Thánh Phanxicô gặp gỡ người Islam – Một khởi đầu ý nghĩa cho đối thoại liên tôn

thanh phanxico gap go nguoi islam mot khoi dau y nghia cho doi thoai lien tont 1 1024x596 - Thánh Phanxicô gặp gỡ người Islam - Một khởi đầu ý nghĩa cho đối thoại liên tôn

Nét mới của PHANXICÔ không phải là truyền giáo cho lương dân, nhưng là tìm cách đem Chúa Kitô và Phúc Âm đến với người Islam, là nhóm người đang bị thế giới phương Tây nhìn bằng một cái nhìn thù nghịch.


Phanxicô gặp Sultan – Họa phẩm của Giotto

Dẫn Nhập

Trong lịch sử Giáo hội, Luật Dòng Anh em hèn mọn là bản Luật Dòng tu đầu tiên chứa đựng những quy định về việc các tu sĩ đi rao gỉảng Tin Mừng cho lương dân. Điều đáng chú ý là Thánh Phanxicô (1181-1226) nhắc tới “người Islam và những dân ngoại khác” (x. Lksd 16,1-21; L 12,1-2) [1]. Như vậy, Ngài quan tâm ưu tiên tới người Islam. Nêu lên sự kiện này, không có nghĩa muốn nói rằng Dòng Anh Em Hèn Mọn là Hội Dòng đầu tiên gửi tu sĩ đi truyền giáo cho lương dân. Các Hội Dòng khác, như Dòng Thuyết giáo của Thánh Đaminh, đồng thời với Thánh Phanxicô, đã đóng góp rất nhiều trong việc truyền bá đức tin cho dân ngọai. Và trước thời hai vị thánh tổ phụ của hai Hội Dòng “hành khất” lớn nhất của Giáo Hội thời Trung Cổ, thì chính các đan sĩ Dòng Biển Đức (từ thế kỷ VI) đã là những nhà thừa sai, truyền giáo cho các dân ngọai của châu Âu, nhất là Bắc Âu. Vì thế, vào năm 1964, ĐGH Phaolô VI tôn phong Thánh Biển Đức là “Quan Thầy” của Châu Âu, vì thánh nhân đã mang đến cho châu lục này sự tiến bộ Kitô giáo bằng “Thập giá, quyển sách và lưỡi cày” [2], với châm ngôn ”Ora et Labora”, “Cầu nguyện và Lao động”, trong đó cầu nguyện và đời sống tu trì được biểu trưng bởi “Thập Giá”, còn “quyển sách và lưỡi cày” là biểu tượng của lao động trí óc và lao động chân tay. Nét mới của PHANXICÔ không phải là truyền giáo cho lương dân, nhưng là tìm cách đem Chúa Kitô và Phúc Âm đến với người Islam, là nhóm người đang bị thế giới phương Tây nhìn bằng một cái nhìn thù nghịch. Để thấy rõ hơn nét mới ấy, chúng ta nên nhìn PHANXICÔ trong bối cảnh tôn giáo, chính trị và xã hội của thời đại ngài.

Phần I. Làn sóng Islam

1. Vào năm 313 Constantinô Đại đế ký chỉ dụ Milanô chấm dứt ba thế kỷ Kitô giáo bị đế chế La mã bách hại, và công nhận Kitô giáo là quốc giáo. 

Già một thế kỷ sau đó, khi Thánh Augustinô thành Hippôn qua đời (354- 430), Kitô giáo đã lan tràn khắp nơi chung quanh bờ Địa Trung Hải, và chỉ riêng vùng Bắc Phi đã có tới 600 Giáo phận Công giáo. Thế rồi xuất hiện Mahômét (570?- 632), người sáng lập đạo Hồi vào năm 622, tạo ra một làn sóng mang tính chất tôn giáo, chính trị và quân sự, đã nhanh chóng làm thay đổi bản đồ tôn giáo của châu Phi, châu Âu và châu Á. Bằng phương tiện “thánh chiến” (jihad), làn sóng Islam bành trướng như vũ bão và sau non một thế kỷ, đã làm chủ từ Tây Bắc châu Phi đến miền Bắc Ấn Độ. Giêrusalem và Palestina bị chiếm rất sớm, vào năm 637. Bành trướng tới đâu, thì các lực lượng chinh phục thiết lập các định chế Islam tới đó, dẫn đến sự hủy diệt toàn bộ Kitô giáo tại chỗ, bằng chứng là tất cả 600 tòa Giám mục Công giáo đã biến mất khỏi Bắc Phi, quê hương của Thánh Augustinô. Châu Âu bị tấn công từ hai phía: tại Constantinople bên Đông và tại mõm Gibraltar bên Tây. Phía Đông cầm cự lâu dài (đế chế Byzance đánh thắng quân Islam năm 678 sau 5 năm bị họ vây hãm, và thắng họ một lần nữa vào năm 718), còn Gibraltar thất thủ vào năm 711 và đoàn quân Ả rập tràn vào Tây Ban Nha. Từ đó họ xâm nhập vào nước Pháp bằng những cuộc đột kích chớp nhoáng. Năm 732 đoàn quân Islam Ả rập, mà người Pháp gọi là “les Maures” (tiếng Anh là the Moors), bị đánh bại tại Poitiers (miền Trung Tây nước Pháp) bởi đoàn kỵ binh của Charles Martel. Quân Maures rút về Tây Ban Nha. Tại đây chỉ một vài tỉnh miền núi còn giữ được nền độc lập, và đó là căn cứ địa làm bàn đạp cho các Kitô hữu để dành lại từng thành phố Tây Ban Nha khỏi tay người Maures, nhưng cuộc chiến đấu dành độc lập ấy đã kéo dài 7 thế kỷ, đến năm 1492 mới giải phóng xong thành phố cuối cùng là Granađa [3].

2. Cuộc đời thánh PHANXICÔ nằm gọn trong thời đại “Thập tự chinh” (Croisades, Crusades).

2.1. Thập tự chinh là một phản ứng tự vệ của thế giới Kitô giáo, một hiện tượng lịch sử kéo dài 195 năm (từ 1096 đến 1291), ngót hai thế kỷ. Phía các Kitô hữu phương Tây luôn tạo thành một khối liên minh giữa hàng quý tộc lãnh đạo của những nước lớn như Pháp, Anh, Đức, Hungary và “Quốc gia của Đức Giáo hoàng” (nằm ở miền trung Ý), mà thường là Pháp đóng vai chủ chốt, nhưng luôn luôn do sự điều động của các Đức Giáo hoàng. Ý tưởng liên minh đã có từ hồi năm 1086, khi vua Alphonse VI của vương quốc Castilla ở bán đảo Tây ban Nha kêu gọi các nước Kitô giáo phương Tây tiếp tay với ông để phản công lại đòan kỵ binh Almoravides tinh nhuệ đến từ Maghreb miền Tây Bắc châu Phi tăng cường cho lực luợng quân Maures. Các nước đã hưởng ứng, đã liên minh với nhau, nhưng không thắng nổi quân đội Islam cũng liên minh với nhau từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Như vậy, đối với lương tâm tập thể của thế giới Kitô giáo thời Trung Cổ, Thập tự chinh là cuộc chiến tranh giải phóng. Cuộc liên minh năm 1086 nhằm giải phóng nước Tây Ban Nha công giáo khỏi ách đô hộ của quân xâm lược Islam Ả rập có thể coi như là một cuộc tập dượt tiền Thập tự chinh. Tiếp đến, vào năm 1095, hoàng đế Byzance gửi lời cầu cứu tới Đức Giáo hoàng Urbanô II, thế là bốn đạo quân Thập tự chinh đầu tiên của thế giới Kitô giáo phương Tây tiến sang Cận Đông, tìm cách giải tỏa áp lực của khối Islam Thổ nhĩ kỳ trên thủ đô Constantinople của đế chế Byzance Chính thống giáo, và đi giải phóng Mộ Chúa tại Giêrusalem.

2.2. Khi PHANXICÔ chào đời năm 1181 (hoặc 1182), Giáo Hội Công giáo phương Tây đã tiến hành hai cuộc Thập tự chinh lớn và sẽ thực hiện thêm ba cuộc Thập tự chinh lớn khác nữa trong đời PHANXICÔ, trên tổng số tám cuộc Thập tự chinh diễn ra trong vòng hai thế kỷ.

2.2.1. Cuộc Thập tự chinh thứ nhất vào năm 1096-1099, đã giải phóng đuợc Giêrusalem, tái chiếm Ngôi Mộ Chúa vào năm 1099 và thành lập Vương quốc Pha Lang (Royaume franc, mà người Đại Việt thế kỷ XVII phát âm thành Hoa lang), cũng gọi là Vương quốc La tinh (Royaume latin) tại Giêrusalem (1099-1291). Song song với cuộc Thập tự chinh bằng quân lực, cũng diễn ra một cuộc Thập tự chinh bình dân gồm những giáo dân đạo đức, nhiệt thành, hăng say đi chiến đấu vì muốn hưởng ơn toàn xá và cả ơn tử vì đạo nữa, nhưng đã kết thúc một cách thảm hại.

2.2.2. Cuộc Thập tự chinh thứ hai (1147-1149) do Thánh Bênađô (1090-1153) vận động vào tháng 3/1146 bằng những bài giảng hùng hồn và nảy lửa tại Vézelay (khoảng 150 km về phía Đông Nam Paris), cuối cùng gặp thất bại hoàn toàn.

2.2.3. Cuộc Thập tự chinh thứ ba (1189-1192) diễn ra khi PHANXICÔ bắt đầu có tuổi khôn (7 đến 10 tuổi), hiểu biết phần nào chuyện thời cuộc, nhất là khi lắng nghe một cách thích thú các bài ca, do những “ca sĩ hát rong” (troubadours) xướng lên để ca ngợi tinh thần dũng cảm của những hiệp sĩ Thập tự chinh, như vua nước Anh Richard Coeur-de-Lion (vua Richard Hùng Tâm Dũng Chí bất khuất như sư tử), bên cạnh những bài ca kinh điển ca ngợi thành tích của Vua Arthur và các Hiệp Sĩ Bàn Tròn. Cuộc chiến thứ ba này chỉ tái chiếm được hải cảng Saint-Jean d’Acre ở Syria, nhưng thất bại trước ngưỡng cửa Giêrusalem. Vương quốc La tinh đã mất thủ đô Giêrusalem vào tay vua Islam, Sultan Salađin năm 1187 và chỉ tồn tại èo uột bên lề đế quốc Islam đang lớn mạnh này, mặc dầu các Hội Dòng Hiệp sĩ, như “Dòng Đền Thờ” (Templiers), “Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh” (Chevaliers du Saint Sépulchre), Dòng Hiệp sĩ Thánh Gioan” (Chevaliers de saint Jean), “Dòng Bệnh Viện” (Hospitaliers)… đã dấn thân cách anh dũng trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù, và trong việc phục vụ khách hành hương đến từ phương Tây.

