Ngay tại Việt Nam này, trong đạo ngoài đời, Chúa đang dùng nhiều dấu chỉ cho thấy: Tình hình đạo đức tuỳ thuộc rất nhiều ở việc linh mục có lo nên thánh hay không.
Ý thức điều đó, nhiều người vốn tha thiết với việc thánh hoá linh mục, nay càng tha thiết hơn.
Phải làm gì?
Tất nhiên là phải cầu nguyện.
Để việc cầu nguyện thánh hoá linh mục có thể hướng dẫn các suy tư về vấn đề này được phong phú và cụ thể hơn, chúng ta nên đi vào ba tình yêu, mà linh mục cần có để nên thánh. Đó là:
– Tình yêu Đức Giêsu Kitô.
– Tình yêu Hội Thánh.
– Tình yêu con người, nhất là người nghèo.
1. Tình yêu Đức Giêsu Kitô
Khi tiếp xúc với bất cứ linh mục nào, tôi vẫn mong muốn gặp được Chúa Giêsu trong ngài.
Thánh Phaolô nói: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Giêsu sống trong tôi” (Gl 2,25).
Ước chi mỗi linh mục đều có thể nói câu đó về chính mình.
Khi diễn tả tâm tình của mình đối với Chúa Giêsu, Thánh Phaolô quả quyết: “Tôi coi mọi sự đều là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi… Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Giêsu Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8-9). Tâm tình trên đây là ngọn lửa nồng nàn.
Trong những tiếp xúc, người nhạy bén dễ nhận ra ngọn lửa nào vốn thường xuyên nung nấu tâm hồn người mình gặp gỡ. Lửa đó sẽ bốc ra từ miệng lưỡi, ánh mắt, và thái độ của mỗi người. Lửa yêu mến Đức Kitô và các giá trị cao thượng thì khác lửa nung nấu những khát vọng về xác thịt, thế tục và tội lỗi.
Những tiếp xúc với các linh mục càng dễ nhận ra điều đó. Bởi vì linh mục được coi là một thứ gương chuyên phản ánh lửa tình yêu Chúa.
Lửa mến Chúa Giêsu là lửa mến Chúa Cứu Thế, Đấng đã quỳ gối xuống rửa chân cho các môn đệ, Đấng là người chăn chiên tốt lành, lặn lội đi tìm các con chiên lạc, Đấng đã phó mình chịu chết trên cây thánh giá để cứu chuộc nhân loại.
Thật là sung sướng, khi nhận được lửa mến đó toả ra từ con người linh mục, nhất là khi ngài giảng dạy và ban các bí tích.
Tuy nhiên, không thiếu kẻ ghét các linh mục khi các ngài chia sẻ lửa mến Chúa cho môi trường xung quanh. Những kẻ đó là ma quỷ và các thứ tinh thần thế tục chống đối Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.
Vì thế, khi cầu cho linh mục được thêm lửa mến Chúa, chúng ta nghĩ tới những cản trở không muốn lửa đó được phát triển trong linh mục và được đón nhận trong thế giới tục hoá hiện nay.
2. Tình yêu Hội Thánh
Trước hết, tôi hiểu Hội Thánh một cách bình dân sơ đẳng. Theo đó, Hội Thánh là những ai được Chúa ban quyền, để lo đời sống đạo cho tôi. Đời sống đạo là những gì tôi phải tin, những gì tôi phải xin, những gì tôi phải lãnh, những gì tôi phải giữ.
Rồi, Hội Thánh cũng là cộng đoàn những người có đạo như tôi. Hội Thánh như thế là một đại gia đình, có sự sống thiêng liêng, có trật tự riêng, được Chúa thiết lập và được Chúa điều khiển.
Cái nhìn đơn sơ đó khiến tôi yêu mến những ai lo đời sống đạo cho tôi, đồng thời cũng yêu mến những người cùng có đời sống đạo như tôi.
Tình yêu Hội Thánh là một tình yêu gắn bó. Gắn bó một cách chân thành, hiếu thảo khiêm nhường và có trách nhiệm.
Hội Thánh còn được hiểu như liên đới giữa các đặc sủng khác nhau. Thánh Phaolô viết: “Chính Chúa đã ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, kẻ nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ” (Ep 4,11).
Khi nhìn Hội Thánh như một cộng đoàn gồm nhiều người mang những đặc sủng khác nhau, tôi phải cúi đầu tôn phục Chúa. Một sự tôn phục kèm theo sự khiêm tốn trong các thái độ đối với những người mang đặc sủng. Khiêm tốn yêu thương, khiêm tốn cộng tác với họ, trong tinh thần hiệp nhất.
Các linh mục là những kẻ lãnh nhận được rất nhiều trong Hội Thánh. Nhiều thần quyền, nhiều đặc sủng. Vì thế các ngài có bổn phận dùng những gì đã được trao ban. Đối với các ngài, yêu mến Hội Thánh là hãy tận dụng những ơn Chúa ban cho các ngài vì ích chung Hội Thánh. Tận dụng nói đây là phục vụ hết sức mình những trách nhiệm mà bề trên đã uỷ thác.
3. Tình yêu con người
Càng ngày người ta càng thấy: Những giá trị thuyết phục nhất của một tôn giáo chính là những gì tôn giáo đó làm cho con người, cho đồng bào và cho đất nước. Đặc biệt là trong công trình kiến tạo văn hoá hoà bình và phục vụ những người nghèo khổ. Với cái nhìn đó, những hoành tráng nội bộ đã không chứng minh được nhiều cho tâm linh cao quý của tôn giáo.
Đạo Công giáo là đạo bác ái. Kinh Thánh quả quyết như thế. Hội Thánh khẳng định như vậy. Dư luận cũng muốn có cái nhìn đẹp đẽ đó về đạo ta.
Trên thực tế, nhiều sinh hoạt đạo ta đã đi vào thân phận những người khổ đau. Chia sẻ nỗi lo. Thương cảm cảnh nghèo. Dấn thân giúp cho xã hội được công bình hơn. Sống Mầu nhiệm Nhập thể, để dân tộc được từng bước đi lên.
Những sinh hoạt như thế nên được tăng lên về lượng và về phẩm. Trong chiều hướng đó, thiết tưởng nên bớt đi những sinh hoạt có nguy cơ làm cho Hội Thánh bị tiếng là xa cách người nghèo, nhưng gần lại những cảnh giàu sang hưởng thụ.
Vì thế, cầu cho linh mục được nên thánh là cầu cho linh mục biết yêu thương phục vụ những người nghèo khổ và thăng tiến con người.
Nguyện xin lửa Trái Tim Chúa Giêsu luôn đốt nóng trái tim các linh mục của chúng con.