‘Thần đồng’ và nỗi đau…

than dong do nhat nam - 'Thần đồng' và nỗi đau...

Vào những ngày này, có hai câu chuyện liên quan đến trẻ em rất đối ngược bỗng thu hút sự bàn luận của xã hội.

Một là chuyện của cậu bé mới 11 tuổi, Đỗ Nhật Nam, được nhiều người coi là “thần đồng”, bị ném đá vì những phát ngôn “ông cụ non”. Chuyện kia, các anh chị học sinh lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Hiền (Q. 1, TP. Hồ Chí Minh) thì hành động bột phát quá trẻ thơ. Sự giống nhau cả hai câu chuyện, đều làm cho người lớn phải suy nghĩ và nhìn lại mình.

“Mẹ cháu đặt vòng rồi đấy, bác nhá”!

Cậu bé đó từng là MC các chương trình nổi tiếng với các em nhỏ trên VTV3. Năm 7 tuổi, em được công nhận là “dịch giả” nhỏ tuổi nhất. Năm 11 tuổi, giành kỷ lục “Người viết tự truyện nhỏ nhất VN”. Mới đây, em ra mắt cuốn sách có tiêu đề rất ngộ “Tớ đã học Tiếng Anh như thế nào?”. Vốn liếng để em viết cuốn sách khá giàu có, đến mức nhiều người phải thèm muốn: Chứng chỉ Tiếng Anh chuẩn quốc tế như Starters, Movers của ĐH Cambridge, TOEIC 940/ 990, IELTS 6.5/ 9.0.

Chả lẽ, năm nay, cậu bé buộc phải gặt một “kỷ lục” vô lý – bị ném đá không thương tiếc, chỉ vì những cái mà người lớn cho rằng… chưa chuẩn?

Thế giới phẳng là bước tiến vĩ đại của con người và lịch sử. Nhưng thế giới phẳng cũng luôn chứa chấp cả những điều tồi tệ nhất, thậm chí tàn nhẫn nhất, sẵn sàng làm tổn thương con người, kể cả một đứa trẻ? Mà chuyện ném đá đó đâu phải chuyện đầu tiên.

Mới hiểu vì sao, nhiều “người của công chúng” luôn sợ hãi việc chuyện của mình được đưa ra trước công luận. Ở đó, sự tung hô và “tổng xỉ vả”, chỉ cách nhau có khi không đến… một giây. Đá không có hình hài, nhưng nỗi đau lại rất thực. Nhiều khi chà xát, khía sâu, nhức nhối tâm can con người.

Trong GD, GS Hồ Ngọc Đại có một câu nói thành nguyên lý rất hay, đại ý: Trẻ con vẫn là trẻ con. Trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ!

Nhưng trong GD, cũng có khái niệm: Tính phổ biến, tính chuyên biệt, và trong đời sống, có cả khái niệm tôn trọng sự khác biệt.

Cậu bé được gọi là “thần đồng” không thuộc số đông trẻ em VN. Ở em, có những tố chất thông minh, tài năng và hoàn cảnh, lẫn cơ may nhiều trẻ em VN không có. Số lượng thành công em gặt hái trong lĩnh vực tiếng Anh, kể cả “viết tự truyện” – thông thường là loại sách của những người lớn đã trải nghiệm cuộc đời, mới dám “chạm” đến, đã nói điều đó.

Có điều từ lâu, em đã là một MC diễn xuất khá tự nhiên trên tivi, trong các chương trình trẻ thơ. Chính sự xuất hiện thường xuyên trên công luận, trước màn hình quen thuộc, khiến em thoải mái, tự tin, và có phần già dặn hơn so với trang lứa.

Nếu nhìn ra thế giới, hiện tượng các em bé có tố chất hơi “đặc biệt” cũng không quá hiếm. Nhất là trong những môi trường GD nhân ái và đời sống xã hội, người ta tôn trọng cá tính, sự khác biệt và không “đo” trẻ em bằng thước đo… người lớn.

Nguyễn Tường Khang, một cậu bé gốc Việt 12 tuổi, mới tốt nghiệp lớp 6 một trường tiểu học ở Fairfax, bang Virginia (Mỹ), đã được một trường đại học ở bang này mời đến làm giảng viên thỉnh giảng. Mỗi tuần, giảng viên 12 tuổi này có 4 giờ diễn thuyết, mỗi giờ giảng, em được thù lao 250 USD.