2.2.4. Đối với cuộc Thập tự chinh thứ tư (1202-1204) do ĐGH Innocentê III chủ xướng và các lãnh chúa của nước Pháp liên minh với vị Thống lĩnh Cộng hòa Venise thực hiên, chắc chắn chàng trai PHANXICÔ ở tuổi 21- 23 đã quan tâm theo dõi một cách háo hức. Cuộc Thập tự chinh này là một thảm họa khủng khiếp, không những bôi đen uy tín của vị Giáo hoàng vĩ đại, mà nhất là đã tạo ra một vết thương lớn cho Giáo Hội Chính thống Đông phương và làm cho hố ngăn cách giữa hai Giáo hội Đông Tây, vốn đã ra vạ tuyệt thông lẫn nhau vào năm 1054, nay càng tỏ ra không thể hàn gắn nổi. Đạo quân phương Tây, thay vì trực chỉ Giêrusalem để giải phóng Mồ Chúa, đã dừng lại ở Constantinople, vây hãm và tàn phá nó thê thảm, bằng chém giết, cướp bóc, hãm hiếp, hôi của và xúc phạm những thánh điện của các Kitô hữu Chính thống. Một đế chế Latinh được thành lập tại Constantinople, kéo dài đến năm 1261. Tai tiếng đầy ô nhục lan nhanh về châu Âu. ĐGH Innocentê III, một con người có đầu óc thực dụng, vẫn tiếp tục thúc đẩy cuộc chiến tranh chống lại đế chế Đức ở miền Nam Ý. Ngài tuyên bố: cuộc chíến tranh này cũng là Thập tự chinh, và ngài chúc lành cho tất cả các Thập tự binh tình nguyện tòng quân dưới quyền tư lệnh của Gauthier de Brienne để làm sáng danh Thiên Chúa và mang lại chiến thắng cho Giáo hội [4]. Chàng trai PHANXICÔ lên đường đi dự chiến vào mùa xuân 1205, theo đuổi mộng công danh, vì muốn trở thành một hiệp sĩ Thập tự chinh ở nội địa. Chính sự can thiệp của Thiên Chúa qua một giấc chiêm bao và một tiếng nói trong nội tâm PHANXICÔ đã thay đổi định hướng của chàng thanh niên con nhà giàu háo danh này.

Phần II. Kinh nghiệm Thập tự chinh của PHANXICÔ

Trong những bước đầu tiên đánh dấu cuộc hóan cải của PHANXICÔ, giấc chiêm bao về một lâu đài đầy binh khí và cuộc đối thoại với tiếng nói huyền bí, mang một ý nghĩa và tấm quan trọng đặc biệt, nên cần được phân tích kỹ lưỡng.

1. Trước tiên các truyện ký đều ghi nhận rằng PHANXICÔ là một chàng thanh niên con nhà giàu, háo danh. 

1.1. Khi bị cầm tù tại Pêrugia năm 1202 trong cuộc chiến tranh giữa thành phố này với Assisi, PHANXICÔ đã từng tuyên bố với các bạn tù: “Các bạn nghĩ gì về tôi hả? – sau này cả thế gian thiên hạ sẽ kính nể tôi” (x. Khuyết danh Pêrugia = kdp 4; 2 Cel 4). Sau giấc chiêm bao về lâu đài chứa đầy vũ khí, PHANXICÔ tràn ngập niềm phấn khởi, lên đường hướng về Pulia để lập thành tích và được phong hiệp sĩ. Chàng đã trả lời những người ngỡ ngàng trước niềm vui khác thường của chàng: “Tôi biết, tôi sẽ trở thành một ông hoàng lớn” (x. 3NB, 5; Kdp 5d; 2 Cel 6).

1.2. Vì vậy, tư thế con nhà giàu là một bàn đạp vững chắc cho chàng trai PHANXICÔ háo danh nhảy lên vũ đài vinh quang của giới hiệp sĩ. Điều này đã có một quá trình lịch sử: Vào năm 1198, thừa cơ lúc quân lính của đế quốc Đức rút khỏi pháo đài La Rocca, giai cấp “bình dân” (minores homines) của Assisi, trong thực tế đó là giai cấp “trung lưu” gồm giới thương gia đang vươn lên và các giới thủ công nghiệp (không bao hàm giới nông dân sống bên ngoài thành phố và những người nô lệ!), kéo lên đập phá pháo đài, biểu tượng của đế chế ngọai bang, lấy đá xây tường thành, và thành lập chế độ “Công Xã”, có Nghị Viện do giai cấp “trung lưu” được giới thương gia lãnh đạo, bầu lên. Giới “thượng lưu” (boni homines hoặc majores, có thể hiểu như là “những thiện nhân hoặc đại nhân, quân tử”, trong đó có gia đình của Clara) bị chống đối, nên lần lượt di tản sang Pêrugia, cách Assisi khoảng 15km, để tính kế phục thù và hồi hương [5]. Vì giới thượng lưu, vườn ươm của các hiệp sĩ, đã phải rời Assisi, nên không còn ai là hiệp sĩ để chu toàn các nghĩa vụ của hệ thống phong kiến (ví dụ để tòng quân tham chiến nhằm ủng hộ Đức Giáo hoàng chống lại đế chế Đức), thế nên Nghị Viện thành phố quyết định kêu gọi những quý tử của các gia đình giàu có tình nguyện nhập ngũ với triển vọng được phong hiệp sĩ, nếu gia đình có đủ tiền sắm cho con mình chiếc áo giáp, một chiến mã và khí giới kỵ binh [6]. PHANXICÔ thuộc nhóm “ứng viên hiệp sĩ hãnh tiến” này và ông bố Pietro Bernadone rất hãnh diện về cậu con trai trưởng của mình, vừa bặt thiệp trong nghề buôn bán, vừa hào hoa phong nhã trong giao tế. Ông tạo điều kiện tối ưu cho con mình thăng tiến, và qua đó thăng tiến chính gia đình ông. Vào năm 1205, hòa ước được ký kết giữa Pêrugia và Assisi, theo đó các tù binh thuộc giới trung lưu của Assisi được trả tự do (riêng PHANXICÔ đã được bố bỏ tiền ra chuộc về trước đó một năm rồi, vì cậu ấm ngã bệnh), và Nghị Viện Assisi phải chấp nhận cho các gia đình thượng lưu đã di tản được hồi hương và nhận lại tài sản của minh, còn giới trung lưu Assisi thì được quyền có tiếng nói về các vấn đề liên quan tới đời sống thành phố qua các đại biểu do họ bầu chọn [7]. Hòa ước này chỉ củng cố thêm cho kế hoạch của hai bố con PHANXICÔ.

2. Từ ước mơ làm hiệp sĩ quân sự đến ơn gọi làm hiệp sĩ tâm linh

Cho đến mùa xuân năm 1205, PHANXICÔ thực sự là một chàng thanh niên con nhà giàu, háo danh, đã đáp lại lời kêu gọi của ĐGH Innocentê III, tình nguyện tòng quân dưới quyền tư lệnh của Gauthier de Brienne, một Bá Tước người Pháp [8], với tham vọng được phong hiệp sĩ, thậm chí trở thành một “ông hoàng lớn”. PHANXICÔ hiểu rất rõ chiến dịch chàng tham gia là một cuộc Thập tự chinh nội địa, song song với cuộc Thập tự chinh hải ngọai, mà có lẽ các tin tức về kết cục đáng xấu hổ của nó chưa thấu tai PHANXICÔ và người đồng hương vào đầu năm 1205, nhưng trước sau gì rồi mọi người tại châu Âu cũng phải biết. Vậy điều gì đã xảy ra với PHANXICÔ tại Spoleto vào một đêm mùa xuân năm ấy?

2.1 Chúng tôi dựa trên 5 nguồn, nghĩa là 5 truyện ký kỳ cựu về cuộc đời Thánh PHANXICÔ xếp theo thứ tự thời gian (có ghi luôn quy chiếu chính xác cho đề tài đang bàn), đó là: Hạnh Thánh PHANXICÔ quyển thứ nhất do Celanô viết (1 Cel 5); Khuyết danh Pêrugia (Kdp 5-6); Ba Người Bạn (3NB 5- 6); Hạnh Thánh PHANXICÔ quyển thứ hai do Celanô (2 Cel 6); và Đại Truyện của Thánh Bonaventura (ĐT 1,3) [9].

2.1.1 Cả năm tư liệu nguồn vừa nêu đều kể lại cuộc chiêm bao của PHANXICÔ thấy một lâu đài đầy ắp khí giới của các hiệp sĩ, và nghe một lời hứa sẽ ban khí giới ấy cho PHANXICÔ và các hiệp sĩ (hoặc các chiến sĩ) của chàng. Riêng 1 Cel, được viết ra sớm nhất, vào năm 1228, không kể lại cuộc đối thọai với tiếng nói huyền bí tiếp theo sau giấc chiêm bao (nên phân biệt tiếng nói huyền bí: ”Ai có thể giúp anh nhiều hơn, Đấng làm chủ hay kẻ làm tôi?” với lời hứa trong giấc chiêm bao về lâu đài!), vì lúc đó Celanô suy nghĩ rằng PHANXICÔ tự cảm thấy mình không còn bị cuốn hút bởi mộng công danh này như trước nữa, nên đã tự quyết định bỏ cuộc, không đi Pulia nữa, mà trở về Assisi ngay. Tác giả J.H. Smith [10] xem ra hài lòng với cách trình bày của 1 Cel và coi việc các tài liệu được viết ra sau đó kể lại cuộc đối thọai giữa PHANXICÔ với tiếng nói huyền bí là không cần thiết. Thực ra khi Anh Tôma Celanô viết quyển hạnh thứ nhất (1 Cel) thì anh chưa có đầy đủ trong tay chứng từ của những Anh em đầu tiên đã sống sát cánh với Thánh PHANXICÔ như được ghi lại trong Kdp và 3NB, thành ra truyện ký của anh còn nhiều thiếu sót, mà anh sẽ cố gắng lấp đầy khi viết hạnh thứ hai (2 Cel) vào năm 1247. Trong 2 Cel 6, chúng ta tìm thấy hai câu chuyện về lâu đài đầy vũ khí và về cuộc đối thọai của PHANXICÔ với tiếng nói huyền bí được kể lại đầy đủ như trong Kdp 5- 6 và 3NB 5- 6. Ông Smith có những suy nghĩ riêng của ông, khi dựa vào 1 Cel 5 để lọai bỏ tiếng nói huyền bí tại Spoleto; và dựa vào 1 Cel 8 (và cả Kdp 7b- c- d nữa)để lọai bỏ tiếng nói của Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh tại San Damiano [11].

Nhưng chúng tôi theo quan điểm truyền thống, dựa trên chính quan điểm của Celanô, dùng Hạnh thứ hai (2 Cel) bổ sung cho Hạnh thứ nhất (1 Cel), và làm như thế là trân trọng tất cả các tư liệu nguồn. Và theo cả 5 tư liệu ấy, kể cả 1 Cel, thì PHANXICÔ đã trải qua một sự chuyển biến nội tâm, đi từ tham vọng rất trần tục muốn trở thành một hiệp sĩ quân sự vẻ vang, giàu có, đến quyết định, do ơn Chúa thúc đẩy, trở nên một hiệp sĩ tâm linh, thực hiện một cuộc Thập tự chinh tâm linh. Thật vậy, theo 1 Cel 5, vào lúc đó, PHANXICÔ “vẫn hòan tòan chưa hiểu trọng trách từ trời ban xuống cho mình…”, nhưng “linh kiến về vũ khí xảy ra vào ngay lúc khởi đầu sự nghiệp, quả là một điềm báo tuyệt diệu: việc trao khí giới rất thích hợp với một trang dũng sĩ (miles có thể hiểu đồng nghĩa với “hiệp sĩ”) sắp phải giao chiến với kẻ mạnh hơn và vũ trang đầy đủ (x. Lc 11,21). Như một Đavít mới, nhân danh Chúa, Thần các đạo binh (x. 1 Sm 17,45), ngài sẽ giải thoát Israel khỏi tay địch thù vẫn hằng ức hiếp”. Với những kiểu nói bóng bảy, Celanô, vào năm 1228, muốn coi PHANXICÔ như một hiệp sĩ tâm linh, một trang dũng sĩ được trao cho một trọng trách từ trời ban xuống, mặc dầu chính PHANXICÔ chưa ý thức và hiểu hết điều đó.

2.1.2 Chúng tôi rất tâm đắc với cách ông Smith diễn đạt ý nghĩa của việc PHANXICÔ thấy trong mộng vũ khí hiệp sĩ và nghe trong mộng tiếng nói của Chúa tại Spoleto bảo chàng hãy trở về Assisi, theo cách hiểu của Thánh Bonaventura, là để từ quê hương mình “thực hiện một cuộc Thập tự chinh tâm linh” [12].

– Thánh Bonaventura viết nguyên văn như sau: “Hãy trở về quê hương, vì linh kiến con đã thấy, phác thảo trước một kết cục tâm linh. Nó sẽ trở thành hiện thực không phải do nỗ lực của con người, nhưng do sự an bài của Thiên Chúa”(ĐT 1,3).

– Trước đó, Celano viết trong Hạnh thứ hai: “PHANXICÔ đổi vũ khí thể xác thành vũ khí tinh thần và được phong tước bởi trời thay vì vinh quang binh nghiệp” (2 Cel 6).

– Trước đó nữa, Khuyết danh Pêrugia viết: “PHANXICÔ có cảm tưởng như ơn Chúa đột nhiên biến đổi chàng thành một con người khác” (Kdp 6).

– Còn Ba Người Bạn thì chỉ viết đơn giản: “Hãy trở về quê hương, rồi sẽ cho con biết phải làm gì. Linh kiến con đã thấy, con phải hiểu theo nghĩa khác”— theo nghĩa tâm linh (x. 3NB6).

2.1.3 Khi về lại quê hương Assisi, cuộc Thập tự chinh đầu tiên PHANXICÔ thực hiện, là chiến đấu với chính mình, chống lại cái tôi háo danh, luôn tìm cách giật nổi hơn người; chống lại cái tôi thích tìm kiếm sự ngọt ngào của cuộc sống, và từng bước tập chịu đựng sự đắng đót, và biến cái đắng đót thể xác thành cái ngọt ngào tâm linh (x. 3NB 11a).

– Lần tập dượt đầu tiên về cuộc chiến đấu này là cuộc gặp gỡ người cùi: cảm nghiệm thứ nhất này được chính PHANXICÔ nhắc lại một cách rõ ràng trong Di Chúc (x. 1 Cel 17; 3NB 11b-c-d; 2 Cel 9; ĐT 1,5; DC 1-3), qua đó PHANXICÔ lần đầu tiên thắng được con người tự nhiên của mình vốn luôn cảm thấy đắng đót, tởm lợm khi nhìn thấy người cùi, nhưng lần này nhờ ơn Chúa tác động, chàng đã ôm hôn một người cùi và tức khắc nếm cảm được một sự ngọt ngào trong tâm hồn cũng như ngòai thể xác, nghĩa là có được một cảm nghiệm tâm-thể-lý (psychosomatique) sâu sắc và tòan diện (x. DC 1-3). Theo Thánh Bonaventura, PHANXICÔ đã tự nhủ mình: “trước hết phải chiến thắng bản thân nếu muốn trở thành một hiệp sĩ của Chúa Kitô” (miles Christi: ĐT 1,5). Lý tưởng hiệp sĩ, được thăng hoa, vẫn là động lực thúc đẩy PHANXICÔ hành động.

– Cảm nghiệm thứ hai, theo tường thuật của một mình Thánh Bonaventura mà thôi, là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô-Chịu-Đóng-Đinh-Vào-Thập-Giá, Đấng hiện ra với PHANXICÔ đang chìm sâu trong sự suy gẫm và cầu nguyện nơi một hang động thanh vắng gần Assisi. “Lòng PHANXICÔ tan chảy ra khi thấy cảnh tượng ấy, và ký ức cuộc khổ nạn của Đức Kitô được in vào nơi thâm sâu nhất của trái tim ngài” (ĐT 1,5).

– Cảm nghiệm thứ ba, PHANXICÔ nghe được lời Chúa Kitô phán dạy từ trên tượng Thánh Giá Đamianô: “Hỡi PHANXICÔ, con không thấy nhà Ta đang đổ nát đó sao? Hãy đi sửa lại cho Ta”. Ngỡ ngàng và sợ hãi, chàng thưa:”Lạy Chúa, con xin sẵn lòng” (x. 3NB 13; 2 Cel 10; ĐT 2,1). PHANXICÔ thi hành ngay lệnh của Chúa: ngài bắt tay sửa lại ngôi nhà nguyện bằng đá, và sau này ngài mới hiểu thêm rằng Chúa muốn ngài tu sửa Hội Thánh mà Chúa đã mua bằng máu của mình (x. 2 Cel 10 và ĐT 2,1). Theo cả ba nguồn sử liệu vừa nêu (3NB, 2 Cel và ĐT), việc làm này đả đẩy PHANXICÔ vào cuộc xung khắc với bố ruột, bởi lẽ, để có tiền tu sửa nhà nguyện, PHANXICÔ đã lấy vải của bố đi bán, và bán luôn cả con ngựa (x. 3NB 16; 2 Cel 11; ĐT 2,1- 2). PHANXICÔ tu sửa nhà Chúa, đặt mình dưới sự che chở của vị linh mục quản nhiệm nhà Chúa, điều đó có nghĩa là, một cách nào đó, PHANXICÔ thuộc về “Nhà Đức Chúa Trời” rồi, không còn thuộc về thế gian nữa. Ông bố phản ứng đầy phẫn nộ, không phải chỉ vì tiếc của, nhưng còn vì thấy rằng đứa con trai mà ông đặt nhiều kỳ vọng đang vuột khỏi bàn tay điều khiển của ông. Về phần mình, PHANXICÔ tự hiểu rằng từ khi thi hành lệnh của Chúa, là đã thuộc về Chúa rồi. Chắc hẳn đó là lúc ngài “ra khỏi thế gian” như ngài nói trong Di Chúc (x. DC 4). Chính vì thế, khi ông bố muốn đưa vụ việc ra công lý, thì PHANXICÔ không chấp nhận để cho tòa đời xét xử, mà chỉ chấp nhận sự xét xử của tòa đạo mà thôi (x. 3NB 19). Chắc hẳn cũng vì hiểu như thế, nên Thánh Bonaventura coi cảm nghiệm thứ ba này của PHANXICÔ như sự kiện đánh dấu “cuộc hoán cải hoàn hảo của ngài” (“De perfecta conversione ejus ad Deum et de reparatione trium ecclesiarum: Về cuộc hoán cải hoàn hảo của PHANXICÔ về với Thiên Chúa và việc ngài trùng tu ba ngôi thánh đường”: ĐT, đầu đề chương Hai). Nghĩa là cảm nghiệm về người cùi, cũng như cảm nghiệm Spoletô trước đó, chỉ mới là khởi đầu của cuộc hoán cải nơi PHANXICÔ (x. DC 1).

Hai cuộc gặp gỡ rất đặc biệt với Đức Kitô-Chịu-Đóng-Đinh (cảm nghiệm hai và ba) quả thực đã biến đổi PHANXICÔ thành một hiệp sĩ tâm linh của Đức Kitô, sẵn sàng vác Thập giá đi theo Chúa và làm theo lời Người dạy để đạt tới sự trọn lành cho bản thân và góp phần trùng tu Nhà Chúa theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

– Cảm nghiệm thứ tư: cuộc chia tay với bố ruột tại tòa Giám mục Assisi như là hậu quả tất yếu của việc PHANXICÔ thi hành lệnh cuûa Chúa (x. 1 Cel 14- 15; 3NB 19- 20; 2 Cel 12b; ĐT 2,4). Ba Người Bạn là tư liệu đầu tiên ghi lại việc PHANXICÔ ngoan ngoãn làm theo hai lời khuyên của Đức Giám mục: Hãy trả lại tiền bạc cho bố; hãy tin tưởng vào Thiên Chúa và can đảm hành động (x. 3NB 19). – Nên biết: nơi PHANXICÔ, việc làm theo lời Chúa dạy luôn song hành với việc làm theo lời Giáo Hội khuyên – PHANXICÔ trả hết tiền bạc với cả quần áo cho bố, và công khai từ bố trước mặt vị Đại diện Giáo Hội và mọi người đang hiện diện. Sau khi Đức Giám mục lấy tấm áo choàng mình đang mặc bao bọc lấy PHANXICÔ trần truồng, thì chỉ một mình Thánh Bonaventura ghi lại chi tiết đầy ý nghĩa sau đây: chính Đức Giám mục truyền cho những người giúp việc đem lại một thứ gì để che thân thể người thanh niên. Họ mang đến một cái áo ngoài thô thiển và rẻ tiền của một người nông dân làm việc cho Đức Giám mục. PHANXICÔ tiếp nhận với lòng biết ơn, rồi tự tay lấy một viên phấn vẽ hình Thập tự lên tấm áo, có ý cho thấy đó là áo mặc của một con người nghèo khó, gần như trần trụi và đã chịu đóng đinh (x. ĐT 2,4). Ông Smith kết luận một cách chí lý: “PHANXICÔ mang lấy Thánh giá như một hiệp sĩ Thập tự chinh của người nghèo” [13]. Chắc chắn PHANXICÔ hiểu mình là một hiệp sĩ tâm linh của Chúa Kitô, được phong tước bởi trời (x. 2 Cel 6), mang chiếc áo nông dân thô thiển được vẽ hình Thập tự thay cho chiếc áo giáp lộng lẫy cũng mang hình Thập tự, nhưng từ nay PHANXICÔ thực hiện một cuộc Thập tự chinh tâm linh, thay thế cuộc Thập tư chinh quân sự của thời đại.

