Mara lớn lên trong một gia đình nghèo ở khu ổ chuột với người bà ham đánh bài, coi đồng tiền là tất cả và một người cha ghẻ bị tù tội vì buôn bán Hêrôin. Mara luôn sống trong sự ghẻ lạnh và đòn roi của cha và bà nội. Nhưng may mắn thay, cô được người mẹ nuôi hết lòng thương yêu, bảo bọc, chở che, dù bận rộn với cuộc mưu sinh, nhưng bà không bao giờ bỏ Mara một mình, bà luôn bên cạnh động viên, an ủi, chia sẻ việc học ở trường cũng như những biến cố xảy ra với Mara. Hình ảnh mà người xem nhìn thấy giữa hai mẹ con đó là những cái hôn âu yếm từ giã khi Mara đi học và khi học về, cũng như những cái ôm xiết chặt khi gặp nghịch cảnh, thử thách. Dù sống trong nghèo khó, Mara không bao giờ buồn phiền cho số phận, chính mẹ cô đã dạy cô phải biết vượt lên số phận để sống tốt, biết tha thứ và hy vọng. Chính vì thế mà cô luôn được mọi người xung quanh yêu mến.
Còn Clara, cô may mắn được sống trong một gia đình giàu sang. Từ nhỏ, để bù đắp cho sự bận rộn thường xuyên của mình, mẹ của Clara đã hết sức nuông chiều, cô muốn gì là được nấy, luôn xem mình là trung tâm của vũ trụ và bắt mọi người phải phục tùng mình.
Từ khi Mara xuất hiện trong lớp học, nhờ tính tình hiền lành, tốt bụng và học giỏi nên Mara rất được thầy cô, bạn bè yêu mến. Vì thế, Clara rất căm ghét và tìm mọi cách hãm hại Mara. Chính sự mù quáng trong cách yêu và dạy con, vô tình mẹ của Clara đã đẩy cô bé lún sâu vào tính ích kỷ và độc ác. Ca dao Việt Nam đã rất chí lý khi đưa ra lời khuyên răn: “ Dạy con từ thuở còn thơ” vì tâm hồn trẻ con như tờ giấy trắng, chúng ta viết gì lên đó thì nó sẽ lưu giữ lại mãi mãi.
Trải qua dòng thời gian, con người đã cố gắng để đưa ra những định nghĩa về gia đình, chẳng hạn như: “ Gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Nó vừa là điểm khởi đầu và cũng là nơi kết thúc của một đời người”. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II cũng có một câu bất hủ: “ Gia đình là tế bào của xã hội”. Hoặc một sinh viên đã định nghĩa về gia đình rất cụ thể mà tôi thấy cũng chí lý và thực tế: “ Gia đình là nơi có núi Thái Sơn, có biển Thái Bình và có mình trong đó”.
Đối với gia đình Kitô giáo, ngay từ khởi nguyên, Thiên Chúa khi tạo dựng con người, Ngài cũng đã liên kết họ thành một gia đình theo kiểu mẫu gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là một gia đình biết yêu thương, chia sẻ trách nhiệm, chăm sóc và tương trợ lẫn nhau. Gia đình Kitô giáo cần phải vượt lên trên các gia đình bình thường vì họ đã thề hứa trước mặt Chúa và Giáo Hội rằng họ sẽ yêu thương và kính trọng nhau suốt đời. Đặc biệt, lời hứa hôn còn buộc họ có bổn phận đón nhận, “nuôi dưỡng con cái mà Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh”.
Thế nhưng, trước những biến động và thay đổi nhanh đến chóng mặt của xã hội kỹ thuật số hôm nay, hạnh phúc gia đình đang đứng bên bờ vực thẳm, các gia đình Kitô giáo cũng không nằm ngoài tình hình chung đó. Tình trạng ly dị, ngoại tình,quan hệ tình dục trước hôn nhân đang là hồi chuông báo động đối với xã hội và Giáo Hội. Mỗi ngày khi đọc báo, nghe đài hay trên mạng Internet,chúng ta vẫn thường thấy những tin giật gân như : bạo lực học đường, cướp của giết người, ma túy, quan hệ tình dục trong giới học sinh… chúng ta thường lắc đầu ngao ngán,kết tội và “chụp mũ” cả một thế hệ trẻ không còn nhân cách, làm băng hoại xã hội. Thế nhưng chúng ta có thật sự nhìn lại bổn phận và trách nhiệm giáo dục của mình đối với các em chưa? Mà trách nhiệm trước hết bắt nguồn từ gia đình, vì người ta nói: gia đình là ngôi trường đầu tiên của con trẻ. Ngôi trường đó có nền giáo dục tốt thì mới cho xã hội những con người tốt.
