Tản mạn chuyện ly dị

lydi - Tản mạn chuyện ly dị

Nói chuyện với Tòa Án Tối Cao của Tòa Thánh đầu năm 2002, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lặp lại nhận định trên: “Do đó, việc thiếu vắng nó đã có những hậu quả tàn hại, truyền lan như nạn dịch trong cơ thể xã hội – theo ngôn từ được Vatican II dùng để mô tả ly dị, và có ảnh hưởng tiêu cực đối với các thế hệ mới vì vẻ đẹp của hôn nhân chân chính đã bị che mờ”.

Có người cho rằng Đức Phanxicô, với Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương ban hành trong bối cảnh Năm Thánh Thương Xót, đã phủ lên ly dị một mầu sắc tích cực hơn bởi nó được nhìn dưới ánh mắt thương xót đời đời của Thiên Chúa.

Dù thế nào, ly dị vẫn là một điều tiêu cực mà bất cứ nền mục vụ nào cũng phải tìm cách giải quyết vì sự cứu rỗi của các linh hồn, linh hồn hai vợ chồng, linh hồn con cái họ và linh hồn mọi tín hữu trong mầu nhiệm hiệp thông các thánh.

“Con cái ly dị, con cái bất hợp pháp”

Nhưng điều gì khiến Vatican II và Đức Gioan Phaollô II gọi ly dị là nạn dịch? Có người cho rằng chẳng qua các vị phản ảnh cảm thức của đa phần người Công Giáo đương thời. Họ vốn có cái nhìn khá tiêu cực về ly dị.

Chính vì thế, khi ban hành Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương, Đức Phanxicô đã được người con gái một bà mẹ ly dị hết lời ca ngợi trên tờ New York Times. Đó là nữ ký giả Mary Pflum Peterson: Thanks, Pope Francis, For ‘Legitimizing’ Catholic Kids of Divorce (Thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Xin Cám Ơn Ngài Đã ‘Hợp Pháp Hóa’ Những Đứa Con của Người Công Giáo Ly Dị).

Bà mẹ của bốn đứa con trên cho rằng Đức Phanxicô vốn được coi là một người làm phép lạ: chỉ trong một thời gian ngắn nắm giữ chức vụ, ngài đã ủng hộ các bà mẹ không cheo cưới, giúp tạo ra một thời đại bang giao mới giữa Hoa Kỳ và Cuba, là vị giáo hoàng đầu tiên lên tiếng về các mối nguy hiểm của việc hâm nóng địa cầu và nhiều quan tâm khác về môi trường.

Nhưng đối với bà, “điều kỳ diệu nhất” là cố gắng của ngài nhằm chào đón các người ly dị trở về lòng Giáo Hội. Khi yêu cầu Giáo Hội xem xét lại việc đối xử với những người ly dị, khi khuyến khích các giáo hội làm dễ dàng hơn để các người ly dị được cấp tính vô hiệu, rõ ràng Đức Giáo Hoàng đã định vị lại các người ly dị, không còn coi họ như những người tội lỗi như nhiều người Công Giáo bảo thủ thường nghĩ nữa.

Động thái trên không những cho thấy các dấu hiệu của một Giáo Hội ấm áp và hiền từ hơn, nó còn ôm hôn và thực sự hợp pháp hóa những người như Peterson: những đứa con Công Giáo của ly dị mà nhiều giáo sĩ và giáo dân các giáo xứ từ lâu vốn coi là bất hợp pháp, hay kém Công Giáo hơn.

Nhân dịp này, Peterson thuật lại các cơ cực cùng tủi nhục mà mẹ bà, một người ly dị, và con cái bà phải chịu dưới cái nhìn lạnh lùng và soi mói của những người đồng đạo trước đây: Cha mẹ bà ly dị năm 1982 và việc này là một cú giáng như búa bổ lên đầu mẹ bà, một người Công Giáo rất ngoan đạo. Nó cũng giáng một cú không kém búa bổ lên đầu anh trai và chính bà. Nên biết: trong Đạo Công Giáo, ly dị không những tác động trên cặp vợ chồng ly dị, nó còn tác động lên trọn gia đình của họ, kể cả những đứa con còn nhỏ dại. Khi một cuộc hôn nhân Công Giáo tan rã, mọi người đều được người ta khiến phải cảm nhận rằng đây là một thất bại khổng lồ. Ít nhất, đối với người Công Giáo cũng ngoan đạo như gia đình bà. Gia đình này rất coi trọng đức tin: tham dự Thánh Lễ mỗi tuần như một gia đình, đôi khi hai lần mỗi tuần. Họ cầu nguyện hàng ngày, đọc cả kinh mân côi nữa.

