“Thật, tôi bảo thật ông:
Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa,
Nếu không sinh ra bới nước và Thần Khí ”(Ga 3: 5)
Trong Tin Mừng Thánh Mác-cô Chúa cũng nói rõ:
Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ,
Còn Ai không tin, sẽ bị kết án” (Mc 16: 16)
Như thế, có nghĩa là nếu không được tái sinh “bởi nước và Thần Khí” qua Phép Rửa (Baptism) thì không ai có thể được vào Nước Trời để hưởng vinh phúc đời đời với Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng và cứu chuộc con người nhờ Chúa Kitô.
I- Trước hết, tại sao cần phải tái sinh (rebirth) bởi nước và Thần Khí?
Muốn hiểu điều Chúa Giêsu nói trên với Ni-cô-đê-mô, chúng ta cẩn đọc lại Kinh Thánh về nguồn gốc con người và tội của nguyên tổ (original sin) như được ghi lại trong Chương 1 và 3 Sách Sáng Thế
Thật vậy, Thiên Chúa đã tạo dựng con người “giống như hình ảnh của Thiên Chúa” để cho con người được tham dự vào đời sống thần linh (divine life) của Người và làm “bá chủ” trái đất và mọi sinh vật trên mặt đất này. Đó là tình trạng ơn phúc đặc biết mà nguyên tổ loài người là Adam và Eva đã được vui hưởng trước khi phạm tội bất phục tùng Thiên Chúa.
Trong tình trạng ơn phúc đó, hai vợ chồng đầu tiên này “đều trần truồng mà không xấu hổtrước mặt nhau” (St 2: 25). Họ sống hạnh phúc trong vườn đia đàng, nơi họ được phép ăn mọi thứ hoa trái ở nơi đây trừ “trái của cây biết điều thiện điều ác” là trái cây mà Thiên Chúa cấm hai người không được ăn, “vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn người sẽ phái chết” (St 2: 17)
Nhưng cái chết mà Thiên Chúa nói ở đây có nghĩa là gì?
Có phải là cái chết của thân xác hay của linh hồn, tức là chấm dứt đời sống thần linh với Thiên Chúa?
Chắc chắn không phải là cái chết về thể lý vì con “ngươi là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất” (St 3: 19) là lẽ tự nhiên như Thiên Chúa đã nói với Adam. Ngược lại, cái chết đáng sợ hơn mà Thiên Chúa muốn nói cho hai ông bà cũng như cho tất cả loài người nói chung là cái chết về mặt thiêng liêng mà hậu quả lớn lao nhất là bị cắt đứt mọi tình thân với Thiên Chúa là nguồn hanh phúc và vinh quang của các thánh, các Thiên Thần và những ai sống trong tình thương và ơn phúc của Người.
Vì thế, sau khi phạm tội trái mệnh lệnh của Thiên Chúa, Adam và Eva đã chết trong đời sống thần linh mà hai người đã được diễm phúc chia sẻ với Thiên Chúa trước khi họ phạm tội.
Cái chết này cũng đã cướp đi mất của họ tình trạng ơn phức gọi là “sự ngây thơ công chính ban đầu (Original innocence and justice) mà nhờ đó hai người đã được bảo vệ cho đứng vững trước mọi nguy cơ sa ngã. Nhưng họ đã vấp ngã không phải vì yếu đuối con người như chúng ta ngày nay mà vì họ đã sử dụng ý muốn tự do (free will), một đặc ân mà Thiên Chúa đã ban và tôn trọng cho con người được sử dụng bao lâu còn sống trên trần thế này để hoặc sống theo đường lối của Chúa hay quay lưng lại với Người để tự do sống và làm điều mình ước muốn.
Con rắn Satan biết Adam và Eva sẽ chết vì mất sự sống thần linh, mất thân tình với Thiên Chúa. nếu họ ăn trái cấm. Đó chính là điều nó mong muốn, nên rắn đã khéo léo lừa dối Eva rằng: “chẳng chết chóc gì đâu” cứ ăn đi và sẽ “nên như những vị thần biết điều thiện, điều ác”. (St 3: 5)
Và quả nhiên, sau khi ăn trái cấm, Adam và Eva đã không chết ngay về thể lý như con rắn đã nói mà chỉ lập tức đối diện ngay với hậu quả trước tiên là “bấy giờ mắt hai người mở ra và họ thấy mìnhtrần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân” (St 3: 7).
