Biến cố truyền tin chỉ có Tin Mừng của Thánh Luca ghi lại. Đây là biến cố hết sức quan trọng trong lịch sử cứu độ. Biến cố này xảy ra trước lễ Giáng Sinh 9 tháng.
Sau khi nguyên tổ phạm tội, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho nhân loại: đó là phải xa cách Chúa, phải đau khổ và phải chết. Nhưng Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người. Ngài đã hứa ban Đấng Cứu Thế để cứu độ con người. Ngài nói với con rắn rằng: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15).
Từ đó, cả nhân loại sống trong tối tăm mù mịt, trông chờ Thiên Chúa thực hiện lời hứa. Trông chờ trong niềm tin. Trông chờ trong hy vọng. Trông chờ trong cầu nguyện. Sự trông chờ đó được thể hiện qua lời cầu nguyện triền miên của dân Do Thái, được phụng vụ nhắc lại trong Mùa Vọng: “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa đấng cứu đời” (Is 45,8). Thế rồi, niềm tin, niềm hy vọng của sự trông chờ được đáp trả trong biến cố Truyền Tin hôm nay.
Đức Maria là một thôn nữ nhà quê. Thời đó, Mẹ cũng sống như bao nhiêu người Do Thái khác. Mẹ cũng trông chờ Đấng Cứu Thế đến. Có lẽ cho tới khi Thiên Thần đến báo tin thì Mẹ vẫn chưa bao giờ nghĩ rằng, Mẹ sẽ cưu mang Đấng Cứu Thế. Nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị mọi sự nơi Mẹ. Ba tuổi, Mẹ đã dâng mình trong đền thờ. Lớn lên, Mẹ đã khấn giữ mình đồng trinh. Mẹ chuyên chăm suy niệm Lời Chúa. Mẹ luôn cầu nguyện. Chính khi Thiên Thần Gabriel đến cũng là lúc Mẹ đang chìm đắm trong kinh nguyện. Thế rồi, cuộc trò chuyện có một không hai trong lịch sử giữa Mẹ và Thiên Thần Gabriel bắt đầu. Cuộc trò chuyện lịch sử này cho chúng ta nhiều điều bất ngờ.
Mở đầu cuộc trò chuyện là việc Thiên Thần chào Đức Mẹ một cách cung kính rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ” (Lc 1,28). Lời chào này được Giáo hội đưa vào đoạn đầu của Kinh Kính Mừng. Giáo hội cũng giữa vào lời chào này để giải thích về ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Bởi vì, Mẹ đầy tràn ơn phúc, đầy tràn Chúa, tội lỗi không có thể len lỏi vào. Rồi Thiên thần còn cho biết “Mẹ có phúc hơn các người phụ nữ.” Bởi vì Mẹ được làm mẹ Thiên Chúa và Mẹ được Thiên Chúa ban cho nhiều đặc ân đặc biệt khác, hơn hẳn các phụ nữ trên trần gian này.
Tiếp đến, Thiên Thần cho Mẹ biết, Mẹ sẽ cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế. Thiên Thần nói: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.” (Lc 1, 31-33). Đây là một tin vui. Tin vui cho Mẹ và cho cả nhân loại. Nhưng tin vui này đến với Mẹ quá bất ngờ. Bất ngờ vì Mẹ không bao giờ nghĩ tới. Bất ngờ vì Mẹ đã có chương trình riêng của Mẹ là “khấn giữ mình đồng trinh.” Đức Mẹ phân vân giữa việc giữ mình đồng trinh và làm Mẹ Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ thưa lại với Thiên Thần rằng: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”(Lc 1,34).
Hiểu được ý Mẹ, Thiên Thần liền cho Mẹ biết, Mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế là bởi quyền phép Chúa Thánh Thần. Thiên Thần nói: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa”(Lc 1,35).Và để thuyết phục Mẹ, Thiên thần còn đưa ra một dẫn chứng cụ thể, đó là trường hợp của bà Ê-li-sa-bét. Thiên Thần cho biết: “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng” (Lc 1,36). Thiên thần còn nhấn mạnh thêm: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37).
Sau khi Thiên thần đã cho biết ý định của Thiên Chúa và giải thích về những băn khoăn thắc mắc trong lòng Mẹ. Giờ đây, số phận nhân loại tùy thuộc vào hai tiếng “xin vâng” của Mẹ. Cho nên, hai tiếng xin vâng của Mẹ hết sức quan trong, liên quan đến vận mạng của cả nhân loại. Vì thế, khi nói về tầm quan trọng của hai tiếng xin vâng, Thánh Bênađô kêu lên rằng: “Ôi trinh nữ, Adam đang khóc lóc cầu khẩn Mẹ trả lời, Đavít cũng khẩn cầu, các tổ phụ cũng không ngớt nài xin. Câu trả lời ấy cả thế giới này đang phủ phục dưới chân Mẹ và chờ đợi nó. Bởi việc giải thoát cho những ai đang đau khổ, chuộc lại kẻ giam cầm, trả tự do cho người bị kết án và sau cùng là phần rỗi của mọi con cái Adam, của toàn thể dòng dõi Mẹ đều tùy thuộc vào lời thưa của Mẹ.”