Trong bộ phim mà tôi vừa kể ở đầu bài,sở dĩ cô bé Calra trở thành độc ác và ích kỷ cũng một phần là do sự thiếu gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Ngày nào cô bé cũng chỉ ăn cơm có một mình với bà giúp việc. Có hôm, cô học nấu ăn hết sức vất vả và chờ ba mẹ về để ăn cùng, thế nhưng cô nhận được điện thoại từ chối của ba mẹ vì họ bận ký các hợp đồng…tình trạng đó cứ kéo dài suốt 15 năm thơ ấu khiến cô bé cứ xa dần ba mẹ, tính tình thay đổi và hay so sánh với người khác.
Bộ phim trên phản ánh rất thực tế tình trạng gia đình hiện nay: do đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, nên cha mẹ lơ là bổn phận chăm sóc con cái, bữa cơm gia đình đầm ấm, vui vẻ đối với con cái vẫn mãi là ước mơ, vì ba mẹ chúng chỉ về nhà khi chúng đã ngủ say. Ngược lại, họ chỉ biết cho con cái tiền như là một sự bù đắp mà không biết rằng con cái cần ở họ sự quan tâm, săn sóc hơn là những đồng tiền vô tri, lạnh ngắt. Vậy nếu trách các em hư đốn, suy đồi đạo đức, thì trách nhiệm đó thuộc về ai? Tôi vẫn thường nghe một số phụ huynh khi nhà trường than phiền về con của họ thì họ lại vô tư rằng: “ Tôi cho con tôi đi học thì nhà trường phải có trách nhiệm với nó chứ”. Còn tại trường mẫu giáo của các nữ tu thì câu mà phụ huynh hay nói là: “Soeur ơi, tôi dạy hết nổi rồi, nó quậy quá, đem vào đây cho Soeur dạy dùm”. Vậy thì trách nhiệm giáo dục của cha mẹ với con cái để ở đâu rồi? Nhiều bậc cha mẹ viện lý do lo làm kiếm tiền để cho con có một cuộc sống “bằng chị bằng em”, hay với tâm lý bù trừ rằng: “ đời mình đã khổ thì đời con phải được sung sướng” mà quên rằng con trẻ cần được sự quan tâm chăm sóc từ cha mẹ. Chính hạnh phúc từ gia đình sẽ hình thành nơi con trẻ tình yêu đối với cuộc sống, giúp chúng có một cái nhìn quân bình trong các mối quan hệ xã hội, tự tin và phát triển nhân cách một cách lành mạnh.
Đa số gia đình Việt hiện nay là gia đình hạt nhân, hình ảnh gia đình truyền thống “tam đại đồng đường” xưa kia giờ đã vắng bóng. Đó là điều đáng ngại trong mối quan hệ gia đình hiện nay, nhất là đối với các gia đình Kitô giáo. Ông bà ta thường nói: “Đức tin thấm nhập từ máu huyết của cha mẹ”. Thật vậy, ông bà ta sống và giữ đạo tốt là nhờ đức tin mạnh mẽ được nuôi dưỡng từ gia đình. Hình ảnh ông bà cha mẹ, con cái quây quần bên bàn thờ đọc kinh mỗi tối là một sợi dây nối kết yêu thương và hiệp nhất gia đình, không thử thách, sóng gió nào của cuộc sống có thể cắt đứt được. Thế nhưng ngày nay, phương tiện giải trí hiện đại phong phú và phát triển như ” nấm mọc sau mưa”, nhất là mô hình gia đình hạt nhân đã vô tình làm mai một đi đức tin vốn đã rất mong manh trong thế hệ trẻ hôm nay. Trong quyển sách “Mái Ấm gia đình” cuả tác giả Sương Mai, một người mẹ đã dùng hình thức viết thư để truyền đạt kinh nghiệm sống đức tin và giáo dục con cái cho vợ chồng của con gái mình như sau: ” Với thiên chức làm cha mẹ, hai con phải đón nhận con cái với tâm hồn hân hoan, quảng đại, âu yếm và biết ơn. Hai con phải có bổn phận yêu thương, nuôi dưỡng, chăm sóc con cái, để nhờ đó chúng được phát triển mọi phương diện như: sức khỏe, tài năng, học hành, tình cảm, tâm linh…Hai con phải giáo dục, hướng dẫn để chúng trở nên những Kitô hữu tốt lành và thánh thiện“. Còn trong Tông Huấn Familiaris consortio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II số 26 đã nói về quyền lợi của những đứa con trong gia đình như sau: “Giữa lòng gia đình như một cộng đồng các ngôi vị, cần phải dành một sự chú ý đặc biệt cho đứa con, bằng cách phát huy lòng quí chuộng sâu xa đối với phẩm giá ngôi vị của nó, cũng như phát huy sự kính trọng thật to lớn đối với những quyền lợi của nó, những quyền lợi mà người ta phải phục vụ một cách quảng đại. Đó là điều phải dành cho tất cả mọi đứa con, mà quan trọng nhất là đứa con nhỏ tuổi hơn, đang cần đủ mọi thứ, hoặc đối với một đứa con bị đau yếu, đau khổ hay tàn tật.” Chúa Giêsu đã từng nói trong Phúc âm: ” Cây nào sinh trái đó” ( Mt 7,17).
