào ngày 22 tháng 7 ngày lễ thánh nữ Magdalena. Favre đã khấn sống khó nghèo và đi Đất Thánh cùng với các bạn đầu tiên vào ngày 15 tháng 8 năm 1534 tại Montmartre.
Năm 1537 tất cả nhóm bạn đi xin giấy phép của Đức Thánh Cha cho chuyến hành hương đến Đất Thánh. Sau mùa Phục Sinh Ngài về lại Venice và Vicenza. Khi không đi được Đất Thánh, ngài và I-nhã cùng các bạn đã dâng mình cho Đức Thánh Cha. Năm 1539, ngài được chỉ định phát triển công việc tông đồ tại Parma, sau đó cha Diego Lainez tiếp tục công việc của ngài. Năm 1540, ngài làm việc tại Worms và Espira. Năm 1541, ngài đến Ratisbona và Madrid.
Đầu năm 1541, cả nhóm họp mặt để bầu cử vị bề trên cả đầu tiên, nhưng Pavre đã phải đi sứ vụ. Trước khi đi, Favre đã viết phiếu sẵn và để lại Roma. Phiếu của Favre bầu cho I-nhã với nội dung như sau: “Về vị bề trên cả mà chúng ta sắp tuyên hứa tuân phục, tôi bầu cho cha I-nhã; và nếu ngài chết, xin Chúa thương đừng để xảy ra như vậy, tôi bầu cho cha Phanxicô Xaviê.”[1]
Năm 1542 Ngài rời Barcelona đến Pháp và trở lại Spira. Ngài viết tự thuật với tựa đề “Ghi Nhớ” (The Memorial). Ngài đã giảng dạy Kinh Thánh tại Mainz. Năm 1543, Ngài làm việc tại Colony và Bonn. Năm 1544, sứ vụ của ngài tại Bỉ và Bồ Đào Nha: Évora và Coimbra. Năm 1545, ngài làm việc tại Tây Ban Nha ở các tỉnh Salamanca, Valladolid, Galapaga, Madrid và Toledo.
Năm 1546, ngài được lệnh trở về Roma dự công đồng Trento, khi vừa bình phục sau một cơn bệnh nặng ở Tây Ban Nha. Ai cũng khuyên ngài đừng đi ngay, nhưng ngài trả lời: “Điều quan trọng không phải sống hay chết, nhưng là vâng lời.” Về đến Roma, ngài bị bệnh một tuần và qua đời trên tay cha I-nhã ngày 1 tháng 8.
Có thể nói cuộc đời tông đồ 7 năm của ngài gắn liền với những chuyến đi. Favre được mệnh danh là cánh tay nối dài của Thánh I-nhã. Hầu hết thành quả tông đồ của ngài có được đều nhờ Linh Thao. Thật vậy, trước thực trạng phong trào Tin Lành ngày càng lớn mạnh ở Đức, chỉ sau hơn 20 năm, đa số người Đức đã ngả sang Tin Lành. Nguyên nhân của thực trạng này đối với Pierre Favre là do lối sống bừa bãi và thiếu gương sáng của hàng giáo sĩ. Vì thế, ngài cho rằng “cách duy nhất để sửa chữa là giúp hàng giáo sĩ noi gương Chúa Giêsu.”[2] Ngài xác tín khoa sư phạm Linh Thao là phương thuốc hữu hiệu nhất để hoán cải nội tâm và là cách thế cứu vãn tình hình Giáo Hội ở Đức. Một khi có các linh mục tốt, tình hình sẽ được cải thiện.
Favre cũng dùng Linh Thao để giới thiệu về Dòng Tên. Tại Parma, ngài thâu nhận cha Antonio Criminali, sau này sẽ đi truyền giáo tại Ấn Độ và là vị tử đạo tiên khởi của Dòng. Tại Bồ Đào Nha, ngài thâu nhận cha Luis Gonzalves da Camara, người sau này sẽ chép cuốn Tự Thuật của thánh I-nhã. Đặc biệt ở Đức, ngài thâu nhận thánh Phêrô Canisiô vào Dòng. Trong chuyến đi Louvain, ngài thâu nhận chín tập sinh, gởi tám người đến Coimbra và một đến Kohl. Phêrô Favre có biệt tài thu hút người ta về đời sống thiêng liêng qua những cuộc gặp gỡ riêng. Tâm hồn trong sáng, tính tình khiêm tốn và hiền dịu của ngài có sức thu hút lạ lùng. Phêrô Favre ảnh hưởng đáng kể đến ơn kêu gọi của 3 vị thánh Dòng Tên sau này: thánh Phanxicô Borgia, Phêrô Canisiô và Anphong Rodrigues.