3. Từ Thập tự chinh quân sự chống Islam đến Thập tự chinh truyền giáo cho người Islam và các dân ngoại khác

Nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa trong quá trình hoán cải, PHANXICÔ đã từng bước được biến đổi thành một hiệp sĩ tâm linh, để thực hiện một cuộc Thập tự chinh tâm linh trong đời sống bản thân và đời sống Giáo Hội tại quê nhà. Vào giữa tháng 4/1208 PHANXICÔ được Chúa ban cho có những anh em đầu tiên và mặc khải cho biết phải sống theo thể thức Thánh Phúc Âm trong Giáo Hội (x. DC 14-15). Từ đó, PHANXICÔ từng bước có những suy nghĩ mới về cuộc Thập tự chinh quân sự do các Đức Giáo hoàng chủ xướng. Các năm 1212, 1213 và 1219 là những mốc điểm có ý nghĩa to lớn đối với quan niệm mới mẻ này của PHANXICÔ về Thập tự chinh truyền giáo cho người Islam.

3.1 Chuyến đi bất thành sang Syria năm 1212

Vào năm 1212, số Anh em đã tăng lên nhanh và đã ổn định chỗ ở tại Portiuncula. Từ thứ Hai Thuần Thánh (19/3) đến đầu tháng 5/1212 PHANXICÔ đã lần lượt trao áo Dòng nâu cho hai chị em Clara-Agnès và ổn định chỗ ở cho nhóm các Bà Nghèo đầu tiên tại đan viện Đamianô. Rồi vào mùa hè năm ấy, PHANXICÔ cùng với một anh em trẩy đi Syria, với ý hướng thực hiện một cuộc “Thập tự chinh bằng lời nói và gương lành”[14] , nghĩa là bằng việc rao giảng về Chúa Kitô cho anh em Islam. Chinh phục người Hồi gíao bằng lời rao giảng thay vì bằng đánh nhau, đó là một ý tưởng rất mới mẻ do Joachim de Flore, một viện phụ Dòng Xitô ở miền Nam nước Ý (1140-1202) đề xướng. PHANXICÔ có biết quan điểm của nhà thần bí tăm tiếng và “tai tiếng” này không?[15] Hay là đơn giản “những tư tưởng lớn gặp nhau”? Dầu sao chính PHANXICÔ là người đầu tiên đưa ý tưởng ấy vào hành động.

Cũng trong năm 1212 này đã xảy ra một biến cố vô tiền khoáng hậu: đó là cuộc Thập tự chinh của các thiếu niên, với khoảng 30.000 em đến từ Pháp do một anh chăn cừu ở Vendôme tập hợp, và 20.000 từ vùng sông Ranh bên Đức phấn khởi hưởng ứng sáng kiến đạo đức ấy. Không bị ai can ngăn, nhưng cũng chẳng được ai huấn luyện. Dĩ nhiên là thất bại nặng nề ngay khi mới khởi hành, vì không có khí giới, không có kinh nghiệm trận mạc, không có tổ chức, không tiền bạc, không lương thực. Rất ít em trở về được với gia đình. Không em nào tới được Giêrusalem, trừ phi là với tư cách nô lệ. Một phần chết thê thảm vì đói khát và bệnh tật. Phần còn lại bị các lái buôn nô lệ bắt và bán sang vùng Ban-căng [16]. Phải chăng PHANXICÔ cũng đã có cách hành động như trẻ con, lên đường với lòng đầy nhiệt huyết, nhưng với hai bàn tay trắng? Cuộc Thập tự chinh truyền giáo đầu tiên của PHANXICÔ cho Islam có nét cơ bản giống như thế, đó là: khâu tổ chức hết sức tồi tệ, và dĩ nhiên là không mang theo khí giới. Và cũng dĩ nhiên là không phải để chém giết người Islam, đúng hơn là để được tử vì đạo, nhưng trước khi bị họ giết, thì vẫn hy vọng có cơ hội dùng lời nói và gương lành thuyết phục họ tin theo Chúa Kitô [17]. Cuộc lên đường của PHANXICÔ giống như đám trẻ đi Thập tự chinh, nhưng may thay, kết cục không thê thảm như chúng.

Celanô (1 Cel 55) và Thánh Bonaventura (ĐT 9,5) đã kể lại nhiều tình tiết lý thú của chuyến đi truyền giáo bất thành này. Khi thuyền gặp gió ngược trên biển, buộc phải cập bến tại Đalmatia (tức Slovania, Nam Tư ngày nay), thì không có tàu thuyền nào khác đi tiếp sang Syria, do đó PHANXICÔ phải tìm cách trở về Ý. Vì không có tiền trả lộ phí, PHANXICÔ và bạn đồng hành bèn nghĩ kế lẻn xuống một chiếc tàu, đi lậu vé. Nhưng may mắn, một vị khách lạ cùng lên tàu, trao cho một thủy thủ có lòng đạo đức quản lý giùm một ít lương thực để cung cấp cho hai vị tu sĩ nghèo khó đang ẩn trốn dưới tàu. Gặp gió bão, tàu trôi lênh đênh trên biển nhiều ngày. Lương thực cạn kiệt. May, Chúa Quan Phòng nhậm lời cầu nguyện của PHANXICÔ làm cho bánh hóa ra nhiều, cho mọi người sống qua ngày. Câu chuyện PHANXICÔ đi lậu vé kết thúc một cách thánh thiện khi tàu cập bến tại Ancona an bình với nhiều biểu hiện lòng biết ơn của đoàn thủy thủ.

3.2 Chuyến đi Marốc bất thành năm 1213

Ý tưởng Thập tự chinh truyền giáo vẫn không buông tha PHANXICÔ, vì đã trở thành một chọn lựa chín chắn và xác tín. Sang năm sau, ngài đem theo Anh Bênađô Quintavalle đi Marốc để rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô cho vua Islam Miramôlinô. Khi đến Tây Ban Nha, một đất nước công giáo mà một số vùng vẫn đang bị người Maures Islam đô hộ, ngài ngã bệnh nặng, buộc phải trở vế Ý (x. 1 Cel 56; ĐT 9,6). Chính ngài mở đường và nêu gương cho một số anh em hèn mọn đi truyền giáo tại Marốc qua ngả Tây Ban Nha, nhờ đó Dòng sẽ có được năm vị Thánh Tử vì đạo đầu tiên vào ngày 16.1.1220, mà ngài sẽ gọi là “năm anh em hèn mọn đích thực” [18].

3.3 Con số 3 kỳ diệu của PHANXICÔ

Khi Chúa ban cho PHANXICÔ hai anh em tiên khởi là Bênađô Quintavallê và Phêrô Cattani, thì cả ba đưa nhau đến Nhà Thờ Thánh Nicôla tại quê hương Assisi vào một ngày đẹp trời của tháng 4 năm 1208, để cầu nguyện và tìm ánh sáng của Chúa, bằng cách giở sách Phúc Âm ba lần vì lòng kính mến Thiên Chúa Ba Ngôi (x. 3NB 28-29; Kdp 10-11a; 2 Cel 15; ĐT 3,3). Qua đó PHANXICÔ đón nhận được sự “mặc khải của Chúa về lối sống theo thể thức Thánh Phúc Âm” (x. DC 14-15). Vào năm 1219, sau hai lần đi truyền giáo cho anh em Islam bị thất bại, PHANXICÔ thử vận may lần thứ ba, và lần này thì thành công. Thánh Bonaventura viết: “Nhiệt tình của lòng mến vẫn thúc giục tinh thần ngài đi tìm kiếm phúc tử vì đạo, nên ngài lại lên đường lần thứ ba để đi đến với những người ngoại giáo, hy vọng được đổ máu để cho lòng tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi lan rộng” (ĐT 9,7).

3.3.1 Năm 1219, một cao điểm trong cuộc đời PHANXICÔ

Đối với PHANXICÔ, năm 1219 được đánh dấu bởi những sự kiện mang nhiều ý nghĩa, mà ý nghĩa lớn lao nhất chính là sự quan tâm đặc biệt của ngài tới phần rỗi của Anh em Islam. Sau Tu nghị Lễ Hiện Xuống (tháng 5), ngài chúc lành cho nhóm anh em tình nguyện đi truyền giáo tại Marôc qua ngã Tây Ban Nha [19]. Như đã nói trên kia, đó là nhóm ứng viên Tử vì đạo đầu tiên của Dòng đấy! Ngài cất vào túi đồ của mình bản sao đỏan sắc Cum dilecti do ĐGH Hônoriô III ký ngày 11/6/1219, gửi gắm PHANXICÔ và Dòng Anh em hèn mọn cho sự quan tâm của các Đức Giám mục và các Giám chức khắp nơi. Roài PHANXICÔ cùng với 12 anh em (trong đó có anh Phêrô Cattani, anh Xêdariô thành Speyer và anh Illuminatô) đi theo tàu của Thập tự quân rời Ý ngày 24/06 sang Ai Cập [20], nơi đang diễn ra cuộc Thập tự chinh thứ năm, do ĐGH Innocentê III (1198-1216) công bố tại Công Đồng Latêranô IV vào năm 1215 và ĐGH Honôriô III (1216-1227) khởi binh vào năm 1217. Một tháng sau, đòan thừa sai đến hải cảng Saint Jean d’Acre, Syria, nơi có một cộng đòan AEHM ở dưới quyền anh Elia. Giữa tháng 8/1219 PHANXICÔ cùng với anh Illuminatô đến trại Thập tự quân đóng tại Đamietta (ở tây bắc đồng bằng sông Nile của Ai Cập) đối diện với trại binh Islam của Vua Sultan el-Melek el-Kamel (có người đọc thành al-Malik al-Kamil) tại làng Fariskur gần Đamietta .

