Thánh lễ Phong chức Linh Mục Giáo phận Cần Thơ

CanTho Linhmuc 2 - Thánh lễ Phong chức Linh Mục Giáo phận Cần Thơ

Sáng hôm nay cơn mưa phùng rơi xuống lòng tôi, cảm thấy bình yên và hạnh phúc, hạnh phúc được nhân lên khi được tham dự một lễ tấn phong linh mục của Giáo phận nhà (Giáo phận Cần Thơ). Tôi nhìn thấy được những khuôn mặt thân quen, nghe được những tiếng cười ríu kít bên tai tôi, những cái bắt tay, những lời chào hỏi… Ôi không trí trở nên nhộn nhịp, chan hòa tình người và thánh đức hơn.

Khi ngồi một góc của Nhà Thờ Sóc Trăng, lòng tôi lại trồi lên một thao thức và thắc mắc, thao thức vì lí tưởng đời mình, thắc mắc tại sao lại có những con người quãng đại đến như thế. Thế thì nó đã cuốn trôi tôi vào những dòng suy niệm, hình ảnh tôi liên tưởng tới lúc này là Hạt Gạo.

Hình ảnh “Hạt gạo” là một hình ảnh rất gần gũi với người dân Việt Nam chúng ta, gắn bó với một nền văn minh lúa nước, chính hạt gạo này đã được vun trồng chăm sóc, rồi từ đó nó đem lại nguồn lương thực cho con người. Nó gắn bó với con người Việt nam từ khi sinh ra đến lúc chết đi, hạt gạo được xem như hạ vàng, hạt ngọc.

Linh mục được xem như hạt gạo, Thiên Chúa là người gieo giống, Giáo hội là người vun trồng trên đất tốt và ngày hôm nay hạt gạo được sinh ra, để nuôi dưỡng lại nhân loại. Hành trình để cho ra hạt gạo, cũng giống như hành trình của một đời linh mục. Nếu người gieo giống muốn cho hạt gạo của mình ngon và sáng, thì người gieo giống đó phải biết chọn giống, và gieo như thế nào, gieo vào mãnh đất nào, để hạt giống đó mới phát triển một cách tốt.

Giáo hội nói chung và các cha trong giáo phận nói riêng, là người thay mặt Chúa để chăm sóc hạt giống này, các ngài đã chăm sóc và lo lắng cho các Thầy phó tế từ khi bước vào dự tu cho đến khi lãnh nhận thiên chức Linh mục ngày hôm nay. Nếu là người chăm sóc hạt giống thì phải biết hạt giống này nó như thế nào, khả năng phát triển của nó ra sao, sâu bọ có đến phá không, dùng loại thuốc nào để tăng khả năng đề kháng cho nó, thậm chí phải thăm nôm nó hằng ngày. Các cha trong giáo phận đã chăm rất lỹ lưỡng, từ những buổi tiếp cận, giúp cho các thầy phó tế nhận định và phân định ơn gọi của mình, từ đó tiến tới một quyết định, để trở thành Linh mục của Chúa và cho giáo hội.

Để cho ra gạo thì phải qua một công đoạn nữa, đó là phải nghiền nát võ của hạt lúa, mài dũa hạt gạo cho sáng và đẹp hơn. Khi đến đây tôi nhớ một câu chuyện rất hay, đó là: Người điêu khắc kia có 2 hòn đá giống nhau về kích thước cũng như cân nặng, ông ta hỏi 2 hòn đá kia, có muốn được đẹp và sáng hơn không, 2 hòn đá này đều muốn. Thế thì ông ta bắt đầu đục đẽo, khi ông chạm đến hòn đá thứ nhất, hòn đá này không chịu nổi vì quá đau, nên ông không làm được gì thêm. Kế tiếp hòn đá thứ 2, tuy đau nhưng hòn đá này cố gắng để cho người điêu khắc này thực hiện. Sau thời gian đục đẽo hòn đá thứ 2 này đã trở thành một kiệt tác tuyệt mỹ, và ông đem treo lên cao, để cho người khác đến chiêm ngắm. Còn hòn đá thứ nhất ông để ở dưới, cho người khác đứng lên nó, để chiêm ngắm hòn đá thứ 2 này.

