Tha thứ để được thứ tha

Xét cho cùng và suy cho kỹ thì tha thứ như vậy không phải là sự yếu nhược, mà là sức mạnh của tình yêu, là khí cụ của hòa bình. Đời là một cuộc hành trình, là một cuộc lữ hành về quê Trời, nếu ta cứ để mình mang nặng gánh ưu tư, phiền muộn thì làm sao có đủ sức để đạt tới đích được.

Khi ông Phêrô hỏi Chúa xem cần phải tha thứ cho người khác bao nhiêu lần, có phải là 7 lần không?… Theo quan niệm của người Do Thái đạo đức thời đó, thì cần phải tha 3 lần! ông Phêrô tự nghĩ: Nếu tha 7 lần thì đã quá tốt rồi!… Thế nhưng, Chúa Giêsu bảo: “Phải tha 77 lần bẩy!”.

Câu hỏi của Phêrô dẫn tới đề tài “sự tha thứ”.

Đối với ông, đã rõ ràng là các môn đệ của Chúa Giêsu buộc phải tha thứ cho kẻ “phạm tội chống lại con”, nhưng ông muốn biết là phải thi hành bổn phận này như thế nào. “Bảy lần” mà ông gợi ra không hề không đáng kể. “Bảy” là con số truyền thống nói về sự hoàn hảo.

Như vậy, Phêrô gợi ý là tha bảy lần không hề có nghĩa là ông chỉ muốn ban cho người anh em một sự tha thứ giới hạn. Câu hỏi của ông thật ra có nghĩa là: “Phải chăng con được chờ đợi tha thứ hoàn hảo?”.

Đức Giêsu có thể chỉ cần trả lời “đúng thế”, nhưng Người cho một câu trả lời dài hơn để nói rằng còn phải hoàn hảo hơn thế nữa. Ông cứ phải tha thứ cách hoàn hảo nhất, liên tục, vô biên, không biên giới, không tính toán. Câu trả lời của Chúa Giêsu đã đưa đến mức cùng cực.

Đây là một chương trình, chứ không chỉ là chuyện thực tế. Rất có thể tác giả đang nghĩ đến St 4, 24; nếu không, chúng ta không có cách nào khác để giải thích công thức lạ lùng là “bảy mươi lần bảy”. Đức Giêsu cho Phêrô biết rằng sẽ không bao giờ đến cái lúc mà chúng ta có thể nói: Bây giờ tôi đã tha thứ đủ rồi; bây giờ tôi không còn bị buộc phải tha thứ nữa; đối với tôi mức độ tha thứ đã đạt rồi! Với công thức “bảy mươi lần bảy”, Người không muốn nêu ra một khối lượng các trường hợp đo lường được, nhưng nhắm khẳng định rằng bổn phận tha thứ không hề có một giới hạn nào.

Khi nói thế, Chúa không dạy chúng ta đếm những lần người khác xúc-phạm đến mình, và chỉ tha 77 lần bẩy mà thôi! Con số 77 lần bẩy tượng trưng cho sự tha thứ vô giới hạn, dù tha nhân có làm tổn-thương, có xúc phạm tới danh dự hay làm thiệt hại chúng ta về vật chất cũng như tinh thần… thì nếu muốn trở thành con ngoan, trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu thì chúng ta vẫn phải luôn luôn tha thứ, tha thứ vô điều kiện, tha thứ luôn mãi!

Do đó, nếu khi nào chúng ta còn tích chứa ghét ghen, hận thù, đố kỵ… đối với bất cứ ai, thì chúng ta chưa xứng đáng là con, là môn đệ chân truyền của Chúa!

