Tẩm liệm hay tấn/tẫn/tẩn liệm?

Bài này là phần 3 trong loạt bài viết về hiện tượng đồng hóa âm thanh trong ngôn ngữ với tâm điểm là tiếng Việt. Phần 1 bàn về cách dùng ròng rọc < rọc rọc, phưng phức < phức phức, nơm nớp < nớp nớp, phấp phất/phất phới/phân phất < phất phấtkhám bệnh < khán bệnh. Phần 2 bàn về cách dùng Huyền Trang < Huyền Tảng/Tráng, Tịnh Độ < Tịnh Thổ. Phần 3 chú trọng vào cách dùng tẩm liệm so với tấn/tẫn/tẩn liệm. Các tương quan Hán Việt (HV) nêu ra trong bài không nhất thiết xác định nguồn gốc của các từ này (Việt cổ, Hán cổ). Các chữ viết tắt trong bài này là BK (Bắc Kinh), TVGT Thuyết Văn Giải Tự (khoảng năm 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), Tập Vận (TV/1037/1067), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), Tự Vị Bổ (TViB/1666), KH (Khang Hi/1716), HNĐTĐ (Hán Ngữ Đại Tự Điển/1986), VBL (từ điển Việt Bồ La, Dictionarium Annamiticum-Lusitanum-Latinum, Alexandre de Rhodes/1651), L (La Tinh), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị/1895), NCT (Nguyễn Cung Thông). Chỉ số sau một âm tiết là chỉ thanh điệu, khác với số phụ chú ghi theo thứ tự trong bài. Vấn đề chính của bài viết này được ghi nhận trong mục “Sách Nhịp Sống Tin Mừng tháng 10-2018” của trang mạng Tổng Giáo Phận TP HCM (1/10/2018) – trích từ trang này tgpsaigon.net

“Trên báo ‘Kiến Thức Ngày Nay’ số 996 ngày 10-4-2018 trang 15, tác giả Phanxipăng có bài tìm hiểu về các cụm từ ‘Tẩm, Tẫm, Tẩn hay Tẫn Liệm’.

Tác giả đã tra cứu 7 cuốn tự điển – từ cuốn‘Annam Latinh / Dictionarium Annamitico Latinum 1771-1772’của Đức cha Bá Đa Lộc, cho tới cuốn từ điển ‘Từ và Ngữ Việt Nam’ của Nguyễn Lân (Nxb Tp.HCM, 2000, 2006). Tác giả thấy rằng:

– Cuốn từ điển của Nguyễn Lân chỉ có một mục từ liên quan là ‘Tẩm Liệm’.

– 6 cuốn từ điển còn lại cho chúng ta 2 mục từ liên quan là ‘Khâm Liệm’ và ‘Tẫn Liệm’. Không có các mục từ ‘Tẩm Liệm’, ‘Tẫm Liệm’ hoặc ‘Tẩn Liệm’ trong 6 cuốn này.

Còn theo Cha Huỳnh Trụ thì “Ai dùng cụm từ ‘Tẩn Liệm’ {thanh hỏi} là nhầm lẫn, nên cần điều chỉnh lại! Phải dùng cụm từ ‘Tẫn Liệm’ {thanh ngã} mới đúng.

Xưa nay chúng ta quen dùng cụm từ ‘Tẩm Liệm’, rồi sau đó lại dùng cụm từ ‘Tẩn Liệm’…
Như vậy hẳn là vẫn chưa đúng!” (hết trích). Thật ra, khi tìm hiểu sâu xa hơn thì vấn đề không đơn giản như nhìn từ góc độ ngữ âm học lịch sử.