3.3.2 Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Phanxicô và Sultan el-Melek el-Kamel

Trước khi ghi lại diễn tiến cuộc gặp gỡ, thiết tưởng nên giới thiệu hai nhân vật. Về PHANXICÔ, chúng ta đã biết khá rõ, nên chỉ cần tìm hiểu thêm về đối tác của ngài.

A. Sultan el-Melek el-Kamel (1180-1238)

Ông là cháu gọi Sultan Salađin bằng bác ruột. Salađin (tên thật là Salâh-el-Din, 1138-1193) là một nhân vật lừng danh của lịch sử Islam, vì đã lập ra vương tộc Ayoubite, đã sát nhập Syria và Lưỡng hà địa vào Ai Cập và biến Ai Cập thành vương quốc mạnh nhất của phương Đông Islam, có khả năng đương đầu với phương Tây Kitô giáo. Ông trị vì từ 1171 đến 1193. Ông đã lập được chiến công lẫy lừng là đánh thắng vương quốc Latinh của Thập tự quân và chiếm Giêrusalem vào năm 1187. Sau Salađin, đến lượt Melek-el-Adil, em ruột của ông, cai trị Ai Cập. El-Melek el-Kamel, con trai của Sultan thứ hai này lên ngôi năm 1218, sẽ là người tiếp đón PHANXICÔ vaøo năm 1219.

El-Melek el-Kamel có hai niềm đam mê: yêu khoa học tự nhiên và thích khoa thần bí của trường phái Sufi (Sufisme). Bên cạnh ông luôn có một vài nhà thông thái để đàm đạo với ông về khoa học, và một vài nhà hiền triết và thần bí hiểu biết chuyên sâu về kinh Koran để giúp ông sống đạo. Một số chứng từ lịch sử còn cho thấy ông là một người giàu lòng nhân ái. Ví dụ: kinh sĩ Olivier thành Cologne, từng là tù binh của Sultan này trong năm 1219, sau khi được phóng thích, đã viết cho vị ân nhân của mình một lá thư cám ơn vào tháng 9/1221 với lời lẽ rất chân thành: “Tôi đây, tù binh được ngài phóng thích, đầy tớ của ngài được Thánh Giá cứu chuộc, tôi sẽ không bao giờ quên ơn ngài. Chưa bao giờ có ai trưng ra một ví dụ về lòng tốt như thế đối với những tù binh thù địch. Khi Chúa để cho chúng tôi rơi vào tay ngài, thưa Đức Vua, thì chúng tôi đã không có cảm tưởng mình đang ở dưới quyền một bạo chúa hay một ông chủ, nhưng là ở dưới quyền một người cha, một người cha đã ban đầy ân huệ cho chúng tôi, đã cứu giúp chúng tôi trong cảnh khốn cùng, đã thăm viếng chúng tôi trong cơn thử thách, và đến cả chịu đựng những lời càm ràm của chúng tôi nữa…Ngài đã chăm sóc bệnh nhân của chúng tôi, đã nghiêm trị những người nhạo báng chúng tôi…Thật đúng như tên gọi của ngài, “Kamel” có nghĩa là “hoàn hảo”, bởi lẽ ngài cai trị một cách khôn ngoan, và với đức độ của ngài, ngài vượt xa mọi vua chúa…”. Chính ĐHY Jacques de Vitry cũng làm chứng rằng: ngài Sultan đã chứng tỏ lòng nhân ái lớn lao đối với các tù binh Kitô hữu. Sau khi ký kết thỏa thuận đình chiến, ngài trả tự do cho tất cả những ai thờ phượng Chúa Giêsu-Kitô bị xiềng xích trong các nhà tù của ngài. Số người này lên đến 30.000. Ngài để cho họ chọn: hoặc trở về với gia đình, hoặc ở lại chiến đấu dưới ngọn cờ của ngài. Ngài ra lệnh cho thuộc hạ cung cấp đủ lương thực cần thiết cho những người được phóng thích: ai có tiền thì trả, ai nghèo khó thì cho không [21].

B. Diến tiến cuộc gặp gỡ

B.1 Sự kiện lịch sử này được kể lại trong 3 tư liệu nguồn do những tu sĩ Dòng AEHM soạn ra: 1 Cel 57; ĐT 9,7-8 ; và Ký sự của Anh Giocđanô ( = ksGio 10), cộng thêm một dạng tiểu thuyết bình dân mệnh danh “Những Bông Hoa Nhỏ” ít mang tính chất lịch sử đáng tin cậy (Fioretti, Nbhn 24); và cũng được một số nhân vật bên ngòai Dòng AEHM sống cùng thời với PHANXICÔ nhắc tới: Đó là ĐHY Jacques de Vitry (trong lá thư viết cho ĐGH Hônôriô III năm 1220, ký hiệu: Vitry A; và trong quyển “Lịch sử Phương Tây: Historia Occidentalis”, ký hiệu: Vitry B); Ernoul (tác giả Ký sự cuộc Thập tự chinh thứ năm, ký hiệu: Ernoul); Bênađô Người Giữ Kho Bạc (Bernard le trésorier, tác giả quyển sách về cuộc chinh phục Thánh Địa, ký hiệu: Kho bạc), và một tác giả khuyết danh (viết lịch sử vua Eraclès và cuộc chinh phục đất đai ở hải ngoại, ký hiệu: Eraclès) [22] . Cuộc gặp gỡ này cũng được một tác giả Ả rập thế kỷ XV, Ibn al-Zayyât, kể lại [23].

B.2 Và sau đây là bảng tổng hợp các sự kiện liên quan tới sáng kiến của PHANXICÔ chủ động đi gặp Sultan el-Melek el-Kamel tại tổng hành dinh của Đức Vua ở làng Fariskur gần Đamietta, dựa trên những sử liệu đáng tin cậy:

B.2.1 Việc đầu tiên của PHANXICÔ là xin ĐHY Sứ Thần Tòa Thánh Pêlagiô Galvao cho phép mình và Anh Illuminatô đến gặp Vua Islam. ĐHY hết sức ngạc nhiên và dĩ nhiên không cho phép vì sợ hai người sẽ bị giết (x. Ernoul 1,a).

B.2.2 PHANXICÔ được biết Thập tự quân, dù đã hai lần thất bại khi tấn công trại binh Islam, vẫn lăm le tấn công tiếp. Ngài được ơn Chúa soi sáng cho biết: nếu Thập tự quân tấn công lần thứ ba thì vẫn sẽ thất bại nữa. Ngài tâm sự với anh Illuminatô: “Nếu tôi nói ra, người ta sẽ cho tôi điên. Nếu thinh lặng, tôi sẽ cảm thấy một lỗi đè nặng trên lương tâm. Tôi phải làm sao đây?”. Anh Illuminatô trả lời:”Thưa Cha, đâu phải hôm nay người ta mới gọi Cha là điên. Cha cứ xả hết gánh nặng lương tâm đi! Sợ Chúa vẫn hơn là sợ người ta”. PHANXICÔ bèn lên tiếng cảnh báo, nhưng chẳng ai tin, lại còn cười vào mặt ngài. Ngày 29.8.1219, quân lực Thập tự chinh đùng đùng tấn công trại binh Islam, nhưng bị thất bại nặng nề, mất cả thảy 6.000 chiến sĩ, trong đó hơn 4.000 hy sinh, số còn lại bị bắt làm tù binh. Bị nặng nhất là cánh quân tây Ban Nha (x. 2 Cel 30; ĐT 11,3) [25]. Đức Sứ Thần cũng như giới tư lệnh Thập tự quân tỏ ra ân hận và tư lự vì đã không nghe theo lời cảnh báo của PHANXICÔ. Về phần mình, PHANXICÔ đau buồn khôn tả, và lặp lại lời xin với Đức Sứ Thần, cho mình được đi gặp Sultan. Lần này Đức Sứ Thần ban phép, nhưng ngài nói rõ không phải ngài sai PHANXICÔ đi gặp Sultan đâu (x. Ernoul 1,b).

B.2.3 Thời điểm cuộc gặp được một số sử gia đặt vào khỏang thời gian giữa ngày 29/8 và 26/9, hoặc theo một số sử gia khác sau ngày 5/11/1219, nghĩa là sau khi Thập tự quân chiếm được thành phố Đamietta. Theo chúng tôi, thời điểm trước xem ra hợp lý hơn, vì sau khi Đamietta bị Thập tự quân chiếm, dễ gì ngài Sultan còn giữ được sự bình tĩnh thanh thản để tiếp PHANXICÔ “một cách trọng thị”? Dầu sao, những điều sau đây được xem là chắc chắn:

– PHANXICÔ được phép của Đức Sứ Thần Tòa Thánh (x. Ernoul; Kho bạc).

– PHANXICÔ cùng đi với anh Illuminatô đến trại binh Islam. Bị lính Islam chặn lại, PHANXICÔ xưng mình là “Kitô hữu” muốn yết kiến Đức Vua, nên đuợc dẫn tới Tổng hành dinh của Sultan (x. Vitry B; Ernoul 2,a; ĐT 9,8).

– Sultan hỏi PHANXICÔ: “Ai sai Thầy đến đây và đến với mục đích gì?”. PHANXICÔ khẳng khái trả lời: “Chính Thiên Chúa Tối Cao sai tôi đến chỉ đường cứu rỗi cho Đức Vua và thần dân của Ngài”. Rồi PHANXICÔ rao giảng Phúc Âm, trình bày giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi, về Chúa Giêsu Cứu thế. Còn Sultan, thấy PHANXICÔ hăng say, mạnh dạn như thế, thì lắng nghe cách thích thú (x. Kho bạc 2; 1 Cel 57b; ĐT 9,8c ).

– Các nhà hiền triết của Sultan từ chối không chấp nhận đối chất với PHANXICÔ như PHANXICÔ đề nghị. Trái lại, họ xin Đức Vua giết PHANXICÔ đi (x. Ernoul 3; Kho bạc 2), nhưng Đức Vua, “với một trái tim hiền hậu” (x. Kho bạc 2), đã tiếp đón vị khách khác thường này rất nồng hậu – rất trọng thị (“a Soldano tamen honorifice plurimum est susceptus”: x. 1 Cel 57; KsGio 10), ban tặng nhiều của cải và mời ở lại với mình. PHANXICÔ không nhận quà tặng và cũng không nhận lời mời của Đức Vua, bởi lẽ Đức Vua không muốn cải đạo; và sau ít ngày (x. Vitry A2+B14), Sultan ra lệnh cho cận vệ Islam dẫn PHANXICÔ về lại trại binh Thập tự quân “cách trọng thị và an toàn” (x. Vitry B 14; Ernoul 4,b-c; Kho bạc 3). Như vậy, theo Vitry, PHANXICÔ đã ở lại trong tổng hành dinh của Sultan ít nhất vài ba ngày. Chúng ta có thể hình dung ra rằng hai nhân vật này đã nói chuyện với nhau khá nhiều trong tình thân hữu: phía Sultan luôn tỏ ra “chăm chú lắng nghe” (x. Vitry B 14; ĐT 9,8c), phía PHANXICÔ rất hăng say rao giảng Phúc Âm cho Sultan (x. Ernoul 2; Kho bạc 2; ĐT 9,8b).

– Khi chia tay, Sultan nói riêng với PHANXICÔ: “Xin Thầy cầu nguyện cho tôi, để Thiên Chúa đoái thương chỉ cho tôi biết đạo nào và đức tin nào đẹp lòng Người hơn” (x. Vitry A2+B14).

– Mặc dầu các sử liệu thinh lặng, nhưng nhiều tác giả ngày nay suy luận rằng, trên đường về lại Ý, PHANXICÔ đã phải đi qua Syria (Saint Jean d’Acre, nơi có một cộng đoàn AEHM), tức là trước đó phải đi qua Thánh Địa mang nhiều dấu vết của Chúa Cứu Thế. Đây là cơ hội ngàn vàng để PHANXICÔ hành hương kính viếng các Nơi Thánh, đặc biệt Mộ Thánh là điểm ngắm của mọi khách hành hương thời Trung Cổ, kể cả các Thập tự quân tòng chinh để giải phóng Mộ Chúa. Có thể Sultan el-Melek el-Kamel đã trao vào tay PHANXICÔ một thư giới thiệu với bào đệ là Sultan el-Mu’azzam đang cai trị Syria, để vị tu sĩ áo nâu được tự do hành hương Thánh Địa bấy giờ thuộc về Syria [26].

– Và hầu như chắc chắn vào mùa xuân 1220, PHANXICÔ cùng với các anh Illuminatô, Phêrô Cattani, Xêsariô thành Speyer và Elia trở về Ý.

B.3 Bảng tổng hợp trên đây đã loại trừ ba yếu tố được các tác giả Phan sinh ghi lại, vì mang tính huyền thoại, khó tin, đó là:

– PHANXICÔ và anh Illuminatô đã bị hành hạ thậm tệ trên đường đến tổng hành dinh của Sultan (x. 1 Cel 57; ĐT 9,8; KsGio 10).

– PHANXICÔ thách thức Sultan hãy để cho một đại diện của mình cùng với PHANXICÔ nhảy vào đống lửa (ordalie, ordeal), hoặc một mình PHANXICÔ nhảy vào cũng được, để chứng minh đạo của ai là đạo thật (x. ĐT 9, 8; Nbhn 24). Nhưng Sultan từ chối nhẹ nhàng.

– Sultan hứa với PHANXICÔ sẵn lòng cải đạo (x. Nbhn 24).

Lời bàn: 

– Đối với ba yếu tố bị loại trừ vì mang tính huyền thoại, chúng ta có thể hình dung ra rằng đó là kết quả của khuynh hướng khá phổ biến trong thế giới Kitô giáo thời Trung Cổ: dễ dàng tô đậm sự tàn bạo của người Islam, dễ dàng biện bạch cho ước muốn tử vì đạo của người Kitô hữu, ước muốn mãnh liệt đến mức cuồng tín và sẵn sàng nhảy vào lửa để minh chứng đạo của mình là đạo thật. Xu huớng ấy được phản ánh rõ ràng nhất vào trong quyển “tiểu thuyết” Những Bông Hoa Nhỏ (Fioretti). Tác phẩm nổi tiếng này còn thêu dệt thêm câu chuyện huyền thoại về PHANXICÔ bị một cô gái điếm Ả rập rủ rê làm tình, với một cái hậu rất đạo đức: bằng cách thách thức cô ấy đến với mình đang nằm trần truồng trên đống than hồng mà không bị cháy (vẫn là cái trò chơi với lửa!), PHANXICÔ đã khiến cô ấy hoa mắt, thán phục, xin theo đạo và sống một đời sống thánh thiện, gương mẫu! (x. Nbhn, 24).

– Còn đối với câu nói của Sultan được ĐHY de Vitry ghi lại: “Xin Thầy cầu nguyện cho tôi…” (x. Vitry A2+B14): Có thể đó là một câu nói chân thành. Có thể đó là một câu nói khôn ngoan đúng phong cách ngoại giao. Dầu sao chúng ta vẫn có thể tin rằng ngài Sultan el-Melek el-Kamel, dù không cải tâm theo đạo của PHANXICÔ, cũng đã cải tâm để quý mến đặc biệt vị tu sĩ áo nâu này , bởi lẽ với các tù binh Kitô hữu là tử thù mà Đức Vua còn đối xử cách nhân ái, thì phương chi với một ông thầy Dòng hiền như bột, trong tay không hề có bất cứ một thứ khí giới nào để giết người…! Mặt khác, chúng ta thấy giữa hai con người đồng trạc (xấp xỉ tứ tuần) này, đến từ hai tôn giáo và hai nền văn hóa rất khác nhau, lại có hai điểm tương đồng hiếm có: cả hai người đều yêu thiên nhiên, dù ngài Sultan yêu với trí tuệ của một nhà thông thái, còn PHANXICÔ yêu với trái tim của một nhà thơ bình dân. Và cả hai đều bị cuốn hút vào cảm nghiệm thần bí, vào tình yêu tha thiết dành cho Đấng Tạo Hóa. Riêng đối với PHANXICÔ cuộc gặp gỡ với ngài Sultan el-Melek el-Kamel đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển nội tâm. Chúng ta gọi đó là “kinh nghiệm Đamietta” của PHANXICÔ.

Phần III. PHANXICÔ sau cuộc tiếp xúc với Vua Islam

Sau cuộc “Thập tự chinh truyền giáo” ở Cận Đông, các sinh hoạt của PHANXICÔ tại quê nhà tập trung vào một trọng điểm gồm hai mặt, đó là: điều chỉnh những lệch lạc trong Dòng Anh em hèn mọn do các Anh Đại Diện tạo ra trong thời gian ngài đi vắng; và củng cố đời sống Huynh đệ đoàn cho vững chắc bằng việc xây dựng nền tảng luật pháp phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của Dòng. Tuy nhiên tất cả các sinh hoạt ấy, không những không đẩy“kinh nghiệm Đamietta” vào quên lãng, mà trái lại chắc chắn chúng mang dấu ấn của cái biến cố hiếm thấy trong cả lịch sử Giáo Hội. Kinh nghiệm này đánh dấu một bước ngoặt quyết liệt trong sự phát triển nội tâm của PHANXICÔ, theo nghĩa một sự chín muồi về đời sống tâm linh, về đời sống kết hợp với Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, mà Thánh Giá là con đường chắc chắn nhất dẫn vào sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, và về đời sống dấn thân rao giang Tin Mừng cho mọi hạng người, trong đó người Islam chiếm vị trí ưu tiên. Sáu năm cuối đời (1220-1226) cũng là giai đoạn phong phú nhất của PHANXICÔ trong sinh hoạt sáng tác. Theo cha Carlo PAOLAZZI, OFM [27], hầu hết các văn bản làm nên tác phẩm của Thánh PHANXICÔ đều hình thành trong những năm tháng sau “kinh nghiệm Đamietta”. Trước khi đi tìm dấu ấn của kinh nghiệm này trên các di cảo, chúng ta nên biết hai cách đánh giá “cổ điển” và “hiện đại” về cuộc gặp gỡ giữa PHANXICÔ và Sultan Islam.

  1. Quan điểm “cổ điển”:

1.1 Theo Celano (1 Cel 57) và Thánh Bonaventura (ĐT 9,9), sở dĩ Chúa không làm thỏa lòng PHANXICÔ đã từng ước muốn thiết tha được chết vì đạo bởi tay người Islam, là vì Chúa để dành cho thánh nhân một đặc ân khác: đó là sẽ mang dấu ấn và biểu tượng của sự tử vì đạo khi được in các Dấu Đinh của Đức Giêsu trên thân xác mình tại Núi Laverna. ĐHY de Vitry lý giải sự trì hoãn này như sau:”Khi Sultan nhìn thấy PHANXICÔ mang dáng dấp một người của Thiên Chúa, thì con thú dữ tợn (trong Sultan) cảm thấy được biến đổi thành một con người nhân hậu, và trong vài ngày Đức Vua rất chăm chú lắng nghe PHANXICÔ giảng về Chúa Kitô” (x. Vitry B, 14). ĐHY đã “làm văn” theo kiểu Trung Cổ khi ví von Sultan với “con thú dữ tợn”, nhưng thực ra chính ngài đã hết lời ca ngợi lòng nhân ái của Sultan đối với các tù binh Thập tự quân (xem trên đây).

1.2 Phần lớn các sử liệu Trung cổ (trừ câu chuyện huyền thoại trong Những bông hoa nhỏ, chương 24) đều nhấn mạnh rằng PHANXICÔ thất vọng vì việc rao giảng không đem lại kết quả gì cho sự cải đạo của người Islam (x. ĐT 9,9), hoặc chẳng mang lại lợi ích bao nhiêu (x. Vitry A,2). ĐHY de Vitry nói thêm rằng: Sultan sợ một vài lính thuộc hạ của mình bị lời giảng của PHANXICÔ lôi kéo cải đạo mà nhảy sang quân ngũ Kitô giáo chăng, bèn ra lệnh cho thuộc hạ tháp tùng hai vị tu sĩ về lại trại binh Thập tự quân một cách trọng thị và an toàn, với lời xin PHANXICÔ cầu nguyện, như chúng ta đã biết (x. Vitry B,14).

