CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN VÀ THĂNG TIẾN
HÔM QUA VÀ HÔM NAY
1. Hiện trạng xã hội
Lịch sử loài người cho biết: trí tuệ nhân loại đã sản sinh nhiều chủ nghĩa và thể chế xã hội, nhiều nền văn minh cổ kim và nhiều phát minh khoa học tiên tiến…
Lịch sử cũng cho biết: những sản phẩm đó, một mặt góp phần phát triển và thăng tiến xã hội loài người, mặt khác để lại cho nhân loại hôm nay những vấn đề nghiêm trọng. Xã hội loài người hôm nay đầy rẫy những chia rẽ, chống đối và loại trừ nhau, hận thù và bạo lực, chiến tranh, khủng bố và giết chóc; đời sống xã hội bị chế ngự bởi nhiều sự dữ, nhiều thói hư tật xấu cùng nhiều tệ nạn xã hội, có nơi có lúc nhiều đến độ gọi là quốc nạn, và với thời gian tạo ra vô vàn bất công chồng chất trong xã hội… Nguyên nhân do đâu?
2. Nguyên nhân
Nghiên cứu và phân tích tình hình xã hội cho thấy có nhiều nguyên nhân, và nguyên nhân chủ yếu là từ con người, từ cách suy nghĩ, cách sống, cách hành động, cách đối xử với nhau…
Nguyên nhân do trí tuệ con người có hạn? Do con người để cho lòng nhân, lòng đạo, lòng tin của mình bị khống chế bởi lòng tham sân si, lòng tư kỷ hẹp hòi của mình. Nói theo văn hóa tây phương, là do con người để cho lòng thú chế ngự lòng thần nơi bản thân mình?…
Nguyên nhân còn là do việc tu thân, tề gia, trị quốc, – nói cách khác là việc giáo hóa con người, chăm lo cho gia đình, cho tổ chức, cho cộng đồng, quản trị một tổ chức, một cộng đồng -, chưa phù hợp với châm ngôn thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nghĩa là chưa thuận ý trời, chưa hợp với truyền thống văn hóa lành mạnh của tiền nhân cùng giáo huấn xưa nay của các tôn giáo, chưa hòa với lòng nhân, lòng đạo, lòng tin của con người?…
3. Biện pháp
Ngoài những biện pháp đã được sử dụng xưa nay như quyền lực và hình phạt, bạo lực và cưỡng chế, giới hữu trách có thể nghĩ đến biện pháp nào triệt để hoặc chiến lược lâu dài, nhằm vừa khắc phục những hậu quả tệ hại, vừa triển khai những thành quả tích cực?
Thí dụ, vượt qua khung nếp độc quyền độc đoán, vận động và liên kết giới trí thức, giới chuyên môn cùng hiền tài, trong các tổ chức xã hội và tôn giáo, tạo cơ hội cho họ góp phần xây mới một hệ thống luật lệ vị nhân sinh, một trật tự xã hội nhân bản, một nền giáo dục nhân bản toàn diện, cho xã hội đất nước hôm nay. Đồng thời tạo điều kiện cho họ chung ý chung lòng:
(1) soi đường dẫn lối cho các thế hệ hôm nay vượt qua lề lối giáo dục hiện tại, vừa mang bệnh thành tích gian dối, vừa bất cập và phiến diện, từ trong gia đình và nhà trường đến môi trường xã hội;
(2) cùng mở rộng cửa cho mọi người phát triển toàn diện các tiềm năng tâm thể lý, các tiềm năng của lòng nhân, lòng đạo, lòng tin, cho người người đắc thủ những kỹ năng thực hành, thuộc mọi lãnh vực nhân sinh…
4. Con đường phát triển và thăng tiến hôm nay
Lịch sử nhân loại xác minh: con người sống không chỉ bằng cơm bánh, song còn sống nhờ ánh sáng chân lý và sức sống của tình yêu thương. Vì thế, nền nhân bản toàn diện cần mang tính khai sáng và thúc đẩy mọi người:
(1) Ngoài ánh sáng khoa học, mở rộng tầm nhìn và con tim để tiếp cận ánh sáng Chân Lý từ truyền thống văn hóa lành mạnh cũng như từ giáo huấn của tiền nhân cùng các tôn giáo:
– Chân Lý về Tạo Hóa và thiên nhiên vũ trụ, về nguồn gốc sự sống và cội nguồn Chân Thiện Mỹ.
– Chân Lý về con người cùng nhân phẩm, nhân quyền đích thực, về ý nghĩa mục đích của gia đình cùng cộng đồng xã hội và những thực tại trần thế.
– Chân lý về lời khẳng định “Phục vụ con người là mục đích tối cao của mọi thể chế, mọi tổ chức và mọi sinh hoạt xã hội”…
(2) Mở rộng lòng nhân, lòng đạo, lòng tin cho người người khám phá và cảm nghiệm năng lực và động lực của Chân Thiện Mỹ, của Tình Yêu Thương cùng tinh thần trách nhiệm trong trời đất cũng như trong thiên hạ.
5. Xây đắp lối sống văn hóa sự sống và văn minh tình thương
Tiếp cận ánh sáng Chân Lý tròn đầy, cảm nghiệm năng lực và động lực vô hạn của Chân Thiện Mỹ, của Tình Yêu, năng lực ý thức và ý chí của con người ngày càng được tăng cường.
Nhờ đó con người cũng được tăng khả năng vượt qua sự khống chế của lòng tham sân si cùng tính ích kỷ và tính đối kháng cố hữu với thói quen đối đầu, sử dụng bạo lực loại trừ nhau, để tiến đến tâm thái thành tâm đối thoại và thiện chí hợp tác, chung sức xây đắp nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương cho đất nước trong thế giới toàn cầu hóa hôm nay.
Đó là mở ra con đường cho người người có cơ hội ngày càng phát triển và thăng tiến, cho nhà nhà hy vọng ngày càng được tự do và ấm no, an bình hạnh phúc thật lâu dài.
Lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô, 29.6.2012
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục