Tại sao hàng tỷ những con người trên hành tinh này luôn rung động, thành kính cúi đầu trước một Hài Nhi bé nhỏ tên là Giêsu được sinh ra trong hoàn cảnh nghèo hèn. Hang đá, máng cỏ bò lừa trong một đêm đông giá lạnh cách nay trên 2000 năm là điều kiện khả dĩ cho sự ra đời của Hài Nhi bé nhỏ này. Trong khi đó, nơi hang Bêlem nghèo hèn, chỗ Hài Nhi Giêsu sinh ra chỉ cách xa chốn phồn hoa đô hội là Kinh thành Giêrusalem khoảng chừng 8km về hướng Nam với đầy rẫy những nhà hộ sinh ấm áp…? Câu trả lời có lẽ là không khó, bởi Hài Nhi nhỏ bé đó chính là Bậc Thánh Tử – là sự trao ban – là món quà vô giá mà Giao ước giữa Thiên Chúa và loài người được thực hiện. Và Người chính là Đấng được Chúa Cha sai đến thực hiện Ơn Cứu Độ, là Vị Vua Tình Yêu của muôn dân.
Mùa Vọng, đặt trọn niềm tin yêu nơi Hài nhi Giêsu – Vua Tình Yêu là nguồn năng lượng đón chờ Ơn Cứu độ
Lại thêm một câu hỏi nữa được đặt ra: Tại sao Đấng Cứu Độ – Vị Vua Cứu Tinh lại sinh ra trong cảnh cơ hàn như thế, lẽ ra nơi Người được sinh ra phải là cung vàng điện ngọc với lụa là gấm vóc, chăn ấm nệm êm và không thể thiếu kẻ hầu người hạ? Nhưng không phải thế! Và có lẽ, hình ảnh Hài Nhi Giêsu nơi hang đá, máng cỏ bò lừa chính là sự sắp đặt có chủ ý trong Chương trình Cứu độ của Thiên Chúa và hình ảnh Hài Nhi Giêsu hạ sinh nơi trần gian luôn là hiện hữu, là hình ảnh đại diện cho sự đơn sơ, khó nghèo. Phải chăng đó chính là sự nhắc nhở cho mỗi người nơi cõi trần về thân phận của mình chỉ là kiếp bụi tro!
Rồi Hài Nhi Giê-su trở thành một Vị Vua. Một Vị Vua hết sức đặc biệt khi Ngài chỉ mang trọng trách lãnh đạo, chăm sóc những tâm hồn nơi trần thế, bởi vậy danh xưng Vua Tình Yêu chỉ tồn tại nơi Ngài, có một không hai và tội lỗi là kẻ thù không đội trời chung với Ngài nhưng Ngài luôn là người chiến thắng. Ngài là Đấng Emmanuel đến trần gian này để lắp ghép lại những mảnh vỡ và dọn đi những đống đổ nát do con người gây nên; Ngài âm thầm lặng lẽ như người thợ sửa cầu, cần mẫn chỉnh sửa lại cây cầu có lộ trình đi từ trần thế đến Nước Trời do bởi cây cầu này luôn có nguy cơ bị lỗi nhịp, bị hư hỏng mà con người chính là tác nhân gây ra. Hài Nhi Giêsu đến trần gian này không như một đấng quân vương xiêm y lộng lẫy cùng bầu đoàn thê tử, Ngài cũng chẳng có binh mã oai hùng nhưng Ngài đến với thế gian này như người thầy dạy học để rao giảng chân lý Nước Trời và Lời Ngài chính là Lời Hằng Sống; Ngài đã đến như một lương y để chữa lành vết thương nơi những tâm hồn biết tự hối ăn năn; Như người bạn tốt bụng, không hào nhoáng mà luôn thân thiện và tận cùng với những con người nhỏ bé, hèn mọn; Ngài đến để xóa bỏ những định kiến và lòng thù hận. Khi kết duyên với con người thì Ngài là người tình vĩ đại nhất, cho dù con người bội tín gây cho Ngài những vết thương đau nhói nhưng Ngài vẫn luôn bao dung tha thứ khi đối tác của Ngài thành tâm trở lại… Và Ngài đến nơi trần gian này với kết cục là cái chết bi thảm trên thập tự giá và Ngài đã Phục Sinh.
Từ trước đến nay, luôn có những khuynh hướng tìm cách làm cho hình ảnh Chúa Giêsu trở nên méo mó nhưng xem ra bất lực. Bởi lẽ, hình ảnh của Ngài là hiện thân của tình yêu, Ngài đem nguồn năng lượng yêu thương vô tận đến ban tặng cho con người. Những khi người ta lầm đường lạc lối trong phong ba, bão táp cuộc đời thì luôn có vòng tay yêu thương, rộng mở của Vị Vua Tình Yêu đón chờ, như là một bến đỗ an toàn nhất cho mỗi mảnh đời nơi cõi trần gian này.
“Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4,12). Là một chân lý bất di, bất dịch mà ngay từ thủa đầu, Giáo hội sơ khai đã tuyên xưng và xác tín. Đến nay, cho dù Giáo hội Công giáo đã trải qua những thăng trầm lịch sử, những khó khăn, thử thách hay sự bách hại nhưng mãi mãi chân lý này vẫn không hề thay đổi.
Vâng, Chúa Giêsu là đấng duy nhất chiến thắng tội lỗi và sự chết. Bởi lẽ đó, chỉ có Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất mà thôi!
Mùa Vọng, với tâm thế đón chờ, hướng về biến cố Đấng Cứu Thế đến trần gian lần thứ nhất cũng là thời gian để mọi người hướng lòng trông đợi ngày Chúa Giêsu đến trần gian lần thứ hai, là ngày Chúa quang lâm hoàn tất công trình cứu độ của Người. Thiết nghĩ, Ơn Cứu Độ sẽ tuỳ thuộc hoàn toàn vào việc đón nhận của từng người; Một thái độ thành tâm tự hối và sốt sắng trong ơn gọi Kitô hữu, một tâm hồn xứng hợp và đời sống bác ái… chắc hẳn sẽ là món quà quý giá dâng lên Chúa Hài Đồng – Đấng Cứu Độ trần gian.