Cô xuất thân từ giáo lý viên, ca đoàn của giáo xứ Thuận Phát. Được rèn luyện, giáo dục trong một gia đình Kitô giáo và được hấp thụ một nền giáo lý tốt ngay từ nhỏ nên khi là một nhà giáo, cô càng ý thức vai trò “trồng người” của cô.
Cô chia sẻ cô gặp rất nhiều khó khăn khi đứng lớp. Cô không ngần ngại kể những điệu buồn của nhà giáo mà cô đang gặp phải. Chẳng biết nói gì với cô, chỉ biết chia sẻ với cô về trách nhiệm của một nhà giáo Công Giáo mà cô đang mang.
Cô cảm thấy lạ khi càng cố gắng giáo dục cho trẻ thì cô càng gặp phải căn bệnh hình thức từ nơi những người có trách nhiệm. Thế nhưng, dù bị đồng nghiệp không vui, dù không được khen thưởng như bao người khác nhưng cô cảm thấy bình an và thanh thản bởi lẽ cô can đảm nói lên tiếng nói của mình và sống thật với nghề giáo mà cô đã chọn,
Cách đây vài ngày, người bạn khoe với tôi rằng trường tư thục mẫu giáo Duy An – Gò Vấp thông báo: “Dịp 20/11, nhà trường xin không nhận tất cả các loại quà, dù là bất cứ hình thức nào”.
Nhiều người sẽ thắc mắc không biết trường Duy An là trường nào ? Ai phụ trách ? Tại sao lại làm như thế ?
Xin thưa trường mẫu giáo tư thục Duy An do các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp phụ trách.
Các nữ tu có lẽ quá hiểu nỗi khổ của phụ huynh, nỗi khổ của phong bì, nỗi khổ của quà cáp để rồi cùng nhau đi đến quyết định như thế.
Thật ra, khi đưa ra quyết định như thế, ắt hẳn các nữ tu cũng sẵn sàng đón nhận những búa rìu của dư luận. Đơn giản sẽ lãnh búa rìu bởi lẽ giữa dòng chảy của cuộc đời là văn hóa phong bì, văn hóa bôi trơn, văn hóa biếu xén, văn hóa “hoa hồng”.. . đang cuồn cuồn chảy giữa cuộc đời nhưng các nữ tu lại làm ngược lại. Giữa cuộc đời mà người ta đi tìm cái lợi càng nhiều càng tốt mà Duy An can đảm từ chối không phải là chuyện đơn giản.
Dù có thể bị búa rìu dư luận nhưng các nữ tu vẫn can đảm làm như vậy. Làm như vậy để nói lên tiếng nói của một tập thể sư phạm Công Giáo.
Duy An là một trong nhiều và rất nhiều trường do các nữ tu phụ trách. Chẳng cần phải nói nhiều lời rằng tại sao người ta lại thích mang con em của mình đến gửi ở các trường do các nữ tu phụ trách. Giản đơn là khi được gửi ở đây, các cháu được bồi bổ không chỉ là tri thức, kiến thức nhưng các nữ tu chăm chú về nhân văn, nhân bản của con người.
Khi quyết định làm như vậy, chắc chắn thu nhập của tập thể sư phạm trường sẽ thiệt thòi, sẽ mất đi nguồn lợi như những cơ sở giáo dục khác nhưng mẫu giáo Duy An đã nói lên được tiếng nói của mình giữa những ngang trái của cuộc đời ngay từ ngành giáo dục. Giáo dục là nền tảng cho đời người nhưng không khéo thì văn hóa phong bì, văn hóa biếu xén nó sẽ đánh đổ đạo đức, nhân văn của con người.
Công tâm mà nói, chẳng phải tâng bốc, chẳng phải ca khen nhưng để khi người Công Giáo mở trường thì chắc chắn sẽ có một nền giáo dục tốt cho các em.
Đáng tiếc thay hiện tại người Công Giáo, cách riêng các nữ tu chỉ được mở ở cái hệ mầm non. Tiểu học, trung học cũng như Đại Học Công Giáo vẫn còn là niềm mơ ước của nhiều người.
Dù ít, dù nhỏ nhưng cô giáo người Công Giáo mà tôi quen, trường tư thục Duy An mà tôi biết đó đã nói lên tiếng lòng của mình, đã thắp lên đốm lửa nhân văn giữa cuộc đời. Vẫn mong nhiều và nhiều người Công Giáo cũng như các tập thể sư phạm Công Giáo can đảm loan báo một nền sư phạm tình thương, một nền sư phạm chân chính giữa cuộc đời.
Micae Bùi Thành Châu