Chúa Giêsu đã liên kết luật mến Chúa và yêu người thành một giới răn duy nhất. Người kêu mời chúng ta thực hành luật yêu thương ấy như một dấu chỉ đặc biệt của con cái Thiên Chúa. Yêu mến Thiên Chúa là ra khỏi tình trạng thụ động, lãnh đạm, tìm thỏa mãn riêng tư, hời hợt, ngờ vực để hướng về Thiên Chúa cách mạnh mẽ và cương quyết. Yêu mến Thiên Chúa là vận dụng tất cả năng lực trí tuệ và ý chí để biết Người, gặp gỡ Người, đón tiếp Người trọn vẹn. Vì yêu mến Chúa, chúng ta cũng yêu thương tha nhân như Chúa yêu thương chúng ta.

Giới răn mến Chúa mời gọi chúng ta phải đổi mới tận căn về suy nghĩ và hành động. Mến Chúa với cả tâm hồn đơn sơ. Chân thành thực thi các giới luật của Người. Yêu mến Chúa cũng là yêu thương tha nhân vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với những người bé nhỏ, đói khát, tù đày (x. Mt 25, 31-46). Như vậy, khi nhận ra Chúa hiện diện nơi tha nhân, chúng ta sẽ vượt lên trên ác cảm, thù hằn, ghen tương trong cuộc sống.

Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta đọc: “Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (6,12). Chúng ta phải liên kết vào lời xin Thiên Chúa tha thứ các lỗi lầm của chúng ta điều kiện sau đây: cầu mong Thiên Chúa (chỉ) tha thứ cho chúng ta trong mức độ chúng ta đã tha thứ cho các người có lỗi với chúng ta.

Bổn phận tha thứ có tính đòi hỏi và cốt yếu đến mức dường như Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện như sau: Xin đừng tha thứ cho chúng con, nếu chúng con đã không tha thứ cho người ta! Lời xin này của Kinh Lạy Cha cũng là lời xin duy nhất sau đó đã được nhắc lại. Không phải chỉ một lần mà hai lần, Đức Giêsu xác nhận dây liên kết bất khả phân ly giữa việc tha thứ của chúng ta và sự tha thứ của Thiên Chúa: nếu chúng ta không tha thứ, chúng ta không thể trông mong vào sự tha thứ của Ngài (x. 6,14t).

Thiên Chúa tha nợ cho chúng ta, chỉ bởi vì chúng ta xin Ngài tha. Món nợ chúng ta mắc với Ngài quá lớn, vượt mọi giới hạn loài người, nên chắc chắn chúng ta không thể thanh toán nổi. Nhưng Thiên Chúa tha hết, bởi vì lòng nhân lành của Ngài vô biên. Đàng khác, chúng ta lại cần đến sự tha thứ này để có thể đứng vững trước nhan Ngài, để có thể sống. Do đó, nếu Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, chúng ta vẫn là tôi tớ của Ngài, sống hoàn toàn nhờ lòng quảng đại và lòng từ bi thương xót của Ngài.

Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu đã bén màn, đã mạc khải lòng thương xót bao la của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta mắc nợ Thiên Chúa chồng chất, nên chúng ta giống như người đầy tớ đầu tiên. Nếu Thiên Chúa có tha nợ cho chúng ta, chúng ta vẫn là những đầy tớ hoàn toàn sống nhờ lòng đại độ và từ bi của Ngài.

Để gặp gỡ tha nhân ta phải mở to đôi mắt. Để đón tiếp tha nhân, ta phải dọn dẹp cho trống trải lòng mình. Để yêu thương tha nhân, ta con phải biết quên mình. Ta phải luôn xác tín rằng ta chỉ kính mến Chúa khi thực sự yêu thương anh chị em mình.Ta phải biết thể hiện tình yêu cách cụ thể : tình yêu có đôi chân đến với người nghèo, tình yêu có đôi mắt để thấy những người bất hạnh và thiếu thốn, tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở và nỗi buồn phiền của tha nhân.

Người nào đã hưởng nhờ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, thì không bao giờ được khép lại trên chính mình và tỏ ra cứng cỏi với người anh em. Người nào đã được Thiên Chúa tha cho những món nợ khổng lồ thì không còn có thể coi người nào khác như mắc nợ với mình nữa.

Huệ Minh

Exit mobile version