Đức Maria cũng biết rõ điều đó. Ở đời, người ta thường so sánh cái được cái mất. Xin vâng thì được gì, mất gì? Đối với Mẹ, từ một thiếu nữ bình thường, nay thưa xin vâng sẽ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Từ một thiếu nữ chỉ lo biết việc cá nhân, gia đình, nay thưa xin vâng sẽ phải lo việc Chúa, cưu mang Chúa, sinh ra Chúa, nuôi nấng Chúa, đem Chúa đến với nhân loại. Hành trình phía trước quá vất vả, gian nan. Như vậy, nếu thưa “xin vâng” thì Đức Mẹ được Chúa, cứu được nhân loại, nhưng Đức Mẹ phải chấp nhận làm “đấng Đồng công cứu chuộc,” nghĩa là chấp nhận hy sinh đau khổ. Thế rồi, cuối cùng Đức Maria cũng mạnh dạn đưa qua quyết định của mình. Mẹ thưa với Thiên Thần rằng: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc 1,38).
Ôi, vui quá! Hạnh phúc quá! Vì sau khi dứt lời thưa xin vâng của Đức Mẹ thì “chốc ấy Ngôi Thứ Hai Xuống Thế Làm Người.”
Nếu đọc tiếp Tin mừng chúng ta sẽ thấy, đi liền với hai tiếng xin vâng của Mẹ là những niềm vui và nỗi buồn, những hạnh phúc và đau khổ. Niềm vui, hạnh phúc vì có Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ mang Chúa đến với mọi người như biến cố Mẹ đem Chúa đến với bà Ê-li-sa-bét và ông Gioan Tẩy Giả. Niềm vui của Mẹ được thể hiện qua bài Magnificat. Nhưng quan trọng hơn là Mẹ mang Chúa đến với cả nhân loại. Mẹ trở thành Đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Thế nhưng, đi liền với niềm vui là một chuỗi ngày tháng năm chồng chất những đau khổ. Bảy sự thương khó của Mẹ nói lên tất cả. Mẹ đau khổ nhưng nhân loại sẽ được cứu độ.
Có thể nói, nhân loại không mất gì nhưng lại được rất nhiều nhờ hai tiếng “xin vâng” của Mẹ. Thánh Irênê nói: “Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại.”
Nhờ Mẹ, nên có Đấng Cứu Thế mà hàng ngàn năm nay nhân loại chờ đợi. Có Đấng Cứu Thế nên mới có ơn cứu chuộc. Có Đức Giêsu nên mới có Giáo Hội. Có Giáo hội nên mới có linh mục. Có linh mục nên mới có các Bí tích và muôn vàn ân sủng khác. Ôi thật hạnh phúc với hai tiếng xin vâng của Mẹ. Mẹ hạnh phúc và nhân loại còn hạnh phúc hơn. Nhân loại biết ơn vì hai tiếng xin vâng của Mẹ. Nhân loại phải luôn cùng với Mẹ cất lên lời kinh Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa và thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả…” (Lc 1,46-55).
Mẹ Maria đã cưu mang Chúa sau lời thưa xin vâng. Mỗi người chúng ta cũng được cưu mang Chúa sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức, và được nuôi dưỡng từ Bí tích Thánh Thể. Từ đó, Chúng ta cũng được Chúa mời gọi đáp lại hai tiếng “xin vâng” mỗi ngày.
Xin vâng theo lời thề hứa trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Để rồi chúng ta được mời gọi làm mới lại tiếng xin vâng đó, bằng cách chấp nhận “xin vâng” trong mọi cảnh huống của cuộc đời: Có khi đó là lời mời gọi của Chúa qua Giáo hội; hay là lời mời gọi của Chúa qua cha mẹ, anh chị em, qua các chương trình bác ái từ thiện. Đôi khi đó lại là lời mời gọi chấp nhận một thất bại, một cơn bệnh, một sự mất mát khổ đau. Nhiều lúc chúng ta bắt gặp lời mời gọi sống và tuân giữ luật Chúa, luật Hội Thánh… Có thể nói, mọi biến cố xảy đến trong cuộc đời chúng ta như là những lời truyền tin mà Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta. Như Đức Mẹ, chúng ta hãy khiêm tốn thưa “xin vâng”.
Nhưng xét mình lại, nhiều khi chúng ta bất tuân, chúng ta lỗi lời thề hứa ngày chịu Bí tích Rửa tội. Chúng ta không theo ý Chúa nhưng làm theo ý riêng mình. Chúng ta sống quá ích kỷ, chỉ biết đón Chúa về nhà và đóng chặt cửa lại, rồi để niềm vui của Chúa bị bóp nghẹt nơi cuộc sống của chúng ta chứ không đem Chúa đến với tha nhân. Vậy, xin Chúa tha thứ cho chúng ta. Xin Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã can đảm thưa hai tiếng “xin vâng” để cộng tác với Chúa trong việc cứu độ nhân loại. Xin dạy chúng con biết thưa xin vâng trong mọi cảnh huống của cuộc đời, để chúng con luôn trung thành với Chúa trong đức tin và đặc biệt từ đó chúng con biết đem Chúa đến với tha nhân. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành