Tản mạn về TIỀN KIẾP

tan man ve tien kiep e1553924258196 - Tản mạn về TIỀN KIẾP

Trên trang mạng ở Việt Nam đang bàn tán xôn xao về cái chết bi thảm của một nữ sinh Cao mỹ Duyên, khi đi giao gà ở Điện Biên. Một Phật tử ở chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh, tên Phạm thị Yến, khi thuyết pháp đã nói rằng: Cái chết bi thảm của cô nữ sinh đó là do TIỀN KIẾP. Tiền Kiếp là kiếp trước. Kiếp trước, cô nữ sinh đó đã giết người nên bây giờ bị giết lại; hai là cô bị hãm hiếp là do kiếp trước, cô ấy đã xúc phạm đến sự trinh tiết của người khác, nên bây giờ mới bị quả báo như vậy. Người ta đã không đồng tình về cách giải thích này. Tại sao?

Theo giáo lý nhà Phật, con người có nhiều kiếp và khi chết sẽ đầu thai vào một vật gì đó để đền tội mình đã làm khi còn sống. Đó gọi là thuyết luân hồi. Và khi mình làm điều gì thì mình sẽ lãnh hậu quả phần đó. Đó gọi là thuyết NHÂN – QUẢ. Kết hợp hai thuyết này lại, người Phật Tử kia đã lý giải việc cô Mỹ Duyên bị như thế là do tiền kiếp, tức là do kiếp trước cô đã làm điều xấu, nên đã bị hại như vậy. Xem ra thì cũng có lý chứ không phải là không có lý. Thế nhưng, người ta lại không đồng tình, nghĩa là không chấp nhận lý thuyết đó. Vì như thế là bất công. Cô Mỹ Duyên kia có làm gì nên tội; có làm điều điều gì xấu xa khi đang sống cơ chứ? Không đồng tình, có nghĩa là không tiếp nhận thuyết luân hồi và thuyết nhân quả.

Nhiều khi trong cuộc sống, khi ta gặp những điều khó khăn, nan giải, ta có tự nhủ rằng: không biết kiếp trước tôi đã làn gì mà bây giờ tôi lại gặp những khốn khó này. Đó chỉ là tâm lý; đó là do mình nghĩ vậy thôi, chứ chắc là không có như vậy. Ta tự nhủ mình và nói với mình thì được, nhưng khi nói về người khác thì không được.

Chẳng lẽ lại nói rang: “Những người lính chết vì chiến tranh, chết vì đất nước, là tại vì kiếp trước họ đã sát sinh” sao? Thế mà bà Yến cũng đã dám nói như vậy. Giải thích kiểu này thì thật là nguy hiểm. Cứ những điều xấu mình bị điều là do kiếp trước mình đã làm sao? Có quá đơn giản khi lý giải như vậy không? Nếu người ta chết vì phải hy sinh cho người khác thì giải thích làm sao? Có chính đáng không khi người nào làm thì người đó chịu; người nào cố gắng thì người đó hưởng và sống kiếp nào thì hưởng kiếp đó ?

Con người được coi là “Động vật cao cấp nhất”, chẳng lẽ chết rồi lại đầu thai làm con vật, để bị hành hạ sao? Hoặc phải đầu thai sống nhiều kiếp khác để đền vì những điều xấu xa và gian ác mình đã làm sao ? Phải, chúng ta là con người có lý trí và ý chí. Có lý trí để ta suy nghĩ và có ý chí để ta chọn lựa. Bởi đó ta phải chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm khi sống trên trần gian này. Thế nhưng, ta chỉ sống có một lần; có một kiếp mà thôi. Ta có một lần sinh ra, một lần chết đi và một cuộc sống đời đời. Tức là ta chỉ có một cuộc sống ở đời này và một cuộc sống ở đời sau.

Cuộc sống đời sau là do ta sống ở đời này thế nào. Nếu đời này ta cố gắng sống tốt lành và thánh thiện thì đời sau ta sẽ được mãi mãi hạnh phúc. Nếu đời này ta sống gian ác, bất công, hãm hại người khác, thì đời sau ta sẽ phải chịu cực hình muôn kiếp. Vấn đề là nếu ta đã cố gắng, nhưng có khi lầm lỡ, yếu đuối mà làm những điều xấu thì sao? Ta phải ăn năn sám hối và có thể được thì phải làm gì đó để đền ngay ở đời này đi; nếu không thì ta sẽ phải đền ở đời sau thôi.

Khi chết, tất cả mọi người sẽ được Thiên Chúa hay Ông Trời xét xử về những gì mình đã sống và đã làm ở đời này. Ai làm điều tốt thì được thưởng; ai làm điều xấu thì bị phạt. Bởi đó khi thấy người nào đó bị nạn hay bị chết mà ta không nên kết luận người đó tốt hay xấu; gian ác hay thánh thiện được.

Nói như Đức Giê-su: Các ngươi tưởng những người Ga-li-lê-a bị Phi-la-tô giết và hòa máu họ với của lễ họ dâng là tội lỗi lắm sao? Hoặc 18 người bị tháp Si-lô-e đổ xuống đè chết là tội lỗi, xấu xa sao? Không phải thế. (x. Lc 13,1-5). Ta cũng không thể nói: tất cả những người rơi máy bay chết đều là những người tội lỗi và gian ác. Không phải thế. Trong số đó có những người tốt và những người xấu nữa.

Việc ta phải làm là phải lo cho chính mình và cố gắng hết sức để sống cho tốt lành và thánh thiện; bằng cách làm những việc lành phúc đức. Không làm gì gây hại cho ai; cũng không làm khổ ai. Ta phải làm việc lành phúc đức, giúp cho người khác bớt khổ, bớt đau, bớt cực. Ta làm việc lành phúc đức là để lập công đức cho ta; thứ đến là để đức cho con cháu.

Vì ta chỉ sống có một lần, một kiếp thôi, nên ta phải ra sức tạo lập công đức cho chính mình, chứ đừng ỷ vào người khác. Có câu ngạn ngữ nói thật chí lý rằng: “Bạn hãy tự giúp mình, thì Trời mới giúp cho”. Ta hãy ra sức sống tốt lành và thánh thiện, để thế giới này bớt đi một người xấu xa, gian ác và ai cũng làm như thế thì thế giới này tốt biết bao!!! Còn ai làm điều xấu xa và gian ác, thì sẽ bị pháp luật trừng trị và khi chết sẽ bị Chúa Trời trừng trị nữa, không chạy đâu cho thoát được.

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Exit mobile version