NGa 03/08
Antôn sinh ở Valencia, Tây Ban Nha. Sau khi gia nhập dòng Phanxicô và được thụ phong linh mục, ngài quyết định trở thành nhà truyền giáo. Khi hội thừa sai Santa Cruz ở Querétaro, Mễ Tây Cơ, được thành lập, Cha Antôn tình nguyện đến làm việc. Khi ngài đến Vera Cruz vào năm 1683, thành phố ấy tiêu điều vì hải tặc tấn công. Ðời sống ở Tân Thế Giới không dễ dàng gì.
Trong 43 năm mục vụ, Cha Antôn ngang dọc khắp lãnh thổ rộng lớn ở Tân Tây Ban Nha. Ngài làm việc ở Costa Rica, Guatemala, Mễ Tây Cơ và Texas. Sau 13 năm làm giám đốc ở Querétaro, ngài thiết lập các hội thừa sai ở Guatemala City và ở Zacatecas, Mễ Tây Cơ.
Tuy Cha Antôn rất quen với sự hy sinh nhưng đời sống truyền giáo vẫn có nhiều cơ hội để hãm mình phạt xác. Ngài phải đi bộ hàng ngàn dặm và phải can trường đối phó với thái độ thù nghịch của người da đỏ.
Năm 1716, các nhà truyền giáo thuộc hội thừa sai Zacatecas thành lập trung tâm truyền giáo Guadalupe ở miền đông tiểu bang Texas. Còn Cha Antôn thì thiết lập các hội thừa sai ở Dolores và San Miguel cũng trong tiểu bang này. Khi cuộc chiến với Tây Ban Nha khiến người Pháp đổ bộ vào miền đông Texas năm 1719, Cha Antôn và các nhà thừa sai rút về Trung Tâm San Antonio (sau này gọi là Alamô), được thành lập vào năm trước đó. Vào năm 1720, ngài bắt đầu thành lập Trung Tâm San José ở San Antonio.
Cha Antôn từ trần ở Mexico City ngày 6 tháng Tám 1726. Năm 1836, ngài được tuyên xưng là đấng đáng kính.
Lời Bàn
Các nhà truyền giáo như Cha Antôn có cuộc sống rất vất vả. Công việc thì khổ cực mà kết quả thì chưa thấy đâu. Cũng như các nhà thừa sai trước đó và sau này, Cha Antôn tin tưởng rằng, Thiên Chúa mới là người sau cùng đem lại kết quả tốt đẹp cho những hy sinh ấy.
Lời Trích
“Nhưng trước khi tất cả các điều ấy xảy ra, thì người ta sẽ bắt bớ và ngược đãi anh em; họ sẽ nộp anh em cho các hội đường và nhà tù, và anh em sẽ bị điệu đến trước vua chúa quan quyền vì danh Thầy… Vậy anh em nhớ đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào; vì chính Thầy sẽ cho anh em tài ăn nói và sự khôn ngoan mà không đối thủ nào có thể chống lại hay phủ nhận được” (Luca 21:12, 14-15).