Thánh bổn mạng của nhà thờ

saint - Thánh bổn mạng của nhà thờ

Hỏi 1: Đâu là nguồn gốc của vị thánh bổn mạng của giáo xứ hay của nhà thờ? – D. Z., Bắc Kinh, Trung Quốc.

Hỏi 2: Nếu giáo xứ của con được đặt theo tên của Chúa Thánh Thần, liệu có đúng thần học khi nói Chúa Thánh Thần như là vị bổn mạng của giáo xứ chúng con không? Nói chính xác, trong kinh nguyện giáo xứ của chúng con, một phần đọc: “Lạy Chúa Thánh Thần, Bổn mạng của giáo xứ chúng con…”. Nhưng một số linh mục cau mày về điều này, nói rằng Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa, không thể được gọi là “Vị Bổn mạng” được. Nhưng con biết rằng thuật ngữ “vị bổn mạng” bằng cách nào đó ám chỉ “đấng bầu chữa”, vốn được sử dụng cho Chúa Thánh Thần. Xin cha vui lòng giúp đỡ, con đang cần cha làm sáng tỏ. – E. I., bang Enugu, Nigeria.


Đáp: Bởi vì hai câu hỏi này liên quan với nhau, tôi sẽ cố gắng giải quyết chung với nhau.

Nguồn gốc của tục lệ đặt tên hoặc cung hiến các nhà thờ với tước hiệu riêng là không rõ ràng, mặc dù nó là phổ quát trong thực tế, và không giới hạn cho Hội Thánh Công Giáo.

Có thể nó gắn liền với sự cung hiến của các nhà thờ vào thời đầu của Hội Thánh. Điều này xảy ra cách đặc biệt sau khi sự tự do thờ phượng được Hoàng đế Constantine ban hành vào năm 313. Nhưng có bằng chứng về các nhà thờ được xây dựng có mục đích, hoặc các tòa nhà lớn được thích nghi cho việc thờ phượng Kitô giáo, từ khoảng năm 230.

Trong một số trường hợp, nhà thờ gắn liền với ngôi mộ hoặc di tích của một vị thánh tử đạo, và nhà thờ này được dâng hiến cho Ngài.

Ở những nơi khác, đặc biệt ở Rôma, nó liên quan đến tên của một vị ân nhân, tức người đã nhượng tài sản cho cộng đoàn vì mục đích thờ phượng, hoặc bằng cách nào đó đã tạo điều kiện dễ dàng cho cuộc tập họp đều đặn của cộng đoàn. Trong Rm 16: 3-5, thánh Phaolô gửi lời thăm chị Pơ-rít-ca (Prisca) và anh A-qui-la (Aquila) và “Hội Thánh vẫn họp tại nhà anh chị ấy”. Mặc dù có lời đề cập này, bằng chứng khảo cổ cho việc sử dụng các ngôi nhà tư nhân cho việc thờ phượng ở Rôma cổ là rất ít. Do đó, trong khi các nhà hảo tâm không nhất thiết là chủ của nhà, mà việc thờ phượng Chúa diễn ra ở đó, tên của họ được gắn liền với một số nhà thờ cổ nhất của Rôma để tạo ra cái gọi là các nhà thờ Titulus (tước hiệu) của thành phố, vốn gồm có 28 nhà thờ theo một danh sách trong năm 499. Trong số này, ngoài nhà thờ các thánh Prisca và Aquila, có các nhà thờ thánh Sabina, thánh Praxides và thánh Crisogono.

Tập tục cung hiến long trọng các nhà thờ bằng một hình thức nào đó có lẽ là rất sớm, mặc dù bằng chứng đầu tiên về nghi thức cụ thể được tìm thấy trong nửa đầu của thế kỷ IV. Thánh Eusebius thành Caesarea mô tả nhiều sự cung hiến nhà thờ sớm nhất vào năm 314.

Tập tục cung hiến các nhà thờ với một tước hiệu đặc biệt dường như đã bắt đầu vào cùng thời điểm ấy, mặc dù không có luật nào đòi hỏi.

Do đó, vào năm 435, nhà thờ Đức Bà Cả (Santa Maria Maggiore) trở thành một trong các vương cung thánh đường đầu tiên được dâng hiến trực tiếp cho Đức Maria, mặc dù một số người tuyên bố vinh dự này cho nhà thờ Santa Maria ở Trastevere dưới thời Giáo hoàng Julius I (337-352), người đã dâng hiến nhà thờ cho Đức Maria khi ngài tu sửa một tòa nhà có trước đó.

Nhà thờ Hagia Sophia, hay Nhà thờ Đức Khôn ngoan thánh, ở Constantinople đã được hoàn thành vào năm 537, và là nhà thờ thứ ba có tước hiệu ấy được xây dựng tại chỗ.

Các nghi thức cung hiến đã trở nên phức tạp hơn theo thời gian, và lấy cảm hứng từ các mô tả Kinh thánh về lễ khánh thành Nhà tạm trong chương 40 sách Xuất hành, và về các lần cung hiến và tái cung hiến Đền thờ Solomon ở Giêrusalem. Đến khoảng thế kỷ VIII, các nghi thức đã trở nên rất phức tạp, và việc trao cho mỗi nhà thờ một tước hiệu đã là một tập tục ràng buộc theo luật.