Cho nên khi việc ly dị tấn công một gia đình như gia đình bà, nó tương đương với “một trái bom nguyên tử bùng nổ trong phòng khách. Mọi người được người ta khiến phải cảm nhận điều nhiều người Công Giáo khắt khe muốn các gia đình ly dị phải cảm nhận: giống như các công dân bậc nhì thua kém các gia đình Công Giáo có Cha và Mẹ vẫn tiếp tục sống trong cuộc hôn nhân hợp pháp”.

Các người Công Giáo ly dị trong thị trấn nhỏ nơi bà được dưỡng dục thường buộc phải cảm thấy mình như những người ‘sa ngã’. Đối với các con cái họ, hệ luận hết sức rõ ràng: cha mẹ chúng không cầu nguyện sốt sắng cho đủ, không cố gắng cho đủ, không chịu đựng cho đủ trong cuộc hôn nhân của họ dưới con mắt hội đồng giáo xứ hẹp hòi. Họ chẳng xét gì tới việc cha bà bỗng trờ thành đồng tính và đi sống theo sở thích của ông nên đã xin ly dị. Hôn nhân là việc thánh thiêng. Nên bước ra khỏi nó vì bất cứ lý do gì cũng là một tội. Việc này biến cha mẹ bà thành những kẻ tội lỗi. Và dĩ nhiên làm cho anh em bà thành sản phẩm của tội lỗi.

Má bà chẳng dấu diếm anh em bà chút nào nỗi nhục nhằn bà cảm thấy – và do Giáo Hội khiến bà cảm thấy – do hậu quả của ly dị. Trước khi ly dị, má con bà vẫn hãnh diện ngồi ở hàng ghế đầu của nhà thờ mỗi Chúa Nhật trong Thánh Lễ 10 giờ 15 sáng, là Thánh Lễ được nhiều người nhất trong thị trấn tham dự. Má bà lớn tiếng hát các bài thánh ca, lưu ý cho anh em bà ăn mặc thật bảnh bao. Họ không phải chỉ là một gia đình Công Giáo, mà là một gia đình Công Giáo tốt. Sau khi ly dị, và lúc cha bà hoàn toàn biến mất, mọi sự đã thay đổi: Má bà chùn vai xuống, và làm anh em bà ngạc nhiên bằng cách, đầu Thánh Lễ, dẫn anh em bà vào hàng ghế ít nổi bật hơn. Đầu tiên là hàng ghế hai. Rồi hàng ghế ba, và từ từ xuống tới hàng vô danh ở giữa nhà thờ nơi thế cúi đầu xuống dưới đất của mẹ bà nói lên hết nỗi nhục nhằn của mình.

Các chi thể Giáo Hội không hề giúp gì cho tình huống trên. Nhiều giáo dân trong giáo xứ – tất cả phần lớn đều kết hôn – ngưng việc mời má bà tới những cuộc họp hành xã giao hay các nhóm cầu nguyện mà má bà vốn được mời lúc còn là người đàn bà có chồng. Má bà quả trở thành một công dân bậc nhì. Như thể má bà mang một chữ đỏ hoe trên ngực áo: chữ LD viết hoa, tắt cho ly dị. Và cả trên ngực áo của con cái má bà nữa. Chúng bị xì xầm khắp nơi, công khai bị các giáo lý viên hỏi không biết chúng có hiểu sự thánh thiêng của hôn phối hay không.

