Tấm ván cuối cùng… ai nỡ!

1. Dịp Tết ghé thăm Chị, chưa kịp chào, Chị đã hí hửng khoe:

– Thưa cha, chồng con về rồi, nhưng con chưa cho về nhà, cứ để ảnh ở ngoài tiệm.

Chồng về, cứ sắc diện Chị, vui lắm… nhưng sao vẫn chưa cho về nhà ?

Chuyện anh ở ngoài tiệm thuê bán đồ cũng chẳng lạ. Ngày trước chưa đổ bể, lâu lâu anh vẫn ở ngoài tiệm mấy ngày, cũng chuyện thường.

Chị tạm ‘cấm cửa’ chắc cũng có lý do nào đó, biết đâu chẳng là ‘diệu kế’ của Chị em. Chả nên thắc mắc !

2. Cách đây tính độ khoảng ¾ năm, Chị gặp tớ với bao âu sầu, nặng nỗi trăn trở…

Chồng Chị bỏ nhà đi theo ‘gái một con’ nhưng trông không mòn còn mắt. Nghĩa là, theo Chị ‘con nhỏ đó xấu òm…

– Xấu òm mà cũng ‘cướp’ được chồng người khác à?

Tớ thả ngay câu…móc họng giữa dòng chảy… tâm sự.

– Đấy là vấn đề con khó hiểu. Giả xử đẹp hơn con thì đã đành… Đàng này…

Theo con nhỏ, đương nhiên, chồng Chị ôm theo hàng trăm triệu Chị đứng ra vay mượn để thêm vốn làm ăn.

Vấn đề ở chỗ này: Anh để sẵn đơn ly dị bảo vợ ký…

Vấn đề ở chỗ này: Dạo liền đây giữa vợ chồng Chị hay xảy chuyện cơm không lành canh không ngọt… Nghĩa là Chị cũng đang ‘không ưa… muốn đẩy đi cho khuất mắt’.

Với lại, sự hiện diện của anh trong nhà với vai trò nhẹ tênh. Về mặt kinh tế hầu như mình Chị quán xuyến. Anh cũng bày bán một số mặt hàng xưa- cũ, nhưng chủ yếu bán do sở thích, còn thu nhập nhiều lúc không đủ lo ‘rượu, thuốc’ riêng, nhiều khi phải mở miệng xin vợ viện trợ…

Nghĩa là xu thế ly dị như dịp tốt để Chị thoát của nợ…

Nhưng Anh Chị là người có Đạo, phép Đạo không cho ly dị…

Đấy là trăn trở làm Chị khó ngủ…

Đấy là vấn đề Chị hỏi…

3. Tớ trao đổi với Chị theo kiểu … vòng vo tam quốc

i. Thứ nhất trên bình diện Nhân bản: Việc ly dị chẳng ai muốn, mà chẳng có nhà nước nào muốn, đấy là chuyện chẳng đặng đừng.

Tại sao?

Bởi nó để lại di hại nguy hiểm cho xã hội. Phần lớn các trẻ lêu lỏng, bụi đời rồi trộm cướp… xuất phát từ gia đình cha mẹ không thuận hòa, đổ vỡ trong hôn nhân (tớ minh chứng tên cướp dã man, chặt tay một phụ nữ đang đi xe máy đắt giá trên cầu MH để cướp xe, dẫu tuổi vị thành niên…).

Gia đình được coi là tế bào xã hội, một tế bào trục trặc, hư hỏng sẽ góp phần trực tiếp làm xã hội trục trắc, thêm hư hỏng.

Các con Chị sẽ ra sao khi cha mẹ đổ vỡ, dẫu các con ở với mẹ, dẫu con Chị có đứa lập gia đình đi nữa (thế hệ các cháu chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng xấu từ chuyện ông bà). Đáng nói, chị còn mấy cháu đang tuổi đi học…

Khi lập gia đình, tương lai không còn của hai người mà là hướng về con cái, lo cho con cái… Liệu cha mẹ có thực yêu thương con cái không khi để tương lai chúng chênh vênh bởi cha mẹ ly dị, dẫu có chu cấp đầy đủ vật chất đi nữa !