Trước đó, em thắng cuộc bởi tài hùng biện trong cuộc thi tài năng diễn thuyết chủ đề về GD của NAACP (Hiệp hội Quốc gia vì sự thăng tiến của người da màu – được thành lập năm 1909 ở Mỹ). Những ý tưởng của Nguyễn Tường Khang còn được coi là đánh giá bổ sung vào bài phát biểu về GD của Tổng thống Mỹ Obama.

Cậu bé được coi là “thần đồng” Adi Putra Abdul Ghani (Malaysia), dù chỉ mới 10 tuổi, đã là một CEO (Giám đốc điều hành, giữ trách nhiệm thực hiện những chính sách của hội đồng quản trị) của hai công ty, kiêm giảng viên với thù lao 1.800 USD/ giờ dạy.

Còn cô bé Elaina Smith, người Anh, được coi là nhà tư vấn tâm lý nhỏ tuổi nhất thế giới. Mới 7 tuổi, cô bé đã có một công việc ở đài phát thanh nơi bé sinh sống. Thử tưởng tượng câu trả lời tư vấn của cô bé với một nữ khách hàng về sự chia tay với người yêu: Anh ta không đáng để bạn phải đau buồn. Cuộc sống quá ngắn ngủi để bạn buồn về một chàng trai.

Cả ba cậu bé, cô bé: Nguyễn Tường Khang, Adi Putra Abdul Ghani và Elaina Smith, chắc chắn đều không giống số đông trẻ em cùng trang lứa của xã hội Mỹ, Malaysia và Anh quốc.

Và còn nhiều em nữa: Kim Ung-Yong (Hàn Quốc), vào ĐH Hanyang từ năm… 4 tuổi. Có bằng tiến sĩ năm 15 tuổi, được công nhận là người có chỉ số IQ cao nhất hành tinh (hơn 210 điểm). Gregory Smith (Mỹ) biết đọc khi mới 2 tuổi, vào đại học năm lên 10 và được đề cử Giải Nobel Hoà bình ở tuổi 12, vì những nỗ lực hoạt động vì hoà bình và vì quyền trẻ em. Akrit Jaswal (Ấn Độ) trở thành bác sĩ phẫu thuật lúc mới 7 tuổi…v.v… và v.v…

Có điều, không biết các em này có bị cộng đồng “ném đá” dữ dội hay không?

“Đỉnh điểm” của sự ném đá cậu bé 11 tuổi mới đây, chính là câu nói truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn.

Clip phỏng vấn Đỗ Nhật Nam

Khác với nhận xét của nhiều người, khi nghe và quan sát gương mặt vui vẻ của cậu bé, tôi chỉ thấy buồn cười. “Ông cụ non” vẫn là đứa trẻ thơ, dù tỏ ra chỉn chu, già dặn, khi trả lời, em không đọc truyện tranh vì mẹ em nói truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn!

Mẹ em nói… Đứa trẻ nào mà người mẹ chẳng là hiện thân của lý tưởng thẩm mỹ? Lời của mẹ bao giờ chẳng duy nhất đúng? Cậu bé cũng không ngoại lệ.

Khi ngây thơ nhắc lại lời mẹ, đâu hẳn cậu đã ý thức sâu sắc hoàn toàn đến độ thái quá như vậy. Để đến nỗi nhận những chỉ trích ác độc và nghiệt ngã không kém các… lão phù thuỷ và mụ yêu tinh trong truyện tranh cổ tích. Và nếu người đau, người cần điều chỉnh về cách nhìn ở đây, phải là người mẹ của em. Khi con bị “ném đá” vì câu phát ngôn trẻ thơ, hẳn mẹ em mới là người đau đớn nhất.

Với trẻ thơ, người mẹ đúng đến… đáng buồn và đáng bật cười. Có hai câu chuyện người viết trực tiếp chứng kiến. Một cậu bé khoe với bạn: Bố tớ chức to đứng thứ ba cơ quan này. Khi nào đó, bố tớ sẽ to nhất ở đây!

Ngạc nhiên quá, vì chuyện vị thế ở cơ quan đúng như vậy. Người viết bài liền hỏi: Ai nói với cháu chuyện đó? – Mẹ cháu! – Cậu trả lời rất thành thật và tự tin.

