Thánh Gio-an và Phê-rô

Ga 21, 20-25: Gio-an làm chứng trong Giáo Hội

Lời Chúa:

20 Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy? “21Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao? “22 Đức Giê-su đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.”23 Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là: “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? “

24 Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.

25 Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.

Suy niệm:

Lời Chúa hôm nay nêu lên 2 vấn đề.

Thứ nhất, một câu hỏi khó hiểu: “Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: Thưa Thầy, còn anh này thì sao? (c 21)

Phê-rô biết mình phải theo Chúa Giê-su cho đến chết, và ngài muốn hỏi để biết số phận của người anh em là Gio-an.

Tác giả A-sin Đi-ghét (Achille Deegest) thì cho rằng Phê-rô, qua câu hỏi đó, cho thấy một chút lo ngại về vai trò cạnh tranh của Gio-an: Nếu đúng như thế, thì các tông đồ vẫn luôn có những thiếu sót. Đừng lấy làm lạ, vì đó là thân phận con người mỏng dòn và yếu đuối.

Thứ hai, Chúa Giê-su không muốn trả lời nên Ngài chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy ở lại cho đến khi Thầy đến thì việc gì đến anh?” (c 22).

Chúng ta cũng có thể hiểu là Chúa Giê-su muốn Phê-rô lo đến mình, không cần quá lo lắng đến chuyện của kẻ khác.

Bài học: Đừng ganh tị, hãy sống vị tha.

Sống đạo: Sống vì người khác

Một ký giả kia được phép xuống hỏa ngục và lên thiên đàng để làm một bản phóng sự về đời sống tại đó.
Sau một cuộc hành trình gay go, ký giả trên lọt được vào địa ngục đúng vào giờ ăn. Nhìn vào bàn ăn, anh ta không khỏi lấy làm lạ khi thấy trưng bày toàn sơn hào hải vị đang bốc khói hương ngào ngạt..

Sự kinh ngạc tan biến khi chàng phóng viên chứng kiến cảnh họ dùng bữa. Vì muỗng nĩa rất dài, buộc dính vào đôi tay, không cho phép họ đưa thức ăn vào miệng, nên dù họ có cố gắng thế nào đi nữa, thức ăn chỉ đổ tháo ra đầy bàn, hay rơi tung tóe xuống mặt đất.

Quá sợ hãi, chàng ký giả lập tức từ giã địa ngục để tiếp tục lên thiên đàng làm phóng sự. Đến nơi, cũng đúng vào giờ cơm. Bàn ăn cũng trưng bày những thức ăn ngon miệng. Quan sát mọi người, chàng ta thấy ai nấy đều phương phi, khỏe mạnh, tuy đôi tay họ cũng được gắn chặt những muỗng nĩa rất dài. Có khác là thay vì họ cố gắng đưa thức ăn vào miệng mình, họ lại dùng muỗng nĩa để đút thức ăn cho nhau. Phòng ăn vang lên những giọng nói cười vui, thỏa mãn.

Kết thúc bài phóng sự tường trình về những điều mắt thấy tai nghe, chàng ký giả viết: Ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến trần gian vì chúng con. Chúa chịu chết và sống lại cũng vì chúng con. Chúng con cám ơn Chúa, và xin Chúa giúp chúng con biết sống vị tha, biết sống vì hạnh phúc của người khác. Amen.


Lm. Phêrô Mi Trầm

Exit mobile version