1. Phong tục cổ truyền của người Việt

Từ thời VBL (1651), LM de Rhodes đã quan sát phong tục làm đám tang (ma) ở VN qua các cách dùng để tang để tóc[1] (đàn ông không cắt tóc phía trước/trên đầu là để tang), thương khâm/hạ khâm (giấy[2] bao bên trên và dưới người chết trong hòm). Không thấy LM de Rhodes ghi cách nói tẩm liệm hay tẩn liệm. Cần phân biệt vài danh từ liên hệ đến bài này là khâm liệm (lễ nhập quan), đại liệm (thi thể được bọc bằng bẩy lần lụa hay vải), tiểu liệm[3] (thi thể được bọc bằng ba lần lụa hay vải). Mỗi tôn giáo và hoàn cảnh xã hội/địa phương đều có những tục lệ khác nhau về phương cách tẩn liệm/ma chay, tuy nhiên các đề tài này không nằm trong phạm vi bài viết này. Hai cách dùng tẩn liệm tẫn liệm cũng có thể xuất hiện trong cùng một bài viết về lễ tẩn liêm theo đạo Cao Đài – tỉ số tẫn liệm/tẩn liêm trong bài viết này là 1/7, xem thêm mục tấn ở phần 2.1 bên dưới; td. như “Kinh Tẩn Liệm … Nội dung bài Kinh Tẫn Liệm nhằm nhắc nhở cho Chơn hồn” trích trang daotam.info. Ngoài ra, theo LM Stêphanô Huỳnh Trụ (4/9/2015) thì khi tra trên mạng cách dùng tẩm liệm so với tẫn liệm, tỉ số là 1500/600 hay 2.5. Sau hơn hai năm (2/2018), người viết/NCT tra trên mạng qua google search[4] thì thấy tỉ số dùng tẩm liệm/tẫn tẫn liệm là 56100/25400 hay khoảng 2.2, hay khoảng hơn 200%, phù hợp với tỉ số vào thời điểm trước (đăng vào 9/2015).

2. Các cách đọc và nghĩa của tẩm liệm và tấn/tẫn/tẩn liệm

2.1 Tấn/tẫn/tẩn

Chữ tấn/tẫn 殯 (thanh mẫu bang 幫 vận mẫu chân 眞 khứ thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết: 必刃切,音儐 tất nhận thiết, âm tấn (TVGT, ĐV, QV, TV, VH, CV) – để ý QV ghi (giải thích) tấn [5]là tấn liễm/liệm 殯殮. Cách dùng tấn (tẫn) liệm (liễm) đã từng hiện diện trước thời QV như trong Hậu Hán Thư (năm 445) và Ngọc Thiên (năm 543):

後漢書.卷六十三.杜喬傳:「成禮殯殮,送喬喪還家,葬送行服,隱匿不仕。

Hậu Hán Thư. quyển lục thập tam. Đỗ Kiều truyện:「 thành lễ tấn liễm, tống Kiều tang hoàn gia, táng tống hành phục, ẩn nặc bất sĩ。

必刃反 tất nhận phản (LKTG), 必仞切 tất nhận thiết (TV, LT), 俾刃切 tỉ nhận thiết (NT, TTTH), 卑刃乀 ti nhận phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)

TNAV ghi vận bộ 真文 chân văn (khứ thanh)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 儐 擯 賓 鬢 殯 (tấn thấn/tân)



必愼切,音鬢 tất thận thiết, âm tấn (TVi, CTT) …v.v… Giọng BK bây giờ là bìn so với giọng Quảng Đông ban và các giọng Mân Nam客家话:[客英字典] bin5 [台湾四县腔] bin5 [东莞腔] bin1 [沙头角腔] bin5 [梅县腔] bin5 [宝安腔] bin5 [客语拼音字汇] bin4 [陆丰腔] bin5 [海陆丰腔] bin5, giọng Mân Nam/Đài Loan pin3, tiếng Nhật hin và tiếng Hàn pin.

玉篇.歹部: 殮,殯殮也。入棺也

Ngọc Thiên, đãi bộ: liễm/liệm, tấn liễm dã – nhập quan dã (xem hình chụp bên dưới). Điều này cho thấy là tấn liệm (> tẩm liệm) đã xuất hiện cách đây ít nhất 15 thế kỉ với nét nghĩa là bỏ vào quan tài (nhập quan/NT).

NgocThien - Tẩm liệm hay tấn/tẫn/tẩn liệm?
Ngọc Thiên

Có thể tấn[6] thường dùng chung với liệm thành ra đã điều hòa lại thanh điệu để có cùng âm vực cao như liệm (cùng âm điệu trắc) thành ra âm tẫn, hay cùng âm vực thấp để cho ra dạng tẩn. Các học giả Thiều Chửu (Hán Việt Tự Điển, 1942) và Đào Duy Anh (Hán Việt Từ ĐiểN, 1932) cũng như còn ghi một cách đọc khác của tấn là thấn.

Trong cuốn “Sấm Truyền Ca (Genesia)” có ghi cách dùng tẩn liệm:

Ướp xông đủ bốn mươi ngày

Rồi thì tẩn liệm quan tài mộc hương(trang 159)

Sau đó thì ĐNQATV (Đàng Trong/1895, lẫn lộn thanh ngã và hỏi) ghi tẩn liệm hai lần, không thấy các dạng tẫn liệm, tẩm liệm. Tự điển Génibrel (1898, SaiGon) ghi tấn tán so với cách dùng tẩn liệm trong tiếng Việt hiện nay.


Génibrel trang 736

2.2 Tẩm

Chữ tẩm 浸 (thanh mẫu thanh 清 hay tinh 精, vận mẫu xâm 侵 bình/khứ thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết: 子鴆切,音祲 tử trậm thiết, âm tẩm (TVGT, ĐV, QV, TV, LT, VH, CV, TTTH, LTCN 六書正?), 七林切 thất lâm thiết (QV, TTTH, TVi), 子朕切 tử trẫm thiết (QV, TV, LT), 子賃切 tử nhẫm thiết (NT), 千尋切,音侵 thiên tầm thiết, âm xâm (TV, LT), 七林反 thất lâm phản (LKTG), 子禁反 tử cấm phản (LKTG), 所禁切 sở cấm thiết (LT), 千尋子鴆二乀 thên tầm tử trậm nhị phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)



TNAV ghi vận bộ 侵尋 xâm tầm (dương bình và khứ thanh)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 浸 寖 ? ? 湛 祲 (tẩm tram)



子禁切 tử cấm thiết (TTTH), 子禁切, 音晉 tử cấm thiết, âm tấn (TVi) – CTT cũng ghi 音晉 âm tấn (thời TVi, CTT hai âm tẩm và tấn đọc gần như giọng BK bây giờ là jìn – phụ âm cuối m đã trở thành n), 子信切, 音晉 tử tín thiết, âm tấn (CTT) …v.v… Gọng BK bây giờ là jìn jīn so với giọng Quảng Đông zam3 cam1 và các giọng Mân Nam 客家话: [台湾四县腔] zim5 [东莞腔] zim5 [沙头角腔] zim5 [梅县腔] zim5 [海陆丰腔] zim5 [客语拼音字汇] jim4 [陆丰腔] zim5 [客英字典] zim5 [宝安腔] zim5, giọng Mân Nam/Đài Loan là chim3, tiếng Nhật shin và tiếng Hàn chim.

Nghĩa của tẩm là ngâm, nhúng như tẩm thuốc, tẩm rượu, tẩm muối, tẩm giấm, tẩm xác (ướp xác) … Không thấy dùng tẩm liệm trong các tự điển trước thế kỷ 20: ĐNQATV ghi tẩn liệm hai lần trong trang 340 và 564, không ghi tẩm liệm – so với các tự điển đồng thời[7] và ở Sài Gòn thì lại không ghi tẩm liệm, tẩn liệm!

2.3 Liễm/liệm

Chữ liễm/liệm 斂 (thanh mẫu lai 來 vận mẫu diêm 鹽 thượng thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết: 良冉切 lương diễm thiết (TVGT, ĐV, QV), 力冉切 lực diễm thiết (NT, TV, VH, CV, TG 字鑑, LT, LTCN 六書正擶, TVi) – TVi/CTT ghi âm liêm thượng thanh 廉上聲, khứ thanh 力驗切 lực nghiệm thiết, bình thanh 力鹽切 lực diêm thiết, 力驗切 lực nghiệm thiết (QV, TV, VH, LT), 離鹽切,音廉 li diêm thiết, âm liêm (TV, LT), 斂,徐音廉 liễm, từ âm liêm (ThVn 釋文), 力豔切 lực diễm thiết (NT, TTTH)

TNAV ghi vận bộ 廉纖 liêm tiêm (thượng và khứ thanh)

CV ghi cùng vần/thượng thanh 斂 羷 瀲 蘞 溓 (liễm)



CV ghi cùng vần/khứ thanh 斂 瀲 獫 蘞 (liễm hiểm)

CV cũng ghi cùng vần/bình thanh 廉 鎌 鐮 濂 熑 磏 簾 匳 奩 獫 蘞 斂 帘 (liêm liêm/liệm/liễm)



力冉切,音輦 lực diễm thiết, âm liễn (CTT), 力見切 lực kiến thiết (CTT) – CTT cũng ghi là khứ thanh – kiến đọc là jiàn giọng BK bây giờ so với liễm đọc là liàn hay liăn; vào thời CTT, phụ âm cuối -m đã trở thành -n cũng như tẩm HV. Giọng BK bây giờ là liàn hay liăn so với giọng Quảng Đông lim6 và các giọng Mân Nam 客家话:[台湾四县腔] liam3 [客英字典] liam1 liam3 [沙头角腔] liam3 [东莞腔] liam3 [海陆丰腔] liam3 [客语拼音字汇] liam1 liam4 [宝安腔] liam3 liam1 潮州话:娜奄2 [潮州]罗奄2, niam2 [潮州]liam2 [澄海]niang2, tiếng Nhật ren, tiếng Hàn lyem.

Liễm/liệm 斂 còn dùng thông với liễm 殮, như Thích Văn

[8]từng giải thích 《釋名》殮者,斂也 < Thích Văn > liễm dã, liệm dã. Liệm do đó còn có nghĩa là bó (bao khăn) xác người chết/bỏ vào hòm/quan tài, cũng gần như nét nghĩa thu/góp vào – so với một biến âm là lượm[9]trong tiếng Việt – td. liệm/liễm tiền HV là thu góp tiền, liệm/liễm tài là thu góp tiền của/tài sản … Nét nghĩa giấu, cất đi từng được VBL[10]ghi nhận trong trang 413: “Liệm cửa” là che cửa/đóng cửa để không ai thấy hay che ánh sáng mặt trời. Không thấy VBL dùng “liệm xác” như từ thời các tự điển Béhaine/Taberd (1772/1773-1838), tuy nhiêm khi bó hay bao một thi thể thì dĩ nhiên có hàm ý cất đi! Không phải ngẫu nhiên mà VBL ghi nghĩa của lượm lúa là bó lúa, lượm tay là chắp tay lên – ĐNQATV còn ghi thêm lượm lưới là cuốn lưới …


Génibrel trang 399



Vallot trang 121

Ensevelir là chôn, lấp (TVK 1886)

3. Khuynh hướng đồng hóa âm thanh: tấn/tẫn/tẩn > tẩm

Cách dùng tẫn liệm[11] (tấn liễm) 殯殮 đã hiện diện trong Hậu Hán Thư (năm 445) quyển 63 – trong truyện Đỗ Kiều, tác giả là Phạm Diệp 范曄 (398-446). Tấn liệm cũng xuất hiện trong Ngọc Thiên (năm 543, xem hình chụp trong bài). Quảng Vận (năm 1008) cũng từng ghi là 殮, 殯殮 (liễm/liệm hay cũng là tẩn liệm/NCT). Tiểu thuyết “Sơ Khắc Phách Án Kinh Kì” 初刻拍案驚奇 thời nhà Minh (1368-1661) cũng dùng tấn/tẫn liệm …v.v… Như vậy thì tại sao lại có thêm cách dùng tẩm liệm? Tiếng Việt khi phát âm tấn/tẫn liệm, phụ âm cuối -n của tẩn bắt buộc môi phải mở với độ tròn nhỏ, và sau đó đến phụ âm đầu l- của liệm[12]lại bắt môi mở ngang ra: thành ra phụ âm n của tẩn trở thành phụ âm khép môi m để phát âm liệm thuận hơn (dễ hơn), dầu rằng hai phụ âm m và n đều là âm mũi (nasal sounds). Kết quả là tấn/tẫn/tẩn có khuynh hướng đọc thành tẩm (khẩu ngữ): ta không gặp trục trặc này trong văn viết (đều có 7 mẫu tự khi viết ra[13], không có ảnh hưởng lẫn nhau như khi nói) – không phải là ngẫu nhiên khi LM de Rhodes từng ghi nhận tổ hợp phụ âm ml- trong VBL như mlạt, mlẽ, mlời …

tấn/tẫn liệm > tẩn liệm > tẩm liệm(tẩm lại không có nghĩa là ngâm/ướp như tẩm 浸 như văn viết – không còn nghĩa nguyên thủy của tấn/tẫn 殯).