Còn chị bạn gái thân mới đi “làm sinh đẻ có kế hoạch”. Chả biết về nhà, nói chuyện với chồng thế nào, ba hôm sau, ông bạn của chồng đến chơi. Cô bé 5 tuổi con chị chạy ra nhanh nhảu: Cháu chào bác ạ. Mẹ cháu đi đặt vòng rồi đấy, bác nhá! Chị bạn ngượng đến độ muốn… độn thổ!

Không hiểu, nếu cô bé 5 tuổi con gái chị bạn tôi, trả lời phỏng vấn trên tivi câu nói đó, sẽ bị “ném đá” thế nào?

Trẻ thơ, cho dù có những lời nói già dặn vẫn cứ là trẻ thơ. Và nếu như các em có già trước tuổi, thì đó là cái lỗi của… người lớn.

Trong đời sống, người lớn chúng ta luôn cần sự đa chiều, đa dạng, cần phải tôn trọng sự khác biệt. Nhưng lại không chịu đựng nổi sự khác biệt của một đứa trẻ “khác biệt”. Và chụp lên trên đầu đứa trẻ đó, cái mà trong tư duy người lớn chúng ta tự cho là chuẩn mực.

Người viết bài vì thế rất trân trọng lá thư của cô giáo chủ nhiệm lớp 6G, thay mặt tập thể giáo viên Trường THCS-THPT Newton. Xót trò, cô giáo chủ nhiệm đã viết đăng tải trên website của trường. Nhưng cũng là nhắn gửi cho tất cả người lớn chúng ta:

Ở trường, em là một học sinh hồn nhiên, vui vẻ, thông minh, luôn thích tham gia các câu lạc bộ lướt ván, cầu lông, bơi, đóng kịch,… cùng với các bạn trong lớp… Em có những chính kiến riêng nhưng theo kiểu rất hồn nhiên.

Thời gian dạy học và hiểu trò của các cô giáo được tính bằng cả năm, cả tháng, bằng nghiệp vụ sư phạm được đào tạo. Còn clip cho người lớn chúng ta hiểu về cậu bé chỉ khoảng… 10 phút.

Vậy thì cái sự nhìn nhận “lệch chuẩn”, hời hợt đó cần dành cho ai?

“Nếu là học sinh, tôi cũng… chán!”

Đó là phát ngôn của GS Sử học Phan Huy Lê, một nhà nghiên cứu – nhà giáo, phải thốt lên buồn bã về sự “hấp dẫn” của môn Sử, bộ môn vừa có đề cương ôn thi bị các học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, xé và vứt trắng xoá sân trường với tiếng hò reo vui sướng, khiến xã hội xôn xao bàn tán nhiều góc độ.

Có điều…

Sự vui mừng bột phát của các em quá hồn nhiên. Tựa như hồi nhỏ, mỗi lần nghe thầy ốm, cô ốm, chả học sinh nào không vỗ tay reo hò thích thú vì được nghỉ học. Rồi mới chợt nhận ra, có chút gì đó, như sự vô tình vô ý.

Nhưng bột phát đến mức xé cả đề cương môn học, vứt trắng xoá sân trường, thì hành vi đó cũng thật phản cảm, khó chấp nhận.

Xưa nay chuyện xé sách, đốt sách trong thế giới trí thức con người, vốn tối kỵ. Hành vi đó, dù là của kẻ ngôi vương như Tần Thuỷ Hoàng trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, vẫn bị thế giới hiện đại nhắc nhớ đến như một hành vi man rợ, thậm chí u tối, đến mức nó trở thành một thành ngữ – đốt sách, chôn nho – đáng nguyền rủa, hổ thẹn.

Cho dù ông Nguyễn Cảnh Tân, hiệu trưởng nhà trường thanh minh, thanh nga, không chỉ có đề cương môn Sử, mà còn có đề cương nhiều môn khác, cả giấy vụn, giấy nháp…, thì cũng không thể phủ nhận được hành động đó là có thật.

Nụ cười vui sướng của các em đã khiến không ít người thầy dạy môn Sử thấy đau trong lòng.

Nỗi đau của sự thất bại!

Dù lỗi đâu chỉ do họ, nhất là với những người thầy trân trọng, tâm huyết với nghề.

