Đối với người nào không dung hòa được hai thứ tình yêu này, thì thật là tai hại, vì sẽ lao vào một hoạt động không còn biết tới nguồn gốc thần linh của mình. Xavie đã đi qua thế giới như một nhà chiêm niệm trong hoạt động. Tuy nhiên, ngài chỉ nêu gương chứ không dạy về bổn phận này cách đặc biệt. Dưới mắt ngài, rõ ràng vị tông đồ là một con người hoạt động trong Thiên Chúa. Sứ điệp riêng của Ngài, đó là chỉ duy Thiên Chúa đang hoạt động trong vị tông đồ.
I. CUỘC ĐỜI
Tuổi trẻ đầy hứa hẹn
Phanxicô Xavie (Francisco de Jaso) sinh ngày 7-4-1506 tại lãnh địa Xavie, miền Navarre, nước Tây Ban Nha. Sau khi hoàn tất chương trình học tại Navarre, năm 19 tuổi cậu rời quê hương đi theo học tại đại học Paris. Năm 1529, cậu đậu tú tài, và năm sau đậu cử nhân.
Tương lai sáng lạn mở ra trước mắt Phanxicô, cậu được chọn để dạy triết tại trường Dormans-Beauvais, và theo học thêm sáu năm thần học. Hãnh diện về gia thế, về trí thông minh xuất chúng và về những thành tích đạt được, Phanxicô Xavie chỉ những mơ tưởng đến danh vọng và tiền bạc … nhưng Thiên Chúa đang chờ đợi điều gì khác nơi Phanxicô, Ngài gọi nhân vật đặc biệt ấy qua chàng sinh viên Ignatiô thành Loyola.
Bước đầu đời tận hiến
Phanxicô đã hoán cải vào năm 1533, ba năm sau khi gặp Ignatiô. Mười lăm tháng sau, vào ngày 15-8-1534, cùng với Ignatiô và 5 sinh viên khác, chàng thanh niên ấy giã từ cuộc chạy đua “tìm lời lãi cả thế gian” để tận hiến cho việc phụng sự Chúa bằng lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và tuyên thệ trung thành phục vụ Nước Chúa Kitô. Năm 11-1536, cùng với các bạn, Phanxicô đi Venise. Ngày 24-6-1537, Phanxicô nhận tác vụ linh mục. Kể từ đó, Ngài hăng say đi khắp các thành phố Bắc Ý để rao giảng Lời Chúa, và đến các nhà thương để phục vụ các bệnh nhân.
Bước đường Chúa dẫn dắt
Năm 1540, Dòng Tên được châu phê với số tu sĩ tiên khởi khá khiêm tốn : 9 vị. Nhưng với lời khấn tuân phục Đức thánh cha, các vị đã thừa lệnh Đức Phaolô III đến phục vụ tại nhiều miền trong Giáo Hội. Riêng Phanxicô Xavie thì ở lại làm thư ký cho cha Ignatiô tại Roma. Vào dịp ấy, vị phó vương đang cai trị Ấn độ gửi thư xin đại sứ Bồ đào nha ở Roma gửi những linh mục đạo đức và trí thức tới đây truyền giáo. Phanxicô lòng mừng khấp khởi, hi vọng mình được chọn. Nhưng cha Ignatiô đã gọi hai cha Rodriguez và Bobadilla về để chuẩn bị cho sứ mạng này.
Phanxicô không hề hé môi, ngài lý luận : Rodriguez thì khỏe, Bobadilla tuy đang bịnh, nhưng sẽ bình phục thôi, vả lại vị linh mục này có một nghị lực bất khuất và đức tin sâu sắc. Cha Ignatiô luôn luôn có lý. Hơn nữa, Ấn độ là gì chứ ? Một xứ sở mơ hồ, hoàn toàn xa lạ, với đủ thứ ngôn ngữ và đủ loại thần linh ! Loan báo Tin Mừng ở đây hay ở đó thì nào có khác gì. Cha Ignatiô vẫn nói : dù Giêrusalem hay Đất Thánh mặc lòng không quan trọng, miễn là ở nơi nào ta có thể làm việc để tôn vinh Chúa hơn cả. Thế nên, ở Siennna, Calabre, Ái nhĩ lan, Parmô, Lisbonne hay ấn Độ cũng như nhau, và ở lại văn phòng này thì cũng thế. Đức Phaolô III phái cha Broet đi Sienna, hai cha Laynez và Favre đi Perme; cha Bobadilla đi Calabre; hai cha Codure và Salmeron đi Ái Nhĩ Lan. Cha Ignatiô cử cha Rodriguez đi Sienna. Tuy nhiên lý luận thì lý luận, chứ ước mơ thì vẫn ước mơ : Ấn độ ! Đó là cơ hội tấn công trực tiếp vào vương quốc của ma quỷ mà !