Để thấy rõ hiện tượng âm thanh trên, bạn đọc thử phát âm chậm rồi nhanh[14] các cụm từ tẩn lận, tẩn liệmtẩm liệm … Ngoài ra không có vấn đề như trên trong các cách phát âm lâm li, lầm lì, tùm lum, im lặng, khúm núm …v.v…

Cũng có khi tẩn liệm và tẩm liệm dùng chung trong một bài viết (đăng ngày 8/4/2015 – tỉ số tẩm liệm/tẩn liệm là 1/1):”Nghi thức tẩn liệm cha Guy Marie Nguyễn Hồng Giáo … Ngay sau nghi thức tẩm liệm là thánh lễ cầu nguyện cho cha” – trích trang mạng Tin Công Giáo 24h facebook.com. Trong một bài viết (đăng ngày 24/10/2010 – tỉ số tẩm liệm/tẩn liệm là 3/1) “VÀI SUY NGHĨ VỀ NHỮNG HÌNH THỨC LỄ TÁNG” của thầy Thích Quảng Phước, hai cách dùng tẩn liệmtẩm liệm đều có mặt:”Mai táng còn gọi là thổ táng, địa táng. Nghĩa là sau khi người chết được tẩm liệm vào quan tài, hay quấn trong mền, chiếu… để chôn xuống lòng đất … Trong các cách tẩm liệm người chết, phương pháp ướp xác mất nhiều thời gian và tốn kém nhất… Những người có vai vế lớn, quan trọng thì treo trên vị trí cao nhất. Về cách tẩn liệm, cũng có sự dị biệt. Qua mười cổ quan tài được đưa từ vách núi cao xuống, có cổ được chạm trổ rất tinh vi, trái lại có cổ đơn sơ giản tiện” – trích từ trang mạng Thư Viện Hoa Sen thuvienhoasen.org . Trong bài viết “Những nghi thức sau khi chết theo quan điểm Phật giáo!” trên trang mạng Tôn Giáo và Dân Tộc (đăng ngày 8/5/2011) thì tẩm liệm dùng hai lần so với tẩn liệm (tỉ số là 2/2):”Theo quan điểm của Phật giáo, khi một người được xác định đã chết thì phải đợi ít nhất từ 10 giờ đến 12 giờ mới tiến hành tẩn liệm… Để tránh những cái chết oan uổng và đau lòng của những trường hợp người chết sống lại nhưng bị chôn vùi trong huyệt mộ, theo Phật giáo thì người chết sau bao lâu mới được tẩm liệm và chôn cất? … phải chờ thêm một thời gian (ít nhất là nửa ngày cho đến một ngày), sau đó mới tẩm liệm và an táng… Theo quan điểm của Phật giáo, khi một người được xác định đã chết thì phải đợi ít nhất từ 10 giờ đến 12 giờ mới tiến hành tẩn liệm. Một phần cũng vì lý do đợi người chết lâm sàng thực sự chết hẳn như đã nói và mục đích chính là để quá trình thần thức thoát ra khỏi xác thân hoàn toàn.” – trích từ trang tongiaovadantoc.com . Trong bài viết “Tang lễ theo nghi thức Phật giáo” của thầy Thích Đồng Quang (đăng ngày 8/7/2013), tỉ số tẩm liệm/tẩn liệm là 1/4 – xem chi tiết trang này chẳng hạn nguoiphattu.com …v.v…