Và cũng có điều…

Nụ cười vui sướng trong chốc lát của các em cho thấy “nỗi khổ của áp lực thi cử” quá nặng nề. Dù chuyện học hành xưa nay không thể và không bao giờ là chuyện dễ dàng, vì nó cũng đòi hỏi khổ công, khổ luyện.

Nụ cười hào hứng của các em, cho thấy số phận bẽ bàng của môn Sử, nối tiếp số phận môn Văn trước đó hàng mấy chục năm. Tiếc thay, những số phận “bẽ bàng” đó chưa hề… thay đổi. Oái oăm, đó lại là những môn dạy về dũng khí, khí phách dân tộc, dạy về nhân cách làm người.

GS Hồ Ngọc Đại cũng lại có một câu nói mang tính nguyên lý rất hay khác: GD không được phép sai lầm.

Thử xem, chỉ riêng môn Sử, một môn khoa học xã hội, xuất phát từ thực tiễn lịch sử dân tộc, có bi có hùng, có đau thương mất mát, có tổn thất. Điều đó, đòi hỏi người viết Sử thái độ trung thực trước sự thật (*), vì Sử học là sự thật khách quan, không phải là môn… chính trị thuần tuý, dù Sử học luôn hàm chứa sự GD ý thức công dân trước vận mệnh đất nước. Vậy nhưng, nói như tác giả Nguyễn Phương – Dạy sử, không thể nấu sỏi và nước lã thành súp (Tuần Việt Nam, ngày 8/8/2011).

Món “súp” Sử, từ lâu không phải là món ngon như nó xứng đáng được thế.

Có điều hình như ngành GD – những vị đầu bếp tồi – không muốn thừa nhận sự thật này, nên mới coi đó là điều bình thường?

Và liệu có thể là bình thường không, sau món Sử, là “món” thi cử? Khi mà tiền tỷ, tiền tấn mỗi năm người dân phải đổ vào chi tiêu cho món này. Để rồi cuối cùng, ngành GD nhào trộn ra những tỷ lệ phần trăm (%) đỗ cao ngất ngưởng, mà xã hội gọi… lịch sự bằng cụm từ bệnh thành tích. Để rồi hiệu quả giữa đào tạo và sử dụng vẫn tiếp tục lãng phí, còn chất lượng GD như… nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa.

Khổ nỗi, các đầu bếp của ngành GD vẫn đang loay hoay không biết nên chọn loại nguyên liệu nào là chủ đạo? Lúc thì ba chung, khi chỉ còn một kỳ thi, lúc một điểm sàn xét tuyển, cứ loanh quanh luẩn quẩn thử khẩu vị xã hội, mặc cho cả xã hội đã quá ngán. Còn học sinh quá sợ…

Có điều một khi, mục đích của ngành GD mãi mãi chỉ là học để thi, không phải học để làm, thì vẫn sẽ còn hiện tượng chán Văn, ngán Sử, mà chuyện xé đề cương, hay quay lưng lại với môn học sẽ không chỉ “ưu đãi” riêng cho môn Sử hôm nay, môn Văn trước đây.

Vậy thì sứ mệnh ngành GD là gì?


Tâm sự của mẹ Đỗ Nhật Nam về những ngày ‘sóng gió’

(Vnexpress) – Sau một tuần lặng im trước scandal của con trai, mới đây, khi sự việc đã dần lắng xuống, mẹ Đỗ Nhật Nam đã lên trang cá nhân chia sẻ câu chuyện của gia đình mình.

Trong đoạn note đó, cô kể về những ngày đẫm nước mắt vừa qua khi cộng đồng mạng lên án con trai. Những dòng tâm sự của người mẹ cảm thấy bất lực vì không bảo vệ được con: “Mỗi người đều có một nơi an toàn nhất. Nơi đó chính là Mẹ. Đây là mở bài trong bài văn con viết để tả về mẹ hồi con học lớp 5… Nhưng những ngày qua, “mở bài” này nhiều lần trở đi trở lại trong đầu mẹ. Nó khiến mẹ đôi khi khóc oà, đôi khi nước mắt chảy ngược vào trong, từng dòng, mặn chát. Mẹ đã không thể là “con chim mẹ”, là “con trâu rừng” để bảo vệ được con”.