Các tiến chức đã để mình bị nghiền nát và đục đẽo, và giờ đây đã trở thành một hạt gạo sáng và tác phẩm tuyệt mỹ cho thế trần nhìn vào. Để hạt gạo sáng mãi, bức tranh không dính bụi, thì phải bảo quản nơi sạch sẽ và lau chùi hằng ngày. Cuộc đời của các tân Linh mục cũng thế, phải lau chùi hằng ngày, để cho cuộc đời linh mục sáng hơn. Những khó khăn đang chờ trước mắt các tân linh mục, từ công tác mục vụ của mình đó là sự khổ chế về thời gian và sức lực, rồi phải đối diện đó chính là đời sống độc thân….Phải chăng từ những khó khăn đó đời sống của các ngài vẫn bị nghiền nát và đục đẽo hằng ngày.

Từ đó chúng ta thấy được rằng, sống giữa mọi người như thế, càng làm rõ ràng thêm chứng từ cam kết với Thiên Chúa. Đặc biệt trong thời đại bị ảnh hưởng sâu sắc bởi nền văn hoá tôn thờ dục vọng, vật chất, và bản thân, chứng tá của đời sống hoàn toàn dấn thân như thế này lại càng cần thiết hơn nữa. Linh mục sống đời độc thân là chứng tá sống động cho sự hiện diện của Thiên Chúa ngay tại trần gian này và là nguồn ân sủng dồi dào cho cả cộng đoàn cũng như chính vị linh mục.

Ngồi suy nghĩ đến đây, thì tiếng chuông nhà thờ vang lên, như tiếng mời gọi con cái Chúa cùng nhau tiến vào nhà Chúa, để dâng lời cảm tạ và tri ân. Thánh lễ bắt đầu với sự chủ tế của Đức Cha Stephano Tri Bửu Thiên, cùng với Cha Tổng Đại Diện, Quý Cha trong ngoài giáo phận, các cha Dòng, và toàn thể giáo dân.

Cha Tổng Đại Diện đã xướng tên 12 tiến chức đó là:

Stt

Tên Thánh – Họ và Tên

Năm sinh

Quê Quán

1

PHAOLÔ TRẦN THANH CHƯƠNG

1985

Ô Môn

2

PHÊRÔ TRƯƠNG LÊ ĐỆ

1985

Cà Mau

3

GIUSE VŨ ĐÌNH ĐÔNG

1980

Nam Hải

4

PHÊRÔ ĐẶNG MINH GIANG

1984

Trà Cú

5

PHÊRÔ DƯƠNG MINH LUÂN

1984

Tân Lộc

6

PHÊRÔ NGUYỄN QUANG MẠNG

1975

Bắc Hải

7

GIUSE ĐỖ TRUNG NGHĨA

1983

Vô Nhiễm

8

DENYS NGUYỄN VĂN NHỮNG

1980

Bô Na

9

IGNATIO NGUYỄN HOÀNG THANH

1974

Fatima

10

GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG THANH

1981

Hậu Bối

11

GIACOBÊ NGUYỄN QUỐC THẠNH

1980

Lương Hoà

12

FX. XAVIÊ ĐINH NGỌC TRIỆU

1984

Bãi Giá


Các tiến chức đã lần lượt bước lên để lãnh nhận thiên chức linh mục, trước sự chứng kiến của quý cha và toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Thánh lễ diễn ra trong khung cảnh linh thánh và tâm tình. Bài hát làm đánh tôi nhất trong Thánh Lễ là bài hát “Con quỳ đây” của Linh mục Tri Văn Vinh, thêm phần xúc động hơn khi tiếng hát tâm tình của ca viên Nguyễn Ngọc Minh Tâm được vang lên.

Thưa đúng vậy, các tiến chức không chỉ quỳ xuống, mà còn phủ phục xuống, đã ý thức đời sống mọn hèn của mình, để được Thiên Chúa cất nhắc lên. Để từ đây 12 hạt giống này chết đi, để sinh ra nhiều hạt lúa khác, và sẵn sàng bị nghiền nát để trở thành hạt gạo, để nuôi sống nhân sinh.

Xin tri ân các Tân Linh Mục và gia đình của các ngài, đã quãng đại hi sinh người con của mình hiến dâng cho giáo hội và cho nhân loại. Xin cảm ơn quý cha trong ban đào tạo đã rơi những gọt mồ hôi xuống, nhưng những giọt nước để nuôi dưỡng các Tân Linh Mục.

Ước mong, cánh đồng truyền giáo của Giáo hội nói chung và Giáo phận Cần Thơ nói riêng, ngày càng có thêm nhiều thợ gặt lành nghề của Chúa đến, để thu hoạch mùa gặt trên trái đất này.



CAO DƯƠNG CẢNH (GIÁO PHẬN CẦN THƠ)

Exit mobile version