Từ đó họ sợ hãi và đi trốn giữa đám cây trong vườn vì không dám ra giáp mặt Thiên Chúa khi Người xuất hiện đi tìm họ. Như thế, sự xấu hổ và sợ hãi là hậu quả nhãn tiền trước tiên của thực thể mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, mất thân tình và niềm vui được chia sẻ đời sống thần linh với Người.
Và đây chính là cái chết mà Thiên Chúa đã cảnh cáo Adam.
Cũng trong ý nghĩa của sự chết nói trên, ông Môsê cũng đã nói với dân Do Thái như sau:
“Hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn hoặc là được sống và hạnh phúc hoặc là phải chết, bị tai hoa…” (Đnl 30: 15)
Được sống và hạnh phúc có nghĩa được sống trong tình yêu và an vui, hạnh phúc với Thiên Chúa ngay ở đời này trước khi được trọn vẹn chiêm ngưỡng Thánh Nhan Chúa trong cõi vĩnh hằng. Và đau khổ lớn lao nhất cho con người là phải lìa xa Thiên Chúa là cội nguồn của mọi vinh quang và hạnh phúc bất diệt.
Tội của Adam và Eva chắc chắn không đẹp lòng Chúa và đã làm mất ơn nghĩa với Người, nhưng vì Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, giầu lòng sót thương và tha thứ như được ca ngợi trong các Thánh Vinh sau đây:
“Người nổi giận, giận trong giây lát
Nhưng yêu thương ,thương suốt cả đời” (Tv 30: 6)
Hoặc:
“Chúa là Đấng tử bi nhân hậu
Người chậm giận và giầu tình thương.” (Tv 103: 8)
Cho nên,Thiên Chúa đã sớm nguôi giận để sai Con Một của Người là Chúa Kitô xuống trần gian cứu chuộc cho nhân lại khỏi chết đời đời vì tội của Nguyên tổ như Thánh Phaolô đã dạy:
“Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.” (Rm 5: 15)
Chính vì lý do con người đã chết vì tội bất phục tùng, chết vì mất sự sống thần linh và thân tình với Thiên Chúa, cho nên nhờ công nghiệp của Chúa Cứu Thế Giêsu mà con người được tha thứ tội lỗi để có hy vọng được cứu rỗi. Nhưng muốn được cứu rỗi thì trước tiên phải được tái sinh qua Phép Rửa để bước vào sự sống mới và lấy lại tình thân với Thiên Chúa như Thánh Phaolô đã nói rõ như sau:
“Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Giêsu Kitô, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, chúng ta cũng sẽ được sống một đời sống mới.” (Rm 6: 3-4).
Đời sống mới mà Thánh Phaolô nói trên đậy là đời sống theo thần khí, đời sống trong ơn sủng và tình thân với Thiên Chúa trước khi được vui hưởng hạnh phúc Thiên Đàng và “được thông phần bản tính Thiên Chúa” như Thánh Phêrô đã dạy (2 Pr 1: 4)
II- Thực trạng của con người sau khi chịu Phép Rửa
Mặc dù công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô có giá trị tuyệt đối và Phép Rửa một lần tẩy sạch mọi tội nguyên tổ và cá nhân, nhưng không tiêu diệt hết mọi mầm mống của tội lỗi và trả lại cho con người bản chất tôt lành như Adam và Eva đã có trước khi phạm tội.
Ngược lại, theo giáo lý sau đây của Giáo Hội thì:
“Nơi người đã được rửa tội, một số những hậu quả của tội lỗi vẫn còn tồn tại, như những đau khổ, bệnh tật, sự chết, hoặc những yếu đuối gắn liền vói sự sống , như yếu đuối về tình dục v.v và nhất là sự hướng chiều về tội lỗi mà truyền thống gọi là tình dục, và theo ẩn dụ, được gọi là “lò phát sinh ra tội lỗi (forms percati) “được để lại cho ta phải chiến đấu với nó”. Tình dục không có khả năng gây hại cho những người không chiều theo nó mà còn chống lại cách can đảm nhờ ơn sủng của Chúa Kitô. (SGLGHCG, số 1264).