Tóm lại, dựa vào khuynh hướng đồng hóa âm thanh (sound assimilation) rất thường gặp của các âm đứng gần nhau trong ngôn ngữ tự nhiên – nhất là trong văn nói (khẩu ngữ) – ta có cơ sở giải thích tại sao tẩm liệm lại dùng (hay nghe nói) nhiều hơn là tẩn liệm, cũng như trường hợp khán bệnh và khám bệnh[15] (so với khám phá < khán phá). Tuy rằng tẩn liệm lại có ý nghĩa và dễ giải thích hơn so với tẩm liệm vì có nhiều văn bản để kiểm tra lại. Dù không có nhiều trường hợp, nhưng không làm ta ngạc nhiên như VBL đã từng ghi cách đọc thất thoáng cũng chính là thấp thoảng (phụ âm môi tắc p của thấp trở thành phụ âm đầu lưỡi tắc t của thoảng – đồng hoá âm thanh/phụ âm):


VBL – trang 750

4. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

2) Phan Kế Bính (1915) “Việt Nam Phong Tục” có nhiều lần tái bản như từ NXB Văn Học…

3) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

(1906) “Petit dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

4) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) “Petit dictionnaire francais annamite” Imprimerie de l’union Nguyễn Văn Của (SAIGON).

5) Lữ Y Đoan (Louis Đoan) (1670) “Sấm Truyền Ca Genesia” bản Nôm chép lại và hiệu đính bằng bởi LM Qui (1885) – Tập San Y Sĩ ấn hành – Montréal (2000).

6) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

“Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

7) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale).

8) Nguyễn Cung Thông (2016) “Tản mạn về tiếng Việt – hiện tượng đồng hoá âm thanh (phần 1)”.


(2016) “Tản mạn về tiếng Việt – hiện tượng đồng hoá âm thanh (phần 2)”. Có thể tham khảo các bài viết này trên mạng như chimviet.free.fr hay vanhoanghean.com.vn …v.v…

Ngoài ra, bạn đọc có thể tham khảo thêm các bài viết liên hệ như trang này ngonngu.net hay thoughtco.com …v.v…

9) Stêphanô Huỳnh Trụ (2015) “TẪN LIỆM HAY TẨM LIỆM” – có thể xem toàn bài trang này chẳng hạn giaolyductin.net …v.v…

10) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

Nguyễn Cung Thông[16]

———————

[1]Thành ra ta có thành ngữ tang tóc (nghĩa mở rộng chỉ đau buồn/thảm thương).

[2]LM Béhaine/Taberd (1772/1773-1838) lại giải thích là đồ/vật để liệm người chết (stragulum/L là đồ bao/khoác/choàng – không hẳn là bằng vải/NCT).

[3]“Khâm niệm nhập quan – Nhà giàu dùng vóc nhiễu tơ lụa, nhà thường dùng vải trắng, may làm đại liệm, tiểu liệm (đại liệm một mảnh dọc, năm mảnh ngang, tiểu liệm một mảnh dọc ba mảnh ngang) để khâm liệm, rồi thì nhập quan (bỏ vào săng)” trích từ “Việt Nam Phong Tục” của học giả Phan Kế Bính (1915).

[4]Thật ra, nếu tra thêm cụm từ tẩn liệm thì thấy khoảng 66500, hay hay tỉ số của (tẩm liệm)/(tổng số tẫn liệm + tẫn liệm) = 0.61. Tuy nhiên, cách dùng tẩm liệm cũng ngang ngửa với tẩn/tẫn liệm. Phải rất cẩn thận khi dùng mạng Internet khi tra cứu vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng như thời gian (thời điểm google tra cứu), chính tả, hoàn cảnh bài viết (so với khẩu ngữ), phương cách tra và lọc chữ của google so với thanh điệu đặc biệt của tiếng Việt … Như thử tra tấn liệm qua google search (2/2018) thì ta thấy khoảng 97700 lần!

[5]Tấn không những là hài thanh (bộ ngạt + chữ tân), nhưng còn có khả năng là loại chữ hội ý: theo GS Axel Schuessler thì tấn là bỏ tử thi vào quan tài và đem đi chôn cất và để các linh hồn ông bà tổ tiên gặp lại như gặp khách vậy (khách ~ tân ) theo Lễ Kí – ABC Etymological Dictionary of Old Chinese (University of Hawai’i Press, 2007) trang 167. Một dạng âm cổ phục nguyên của tấn/thấn là *pins, nhưng phụ âm môi tắc p đã trở thành phụ âm đầu lưỡi tắc t trong tiếng HV (hiện tượng trùng nữu).