Cuộc sống của gia đình những ngày “u ám” ấy cũng được người mẹ kể lại. Khi đó, bố Nam đã mang một đôi mắt “buồn đến không thể buồn hơn”, nhưng thấy con về lại vui vẻ như chẳng có chuyện gì để con không phải phiền lòng. Em của thần đồng thì giữa đêm thảng thốt gọi mẹ: “U ơi, con không thể nào ngăn chặn được. Con có lỗi với anh Nam”.


Trong khi cả gia đình mang tâm trạng nặng nề thì chính Nam lại là người bình tĩnh nhất. Em đã viết những dòng mail thật dễ thương để an ủi, động viên người mẹ thân yêu của mình. Nam gọi mẹ là “đồng chí” và dùng triết lý của “ông cụ non” để mong mẹ vững tâm: “Đồng chí à. Khi gặp bão, nếu đại bàng bay thấp xuống, nó sẽ bị gió bão quật ngã. Nhưng nếu nó mạnh mẽ bay lên, nó sẽ bay được cao, rộng và xa”… Thấy mẹ khóc nhiều, Nhật Nam cũng “nũng nịu” đòi “đặt thực đơn cho ngày mai là mùi tiếng cười” thay vì mùi nước mắt quá nhiều.


Mẹ Nam cũng kể về thật nhiều người đã chia sẻ, động viên với mình trong thời gian con trai gặp phải tai tiếng. Cô muốn dùng những lời đó để tri ân với ân tình sâu nặng của mọi người và cũng là để tạ lỗi với con.


Những tâm sự chân thành, bình dị ấy của mẹ Nhật Nam khiến nhiều người đọc không khỏi xúc động, suy nghĩ về những hành vi ảo gây tổn thương thật nặng nề.

Toàn văn tâm sự của mẹ Đỗ Nhật Nam


“Như chim mẹ giữa tán rừng cao lắm mưa, nhiều nắng, ngậm cành kết lá để tạo cho con một chiếc tổ ấm êm.

Như bầy trâu rừng giữa đêm hoang của rừng thẳm vẫn biết dồn những đứa con non vào giữa đàn, nơi an toàn nhất.”

Mỗi người đều có một nơi an toàn nhất. Nơi đó chính là Mẹ.”


Đây là mở bài trong bài văn con viết để tả về mẹ hồi con học lớp 5 mà mẹ chỉ còn nhớ được như vậy. Nhưng những ngày qua, “mở bài” này nhiều lần trở đi trở lại trong đầu mẹ, nó khiến mẹ đôi khi khóc oà, đôi khi nước mắt chảy ngược vào trong, từng dòng, mặn chát. Mẹ đã không thể là “con chim mẹ”, là “con trâu rừng” để bảo vệ được con. Nhưng thật may mắn, con đã gặp “những người mẹ khác”:


– Mẹ nhớ tiếng thảng thốt, đầm đìa của em Ngọc khi đêm ngày thứ năm gọi lên cho mẹ: U ơi, con không thể nào ngăn chặn được, con có lỗi với anh Nam.


– Mẹ nhớ ánh mắt buồn đến không thể buồn hơn được của bố, vậy mà khi con vừa đi học về vẫn vui vẻ như chẳng có chuyện gì. Tối hôm thứ sáu, bố mở băng Xuân, hạ, thu, đông và gọi mẹ ngồi xem. Mẹ biết, không phải bố muốn mẹ chiêm ngưỡng lại cảnh sắc rợn ngợp của bộ phim mẹ yêu thích, bố chỉ muốn cho mẹ được ngẫm lại những dòng kinh Bát nhã của chú tiểu khắc trên sân Chùa: Có cũng như không, không chẳng khác có, nói gì nữa, có gì để nói…


– Mẹ nhớ hàng trăm tin nhắn, hàng trăm cuộc điện thoại có cùng nội dung: Gửi lời chúc yêu thương và mạnh mẽ đến con.


– Mẹ nhớ cô Lan ở HTV, chú Tôn Hồ Hiếu Anh ở VTV6, cô Hoàng Điệp báo Tuổi Trẻ, cô Lan ở Chúc bé ngủ ngon… những người mà con mới chỉ được gặp có một lần nhưng khi biết tin đã liên tục gửi tin nhắn động viên mẹ, mong mẹ đừng ngã lòng.


