Thánh Gioan Phaolô II: Giáo hoàng của giáo dân và lòng Chúa thương xót

WGPSG — “Thánh Gioan Phaolô II – Giáo hoàng của giáo dân & lòng Chúa thương xót” là chủ đề buổi nói chuyện của Lm. Phanxicô Xaviê Bảo Lộc – Giám học TTMV – vào lúc 19g Chúa nhật, 20.10.2019 tại hội trường GB Phạm Minh Mẫn thuộc TTMV TGP Sài Gòn.

Đến tham dự có Đức Giám mục (ĐGM) Louis Nguyễn Anh Tuấn, linh mục (Lm) Giám đốc TTMV Phêrô Nguyễn Văn Hiền, các linh mục thuộc TTMV, các giảng viên, các tu sĩ nam nữ, các học viên, đoàn thể và rất đông giáo dân.

Sau giây phút khai mạc và lắng nghe lời Chúa (Mt 20,1-2). Bản hợp xướng “Gioan Phaolô II – ca sĩ của tình thương (Nguyễn Duy), do Ca đoàn Emmanuel trình diễn đã mở đầu buổi nói chuyện:

– Tiếp theo là chiếu 5’ Video “Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II với thiếu nhi”. Đoạn video trên màn hình cho thấy hình ảnh Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II rất yêu thương thiếu nhi. Ngài ôm hôn từng em, nhất là những em tàn tật, như muốn chia sẻ bớt phần đau đớn của các em. Như người cha vĩ đại muốn ôm hết tất cả các con vào lòng, tất cả những cử chỉ của Ngài làm người xem vô cùng xúc động. Còn thiếu nhi thì bày tỏ rằng: “Chúng con yêu Đức Thánh cha, vì ngài giống chúng con, nhưng nhất là vì ĐTC giống Chúa Giêsu”.

– Nhằm ca ngợi tấm lòng trên của Thánh Giáo hoàng, Ban nhạc Emmanuel Band trình diễn bài hát: “Có một người như thế” của nhạc sĩ Võ Văn Thức rất tuyệt vời.

Bài Thuyết trình chia làm 2 phần:

– Phần I: Giáo hoàng của giáo dân.

– Phần II: Giáo hoàng của lòng Chúa thương xót.

PHẦN I: GIÁO HOÀNG CỦA GIÁO DÂN

Tại Việt Nam, Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn được thành lập năm 2004, trong Triều đại Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II năm 2004, trước khi Ngài qua đời 1 năm. Hiện nay Giáo phận Hà Tĩnh vừa khánh thành Tiểu Chủng viện mang tên: “TCV Gioan Phaolô II” với 30 chủng sinh vào ngày 10.10.2019, để đáp lại tình nghĩa Thánh Giáo hoàng đã quá ưu ái cho Việt Nam chúng ta.

1/ Giáo dân trong cái nhìn của Đức Gioan Phaolô II

– Giáo dân phải có mặt ở hàng ngũ tiền phong trong đời sống Giáo hội.

– Trong những thực tại xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa… có những hoàn cảnh mới mẻ hết sức đặc biệt rất cần đến giáo dân.

– Quản trị các sự việc trần thế theo ý Thiên Chúa trong việc “Tìm kiếm Nước Thiên Chúa”.

– Giáo dân cũng đồng trách nhiệm với Giáo hội, với các đấng bậc và các tu sĩ nam nữ…

– Hòa hợp, cộng tác vào mục đích tông đồ của Giáo hội.

– Thực hiện liên đới giữa các thành phần trong Giáo hội, cá nhân hoặc từng nhóm để có hiệu quả trong công cuộc truyền giáo.

* Xem phim ĐGH Gioan Phaolô II với Giáo hội Việt Nam

2/ Thánh Gioan Phaolô II với Giáo hội Việt Nam

– Năm 1988, ngài tuyên Thánh 117 vị Tử Đạo tại Việt Nam.

– Năm 2000, ngài phong Chân phước cho Anrê Phú Yên, là Thánh Tử Đạo tiên khởi của Việt Nam.

– Ngài đã phong 4 Hồng Y cho Giáo hội Việt Nam:

Giuse Maria Trịnh Văn Căn – Năm 1979.

Giuse Phạm Đình Tụng – Năm 1994

PX. Nguyễn Văn Thuận – Năm 2001

GB. Phạm Minh Mẫn – Năm 2003

– Năm 1990, khi gặp gỡ Hội đồng Giám mục Việt Nam, ngài nói: “…Dù các cuộc gặp gỡ ít ỏi trong thời gian qua, nhưng sự hiệp thông giữa chúng ta vẫn mạnh mẽ và tình liên đới vẫn sâu xa. Cùng với chư huynh, tôi khấn xin lời bầu cử của Thánh Phêrô, Phaolô, và các Thánh Tử Đạo Việt Nam cho Giáo hội tại xứ sở của chư huynh. Tôi xin phó thác Giáo hội này cách riêng, cho sự trung gian hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria.”

Năm 1998, Năm Toàn Xá, kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. ĐGH dự định về dâng lễ trong sự kiện này nhưng không thành! Trong Sứ điệp gửi toàn thể giáo dân Việt Nam ngày 16.12.1997, ngài viết: “Cha cầu chúc cho những tín hữu trong năm toàn xá này, đã đến cầu nguyện với Đức Mẹ La Vang tại đền thánh của Người hoặc ở những nơi khác, được tìm thấy một sức mạnh tông đồ cho đời sống Kitô hữu của họ và nhận lãnh ơn an ủi cùng sức mạnh, trước bao âu lo của cuộc sống. Cha đồng tâm hiệp ý trong lời cầu nguyện với đông đảo khách hành hương về La Vang và tha thiết khẩn cầu Mẹ Chúa Kitô, Mẹ nhân loại, cho toàn thể dân tộc Việt Nam cũng như cho các cộng đoàn Kitô hữu người Việt sống tại nước ngoài. Ước gì họ đặt tin tưởng vào Đức Trinh Nữ rất thánh, Đấng đang đồng hành với họ trong cuộc sống lữ hành trần thế, với tất cả tình thương hiền mẫu. Dù sống bất cứ ở nơi đâu, ước gì họ là những môn đệ của Chúa Kitô, trung thành và quảng đại làm chứng cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa ở giữa anh em mình.”

– Năm 2000, Đức Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận được ĐGH Gioan Phaolô II cử giảng phòng trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay của Giáo triều Roma.

Sau khi nghe bài giảng, ĐGH Gioan Phaolô đã viết cho Đức Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận một văn thư nói lên những lời tâm tình sau đây:

“Tôi đã ước mong rằng trong năm Đại Toàn Xá này, có một chỗ đặc biệt được dành cho chứng tá của những người đã chịu đau khổ vì đức tin, đã trả bằng máu sự gắn bó của họ đối với Chúa Kitô và Giáo hội, hoặc chịu đựng những năm thật dài cảnh tù ngục và thiếu thốn đủ loại”.

ĐGH Gioan Phaolô II còn tiếp riêng và tặng cho ĐHY PX. một chén lễ. Đức Hồng Y quá cảm kính nói lên lời: “Cách đây 24 năm, khi cử hành Thánh lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi không bao giờ tưởng tượng, ngày hôm nay Đức Thánh Cha tặng tôi một chén lễ mạ vàng. Thiên Chúa thật cao cả và tình thương của Ngài cũng cao cả.”

– Năm 2002 ĐHY PX. qua đời, ĐTC gởi 3 điếu văn, trong đó có điếu văn gởi cho bà cố ĐHY Thuận, chia buồn sâu sắc và ban Phép lành Tòa Thánh cho bà cố.

– Tháng 2 năm 2002, ngài làm phép 6 tượng Đức Mẹ La Vang tặng cho người Việt ở hải ngoại trong tâm tình “Hiệp Nhất Để Sống và Loan Báo Tin Mừng.

– Ngài luôn miệng gọi “Việt Nam” khi ban chức Thánh cho các đấng bậc Việt Nam.

– Sứ điệp mang tính thời sự đối với giáo dân Việt Nam: ĐGH Gioan Phaolô II gửi đến Hội ngộ niềm tin 2003, qui tụ anh chị em Công giáo Việt Nam từ khắp nơi tụ về Roma, hiệp nhất để sống và loan báo Tin Mừng:

1. Hiệp nhất giữa các thành phần dân Chúa, Công giáo trong & ngoài nước.

2. Tha thứ cho người gây tổn thương bách hại mình.

3. Nhiệt tâm Loan báo Tin Mừng, theo gương các Thánh tử đạo.

PHẦN II. ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II – HIỆN THÂN CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

1/ Tha Thứ:

– Ngày 13.5.1981, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát hụt, ngài viết: “Thế giới loài người chỉ có thể ngày càng mang tính người hơn, khi nào chúng ta đưa vào trong mọi quan hệ hỗ tương giữa người với người, sự tha thứ theo Tin Mừng. Sự tha thứ cho thấy rằng trong thế giới tình thương mạnh hơn tội lỗi.”