[6]Tấn/thấn/tẫn/tẩn HV có nghĩa khá rộng (a) đặt xác người chết trong hòm/quan tài (b) chuẩn bị (rửa sạch/bó) xác người chết (c) mang xác đi chôn hay hỏa táng …

[7]Như tự điển của J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon) và tự điển của Jean Bonet (1899) “Dictionnaire annamite-français, langue officielle et langue vulgaire”. Năm 1972, Jean Bonet đã thay Trương Vĩnh Ký làm giám đốc tờ Gia Định Báo, là tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên của Việt Nam.

[8]Thích Văn còn gọi là Dật Nhã 逸雅, tài liệu ghi các dữ kiện ngôn ngữ thời Đông Hán, ra đời vào khoảng năm 200 SCN. Thích Văn được dùng để phục nguyên âm Hán cổ, nhất là các tổ hợp phụ âm (consonant clusters) đã tha hóa từ giai đoạn tiếng Hán Thượng Cổ/Old Chinese đến giai đoạn tiếng Hán Trung Cổ/Middle Chinese …

[9]Liễm/liệm có thể liên hệ đến tiếng Khme Cổ rom (kết hợp lại, tập trung ~ bó/bao lại), tiếng Thái rɔɔmA2 < *rɔmA (thu lượm) so với nghĩa của các từ lùm (lòm, lờm), lượm/lụm của tiếng Việt.

[10]Không thấy LM de Rhodes ghi tẩn, tẩn liệm – tuy nhiên VBL có ghi bó chiếu là mai táng bằng cách bó chiếu, và cũng dùng làm tiếng chưởi rủa (có thể hàm ý ‘nghèo hèn’ nên trong khi chôn cất không có tẩn liệm mà chỉ bó chiếu sơ sài mà thôi).

[11]Xem thêm chi tiết về cách dùng tẩn liệm trên các trang mạngzdic.net haybaike.baidu.com …v.v…

[12]Phụ âm xát/đầu lưỡi l- bị ảnh hưởng của nguyên âm trước i (trong chữ liệm) nên môi phải mở ngang. So sánh các cách đọc li qua độ mở của miệng và môi.

[13]Thật ra khi viết rất nhanh (tháo), các mẫu tự/chữ cái kế nhau có thể thay đổi phần nào để tiết kiệm thời gian, chữ ký là một trường hợp điển hình. Nghệ thuật thư pháp cũng cho thấy ảnh hưởng hỗ tương của các mẫu tự gần nhau: viết sao cho nhanh và gọn …

[14]So sánh “tẩn lận, tẩn liện, tẩm liệm” với “tổn liệm, tẩn liệm, tẩm liệm”. Đọc chậm các cụm từ này, rồi đọc nhanh: để ý vị trí của lưỡi, môi,răng và các bắp thịt hai bên má trong lúc phát âm. Có thể dùng một cái gương soi để quan sát rõ hơn. Tương tự như trên, bạn đọc thử phát âm “khán bịnh” và “khám bịnh” chậm rồi nhanh hơn: các dạng nào bạn thấy phát âm trôi chảy (dễ/nhanh) nhất? Đây là những quan sát rất đơn giản và dễ thực hiện, các hoạt động của dây thanh âm/tần số (vocal cords/frequency) và cường độ hơi gió phát ra thì khó nhận biết hơn và cần dụng cụ đo lường đặc biệt để thêm chính xác.

[15]khám bệnh hầu như đã hoàn toàn thay thế khán bệnh trong tiếng Việt, có thể vì thường dùng trong khẩu ngữ hơn (một hoạt động thường xẩy ra hơn so với tẩn liệm): điều này cũng giải thích phần nào sự dùng lẫn lộn tẩn liệm và tẩm liệm trong các bài viết hiện nay (ngay cả khi nói chuyện).

[16]Nghiên cứu tiếng Việt độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

Exit mobile version