Vị tông đồ hiền lành và khiêm nhường
Người ta kể rất nhiều chuyện cho thấy ngài là một người hiền lành và khiêm tốn. Thí dụ một lần ngài phải giảng ở hoàng cung Bồ Đào Nha, nhưng lính canh thấy ngài ăn mặc bình thường quá, nên không cho ngài vào, vì họ không biết chính ngài phải giảng cho nhà vua. Ngài bình tĩnh đứng chờ, trong lòng tự nhủ: “Biết bao lần tôi đã đóng cửa Chúa Giêsu như vậy!” Một lần khác ngài bị một băng cướp chặn đường và bắt ngài về sào huyệt của họ. Trong 7 ngày sống với họ, ngài đã nói chuyện với họ về Chúa. Cả tên cầm đầu lẫn đồng bọn đều xưng tội và trở về đời sống lương thiện. Cha O’Malley nói: “Ngài rất thương những người lạc giáo cũng như hết mọi người khác.” Chắc chắn đời sống thánh thiện được diễn tả bằng một tình thương chân thành và hiền dịu đã đem lại cho ngài sức mạnh không võ khí nào cự lại được.
Cuốn nhật ký thiêng liêng, mà ngài gọi là Ghi Nhớ (Memorial) cho chúng ta thấy tâm hồn ngài: ít quan tâm đến những tranh chấp, thù hận, khó khăn người khác gây ra cho mình, ngay cả cho Hội Thánh hay Dòng Tên, cũng không bận tâm đến những việc bên ngoài, nhưng tập trung vào những cảm nhận khi đối diện với Thiên Chúa vô hình.
Thánh I-nhã coi Phêrô Favre là người hướng dẫn Linh Thao giỏi nhất trong số những Giêsu hữu đầu tiên. Theo cha G. Guitton, “Tâm hồn của Thánh Phêrô Favre đúng là tâm hồn thời đại chúng ta cần đến: trong sáng và ngay thẳng, không chút quanh co, biết rung cảm trước mọi sự, hoàn toàn thuộc về Chúa, nên cũng biết đồng cảm và hết sức nhân bản.” Thánh Phanxicô de Sales nói: “Ngài mất sớm, nên chúng ta không có nhiều chuyện để kể về ngài. Tuy nhiên, mọi sự trong đời ngài đều như mật ngọt nuôi dưỡng lòng đạo đức.”[3]
Ngài được Đức Thánh Cha Piô IX tôn phong chân phước ngày 5 tháng 9 năm 1872. Và Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh ngày 17 tháng 12 năm 2013 bằng một sắc lệnh đặc biệt “tuyên thánh tương đương” (equivalent canonization). Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về Thánh Phêrô Favre và bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với ngài như sau: “Ngài đối thoại với mọi người, cả những người xa xôi nhất và cả những thù địch của mình; lòng đạo đức đơn sơ của ngài, có lẽ hơi chút ngây thơ, sự ứng trực của ngài, khả năng nhận định nội tâm đầy cẩn trọng, và ngài thực là một con người có khả năng đưa ra các quyết định quan trọng và mạnh mẽ nhưng đồng thời có khả năng hiền hậu, hiền hậu đến thế”.
Biên tập và tổng hợp
(dongten.net 02.08.2015)
—————————–
[1] Hoàng Sóc Sơn, SJ, Đôi nét lịch cử Dòng Tên thời kì khai sinh & phát triển, Antôn & Đuốc Sáng, Montreal, 2007, tr 66.
[2] Hoàng Sóc Sơn, SJ, Sđd, tr. 98.
[3] Hoàng Sóc Sơn, SJ, Bạn Đường Chúa Giêsu, 1997, tr. 13.