Cả hai khía cạnh trên đây tạo nên sự “thất bại” của PHANXICÔ trong kinh nghiệm Đamietta. Nhưng cách nhìn và đánh giá như thế có vẻ chỉ dừng lại ở sự nôn nóng của PHANXICÔ trong ước muốn tử vì đạo và lôi kéo người Islam cải đạo ngay. Những quyển tiểu sử hiện đại viết về Thánh PHANXICÔ trong thế kỷ XX của những tác giả tiêu biểu như Johannes JOERGENSEN năm 1909 [28]; Cha CUTHBERT, OFMCap năm 1912 [29]; Cha Omer ENGLEBERT, OFM năm 1947 [30]; và Cha Antôn TRẦN PHOÅ, OFM với một Nhóm Anh em Phan sinh Việt nam năm 1961 [31], cũng chỉ thuật lại cuộc gặp gỡ lịch sử ấy theo quan điểm cổ điển. Thực ra, kinh nghiệm Đamietta đã tác động sâu sắc trên đời sống tâm linh và quan niệm truyền giáo của PHANXICÔ sau đó, như một số tác giả của thời hiện đại đã nhìn thấy.

  1. Quan điểm hiện đại

2.1 Nếu chúng tôi không nhầm, thì chính cha Giulio BASETTI-SANI, OFM là người đầu tiên đánh giá kinh nghiệm Đamietta của Thánh PHANXICÔ theo một nghĩa tích cực, khi viết những lời sau đây vào năm 1959 trong một quyển sách bằng tiếng Pháp: “Kinh nghiệm cá nhân này của PHANXICÔ là một khởi điểm, một bước chuẩn bị cho sứ vụ truyền giáo tương lai”. “Đó không phải là một thất bại như các sử gia Trung cổ đã nghĩ, nhưng là ‘bước đầu tiên của Kitô giáo’ tiến tới sự hoà giải với người Islam. Thánh PHANXICÔ đã làm bước đầu tiên ấy, nên ngài có thẩm quyền đưa ra cho anh em của mình những chỉ thị về cách làm việc tông đồ hữu hiệu tại các miền đất Islam. Đó là: trước tiên nêu chứng từ đời sống gương mẫu của một Kitô hữu, rồi sau đó rao giảng lời Chúa. Vì lẽ ấy, bản luật không sắc dụ (1221) được viết ra sau khi PHANXICÔ từ Ai Cập trở về, nhất thiết mang dấu ấn của kinh nghiệm Đamietta”[32]. Cũng chính tác giả này đã thấy mối liên hệ mật thiết giữa kinh nghịệm Đamietta với kinh nghiệm La Verna của PHANXICÔ: “Năm Dấu Đinh không chỉ là ân huệ hoặc phần thưởng do Chúa Chịu Đóng Đinh ban tặng cho cá nhân vị Thánh Sốt Mến vì đã dành một tình yêu nồng nhiệt cho Cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa, nhưng Năm Dấu Đinh ấy có liên quan mật thiết và thầm kín với “maàu nhiệm Islam” [33].

2.2 Năm 1981, cha Anton ROTZETTER, OFMCap, khi kể lại chuyến đi Cận Đông của PHANXICÔ, ghi nhận rằng những gì PHANXICÔ đã nghe, đã thấy trong thế giới Islam, để lại âm vang trong một số di cảo, đặc biệt trong các lá thư của ngài kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa biểu lộ công khai lòng tôn kính Thánh Thể [34]. Cha Rotzetter không quy chiếu về quyển sách của cha Giulio Basetti-Sani.

2.3 Từ ngày 5 đến 12 tháng 10 năm 1982 Dòng AEHM tổ chức một Hội Nghị về Islam, quy tụ 13 thành viên đến từ 10 quốc gia có dân chúng theo đạo Hồi. Hội Nghị đã viết một lá thư theo cung cách của Thánh PHANXICÔ để mô tả những thái độ phải có khi găp gỡ và đối thoại với anh em Islam. Lá thư ấy là một bài chú giải về chương XVI của bản Luật không sắc dụ 1221. Và cũng vào thời điểm này, cha Andreas MUELLER, OFM, người sáng lập Trung Tâm Truyền Giáo tại Bonn của các Tỉnh Dòng AEHM nói tiếng Đức (Missionszentrale der Franziskaner = MZF) đã có sáng kiến tổ chức một Nhóm soạn thảo 25 bài Học về Đặc sủng Truyền giáo Phan sinh, trong đó hai bài số 7 và số 16 được dành để phân tích các ý nghĩa sâu sắc về mặt truyền giáo của cuộc gặp gỡ giữa PHANXICÔ và Sultan el-Melek el-Kamel (sẽ được trích dẫn theo ký hiệu “MZF 7”, “MZF 16”). Nhóm soạn thảo do cha Anton ROTZETTER đứng đầu. Baøi “MZF 7”: “Coâng cuoäc truyeàn giaùo Phan sinh trong caùc Taøi lieäu nguoàn = The Franciscan Mission in the Early Sources “ khaúng ñònh roõ raøng: “Chöông XVI cuûa Luaät khoâng saéc duï laø moät trong nhöõng hoa quaû cuûa cuoäc gaëp gôõ giöõa PHANXICÔ vaø theá giôùi Hoài giaùo “ (tr. 9). Baøi “MZF 16”: “Gặp gỡ người Islam = Encounter with Muslims” có nhắc tới quyển sách của cha Giulio Basetti-Sani trong thư mục. Bài học số 16 này triển khai cụ thể trực giác của cha Giulio và trình bày rất đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa tích cực của kinh nghiệm Đamietta đối với đời sống tâm linh của PHANXICÔ và nhất là đối với quan niệm của ngài về phương pháp truyền giáo.

2.4 Vào năm 1996, trong một quyển sách viết về Thánh Phanxicô và Thánh Bonaventura, cha Paul ROUT, OFM dành chương cuối cùng bàn về “Phanxicô, Sultan và cuộc đối thoại liên tôn”, trong đó tác giả cũng có một tầm nhìn tương tự như bài học số 16 của Nhóm soạn thảo do cha Rotzetter đứng đầu. Cha Rout không nhắc tới quyển sách của cha Basetti-Sani và MZF 16, [35] nhưng đã mượn của một tác giả người Mỹ ý niệm “hóan cải trở về với thế giới siêu việt” làm nền tảng chung cho cuộc đối thoại giữa các tôn giáo [36].

2.5 Năm 2002, Cha Carlo PAOLAZZI, OFM xuất bản lần thứ hai quyển sách bằng tiếng Ý về cách đọc các văn bản trong tác phẩm của Phanxicô Assisi, trong đó tác giả đề cập tới quá trình phát triển của bản luật không sắc dụ, do ảnh hưởng của một số biến cố và nhân vật như: – Công Đồng Latêranô IV (1215, thiết lập chức Bề trên Giám tỉnh, khiến Luật Dòng phải thêm những quy định về các mối tương quan giửa anh em với Giám tỉnh của mình: x. Lksd chương 4-6 và 18); sắc dụ Cum secundum của ĐGH Hônôriô III ban hành ngày 22/09/1220 ấn định năm tập tu bắt buộc cho cho các tu sĩ, và cấm các tu sĩ đã khấn không được rời bỏ Dòng (các quy định mới này được PHANXICÔ đưa vào Lksd, 2,8-12); kinh nghiệm cá nhân PHANXICÔ đã trải qua tại Cận Đông năm 1219-1220 chắc chắn được phản ánh vào trong các quy định về việc truyền giáo cho người Islam và các dân ngoại khác (x. Lksd chương 16); cuối cùng là việc PHANXICÔ nhờ anh Xêdariô thành Speyer chọn những câu Kinh Thánh thích hợp đưa vào bản luật nguyên thủy đã có sẵn một ít câu Kinh Thánh làm điểm tựa cho những “lời đơn sơ, ngắn gọn” của chính PHANXICÔ [37]. Cha Paolazzi cũng nói thêm rằng: vào năm 1220, dựa trên kinh nghiệm đã trải qua tại Cận Đông và tông thư Sane cum olim do ĐGH Hônôriô III ban hành ngày 22/11/1219 về việc tôn sùng Thánh Thể, PHANXICÔ viết mấy lá thư gửi cho các giới Kitô giáo để kêu gọi mọi người phát huy lòng yêu mến cụ thể đối với Bí Tích cực trọng ấy và dâng lời ca ngợi Thiên Chúa một cách công khai. Cha Paolazzi không nhắc tới quyển sách của Cha Basetti-Sani.

2.6 Vào năm 2006 ba tác giả: Jacques DALARUN, Michael CUSATO và Carla SALVATI viết chung quyển sách về Năm Dấu Thánh của PHANXICÔ [38], trong đó bài viết của cha Michael CUSATO, OFM đề nghị một cách giải thích khá mới mẻ về ý nghĩa của Năm Dấu Thánh mà PHANXICÔ nhận được trên Núi La Verna vào dịp lễ Suy Tôn Thánh Giá tháng 9 năm 1224 [39]. Chúng tôi chưa được đọc trực tiếp tác phẩm tập thể này, đặc biệt bài của Cusato, nhưng chỉ mới được tham khảo bài trình bày tóm tắt của cha Paul ROUT [40]. Theo nhận định của chúng tôi, tác giả Cusato đã triển khai tối đa trực giác của cha Giulio BASETTI-SANI.

2.7 Nhìn lại thời gian 50 năm kể từ ngày xuất bản quyển sách đầy cảm hứng “tiên tri” của Cha Giulio Basetti-Sani đến nay (1959-2009), chúng ta thấy rằng cách đánh giá tích cực về Islam của những người như vị Linh mục Phan sinh này đã góp phần hình thành ra quan điểm tích cực và trân trọng của Công Đồng Vatican II (1962-1965) đối với Islam trong Tuyên Ngôn “Nostra Aetate” về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo (số 3). Chắc chắn giáo huấn của Công Đồng là động cơ thúc đẩy những tác giả như Rotzetter, Rout, Paolazzi và Cusato (có thể có thêm những tác giả khác nữa mà chúng tôi chưa biết) nghiên cứu chuyên sâu về cuộc gặp gỡ lịch sử giữa PHANXICÔ và Sultan el-Melek el-Kamel, nhờ đó họ khám phá ra những ý nghĩa mà truớc đây chưa được đưa ra ánh sáng. Những công trình nghiên cứu sau năm 1986 có thể còn được thúc đẩy bởi sáng kiến tuyệt vời của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, chọn Assisi, quê hương Thánh PHANXICÔ làm nơi gặp gỡ giữa những đại diện của các tôn giáo lớn trên thế giới để cùng nhau suy nghĩ về việc xây dựng và bảo vệ hoà bình và để mỗi tôn giáo cầu nguyện cho hoà bình theo cách thức riêng của mình, từ năm 1986 đáng ghi nhớ ấy. Việc chọn lựa Assisi tất nhiên làm mọi người nhớ lại cuộc đối thoại liên tôn đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội do sáng kiên của PHANXICÔ vào năm 1219, cách đây 791 năm!