Ơn gọi truyền giáo
Đến giờ chót, cha Bobadilla không thể lên đường vì lý do sức khỏe. Cha Ignatiô chọn Phanxicô để thay thế. “Con sẵn sàng !”. Chỉ cần một tối để chuẩn bị, sáng hôm sau Phanxicô đã rời Roma đi Bồ đào nha, chờ tàu đến Ấn độ. Phanxicô thức đêm khâu vá quần áo. Hành trang của ngài là Thánh giá, sách nguyện và một cuốn sách thiêng liêng. Lúc này là tháng 3-1540.
Lên đường
Phanxicô lên tàu tại Lisbonne vào ngày 7-5-1541. Tuy giữ chức vụ đặc sứ của Nhà Vua và sứ thần Tòa Thánh, Phanxicô muốn xuất hiện như một linh mục nghèo của Chúa Kitô. Bề ngoài, ngài ăn mặc tầm thường. Bề trong, ngài đến đâu cũng muốn lệ thuộc những đại diện của Đức Giáo Hoàng và của nhà vua, ngài đến xin ý kiến của các Giám mục và thống đốc địa phương.
Sau 13 tháng hành trình, Phanxicô đã đến Goa. Vừa đặt chân lên đất liền, Ngài đã lóa mắt vì nhà thờ chính toà nguy nga, nhà thờ lớn nhỏ rải tác khắp nơi, lại có cả một đan viện nữa. Đầy phấn khởi, Ngài viết về cho Ignatiô : “Thành phố Goa đầy người Công Giáo”. Nhưng chỉ mấy ngày sau, Ngài đã thất vọng ê chề. Chỉ đi vài bước trong thành phố là ngài đã gặp những người Bồ Đào Nha vênh váo ngồi trên cáng, bắt những người Ấn độ mình trần khiêng đi. Các phụ nữ Bồ đào nha thì ăn mặc diêm dúa, trang sức lộng lẫy, ung dung vắt vẻo trên kiệu giữa phố, với một đám thổ dân theo sau hầu hạ. Rồi chợ bán nô lệ, những sòng bạc, những quán rượu …
Khuôn mặt Đức Kitô tại đây đang bị bóp méo bởi bàn tay của đám con buôn Tây Phương.
Ngài đã tìm một chỗ ở khiêm tốn gần những người bệnh và nhà thương, rồi đi trình diện Đức Giám Mục sở tại, xuất trình giấy giới thiệu của Đức Thánh Cha và Nhà Vua, cử ngài đến giúp người Bồ Đào Nha, dạy dỗ các tân tòng và đưa người ngoại trở lại, nhưng ngài xin tuân theo mệnh lệnh của Giám Mục địa phương.
Tổng quát hoạt động truyền giáo
Thế là bắt đầu 10 năm sống và hoạt động đầy căng thẳng của Phanxicô, được phân chia ra làm ba giai đoạn truyền giáo chính xen vào đó là những chuyến dừng chân đó đây để lo công việc tổ chức. Mỗi giai đoạn đó kéo dài khoảng hai năm :
– Trên bờ biển Ấn độ (gọi là “de la Pêcherie từ 1542-44)
– Tại quần đảo Moluccas (1545-47)
– Tại Nhật bản (1549-51).
Bốn tháng sau Phanxicô lên đường sang Trung Quốc, ngài dừng chân tại đảo Tam Châu. Tại đây, suốt ba ngày ngài chờ một người Hoa dẫn ngài vào Lục Địa, không hiểu vì sao người đó không đến. Ngày thứ hai 21-11-1552, ngài ngã bệnh. Mọi người thấy ngài luôn luôn kêu danh Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần và lời nguyện : “Lạy Chúa Giêsu, Con Vua Đa Vít, xin thương xót con.” Sáng ngày 28-11, Ngài á khẩu và mê đi, rồi lại tỉnh lại. Ngài đã tất thở vào lúc trước rạng đông sáng thứ bảy 3-12-1552, trong một chòi tranh. Lúc này, Ngài mới chỉ 46 tuổi.