Để lấy lại một thế đứng nào đó trong Giáo Hội, má bà đã nạp đơn và được cấp án vô hiệu. Nhưng việc này đem đến hàng loạt cơn đau đầu, và riêng cho bà, sự mơ hồ hỗn độn. Lúc cha mẹ bà được cấp án vô hiệu, tức thập niên 1980, việc này không dễ dàng có được. Sau này, má bà cho hay: dù việc này cần phải có để má bà được tiếp tục rước lễ, nhưng má bà cảm thấy phải uốn gối khom lưng nhiều lắm mới có được. Và khi đã được rồi, thì việc này khiến anh em bà được thấy cả một hộp nhòi bọ thối tha.

Bà nhớ như in ngày một thầy giáo trung học nghe tin hôn nhân của cha mẹ bà được tuyên án vô hiệu. Ông hỏi: “Em biết điều đó có nghĩa gì, phải không, khi cha mẹ em có cuộc hôn nhân bị tuyên bố vô hiệu?”

Bà lắc đầu trả lời vì sợ điều ông sẽ nói tiếp: “Dạ không”.

“Điều đó có nghĩa cuộc hôn nhân của họ chưa bao giờ hiện hữu. Và nếu thế, điều ấy có nghĩa em là đứa con bất hợp pháp”.

Bà cố gắng giữ bộ mặt thản nhiên, nhưng đến cuối ngày, phải chạy vào phòng tắm, khóc nức nở. Bà là đứa con hoang. Ít nhất dưới mắt một số người, trong đó có thầy giáo trung học mà bà hết lòng yêu kính. Bà tự hỏi làm thế lại có thể thế này được? Bà từng được xem các tấm hình đám cưới của cha mẹ bà vào ngày hôn lễ của họ, diễn ra đúng 4 năm trước ngày bà sinh ra. Nhưng nay, ít nhất dưới mắt một số người, bà là đứa con bất hợp pháp.

Nói cho rõ hơn: các giáo sĩ nói rằng khi một đám cưới bị tuyên bố vô hiệu trong Giáo Hội, con cái không hề bị án vô hiệu tác động. Nhưng các sứ điệp mà Giáo Hội gửi đi quả rất hỗn độn. Nếu cha mẹ bạn không còn ở với nhau nữa, nhiều người đơn giản không còn coi các thành viên của gia đình này là những người Công Giáo nghiêm túc nữa. Nó không còn đi đôi với niềm tin nghiêm khắc là hôn nhân có tính vĩnh viễn, bất kể điều gì xẩy ra.

Sau này lên đại học, lúc bà cố gắng có những cuộc hẹn hò với các thanh niên Công Giáo trong khuôn viên trường, bà ngạc nhiên trước thái độ lạnh lùng của họ khi bà cho họ hay cha mẹ bà là những người ly dị.

Một thanh niên bảo bà trước khi lưu ý tới các phụ nữ anh ta coi như Công Giáo nghiêm túc hơn : “À, hóa ra gia đình em không thực sự nghiêm túc đối với đức tin của mình”.

Vấn đề ly dị trong Giáo Hội Công Giáo hiển nhiên là gai góc. Nhưng những người bảo thủ trong Giáo Hội đã nắm giữ tòa án quá lâu rồi.

Theo Peterson, Đức Phanxiô cho rằng đã đến lúc Giáo Hội phải xét lại xem mình đã quá cứng cỏi ra sao đối với những người ly dị và các giáo dân trong giáo xứ không phải hoàn toàn là trắng hay đen. Nhiều người mang một sắc mầu hơi xam xám một cách phức tạp. Muốn sống hợp với sứ mệnh của Chúa Kitô, đến lúc ta phải tha thứ cho tất cả những ai, vì bất cứ nguyên do gì, đã phạm các lỗi lầm nhân bản trong các quyết định kết hôn của họ hay trong sự bất lực không duy trì được cam kết của họ. Đã đến lúc chấm dứt việc liệng bỏ bé thơ cùng với chậu nước tắm, trong phần lớn các trường hợp, ly dị không làm người ta thành người Công Giáo tồi hay một ai đó mà Giáo Hội thấy mình được biện minh khi bác bỏ.

(Vũ Văn An, vietcatholic)

Exit mobile version