Ngày 27.12.1983, ngài thăm Ali Agca trong nhà tù và tha thứ cho Ali Agca

2/ Quan tâm đến người cao niên, bệnh nhân và người đau khổ:

Ngài nói với người cao niên: 

“…Đối với những người cao niên, mà người ta thường sai lầm coi như là những người vô ích, nếu không coi như một gánh nặng không chịu đựng nổi, tôi xin nhắc lại rằng, Giáo hội đòi hỏi và trông chờ họ theo đuổi sứ vụ tông đồ và truyền giáo của họ, sứ vụ mà ngay cả vào tuổi này, không những là một công việc có thể thi hành và là một nghĩa vụ, nhưng chính trong tuổi này, nó còn có những hình thức riêng biệt và độc đáo nữa.”

Với người đau khổ, bệnh nhân, Ngài nói:

“Giáo hội chia sẻ nỗi đau khổ của anh chị em, nỗi đau khổ đưa anh chị em đến với Chúa, Đấng liên kết anh chị em với cuộc Khổ nạn cứu độ của Ngài và làm cho anh chi em được sống trong ánh sáng Cứu Độ của Ngài… Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để anh chị em tìm được chỗ đứng mà anh chị em có quyền có trong xã hội và trong Giáo hội.”

Chương trình văn nghệ giữa giờ:

  • Múa flashmob Chung sống (Ý Vũ) – Nhóm bạn trẻ Cursillo và thân hữu
  • Ngâm Thơ “Hoa thương xót” (Từ Linh) – chị Ngọc Anh
  • Đến với lòng Chúa thương xót – Cộng đoàn lòng Chúa thương xót Tổng Giáo phận.

Sau đó, chương trình được tiếp nối:

3/ Thiết lập đại lễ kính lòng Chúa thương xót (CN II Phục sinh) 2000

Ngày 30.4.2000, nhằm Chúa nhật sau Lễ Phục sinh, ĐGH Gioan Phaolô II đã thiết lập đại lễ kính “Lòng Chúa Thương Xót”, trong chính ngày tuyên thánh cho Faustina, nữ tu có thị kiến về lễ này.

Ngày 02.4.2005, Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đã từ biệt thế gian để trở về nhà Cha trên trời.

Thánh lễ cuối cùng

Khoảng 20g, cạnh giường của Đức Giáo hoàng đang gần từ giã cõi đời, Đức ông Stanislaw Dziwisz đã chủ sự Thánh lễ Chúa nhật Lòng thương xót. Đồng tế với ngài có ĐHY Marian Jaworski, Đức ông Stanislaw Rylko, Đức ông Mieczyslaw Mokrzycki và Lm. Tadeusz Styczen. Bác sĩ Renato Buzzonetti, các cộng sự viên và các nữ tu dòng Nữ tỳ Thánh Tâm phục vụ tại dinh Giáo hoàng cũng tham dự Thánh lễ.

“Bình an cho anh em!”

Những lời trong Tin Mừng Thánh Gioan vang lên cách cảm động: “Chúa Giêsu đến, Người dừng lại giữa họ và nói: ‘Bình an cho anh em!’”, và lời nguyện giáo dân cũng thế: “Lạy Chúa Giêsu, xin đến làm cho chúng con nghe lời hứa của Chúa trong bữa tiệc ly: “Bình an cho anh em!’ Trong giây phút này chúng con rất cần sự hiện diện của Chúa.”

Trước khi dâng lễ vật, một lần nữa, ĐHY Marian Jaworski ban Bí tích Xức dầu bệnh nhân cho ĐGH, và trong phần rước lễ, Đức ông Dziwisz đã trao Máu Thánh như Của Ăn Đàng cho ngài, thêm sức cho ngài trên hành trình về cuộc sống vĩnh hằng.

Sau một lúc, sức lực dần rời bỏ ngài. Người ta đặt vào đôi bàn tay ngài một cây nến được làm phép và thắp sáng. Vào 21g37’ ngày 02.04.2005. Ngài về bên Chúa. Tạ ơn Chúa!

Sau khi Lm PX. Bảo Lộc kết thúc buổi thuyết trình, chương trình văn nghệ kết thúc gồm:

– Ca khúc: Những Điều Tôi Cần – Emmanuel Band

– Múa: Từ Khắp Bốn Phương Trời – Hướng đạo sinh Công giáo.

– Ca Khúc: Lời Kinh Dâng Chúa – Ca đoàn Emanuel

Sau cùng, Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc TTMV có lời cám ơn đến mọi người hiện diện. Ngài rất cảm động khi số người tham dự rất động, nhất là dải “ru băng nối kết mọi người” của nhóm Hướng đạo Công Giáo rất có ý nghĩa.

Sau kinh nguyện kết thúc, ĐGM Louis Nguyễn Anh Tuấn ban phép lành cho mọi người trước khi ra về, hẹn gặp lại nhau trong ngày Đại lễ, lúc 18g thứ Ba, ngày 22.10.2019 tại TTMV TGP Sài Gòn.

Một số hình ảnh xem tại ĐÂY

Exit mobile version