Những chặng đường truyền giáo
Ta có thể tổng kết các chuyến đi của Phan-xicô như sau : từ Lisbonne đến Goa, gần 20.000 km, đi trong vòng 13 tháng; trừ đi 6 tháng trú đông tại Mozambique, ta có 7 tháng đi trên biển, với mức trung bình 85 cây số một ngày. Chuyến đi đến đảo Moluccas dài 15.000 km cần 9 tháng rưỡi đi tàu (53 km một ngày). Đi sang Nhật Bản đường dài 20.000 km, phải mất 10 tháng trên biển (68 km một ngày). Cuối cùng, chuyến đi đến đảo Tam Châu đường dài khoảng 7.000 km, phải mất 2 tháng rưỡi (khoảng 90 km một ngày). Cộng vào 62.000 cây số này, là khoảng 15.000 cây số đi dọc theo bờ biển Ấn độ trong thời gian 13 tháng. Như thế, trên tổng số 11 năm 8 tháng kể từ khi thánh Phanxicô rời Lisbonne cho đến khi ngài qua đời, ngài đã đi tàu trong vòng 3 năm 7 tháng, với tổng số đường dài 80.000 km, tức trung bình một ngày đi được 60 cây số. Vậy cứ ba ngày thì Xavie sống trên biển một ngày.
Đường lối hoạt động
Quả thật, Phanxicô đã tận dụng thì giờ và sức lực, với những phương tiện yếu kém thời ấy. Khi mới đến Goa, Ngài đã bắt tay ngay tức khắc vào các hoạt động nhân đạo : thăm viếng các bệnh nhân, các người phong cùi và các tù nhân. Ngài lắc chuông trên các nẻo đường để tập họp trẻ em lại mà dạy giáo lý. Ngài xuống miền Nam Ấn Độ để giảng cho dân thuyền chài đã được rửa tội nhưng giáo lý còn sơ sài. Để bài trừ nạn rượu đế, ngài bày cho họ thử uống thứ rượu dừa nhẹ hơn. Năm 1544, ngài đến Sri-Lanca. Tại đây, vì đám thương gia Bồ Đào Nha cản trở, Ngài không thu hoạch được kết quả bao nhiêu. Tại Nam Dương quần đảo, ngài chọn nơi có người hung dữ, thích ăn thịt người, ngài tìm đến mong cứu linh hồn họ. Năm 1547, đang ở Malacca, Ngài gặp một người Nhật xin học đạo và xin chịu phép rửa rội. Qua trung gian của ông, ngài quyết tâm sang Nhật Bản để loan báo Tin Mừng. Sau khi đã sắp đặt xong công việc của Dòng tại Ấn độ, Ngài xuống một thuyền buôn ngoại giáo và vào ngày 15-8-1549, Ngài đặt chân lên thành Kagosima trên đảo Kiusiu của Nhật Bản. Được ít lâu, người Nhật đã cật vấn : Tại sao Trung Quốc từ xưa tới nay vẫn cung cấp cho Nhật nhiều điều hay lại chưa chịu theo đạo ? Phanxicô liền chọn hướng truyền giáo tại Trung Hoa. Nhưng Chúa đã muốn cho vị tông đồ được an nghỉ.
Vỏn vẹn hơn 10 năm trời, Phanxicô đã di chuyển gần trăm ngàn cây số, coi thường cái chết khi đến với dân man di Alfourous, và đã đặt những nền móng vững chắc cho Giáo hội tại miền Đông Á. Hành trình của Phanxicô đã trở thành di sản chung của nhân loại như những cuộc chinh phục của Alexandre đại đế và của Christophe Colomb tìm ra Mỹ Châu vậy.
II. SỨ ĐIỆP THÁNH PHANXICÔ CHO CHÚNG TA HÔM NAY
Truyền giáo : làm chứng bằng đời song
Thần học về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, thánh Phanxicô Xavie đã không viết ra, nhưng ngài đã sống. Tuy nhiên châm ngôn ngài thương xuyên nhắc nhủ các vị hoạt động truyền giáo là : chỉ một mình Thiên Chúa là tất cả. Người tông đồ chẳng là gì cả, và chẳng làm được gì cả.
Thánh Phanxicô đã diễn tả Thiên Chúa ra theo cách thức của ngài. Trong dàn nhạc hòa tấu của Thiên Chúa, thánh Phanxicô có nốt nhạc riêng. Ngài có một tính khí đam mê, đó là gia tài của thời đại, của quê hương Tây Ban Nha và của dòng họ mình, biểu hiện bằng những thái quá xuyên qua các nhân đức của ngài.