(Vợ chồng nhường nhịn nhau một tý, hy sinh nhau một tý vì con cái, đó cũng là hy sinh cao thượng và chẳng mất mát đi đâu nếu không muốn nói ‘quá lời’ khi gia đình êm ấm, con cái có môi trường tốt nên người)

ii. Thứ hai vấn đề Đạo: Hôn nhân với hai đặc tính: Một vợ một chồng (đơn hôn) và trọn đời yêu thương (vĩnh hôn, không được ly dị) là Luật Chúa (Thiên luật) chứ không phải luật Giáo hội (nhân luật).

Giáo hội lấy luật Chúa và bảo vệ Luật Chúa là vì sự thăng tiến- phẩm giá của con người dẫu phải luôn trực diện nhiều thách đố mà thực tế đã trả giá không ít.

Thiên Chúa thiết định hai đặc tính tốt đẹp trên vì muốn gia đình hạnh phúc- bền vững- phát triển…, nhất là cho thấy rõ nét hơn Hình Ảnh của Thiên Chúa Tình yêu nơi con người (con người được dựng nên giống Hình ảnh Chúa) …

Vì là luật Chúa nên có gí trị trường tồn, khởi đi từ đôi vợ chồng đầu tiên (Nguyên tổ Adam- Eva).

Vì là luật Chúa nên có giá trị phổ quát.

Hôn nhân thành sự xuất phát trên nền tảng Tình yêu, hoàn toàn tự do giữa người Nam và người Nữ đều được hưởng hai đặc tính tốt đẹp trên. Hôn nhân đã thành sự, do đó bất cứ ai ly dị (dù không có Đạo) đều phạm luật Chúa, đều có tội (mà là trọng tội). Đương nhiên quyền phán xét là của Chúa, bổn phận của ta khi biết ai đang sa vào những tội nguy hiểm đến ơn Cứu độ thì khuyên can, cầu nguyện…

iii. Thứ ba trên bình diện cá nhân: Để sự việc xảy ra có nguy cơ đổ vỡ, căn xét lời cha ông dạy ‘tiên trách kỷ hậu trách nhân’. Lúc nãy tôi ‘thọc’ câu ‘xấu òm mà cũng cướp được chồng’ không phải chơi đâu, mà là muốn Chị cật vấn, xem lại mình. Mình hơn con nhỏ đó mọi đàng mà chồng mình vẫn bỏ mình theo nhỏ ấy. Đứng góc độ chồng, bỏ vợ theo nhỏ, chứng tỏ nhỏ đó có gì hơn vợ, lại vấn đề thiết yếu chứ không phải chơi.

(Qua những gì Chị thể hiện, tớ ‘xin’ nói thẳng chị có phần lỗi không nhỏ. Ở với người vợ nóng tính- thẳng tính, hay cằn nhằn, lại quá giỏi kiếm tiền, không cần chồng giúp… kể ra chồng cũng ‘chịu đựng’ lắm đấy. Chị em được gọi phái đẹp, có trách nhiệm chính góp phần làm gia đình hài hòa, xinh tươi… Nóng giận, hay bốp chát… rất phản cảm với cái đẹp âu cũng có lỗi với nhiệm vụ làm đẹp của chị em)

* Vấn đề quan trọng: Ly dị thì dễ dàng và đơn giản. Xây mới khó chứ phá thì quá dễ.

Tớ coi vấn đề ly dị như tấm ván cuối cùng còn nối với mình, với gia đình. Ly di là rút tấm ván đó, tuyệt giao… Người bên kia có muốn trở lại cũng khó.

Mình không ly dị, hay không đồng ý lý dị (dù tòa vẫn có quyền xử đơn phương), nghĩa là mình còn để tấm ván, còn tạo cơ hội để người bên kia có thể nối lại tình xưa, trở về mái nhà ngày trước. Biết đâu sau những vùi dập biển đời tình người, người ta vẫn còn tấm ván cuối cùng để ôm vượt sóng, còn tia hy vọng trở về canh tân đời sống.

3. Trên hết, tớ nói đừng bao giờ mất hy vọng vào Chúa, đừng quên cầu nguyện, siêng năng đi Lễ và rước Lễ. Chị nhớ chạy đến Mẹ Maria để cùng Mẹ cầu nguyện, đến xin ơn Chúa, trong đó lưu ý xin ơn biến đổi chính mình.

Tạ ơn Chúa ‘tấm ván’ không rút…

Sau những thăng trầm, nhờ ơn Chúa giúp hy vọng vợ chồng nên ‘cặp đôi hoàn hảo’.

Lm.Đaminh Hương Quất

Exit mobile version