Thận trọng khi sử dụng tiền của

Ta vẫn thường nghe nói đến sức mạnh của đồng tiền : đồng tiền là tiên là phật… Đức Giêsu còn nói mạnh hơn nữa: đồng tiền còn có thể là chúa của con người, bắt con người làm tôi. Ngay cả các Kitô hữu, những người đã thuộc về Thiên Chúa, và chỉ muốn phụng sự một mình Ngài, cũng bị cám dỗ để đi hàng hai, bắt cá hai tay. Họ nghĩ mình có thể làm tôi đồng thời cả Thiên Chúa lẫn Tiền Của, nhờ đó được cả đời sau lẫn đời này. Đức Giêsu cho thấy điều đó chỉ là một ảo tưởng (c. 13). Phải chọn một trong hai, vì không thể yêu và gắn bó với cả hai.

Chương thứ 16 Tin Mừng theo thánh Luca quy góp những lời dạy của Chúa Giêsu về việc sử dụng tốt những của cải cũng như về sự nô lệ cho tiền bạc. Ðoạn Tin Mừng chúng ta vừa đọc lại trên đây và muốn suy niệm hôm nay tiếp liền và bổ túc cho những gì Chúa Giêsu muốn nói qua dụ ngôn về những khách được mời dự tiệc nhưng từ chối không đến, vì lòng họ còn quá bám víu vào những lợi lộc riêng tư.

Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cho ta cái nhìn thấu đáo về việc sử dụng của cải trần gian. Ở đây, Chúa không hề loại bỏ giá trị của đồng tiền nhưng muốn ta đặt nó đúng vị trí trong bậc thang của các giá trị. Nếu ta không đặt Chúa lên trên tất cả thì tiền tài, danh vọng, dục tình sẽ chiếm chỗ nhất trong lòng ta.

Tin Mừng trình bày giáo huấn của Ngài cho tất cả mọi người, không phân biệt giầu nghèo. Việc sử dụng tốt tiền của hay việc lạm dụng sử dụng xấu tiền của không tùy thuộc vào số lượng ít nhiều, giầu nghèo nhưng tùy thuộc vào chính tâm hồn con người có thái độ như thếnào đối với tiền của. Nói cách khác, mọi người bất luận giàu hay nghèo đều có thể có thái độ sai lạc trước tiền của vật chất. Chúa Giêsu không lên án tiền của từ nơi chính nó nhưng Ngài cảnh tỉnh chúng ta về thái độ phải có trước tiền của.

Ta hãy lưu ý đến câu nói của Chúa Giêsu: “Không ai có thể làm tôi cho hai chủ một lượt. Không thể nào phục vụ Chúa và làm tôi cho tiền của”. Từ ngữ được dùng trong nguyên văn mà chúng ta dùng từ “làm tôi cho” hay “phục vụ” trong khung cảnh Kinh Thánh, có mang thêm một chút ý nghĩa của hành động phụng vụ tôn thờ.

Như vậy, câu nói được hiểu như sau: “Không ai có thể tôn thờ hai chủ được. Các con không thể cúi mình thờ lạy Thiên Chúa và thờ lạy thần tiền tài một lượt được. Con người chúng ta chỉ tôn thờ, chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa mà thôi. Ai tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương anh chị em mình thật sự, thì không thể nào tôn thờ tiền của, đặt tiền của như là mục đích cuối cùng của đời mình”. Nếu tiền của không phục vụ cho chúng ta đểcó được những người bạn mới trong nước Trời, hay nói cách khác, nếu chúng ta không đặt tiền của vào việc phục vụ cho anh chị em thì tiền của sẽ trở nên thần tượng không thể nào dung hòa được với Thiên Chúa.

Tiền của vật chất là phương tiện cho cuộc sống con người “có tiền mua tiên cũng được”. Nhưng tiền của cũng chính là nguyên cớ gây ra nhiều tội ác nên Chúa mới gọi tiền là “của bất chính”. Hiểu như vậy, chúng ta phải biết sử dụng tiền của, biến nó thành tên đầy tớ tốt chứ đừng nô lệ nó, đừng để nó trở thành ông chủ xấu.

Tiền bạc của cải không chỉ có ý nghĩa vật chất nhưng còn có thể hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những gì mình sở hữu như sức khỏe, tài năng, sở thích, ý riêng, công việc, quan niệm….là những cái Thiên Chúa ban cho chúng ta, nên ta phải sử dụng theo ý Chúa, là phục vụ cho bản thân và tha nhân.

Ngạn ngữ có câu: Tiền là tên đầy tớ tốt nhưng lại là ông chủ tồi. Nếu ta để tiền “ là tiên là phật, là sức bật lò xo, là thước đo lòng người…” thì lúc đó ta đang bị “cai trị” bởi một “ông chủ tồi” mà quên đi Thiên Chúa là Cha nhân hậu của mình. Thư thánh Phaolo gởi cho Timôthê có nhắc: “Cầu thỏa lòng tham, thì có kẻ đã lạc xa đức tin và bị bao nỗi đau đớn xâu xé” (1Tm 6, 10). Lòng tham đó không những có thể là tiền bạc mà còn là bất cứ điều gì dù nhỏ bé như một sở thích, một thói quen hay một sự tự phụ nào đó…

Xin Chúa cho ta biết khám phá ra giá trị của Nước Trời để biết sử dụng của cải theo ý Chúa, ngõ hầu ta sẽ trở thành những người tôi tớ trung tín và khôn ngoan

Huệ Minh

Exit mobile version