Thánh Phanxicô sống vào thời đại khá giống thời đại chúng ta, thời đại của những khám phá lớn lao và của cuộc phát triển không ngừng trong mọi lãnh vực. Các lục địa mới được khám phá đã thu hút tinh thần của ngài, khiến ngài cảm thấy sâu sắc tính cấp bách của bổn phận truyền giáo. Tại sao người ta không quan tâm mang ánh sáng Phúc âm đến để lôi kéo các linh hồn khỏi vương quốc tối tăm của Satan ? Tình cảnh túng quẫn của nhân loại thúc bách Ngài, nhưng tình yêu của Đức Kitô cũng thúc bách Ngài. Đối với người nào không dung hòa được hai thứ tình yêu này, thì thật là tai hại, vì sẽ lao vào một hoạt động không còn biết tới nguồn gốc thần linh của mình. Xavie đã đi qua thế giới như một nhà chiêm niệm trong hoạt động. Tuy nhiên, ngài chỉ nêu gương chứ không dạy về bổn phận này cách đặc biệt. Dưới mắt ngài, rõ ràng vị tông đồ là một con người hoạt động trong Thiên Chúa. Sứ điệp riêng của Ngài, đó là chỉ duy Thiên Chúa đang hoạt động trong vị tông đồ.
Thiên Chúa, linh hồn của việc truyền giáo
Thánh Phanxicô đã học biết điều đó ngay từ ngày ngài hoán cải ; nhưng qua kinh nghiệm hoạt động, niềm xác tín ấy trở thành một sứ điệp để truyền đạt. Người ta kể lại rằng, khi ngỏ lời với một đệ tử, thánh Phanxicô đã thẳng thắn thóa mạ “dư luận” (opinion), từ ngữ Ngài dùng để chỉ sự lo lắng cho danh tiếng riêng mình và cố tạo dư luận tốt trước mắt người đời. Ngài nói : “Hỡi dư luận, ngươi đã làm biết bao nhiêu sự xấu cho chúng ta.” Cho đến cuối đời, ngay khi ở trên đảo Tam Châu, Ngài vẫn lặp lại sứ điệp của Ngài. Một tác giả đã mô tả như sau : “Ngài giống như một người có nghề rung chuông cấp báo cứ tiếp tục lắc chuông trên một bờ biển hoang vắng, rồi phó mặc cho làn gió đưa các lời cảnh giác đi đến tận cùng thế giới, Ngài cứ lặp đi lặp lại không ngừng : Vâng phục ! Khiêm nhường ! Vâng phục ! Khiêm nhường ! “
Để nghe được những tiếng kêu báo động này, cần phải hiểu biết con tim của người đang kêu. Khi lặp đi lặp lại rằng mọi điều thiện hảo đều do Thiên Chúa thực hiện, còn từ con người chỉ tuôn ra tội lỗi, thánh Phanxicô không hề muốn xúc phạm đến hoạt động của con người, ngài không muốn giảm thiểu bản chất của tự do ; nhưng ngài đang mạnh dạn cương quyết bảo vệ vinh quang Thiên Chúa. Điều ngài e sợ, là sợ vị tông đồ chỉ lo chinh phục một thứ quyền hành nào cho riêng mình thay vì cho Thiên Chúa ; ngài sợ rằng, vì tìm cách duy trì quyền hành và sự tín nhiệm của người đời, các vị ấy đang xây nhà trên cát ; ngài sợ rằng nhịp đập trái tim của các vị tông đồ ấy tìm đến những người có giàu có thế lực thay vì đến với những người nghèo. Đấy là những điều Phanxicô luôn lo ngại. Bởi vì Ngài muốn xây dựng người tông đồ trên nền tảng không thể chuyển lay là Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Duy mình Thiên Chúa có sáng kiến, duy mình Thiên Chúa hoạt động và duy mình Thiên Chúa làm cho các ân huệ của Người sinh hoa kết quả.
Tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa
Để nắm bắt được cách thâm thúy rằng Thiên Chúa là tác giả duy nhất làm ra tất cả mọi điều thiện hảo, vị tông đồ phải để cho Chúa đưa mình xuống tận đáy của sự hư vô của mình. Từ vực thẳm ấy, sẽ trào dâng lên tiếng kêu diễn tả lòng tín thác tuyệt đối. Nơi người hoạt động tông đồ, sự nhận biết ấy trước tiên không thể là kết quả của một sự chú tâm đến mình, điều ấy hẳn sẽ làm cho họ lạc xa khỏi ơn gọi truyền giáo, là hoa trái của một sự sẵn sàng tận căn và thường xuyên.