Lm Phi Khanh Vương Đình Khởi (OFM)
Ban MVĐTLT TGP.Sài Gòn
———————————-

 

Ghi chú:
* Tựa đề do Ban MVĐTLT hiệu đính. Nguyên văn bài viết của tác giả là: “THÁNH PHANXICÔ GẶP GỠ VUA ISLAM – Một khởi đầu ý nghĩa cho đối thoại liên tôn”
(1) Xem K. ESSER, Giải thích Luật Dòng…, chương XII, bản Việt ngữ, tr. 90.
(2) Xem bách khoa tự điển Công giáo « THÉO », 1993, tr. 54-55.
(3) Xem Jean GUENNOU, Missions Étrangères de Paris. Fayard, Paris 1986, tr. 10.
(4) Xem John Holland SMITH, Francis of Assisi, London 1972, tr. 38-39.
(5) Xem J.H. SMITH, Sđd, tr. 10.
(6) Xem J.H. SMITH, Sđd, tr. 30.
(7) Xem J.H. SMITH, Sđd, tr. 31.
(8) Vị này được truyện ký Khuyết danh Pêrugia (Kdp 5c) và Ba Người Bạn (3NB 5) gọi là “Bá Tước Gentile”, nhưng thực ra đó là Bá Tước Gauthier de Brienne, được dư luận đánh giá cách trân trọng và thân thiện là “Ngài Bá Tước dễ thương” (gentile, tính từ, bị hiểu thành danh từ riêng!).
(9) Chúng tôi tạm viết tắt các tư liệu nguồn như thế, trong lúc chờ đợi Ban Tu Thư của Tỉnh Dòng đề nghị một hệ thống viết tắt có thể chấp nhận được, vì hiện nay đang lưu hành hai hệ thống viết tắt khác nhau dành cho các văn bản trong Tác Phẩm của Thánh Phanxicô và các tư liệu nguồn, do các Anh Khanh+Phước và Anh Thịnh đề xuất.
(10) Xem Sđd, tr. 39-40.
(11) Xem Sđd, tr. 39-42. Ông Smith cũng nghi ngờ chuyện PXC nhận được Năm Dấu Thánh. Ông xếp Phanxicô vào hạng người cuồng lọan: “Technically, Francis was a hysterical type” (x. Sđd, tr. 159). Ngoài ra, đối với bản Luật có sắc dụ 1223, ông nghĩ rằng “các Giám Tỉnh và Đức Hồng Y Bảo Trợ (Hugôlinô) đã thành công trong việc ăn gian (cheating) với Thiên Chúa và Phanxicô bằng cách đem cái nhìn của họ về cách hiểu Dòng Phan sinh phải như thế nào thay vào cái nhìn của chính Phanxicô” (x. Sđd, tr. 147). Về điểm này ông Smith có quan điểm giống như mục sư Tin Lành Paul Sabatier.
(12) Xem J.H. SMITH, Sđd, tr. 40: “…to return home, and fight the spiritual crusade from there”.
(13) Xem Smith, Sđd, tr. 43.

[14] ”A crusade verbo et exemplo”: xem Smith, Sđd, tr. 95.
[15] Tai tiếng vì nhà thần bí này đã nói tiên tri rằng từ năm 1260 một Giáo Hội hoàn toàn mang sắc thái “đan tu” sẽ thay thế Giáo Hội do các Giám mục cai quản, và cả thế giới sẽ hoán cải trở về với đức nghèo Phúc Âm: Xem Sđd “THÉO”, tr. 366.
[16] Xem Smith, Sđd, tr. 94.
[17] Xem Smith, Sđd, tr. 94
[18] Đó là các Thánh Bêrađô, Phêrô, Adjuto, Accursio và Ottone.
[19] Xem Fortunato MARGIOTTI, Missione, trong Dizionario Francescano. Spiritualità. A cura di Ernesto CAROLI. Padova. II edizione 1995. I ristampa 2002, cột 1160.
[20] Xem Giulio BASETTI-SANI, OFM, Mohamed et Saint Francois. Ottawa, Canada 1959, tr. 158.
[21] Hai chứng từ trên đây được đăng trong Sđd của Giulio BASETTI-SANI, OFM, tr. 167-168.
[22] Có thể đọc các chứng từ « ngòai Phan sinh » này trong bản dịch bằng tiếng Ý :Fonti Francescane. Nuova edizione 2004 a cura di Ernesto CAROLI, tr. 1457-1473.
[23] Xem Giulio BASETTI-SANI, Sđd, tr. 269, chú thích 36.
[24] Chúng tôi dựa theo: Fortunato MARGIOTTI, Sđd, cột 1157-1160; và J.H. SMITH, Sđd, tr. 123-135.
[25] Xem Giulio BASETTI-SANI, Sđd, tr. 163; J.H. SMITH, Sđd, tr. 127.
[26] Xem J.H. SMITH, Sđd, tr. 134.
[27] Xem Carlo PAOLAZZI, Lettura degli “Scritti” de Francesco d’Assisi. Milano 2002. Đặc bịêt các trang 9-15: Profilo biografico e cronologia degli “Scritti” (lý lịch trích ngang của PXC và niên đại các văn bản làm thành tác phẩm của ngài). Bảng niên đại này được đưa hầu như nguyên si vào pho sách “Fonti Francescane. Nuova edizione 2004”, tr. 14-19, với hai dị biệt quan trọng: 1) Sắc dụ Cum dilecti của ĐGH Hônôriô III được Carlo Paolazzi định vị vào ngày 11/06/1218 trong ấn bản Lettura…năm 2002 (tr. 11), nhưng trong Fonti… thì ghi là ngày 11/06/1219 (tr. 15). Cách làm của Fonti đúng hơn, vì cuối Sắc dụ ấy ĐGH ghi rõ:”Ban hành tại Lateranô ngày 11 tháng 06 năm 1219” (x. Fonti, tr. 1709), và như thế Fonti đã đính chính Lettura. 2) Dị biệt thứ hai là Fonti thêm phần Niên đại tiếp theo sau sự kiện cải táng và di dời hài cốt Thánh PXC từ Nhà Thờ Thánh Giocgiô đến Đại Hoàng Đường Thánh Phanxicô ngày 15/05/1230. Phần mới của bảng Niên Đại trải dài từ năm 1230 đếnnăm 1337.

[28] Xem Johannes JOERGENSEN, Saint Francois d’Assise. Sa vie et son œuvre, traduit du danois par Teodor De Wyzewa. Nguyên bản xuất bản lần đầu vào năm 1909. Bản dịch tiếng Pháp, ấn bản thứ 43 xuất hiện tại Paris vào năm 1917. Tác giả thuật lại rất sơ lược cuộc gặp gỡ giữa PXC và Sutan, tr. 306-307.

[29] Xem CUTHBERT, OFM Cap, Vie de Saint Francois d’Assise, xuất bàn lần đầu bằng tiếng Anh năm 1912 ; bản dịch tiếng Pháp, ấn bản thứ hai, năm 1927, tr. 299-313.

[30] Xem Omer ENGLEBERT, Saint Francis of Assisi: A Biography. Xuất bàn lần đầu tiên bằng tiếng Pháp vào năm 1947. Bản dịch tiếng Anh của Eve Marie Cooper xuất bản lần đầu tiên năm 1956. Ấn bản Paperback (sách bỏ túi) chúng tôi đang tham khảo là “First Servant Books Edition 1979” in tại Mỹ. Cuộc gặp gỡ PXC-Sutan, ở tr. 176-178.

[31] Antôn và một nhóm Anh em, Thánh Phanxicô Assisi. Xuất bản lần đầu vào năm 1961. Xuất bản lần thứ năm có sửa đổi và bổ sung. Hoc Viên Phanxicô, 2005. Về cuộc gặp quốc vương Ai Cập, xem tr. 209-213.

[32] Xem Giulio BASETTI-SANI,OFM, Sđd, tr. 182.

[33] Như trên, tr. 183.

[34] Xem Anton ROTZETTER, OFMCap, Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di. Thân thế – Chương trình – Kinh nghiệm thần bí, Phần thứ nhất trong quyển sách được dịch sang tiếng Việt với đầu đề “Một Lối Sống Tin Mừng. Tinh thần Phan sinh hôm qua và hôm nay” của ba tác giả: Anton ROTZETTER, OFMCap, Wilibrord-Christian VAN DIJK, OFMCap và Thaddée MATURA, OFM. Bản dịch tiếng Việt: Du Sinh 2002, tr.52-53. Nguyên bản tiếng Đức: Franz von Assisi. Ein Anfang und was davon bleibt xuất bản lần đầu tại Zuerich năm 1981, chúng tôi có trong tay ấn bản thứ 4 năm 1993, tr. 44-45.

[35] Xem Paul ROUT, Francis and Bonaventure, pubished by HarperCollinsPublishers Ltd 1996, First U.S. Edition 1997, Chapter 7: Francis, the Sultan and Interfaith Dialogue, tr. 77-87 (quy chiếu về tài liệu này theo ký hiệu: Rout 1).[36] Xem Paul ROUT, Sđd, tr. 82 và 90 quy chiếu về Bernard LONERGAN, Method in Theology. New York: Herder and Herder, 1973.

[37] Xem Carlo PAOLAZZI, Lettura degli “Scritti” di Francesco d’Assisi. Seconda edizione. Milano: Edizioni Biblioteca Francescana, 2002, tr. 295-296.

[38] Xem The Stigmata of Francis of Assisi: New Studies and new Perspectives (New York: Franciscan Institute Publications,2006).

[39] Xem Michael CUSATO, Of Snakes and Angels: The Mystical Experience behind the Stigmatization Narrative, trong Sđd tại chú thích 38, tr 29-74.

[40] Xem Bài học số 5 Inter-Religious Dialogue – Franciscan Insights, trong khóa bồi dưỡng về Thần Học Phan sinh, được tổ chức tại Học Viện Phanxicô Thủ Đức, kèm với bản dịch tiếng Việt của Anh Paul Nguyễn Đình Vịnh: Bài 5: Đối Thoại Liên Tôn – Những Nội-Trực-Giác Phan Sinh (quy chiếu về tài liệu này theo ký hiệu: Rout 2).

Exit mobile version