Tất Niên

Nhìn lại 365 ngày qua đi, ta đã làm được những gì cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội này? Chắc phải thú nhận là chưa làm được nhiều điều tốt đẹp, có ích lợi, ngoài những sự buồn đau dang dở!

Bên cạnh đó cũng phải nhận là đối với mọi người, nhất là những người thân yêu, quen biết đến như vậy đó, có thể gặp nhau hằng ngày, hằng tuần, hay ít là hàng tháng…vậy mà bị công việc lôi cuốn chi phối…để mỗi khi gặp nhau có nói được gì, ngoài mấy câu chào hỏi thông thường, hay hỏi thăm có khỏe không, gia đình thế nào, công việc làm ăn có may mắn không….

Xét cho kỹ thì thấy mình sao mà hờ hững, vô tâm với nhau đến thế, để chỉ biết mải mê công việc chạy theo cái máy thời gian, theo cái tôi muốn được cái này cái kia, và cả hơn người khác mới được!


Chỉ còn ít ngày nữa thôi là hết một năm, để thấy rằng ta có vất vả, lo toan đến đâu cũng chỉ là thế thôi, hay cũng tới đó là cùng…qua đó, mọi người cùng tìm thời gian ngồi lại với nhau trong bữa tiệc cuối năm hay gọi một cách văn hoa hơn là tiệc tất niên.


Vì vậy, trong cuộc gặp gỡ thân tình cuối năm này không chỉ dừng lại ở chỗ “chén chú chén anh”, hay là theo kiểu phải làm cho xong…mà coi đây là một cơ hội để mọi người cùng ngồi lại trong sự yêu thương cũng như để cám ơn nhau về những ngày đã qua về mọi mặt, để rồi hy vọng trong năm mới sẽ cộng tác chặt chẽ với nhau mà giúp nhau đạt tới những kết quả tốt đẹp hơn để đem lại muôn vàn ơn ích cho con người, cho xã hội…

Vì như nhà thơ Liban Kahlil Gibran đã viết: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta được thêm ngày nữa để yêu thương


Và theo nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore cho hay: “Để những ai nhìn đời toàn gai góc/ Còn cơ may trông thấy được hoa hồng

Dĩ nhiên trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này, cho dù có kéo dài cả một buổi đi nữa cũng không thể nào nói hết được mọi sự, nhưng với tấm lòng rộng mở trong yêu thương thì theo thời gian sẽ dần dần hiểu được, để qua đó cần quan tâm đến nhau nhiều hơn, hay có sự thông cảm và sống rộng tay trợ giúp nhau nhiều hơn….chứ đừng bao giờ có cái nhìn hạn hẹp, ích kỷ như câu chuyện:
ĐÓN NHẬN

Truyện cổ Trung Hoa kể: Ở miền núi Hô-Phu, có một người đàn bà bán rượu tên là Wong. Một hôm, xuất hiện một vị thiền sư đạo đức đến trọ ở gần quán, dù không có tiền, ngài cũng được bà chủ quán tiếp đãi nồng hậu. Vị thiền sư ở đó khoảng ba năm. Trước khi cáo từ, ngài đào một giếng cạnh quán. Mọi người ngạc nhiên khi một dòng nước trong vắt vọt lên, họ nếm thử thì thấy đó là một loại rượu hảo hạng. Từ đó, bà chủ quán trở thành nổi tiếng và giàu có.

Ít lâu sau, vị thiền sư lại ghé ngang quán, ngài hỏi thăm bà chủ quán về giếng rượu. Bà này than phiền:

– Rượu tốt nhưng tôi không bao giờ có dư để dự trữ.

Vị thiền sư mỉm cười rồi lẳng lặng viết lên tường:

– Trời đất thật bao la, nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế nữa. Dù không tốn kém bà chủ vẫn có rượu để bán thế mà vẫn không hài lòng.

Viết xong thiền sư lẳng lặng ra đi, và dòng rượu cũng khô cạn.

Ngoài ra, trong thời gian vắn vỏi này, đối với người có niềm tin thì là cơ hội cùng nhau dâng lời tạ ơn Thiên Chúa như Tv 117 đã viết:
Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương

Nhờ việc cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa mà mọi người đều nhận biết mình phải làm gì để sống xứng đáng với ơn Chúa ban. Dĩ nhiên là mỗi người mỗi khác, chẳng có ai giống ai, tùy theo hồng ân mình lãnh nhận, cũng như khả năng diễn đạt của mỗi người. Nhưng qua đó cho thấy không phải chỉ người khác mới phải tạ ơn Chúa, còn riêng mình thì được chuẩn chước vì chẳng có đáng gì! Hay là mình thì hết tạ ơn này, tạ ơn kia, còn người này người nọ chờ hoài mà chẳng thấy có một động thái nào, mà nghĩ không tốt cho họ!

Ai mà biết được họ như thế nào, nhưng qua cách sống vui, sống thân thiện, sống có nhau trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh, kể cả những lúc bi đát nhất của cuộc đời một con người…Do đó, với cái nhìn tích cực ta cũng nhận ra họ đang có một cách để biểu lộ tâm tình tạ ơn, giống như câu chuyện “ Vị khách tốt bụng ” vậy.

Một du khách nhìn thấy một cụ bà đang đứng bên bờ một dòng suối lênh láng nước sau một trận mưa lớn. Trông bà có vẻ rất lo lắng và bất đắc dĩ phải băng qua nó.

Người khách du lịch tiến lại gần và hỏi bà lão:

“Bà ơi, bà có muốn con cõng bà vượt suối không?”

“Bà ơi, bà có muốn con cõng bà vượt suối không?”Bà lão rất ngạc nhiên và lẳng lặng gật đầu đồng ý. Anh cõng bà băng qua suối và anh dần đuối sức. Sau khi sang bờ bên kia, bà lão vội vội vàng vàng rời đi mà không nói lời cảm ơn nào. Vị du khách đang rã rời vì đuối sức kia có chút hối tiếc vì giúp đỡ bà lão ấy. Anh không mong cầu bà báo đáp, nhưng nghĩ rằng chí ít thì bà cũng nên nói với anh đôi lời bày tỏ sự cảm kích.

Vài giờ sau, du khách này đi tới vùng núi. Đó là một hành trình đầy gian nan với anh, chân của anh bị côn trùng cắn sưng tấy. Lát sau, trên đường đi, có một thanh niên bắt kịp theo anh và nói:

“Cảm ơn anh đã giúp bà tôi. Bà bảo anh sẽ cần những thứ này và muốn tôi mang chúng đến cho anh.”

Nói đoạn, cậu ấy lấy ra một ít thức ăn và thuốc men trong túi ra. Hơn nữa anh còn dắt thêm một con lừa và giao nó cho du khách tốt bụng. Vị du khách không ngừng nói cảm ơn anh thanh niên.


Sau đó người thanh niên này nói tiếp:

“Bà của tôi không nói được, cho nên bà muốn tôi thay mặt bà cảm ơn anh!”


Thiên Quang sss

Exit mobile version