Người ta không chinh thể phục đức khiêm nhường, người ta nhận nhân đức ấy từ bàn tay của Thiên Chúa. Bí quyết chính, không phải là tìm xem phải hoạt động gì cho bằng để Thiên Chúa hướng dẫn mình nên làm gì, là sẵn sàng thay đổi, là dám khởi sự hoạt động mới tùy theo những biểu lộ luôn luôn mới mẻ của Thiên Chúa. Đây không phải là sự bất động ỷ lại, nhưng là đáp trả mọi dấu chỉ cho thấy ý muốn của Chúa, dưới bất cứ dạng thức nào mà ta nhận ra : qua những biến cố, những đòi hỏi của người lân cận hoặc những yêu cầu của Thần Khí, và trên hết mọi sự là đức vâng phục. Vì vậy, vấn đề trước tiên không phải là chọn một hình thức hoạt động nào đó, mà là có thể thẩm thấu trước bất cứ dấu hiệu nhỏ bé nào, linh động vào mỗi khoảnh khắc, nếu đó là sáng kiến đến từ Thiên Chúa. Như thế sự tin tưởng vào mình đã bị phá hủy tận căn : khác với những con người hoạt động theo kiểu con cái của trần gian, vị tông đồ không chắc về mình cho bằng chắc chắn về Chúa. Khi đó có thể nói Chúa thế chỗ cho họ, họ được Thiên Chúa bao bọc.
Nhận rõ giới hạn bản thân
Vậy vị tông đồ có hoạt động. Nhưng ngay từ đầu, hoạt động người ấy đã bị những hạn chế của bản thân mình không ngừng làm cho lệch lạc rồi. Canh chừng những thiếu sót ấy, chính là tích cực khám phá ra sự yếu đuối của mình, cộng thêm vào cảm thức với tư cách tạo vật hiểu biết về sự bần khốn của mình, nhờ đó gia tăng cường độ của tiếng gọi tín thác phát xuất từ đáy tâm hồn. Sự canh phòng ấy không làm họ co quắp lại trên chính mình, mà biết chú ý đến thực tại mà Chúa đặt mình dưới mắt mình.
Vậy “linh đạo” của người tông đồ không hệ tại việc làm một số việc nào trước hết, mà đầu tiên cần có một nỗ lực uốn nắn bản thân theo chính đời sống của Thiên Chúa. Chúa đào luyện các tông đồ của Ngài theo dòng lịch sử : Tất cả những gì Chúa thực hiện, đều biểu lộ qua lịch sử và cuộc sống. Vị tông đồ phải chú ý để bước đi cùng nhịp với Ngài. Người ấy biết rằng trước khi mình chết, mình sẽ chưa đạt tới sự thanh luyện cuối cùng ; do đó người ấy đón nhận các thử thách như những bài tập, được tình yêu từ phụ của Thiên Chúa gửi đến.
Lần lượt, tùy theo nhịp độ của Thiên Chúa, vị tông đồ sẽ thấm nhuần hai tâm tình bề ngoài có vẻ mâu thuẫn nhau :
* Có khi người ấy phải đấu tranh chống lại một kẻ thù rõ ràng : người ấy thấy dường như chỉ có thể an toàn tránh khỏi cuộc xung đột nếu từ chối sáng kiến; bằng không, sẽ là phạm thánh và tục hóa, sẽ là hoạt động thay thế Thiên Chúa. Vậy bằng mọi giá, người ấy dám giã từ thứ hoạt động mà mình cảm thấy tự căn bản là khác ý Chúa ; khi đó, tìm Chúa trong hoạt động tông đồ thôi không đủ. Nỗi sợ hãi hoạt động xâm lấn người ấy đến nỗi trào dâng lên trong lòng họ, không do một qui luật nào cả, mà là như hoa trái của kinh nghiệm nội tâm, nhu cầu khôn nguôi được tìm gặp lại Chúa trong thinh lặng tuyệt đối và kinh nguyện của những đầy tớ vô dụng.
* Có khi Thiên Chúa lại ở với người ấy hiển nhiên đến nỗi người ấy không còn nhận ra mình nữa và hoạt động của người ấy dường như là một cuộc hiển linh của Thiên Chúa. Niềm vui bung ra từ một con người đã được thay đổi. Tạ ơn Thiên Chúa vì ở trong Chúa Kitô, Người đang dẫn chúng ta đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác và nhờ chúng ta, Người đổ chan hòa khắp nơi hương thơm của sự hiểu biết về Người.
“Vậy còn phải nói thêm gì nữa ? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta ? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng không tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta ?…Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? Như có Lời Kinh Thánh chép” Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh” Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thằng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dù là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thụ tạo nào, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,31-39)
LỜI NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa đã sai Thánh Phanxicô đi rao giảng để kêu mời các dân tộc Á Châu đón nhận Tin Mừng. Xin cho các tín hữu được nhiệt thành truyền giáo như thánh nhân và cho Giáo hội được hân hoan đón nhận nhiều con cái. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con . Amen
Lm PX. Đào Trung Hiệu OP