Thận trọng

Tôi được một người quen mời dâng lễ cưới cho người cháu, tôi vui vẻ nhận lời liền, vì đây là sứ vụ của người mục tử cũng như đây là cơ hội để gặp lại những người thân quen mà từ lâu lắm rồi không có dịp, và tôi háo hức chờ tới lúc gặp gỡ đó.

Gần tới ngày đã ấn định, tôi sắp xếp mọi công việc để có được những sự thuận tiện tốt nhất khi đến dâng lễ cưới. Nhưng tôi thật là bất ngờ khi được người nhà thông tin cho biết là cha xứ muốn gặp cha khách dâng lễ trước ngày cưới để biết rõ về cha như thế nào!

Tôi nghe mà thầm nghĩ, sao mà rắc rối thế. Sau khi nghe hết chuyện, và đã nắm bắt được một số thông tin về cha xứ, tôi dặn người nhà là nói tôi thế này thế nọ. Nếu giả như cha xứ không chịu thì khi gặp ngài, bật điện thoại lên để tôi thưa chuyện với ngài. Tôi nghĩ cách đơn giản như vậy là tiện nhất không còn gì hơn nữa.

Người nhà có vẻ e ngại, ngập ngừng, có lẽ đã trình bày với cha xứ hết nước rồi, mà không lay chuyển được ý của ngài, khi sau đó đề nghị với tôi, hay là con đến đón cha để thuận lợi hơn. Tôi trả lời, thôi không được đâu, giờ là những ngày cuối năm cha bận rộn đủ thứ chuyện, chuyện Hội Dòng, chuyện Giáo xứ, đi như thế lại mất cả một ngày nữa. thông cảm cho cha nhé, cha không có muốn làm khó đâu. Lúc khác thì dễ dàng hơn, lúc này thì tha cho cha đi! Cứ thử theo phương án cha vừa đưa ra, nếu không được thì ta tính tiếp.

Mấy ngày sau, tôi hồi hộp khi thấy số điện thoại hiện lên, không biết là tin vui hay tin buồn tiếp đây!

Nghe xong tôi thở phào, nhẹ nhõm, nhưng có pha một chút nỗi buồn không thể nào tả cho hết!

Khi người nhà lại đến gặp và trình bầy với cha xứ một lần nữa, ngài vẫn bảo lưu ý kiến của ngài. Bế tắc! Người nhà thất vọng, không biết tìm cha quen biết nào ở gần để có thể lấp vào chỗ trống trong lúc cấp bách này?

Giây phút ấy có lẽ dài lắm, mãi cho tới khi cha xứ không biết nghĩ sao bèn chỉ qua cha phó. Cha phó có lẽ biết chuyện, nay được mở lối, liền chỉ dẫn, và cuối cùng phương án đưa ra được hai bên chấp thuận vui vẻ.

Điều buồn là khi nghe người nhà trình bày tại sao tôi không thể đến được và lý do ngài muốn gặp cha khách là để xác minh có phải cha thật không, qua việc ngài đòi chứng minh bằng thẻ linh mục, bằng địa chỉ đang sinh hoạt, vì bây giờ cha giả nhiều lắm. Ngài về đây ba mặt một lời chứ còn nghe điện thoại cũng chẳng tin được!

Điểm tiếp theo là phương án này đã xin rồi mà ngài không thuận, giờ đã lên thiệp và đi mời hết rồi, giờ lại đổi giờ lễ thì làm sao? Đối với người tín hữu sống trong bậc gia đình, bí tích hôn nhân thật là quan trọng để khởi đầu một cuộc sống mới. Không phải để có đông người tham dự như là muốn khoe với mọi người rằng ta đây, mà là một cơ hội để xin mọi người cùng cầu nguyện và chia sẻ trên bước đường sắp tới đầy chênh vênh của anh chị.

Qua việc này, tôi chợt nghĩ không biết có phải ngài là cha giáo, một cha giáo thần học nổi tiếng để ngài phải nghi ngờ đến thế, giống hệt như câu nói mà dân gian vẫn thường bộc lộ “ Bụng chẳng còn tin với rốn, huống hồ là tin người khác!”

Và tôi cũng nghĩ thêm, đâu có ai tự nhiên đi xin dâng lễ, mà là lễ hôn nhân nữa, ăn được cái giải gì mà phải lừa nhau như cha xứ nghĩ?

Hơn nữa đôi hôn nhân là người nhà, là người cháu thân thiết của mình, mà người đi mời cha quen đó lại cũng phải lừa sao. Nếu giả như thế, thì khi người cháu phát hiện thì cái mặt đẹp của mình liệu giấu đi đâu?

Hơn nữa, một khi đã không tin vào đạo thì người ta phải lừa nhau đến mức độ đó để làm gì?

Và giả như có chuyện đó, thì tôi nghĩ rằng, chính bản thân người linh mục ấy phải suy nghĩ, tại sao giáo dân của mình lại tán tận lương tân đến như vậy, đem một linh mục giả đối chọi với mình?

Riêng đối với đôi hôn nhân, họ sẽ nghĩ gì, dù họ được giải thích đủ đường, khi các cha với nhau mà lại có thái độ nghi ngờ, coi thường nhau đến thế! Để làm ảnh hưởng không ít đến việc họ lãnh nhận ơn ích Chúa ban khi sống trong bậc gia đình!

Và còn hơn thế nữa, các ngài trả lời làm sao cho xuôi khi trong năm nay Giáo Hội Việt Nam định hướng đường lối mục vụ là quan tâm đến các gia đình gặp khó khăn, mà trọng tâm là gia đình di dân, gia đình hôn nhân khác đạo cũng như những gia đình tan vỡ. Cái gốc không biết quan tâm, lo lắng, chăm sóc…bao nhiêu có thể thì đến khi có sự cố thì ta làm được gì? Nếu giả như ta có nhiệt tình xông xáo, đầy vất vả…thì có lẽ ta cũng chỉ làm được cái ngọn cho tạm yên ổn là may lắm rồi! Huống hồ là quan tâm tới cái gốc….

Thiên Quang sss

Exit mobile version