Lời dạy trên đã phản ảnh thực tế và thực thể (reality and entity) là từ trẻ con cho đến người lớn, sau khi được rửa tội, con người không tức khắc trở nên giống như các thiên thần và không còn biết gì về tội lỗi nữa. Ngược lại, mặc dù với lợi ích thiêng liêng lớn lao là được tái sinh trong sự sống mới, được trả lại địa vị là con cái Thiên Chúa, và trở nên dân tộc thánh, nhưng phép rửa không bảo đảm cho con người luôn đứng vững trong ơn sủng lớn lao đó, cũng như bảo đảm cho con người sẽ lớn lên trong đức tin và ơn thánh.. Nói thế, không có nghĩa là bí tích Rửa tội không có hiệu quả lâu dài, mà vì con người còn có tự do (free will) để hoặc cộng tác với ơn Chúa hoặc từ chối để sống theo ý riêng của mình sau khi được rửa tội.
Nói khác đi, đây là thực tế: trẻ em sau khi được rửa tội, nếu cha mẹ và người đỡ đầu (godparents) không giúp đỡ cho em lớn lên trong đức tin bằng cách hướng dẫn và dạy dỗ cho em biết về Chúa, về sự thiện sự xấu, thì em sẽ không tự mình hiểu biết và tăng trưởng trong đức tin được. Cụ thể hơn nữa, nếu cha mẹ không cho con cái đi học giáo lý để xưng tội và rước Chúa lần đầu, cũng như không dạy con cái đọc kinh cầu nguyện trong gia đình và đem chúng đến nhà thờ để tham dự Thánh Lễ và cầu nguyện chung với cộng đoàn đức tin là giáo xứ, mà chỉ lo cho chúng đi học chữ, học nhạc, học nhẩy nhót, ca múa.., thì đức tin mà chúng lãnh nhân khi được rửa tội sẽ ví như hạt giống gieo vào chỗ đất cứng không được tưới nước nên sẽ chết khô mà không lớn lên để sinh hoa kết trái gì được.
Cũng vậy, người lớn (tân tòng) nếu không được học hỏi giáo lý cách chu đáo để dục lòng tin hiệu quả của Phép rửa là được tái sinh trong sự sống mới, trở thành người mới về mặt thiêng liêng và cố gắng sống với đời sống mới này thì việc rửa tội cũng như đổ nước trên đầu vịt mà thôi.
Thực tế ở khắp nơi cho thấy là có biết bao người đã chịu Phép rửa, Thêm sức nhưng nay đã chối bỏ đức tin Công giáo để để sống như người vô thần, hay gia nhập một giáo phái khác, hoặc tệ hại nhơ nữa là lao mình vào những con đường tội lỗi đưa đến hư mất đòi đời. Trong số những kẻ gian ác, giết người, trộm cắp, dâm ô, khủng bố và tôn thờ “văn hóa sự chết” ở khắp nơi trên thế giới hiện nay, chắn chắn có những người đã lãnh phép rửa khi còn bé, hay mới theo Đạo sau này, nhưng đã không sống nhưng cam kết khi được rủa tội là yêu mến Thiên Chúa trên hết mội sự và từ bỏ Satan và mọi quyến rũ của nó đi vào đường tội lỗi.
Đặc biệt, cũng có nhiều linh mục, tu sĩ đã bỏ đời sống tận hiến, thậm chí có một Tổng giám mục Phi Châu còn từ bỏ Giáo Hội Công Giáo để gia nhập “Đạo Mum” bên Đại Hàn và lấy vợ công khai, gây tai tiếng cho Giáo Hội cách nay mấy năm!
Như thế cho thấy là nếu con người sử dụng tự do của mình để sống theo ý riêng thì Thiên Chúa sẽ không can thiệp, không ngăn cấm để mặc cho con người tự do làm và sống nhưng sẽ phải chiu trách nhiệm về mọi việc mình làm. Do đó, mới có vấn đề thưởng hay đặt ra cho con người trước Thiên Chúa là tình thương nhưng cũng rất công minh khi phán xét con người.