– Mẹ nhớ những cô PV ở báo VN Express, báo Pháp Luật… ban đầu muốn mẹ trả lời phỏng vấn nhưng rồi chính các cô, bằng cái tâm của nhà báo đã nhắn tin lại và nói: Chị giữ im lặng là đúng, em ủng hộ chị.


– Mẹ nhớ bác Lê Phương Nga, trong ngày chủ nhật, bác gọi vào máy mẹ nhiều cuộc điện thoại, xong rồi chỉ để nói vân vi, bàn chuyện xa gần. Mẹ tưởng bác không biết chuyện nên ban đầu không kể. Chỉ đến cuộc cuối cùng, khi mẹ không thể kìm nén, vừa nghẹn ngào: Cô à… thì bác đã gạt đi: Cô biết hết rồi, em quên chuyện đó đi!


– Mẹ nhớ sự nghẹn ngào của cô Thắng – hiệu trưởng trường LQĐ, cô Châu chủ nhiệm lớp 5, thầy Thắng, cô Hường, cô Dung và bao thầy cô khác từng dạy con, tất cả đều buồn và cảm thấy bất lực.


– Mẹ nhớ cuộc viếng thăm của bác Hùng và cô Mỹ Hạnh vào chiều ngày thứ hai. Mọi người ngồi cười nói vang nhà nhưng nhìn mắt bác Hùng và cô Hạnh mẹ vẫn thấy nằng nặng một nỗi buồn.


– Mẹ nhớ những FB của cô Thao Trieu, của Nhà Tôm, của Bansac và hàng trăm những PB khác đã bỏ qua những status của cá nhân mà chỉ hướng về con với một lòng yêu mến.


– Mẹ nhớ những bài viết của bác Phạm Xuân Nguyên, của nhà báo Hoàng Hường, của độc giả Ngọc Toàn…, những người mẹ chưa có may mắn gặp trong đời nhưng đọc bài viết, đằng sau những động viên ủng hộ là trĩu nặng một tấm lòng thương con trẻ.


– Mẹ nhớ những comment của hàng ngàn bố mẹ khác đã yêu thương con trai của mẹ như thể chính con mình vậy.

– Mẹ nhớ những người dù “nói ra” hay không nói vẫn lặng thầm theo dõi và chúc may mắn cho con.


– Mẹ nhớ…


– Và trên tất cả, mẹ nhớ nhất bức thư gửi qua email cho mẹ với nội dung:


“Đồng chí ấy à, khi gặp bão nếu đại bàng bay thấp xuống, nó sẽ bị gió bão quật ngã, nhưng nếu nó mạnh mẽ bay lên, nó sẽ bay được cao, rộng và xa”.


Và tin nhắn qua điện thoại: Đồng chí ấy ơi, hôm nay đông chí tôi không muốn ôm đồng chí ấy nữa” – “Vì sao?” – ” Vì người đồng chí toàn… mùi nước mắt. Tôi muốn đặt “thực đơn” mùi vị cho ngày mai là: mùi tiếng cười”…


Email và tin nhắn ấy có cùng chung tác giả là: CON.

Người ta nói: Mỗi khi buồn đau, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy. Lần này thì những điều “mẹ nhớ” ở trên chính là những “câu thơ” của mẹ. Mẹ vịn vào đó và cảm giác mình an toàn, mình không cô độc. Chính những người “mẹ nhớ” đó đã thay mẹ làm “con chim mẹ”, làm “con trâu rừng” cho con vào giữa và cho con thấy mình được bảo vệ, điều mà mẹ đã không thể làm được.


Mẹ viết những dòng này để tri ân với ân tình sâu nặng của mọi người và cũng là để tạ lỗi với con! Mẹ muốn mượn lời của người cha Trần Đình Dũng để nói: Mẹ yêu con nhiều như hơi thở, nhiều như những lần mẹ chớp mắt trong đời.”


—————

Tham khảo:

http://nld.com.vn/2011110703114839p0c1006/cau-be-goc-viet-12-tuoi-thinh-giang-tai-dh-my.htm
http://dantri.com.vn/nhip-song-tre/10-than-dong-sieu-nhat-the-gioi-1-319572.htm
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/111064/thai-do-truoc-su-that—.html
http://reds.vn/index.php/tri-thuc/khoa-giao/4061-bi-kich-lich-su-cua-nen-giao-duc-viet-nam

Kỳ Duyên, TuanVietNam 13-04-2013

Exit mobile version