Theo Bộ Giáo luật hiện hành (Điều 1218) và Nghi thức cung hiến một nhà thờ (số 4) và Sách Lễ Nghi Giám mục, số 865:

“Mỗi nhà thờ phải mang một tước hiệu riêng, và một khi đã cung hiến, không thể thay đổi tước hiệu nữa” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Tước hiệu được ban cho nhà thờ vào thời điểm cung hiến thông qua sắc lệnh của Giám mục.

Để làm rõ thêm các quy chế này và giải quyết một số tình huống mục vụ mới, Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí Tích đã ban hành một thông báo, “Omnis ecclesia titulum” vào ngày 10-2-1999, “Liên quan đến việc đặt tên thánh bổn mạng cho các giáo phận và giáo xứ”. Tài liệu viết:

“1. Mỗi nhà thờ phải có một tước hiệu được chỉ định trong một buổi phụng vụ, hoặc lễ cung hiến hoặc làm phép.

“2. Trong tước hiệu, các nhà thờ có thể dùng danh thánh Ba Ngôi Cực thánh; Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, được gợi ra dưới một mầu nhiệm cuộc đời Ngài hay dưới thánh danh của Ngài như đã sử dụng trong phụng vụ; Chúa Thánh Thần; Đức Trinh Nữ Maria dưới một tước hiệu đã có trong phụng vụ; các thiên thần, hay một vị Chân phước hay vị Thánh có tên trong Sổ Các Thánh Rôma.

“3. Có lẽ nên chỉ có một tước hiệu cho một nhà thờ, trừ khi nó được bắt nguồn từ các Thánh được ghi tên chung trong một Lịch phụng vụ riêng.

“4. Bất kỳ vị Chân phước nào, mà việc kính nhớ Ngài chưa được ghi trong Lịch giáo phận hợp pháp, thì không thể được chọn làm tước hiệu của một nhà thờ, mà không có đặc miễn của Tòa Thánh.

“5. Một khi tước hiệu đã được đặt trong việc cung hiến một nhà thờ, tước hiệu này không thể được thay đổi (Giáo luật điều 1218), trừ khi, vì các lý do nghiêm trọng, nó được cho phép rõ ràng bởi một đặc miễn của Tòa Thánh.

“6. Tuy nhiên, nếu một tước hiệu đã được chỉ định như một phần của việc làm phép nhà thờ, theo Ordo Benedictionis Ecclesiae (nghi thức làm phép nhà thờ), nó có thể được thay đổi bởi Giám mục giáo phận (xem điều luật 381, 1) vì một lý do nghiêm trọng, và với tất cả các yếu tố được xem xét hợp lệ.

“7. Tên của một giáo xứ thường có thể giống với tước hiệu của nhà thờ giáo xứ.

“8. Là vị trung gian hoặc đấng bầu chữa trước mặt Thiên Chúa, thánh bổn mạng là con người được tạo thành, chẳng hạn Đức Trinh Nữ Maria, các Thiên thần, một vị Thánh hay Chân phước. Vì cùng một lý do, Ba Ngôi Chí Thánh và mỗi Ngôi luôn bị loại ra như là vị bổn mạng.

“9. Vị bổn mạng phải được chọn lựa bởi hàng giáo sĩ và tín hữu, và sự lựa chọn của họ phải được chấp thuận bởi giáo quyền có thẩm quyền. Để cho việc đặt tên có thể mang lại hiệu quả phụng vụ, sự chọn lựa và tán thành cần phải có sự xác nhận của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, và sự xác nhận được ban hành bởi sắc lệnh của Thánh Bộ này.

“10. Thánh bảo mạng của một địa điểm được phân biệt với tước hiệu của một nhà thờ; hai cái có thể là giống nhau, nhưng không nhất thiết là như vậy.

“11. Khi một giáo xứ mới được xây dựng thay cho một số giáo xứ hủy bỏ, giáo xứ mới có thể có nhà thờ riêng, vốn giữ lại tước hiệu hiện tại, trừ khi đó là một tòa nhà mới xây. Hơn nữa, các nhà thờ của các giáo xứ hủy bỏ, bất cứ khi nào các giáo xứ này được coi là ‘đồng giáo xứ’ (co-parish), vẫn giữ các tước hiệu riêng của họ.

“12. Nếu một số giáo xứ được kết hợp với nhau để thành một giáo xứ mới, thì vì lý do mục vụ, được phép thiết lập một tước hiệu mới khác với tước hiệu của nhà thờ giáo xứ “.

Tài liệu này cũng làm sáng tỏ một trong các câu hỏi của chúng ta. Chúa Thánh Thần không thể là vị bổn mạng, theo nghĩa riêng của từ ngữ, và lời nguyện nói với Ngài như vậy là không chính xác. Khái niệm của tước hiệu của một nhà thờ và khái niệm vị bổn mạng là khác nhau, mặc dù trong một số trường hợp chúng có thể trùng hợp.

Đôi khi, chúng có thể bị nhầm lẫn trong lòng đạo đức bình dân. Thí dụ, quốc gia El Salvador, có nghĩa là “Đấng Cứu Thế”, mừng ngày quốc khánh của họ vào ngày lễ Chúa Biến hình (ngày 6-8) để tôn vinh Chúa Cứu Thế của thế giới. Ngày lễ và các ngày dẫn tới ngày lễ được gọi là “các lễ bổn mạng” theo cách nói bình dân, mặc dù điều này có thể là không chính xác về mặt kỹ thuật.

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 17-10-2017)

Exit mobile version