Như thế, muốn đóng góp cho Giáo Hội và xã hội những đứa con ngoan ngoãn, tài năng, tốt lành, cha mẹ phải tạo được một mái ấm gia đình lành mạnh, biết hy sinh thời gian và công sức trong việc giáo dục con cái, nhất là trong việc giáo dục đức tin. Vì khuôn khổ bài viết có hạn, chỉ xin được đưa ra 2 mặt cần giáo dục:
1. Giáo dục nhân bản:
Đó là nền tảng căn bản của một con người, vì thế mà tại các trường học thường ghi câu :” Tiên học lễ, hậu học văn” nghĩa là trước hết phải học lễ nghĩa rồi sau mới học chữ. Từ nhỏ hãy dạy trẻ biết nói cám ơn, xin lỗi, khi ai đưa cho cái gì thì phải biết lấy bằng hai tay, biết chào hỏi khi gặp người lớn, biết yêu thương người nghèo khổ, biết giúp đỡ bạn bè, vâng lời và kính trọng thầy cô nơi trường học…khi trẻ làm sai phải biết sửa dạy ngay không được nuông chiều theo thói xấu của trẻ, đó mới là tình thương thật sự, vì ông bà mình đã dạy rằng: “Thương con cho roi cho vọt”. Đừng nghĩ rằng trẻ còn nhỏ nên để từ từ hãy dạy, đó là một sai lầm đáng tiếc, vì tâm hồn trẻ thơ rất trong trắng nên cần được sửa dạy kịp thời thì mới hy vọng có được những đứa con ngoan ngoãn.
2. Giáo dục đức tin:
Muốn giáo dục đức tin cho trẻ thì chính cha mẹ phải thấm nhuần đức tin, vì : “Không ai cho cái mà mình không có“. Chính cha mẹ phải là tấm gương sáng về đời sống đức tin trong gia đình. Vì nếu thân xác cần được nuôi dưỡng để phát triển khỏe mạnh thì đời sống đức tin cũng cần phải được nuôi dưỡng như vậy. Tôi nhớ khi còn rất nhỏ, đêm nào cha tôi cũng ngồi cạnh tôi trước bàn thờ và dạy tôi đọc kinh tối, buổi sáng thì dạy tôi đọc kinh dâng ngày cho Chúa. Và dẫu bây giờ tôi đã là nữ tu, nhưng tôi vẫn còn đọc kinh hôm, kinh mai mà cha tôi đã dạy cho tôi khi còn nhỏ. Và bây giờ, cha tôi cũng làm như thế với đứa cháu nội chưa tròn 1 tuổi của mình. Như thế mới thấy tầm quan trọng cuả cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái như thế nào. Do đó, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy đem con lại trước bàn thờ và dạy bé ạ Chúa, ạ Đức Mẹ, các thánh. Khi con lớn hơn một chút thì cha mẹ đọc trước, bé đọc sau. Khi ăn một cái bánh,viên kẹo cũng dạy bé biết cám ơn Chúa. Trong gia đình, cha mẹ nên duy trì việc đọc kinh chung với nhau, vì Chúa đã nói: ” Ở đâu có hai hay ba người họp lại vì danh Ta thì có Ta ở giữa họ“. Nhờ có Chúa ở giữa, gia đình sẽ bình an và hạnh phúc, sẽ có đủ nghị lực và niềm tin để cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
Cuối cùng, xin được mượn lời của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II trong Tông Huấn Familiaris consortio để kết thúc bài viết này: “Sự tiếp đón, tình yêu thương, sự quí chuộng, việc phục vụ nhiều mặt nhưng thống nhất về vật chất, tình cảm, giáo dục, siêu nhiên đối với mọi trẻ em sinh ra trên thế giới … Tất cả những điều ấy phải luôn luôn là một đặc điểm nổi bật, không thể tước đoạt được của người Ki-tô hữu, và cách riêng của các gia đình Ki-tô hữu. Như thế các trẻ em có thể lớn lên “về khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta”, chúng sẽ mang lại sự đóng góp quý báu của chúng cho việc xây dựng cộng đồng gia đình và ngay cả cho việc thánh hoá cha mẹ”.
Sr. Ter.Trúc Băng