Liên quan đến hiệu quả của Phép rửa, vì người ta không thấy nhãn tiền kết quả thiêng liêng của bí tích này nên ngay cả người công giáo, được rửa tội từ bé, cũng có người đã nói: tôi có thấy được tái sinh, hay sống lại ở chỗ nào đâu! tôi vẫn thấy tôi là con người cũ với những tật xấu quen thuộc mà!
Đúng, nếu nhìn sự chết đi hay sống lại trong ơn thánh với nhãn quan con người, thì không ai có thể thấy được cái gì là cụ thể như bỏ mấy quarter (tiền kim loại 25 cents) vào máy bán đồ ăn đồ uống, thì nhấn nút máy sẽ chạy ra món đồ hay lon nước mình muốn mua.
Đời sống thiêng liêng không bao giờ có thể kiểm chứng được bằng bất cứ phương pháp thực nghiệm nào. Đức tin cũng vậy.Chỉ có người thực tâm tin, thành tâm cầu nguyện và dùng tự do của mình để cố gắng sống những gì đức tin đòi hỏi thì mới cảm nhận được sự thay đổi nội tâm mà thôi.
Đó chính là điều Thánh Phaolô đã nói với tín hữu giáo đoàn Ê-phê-sô như sau:
“Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối. Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”. (Ep 4: 23-24)
Tại sao Thánh Phaolô phải khuyên tín hữu những lời trên đây? Lý do như đã nói ở trên là con người vẫn còn tự do (free will) để lựa chọn sau khi đã được “tái sinh” qua phép rửa. Nghĩa là vẫn có thể quay lại lối sống cũ để làm nô lệ cho tội lỗi, cho ma quỉ thay vì quyết tâm từ bỏ chúng để sống theo đường lối của Chúa hầu được cứu rỗi.
Cuộc chiến nội tâm để chọn lựa theo Chúa hay theo ma quỷ sẽ tiếp diễn cho đến hơi thở cuối cùng của đời người. Và những ai chiến đấu trong trận chiến thiêng liêng này cũng được ví như những lực sĩ điền kinh thi đấu trên thao trường và họ “sẽ không đoạtvòng hoa chiến thắng, nếu không thi đấu theo luật lệ”. (2 Tm 2: 5)
Nói khác đi, rửa tội rồi mà không sống những đòi hỏi của bí tích này là yêu mến Chúa hết lòng và xa tránh mọi tội lỗi thì cũng vô ích mà thôi, vì phép rửa tự nó không ép buộc con người phải sống, phải làm những gì phù hợp với Thánh Ý Chúa, mà chỉ mở ra cho con người một hướng đi mới để tùy con người lựa chọn hoặc muốn bước đi hay quay ngược trở lại.
Vậy muốn sống những cam kết khi lãnh phép rửa, muốn lớn lên trong đức tin và sống theo Thần Khí thì phải quyết tâm từ bỏ những gì đi ngược với những đòi hỏi của đức tin. Cụ thể phải xa lìa, chê ghét mọi tội lỗi vì chỉ có tội mới ngăn cách con người khỏi Thiên Chúa và lại tước mất ơn tái sinh của phép rửa. Do đó, để sống ơn tái sinh, tăng trưởng trong tình yêu và thân tình với Chúa, đức tin phải được nuôi dưỡng bằng lời Chúa, bằng siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích hòa giải và nhất là Thánh Thể để ngày một trở nên giống Chúa Kitô đến nỗi có thể nói được như Thánh Phaolô là:
“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2: 20)
Tóm lại, dù tình thương và ơn tha thứ của Chúa là vô biên, dù công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô là vô giá, và dù phép rửa đã tái sinh con người trong sự sống mới, nhưng nếu con người không thực tâm và cố gắng cộng tác với ơn Chúa thì Chúa không thể cứu ai được.
Công nghiệp của Chúa Kitô, tình thương vô biên của Chúa Cha, và ơn tái sinh của Phép rửa được tạm ví như một giòng suối nước cuồn cuộn chảy không ngừng và vô tân.
Nhưng người nằm bên giòng suối đó vẫn chết khát, nếu không tự mình cúi xuống múc lấy nước mà uống, vì nước không có chức năng phải nhảy lên từ giòng nước để chảy vào miệng người đang khát nằm trên bờ.
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn