Tại sao tôi không được nhận đi tu vì cha mẹ tôi sống rối hôn phối?

Giải đáp sau đây áp dụng cho những câu hỏi khác tương tự: Con ngoại hôn, cha mẹ rối hôn phối, sức khỏe kém, có tật nguyền, xấu xí, dị tướng… có được đi tu không? Tại sao Đại Chủng viện này dòng tu này nhận mà Đại Chủng Viện khác dòng tu khác lại không…?


Tại sao tôi không được nhận đi tu
vì cha mẹ tôi sống rối hôn phối?

Câu hỏi thường được đặt ra có ý bênh cho quyền lợi của một tín hữu muốn đi tu và phần nào có ý phê phán Giáo Hội:

– Ngày nay Giáo Hội có còn áp dụng câu ngạn ngữ: cha ông ăn nho xanh, con cháu ê răng?
– Phải chăng Giáo Hội có chủ trương xét lý lịch? Tội của cha mẹ tôi, chứ đâu phải của tôi?
– Ngày xưa Chúa Giêsu còn chọn những người tội lỗi làm môn đệ cơ mà!


Trước hết, đức tin Công Giáo giúp chúng ta nhận biết được đi tu là do ơn gọi từ Thiên Chúa. Vì vậy cũng được gọi là ơn Thiên triệu. Ơn này được Đức Giêsu trao phó cho Giáo Hội điều hành, khi Ngài trao cho thánh Phêrô và các Tông Đồ quyền chăn dắt đoàn chiên.

Kế đến, dưới khía cạnh pháp lý, nói về quyền lợi và bổn phận, được đi tu hay không thì không thuộc quyền lợi hay nghĩa vụ của mọi tín hữu, mà ai cũng được hưởng. Theo nguyên tắc Giáo luật, không ai có quyền đòi Giáo quyền phải cho mình đi tu và cũng không ai bị buộc phải thực hiện nghĩa vụ đi tu. Đi tu là kết quả của một ơn gọi và được tuyển chọn từ trên. Được đi tu thì khác với những quyền lợi mà mọi tín hữu đều có quyền thụ hưởng, miễn là hội đủ các điều kiện luật định, như việc con cái được rửa tội, thêm sức, được xưng tội, dự lễ, rước lễ, xức dầu…

Đúng là ngày xưa Chúa Giêsu có chọn những người tội lỗi làm Tông đồ, như Thánh Mathêu một người thu thuế được Chúa chọn. Tuy nhiên đó là tùy ý Ngài. Ngài có thể chọn một người có tài hay bất tài, đạo đức hay tội lỗi. Tất cả là do quyền của Ngài và tất nhiên là do cái nhìn của Ngài về mỗi người và khả năng của người đó vào công việc mà Ngài muốn trao phó. Không phải tất cả những người đến xin Ngài được làm môn đệ đều được nhận. Đã có những lần ngài từ chối kẻ muốn theo ngài, mặc dầu họ rất có thiện chí. Đối với người này, ngài chối với lý do: Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu; đối với người kia, ngài từ chối vì: Kẻ nào cầm cày mà còn quay lại sau lưng thì không xứng với Ta.

Căn cứ vào những nét Kinh Thánh như trên chúng ta thấy: mặc dù Chúa Giêsu có chọn những người tội lỗi làm môn đệ nhưng không phải tất cả mọi người đều được nhận hay nói cách khác là có quyền làm môn đệ Ngài.

Nhìn sang thực tế ngày nay, đi tu được chia thành hai dạng chính:

Đi tu làm linh mục

Thực sự đây không phải để làm tu sĩ trong một hội dòng nhưng để làm giáo sĩ triều. Ơn gọi tu triều là để làm thừa tác viên chức thánh, thi hành cách đặt biệt sứ vụ của Chúa Kitô: ngôn sứ, thánh hóa, cai quản, để làm mục tử chăn dắt đoàn chiên. Linh mục triều phải sống giữa đời, hoạt động giữa đoàn chiên để chu toàn ơn gọi.

Giáo luật có quy định cho Giám Mục tiêu chuẩn để nhận chủng sinh: “Giám Mục Giáo Phận chỉ nên nhận vào đại chủng viện những người được thẩm định là có đủ khả năng hiến thân vĩnh viễn cho các thừa tác vụ thánh, căn cứ vào các đức tính nhân bản và luân lý, tinh thần và trí tuệ, vào sức khoẻ thể lý và tâm lý cũng như vào ý chí ngay lành của họ (đ.241 §1).

Đức Giám Mục giáo phận có trách nhiệm tuyển chọn và đào tạo ơn gọi linh mục. Ngài tuyển chọn chủng sinh, linh mục, tùy theo những tiêu chuẩn mà Hội Thánh đề ra, và cũng còn tùy những tiêu chuẩn khác mà ngài thêm vào trong bối cảnh riêng biệt của giáo hội địa phương, về nhiều khía cạnh khác nhau như : kinh tế, văn hóa, chính trị, truyền thống văn hóa đạo đức riêng của giáo dân địa phương, của gia đình ứng sinh, vấn đề truyền giáo, số lương dân, hiện trạng xã hội…

Trong những bối cảnh đó, những tiêu chuẩn được đưa ra phải được chọn lọc cẩn thận, với định hướng chính yếu là làm sao để có những mục tử tốt lành có khả năng chu toàn nhiệm vụ giữa đoàn chiên.

Tiêu chuẩn về đời sống đạo đức, nhân bản, có trí phán đoán tốt, lòng nhiệt thành thường được ưu tiên. Ngược lại, những điều được xem là trở ngại là thiếu đạo đức, nhân bản, có trí phán đoán không tốt không quân bình. Ngoài ra, bối cảnh gia đình, sức khỏe, tướng mạo… tốt hay xấu cũng cần xét đến. Nếu thấy đó là những trở ngại cho sứ vụ một linh mục thì Đấng Bản Quyền cũng có thể không nhận vào hàng chủng sinh để tiến tới chức linh mục.

Hãy thử xét xem một trường hợp: Một linh mục giảng huấn về sự thánh thiện của hôn nhân gia đình làm sao được, trong khi mình có cha hay mẹ sống rối hôn phối, hoặc mình là đứa con rơi? Hoặc một trường hợp khác, một người bị dị tật hay ngoại hình khó coi mà làm linh mục đứng trên cung thánh dâng lễ thì làm sao hướng lòng giáo dân cầu nguyện cách sốt sắng mà không chia trí, không cười nhạo, trong một thánh đường mà có người đạo đức lẫn người nguội lạnh thờ ơ? Những kẻ đang tìm cách phá Giáo Hội sẽ có cơ hội phê bình chỉ trích, tung tin gây rối trong Giáo xứ khi họ biết những lý lịch không tốt của cha sở.

Ở Việt Nam các trở ngại trên rất khó vượt qua, nên thường có những hạn chế đối với những người muốn đi tu. Tuy nhiên, trong mọi quy định về hạn chế thu nhận cho đi tu được đặt ra, không luôn luôn là cứng nhắc, nghiêm ngặt, vì các Đấng Bản quyền hay Bề trên đều có quyền cho phép để thu nhận được đi tu như một trường hợp đặc biệt, với sự thẩm định riêng của các ngài, với những lý do chính đáng.

Cũng thấy rằng, ở một nước khác, nền văn hóa khác, những trở ngại đi tu làm linh mục như ở Việt Nam lại không thành vấn đề. Họ có thể được nhận làm chủng sinh, linh mục cho dù cha mẹ họ có hạnh kiểm xấu, hoặc là chính người đó đã có những lầm lỡ. Tất cả tùy thuộc vào sự phán đoán, thẩm định của vị lãnh đạo tức là Đức Giám Mục Giáo Phận.

Bởi vậy, thiện chí, lòng tốt hay đạo đức của một người chưa đủ để được tuyển chọn làm ứng sinh linh mục, nó còn lệ thuộc nhiều yếu tố khác và điều đó tùy thuộc vào luật chung của Giáo Hội và quy định riêng của từng Giáo Hội địa phương.

Đi tu dòng

Mục đích chính là để trở nên một tu sĩ khấn hay tuyên giữ những đức: Khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục. Họ muốn thánh hiến đời mình, bằng cách theo sát Đức Kitô: Mỗi dòng lại theo đuổi một đường lối nên thánh cách khác nhau, gọi là đặc sủng của mỗi dòng. Họ theo gương đức Giêsu dưới nhiều khía cạnh khác nhau: hoặc bằng cầu nguyên, hoặc bằng rao giảng, hay vâng phục, phục vụ bác ái… Dòng tu, vì vậy, phát triển với nhiều thể loại. Có những dòng tu kín ẩn, cách xa với đời, có dòng tu đi vào đời để sống bác ái phục vụ, có dòng chuyên về giáo dục…

Mỗi nhà dòng, vì vậy, đều đưa ra những tiêu chuẩn riêng để nhận ơn gọi, sao cho đặc sủng hay di sản của đấng sáng lập được bảo tồn và phát triển. Mỗi nhà dòng đều có quyền nhận và từ chối người xin gia nhập tùy theo những điều lệ riêng của họ. Nên biết theo Giáo Luật: ngay cả một tu sĩ đã mãn các giai đoạn đệ tử, nhà tập và khấn tạm và có ý muốn tiếp tục khấn trọn nhưng vẫn có thể bị Bề Trên từ chối cho khấn trọn vì thấy tu sĩ đó không có khả năng xứng hợp với đặc sủng hội dòng. Tu sĩ đó phải rời bỏ khỏi dòng trái với ý muốn và thiện chí của mình, như điều 657§1 quy định: “Khi mãn thời gian giữ lời khấn, tu sĩ nào tự ý xin khấn và được xét là có khả năng xứng hợp, thì phải được nhận cho tái khấn hoặc cho khấn trọn đời, nếu không thì phải ra khỏi hội dòng.” Quy định của điều 657§1 này phần nào cho thấy rằng: đi tu không thuộc quyền lợi của tín hữu phải được thụ hưởng, nhưng thuộc ơn gọi từ bên trên và được điều hành bởi giáo quyền hay bề trên.

Tuy vậy, vẫn có nhiều cơ hội để đáp ứng cho một người trẻ muốn đi tu vì nhiều vì dòng tu phát triển với nhiều thể loại với nhiều hướng tu khác nhau. Nếu bạn muốn đi tu dòng thì cứ tìm hiểu hỏi thăm thì cũng sẽ có nơi thích hợp và nơi đó thu nhận bạn. Nếu dòng này không nhận vì thấy bạn không hợp với ơn gọi riêng biệt của họ thì bạn cũng có thể được dòng khác thu nhận vì thấy bạn thích hợp. Tu dòng thì với hoàn cảnh của bạn có thể là trở ngại lớn hay nhỏ, hoặc không có trở ngại gì cả, tùy ơn đặc sủng của mỗi dòng. Nói chung thì nhà dòng dễ thu nhận bạn hơn.

Còn tu triều để làm linh mục thì đối với hoàn cảnh gia đình mà bạn có thì khó có thể được nhận, vì linh mục phải là người thích hợp với sứ vụ chủ chăn, với sứ vụ rao giảng, thánh hóa, với vai trò của một người cha tinh thần trong cộng đồng dân Chúa.
Cũng nên biết, chung cho cả hai trường hợp tu dòng hay triều, còn có vấn đề cơ sở vật chất và kinh tế cũng phải lưu ý đến khi tuyển sinh. Nếu số xin vào thì nhiều mà nhà dòng hay chủng viện lại không đủ cơ sở vật chất hay không đủ khả năng kinh tế để đào luyện tu sinh, thì đương nhiên, bề trên phải đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn để tuyển chọn, thu hẹp số người vào. Ngược lại, nếu có đủ cơ sở vật chất kinh tế mà có rất ít người xin đi tu thì cơ sở đó sẽ đưa ra những yêu cầu thấp hơn để đón nhận tu sinh.

Sau cùng, nếu bạn, có ý hướng tốt, thiện chí tốt, đạo đức tốt mà có ngăn trở nào đó không được nhận đi tu thì quả là điều đáng cảm thông. Tuy nhiên, khi có đời sống đức tin tốt thì bạn cũng nên tin rằng Thiên Chúa là Cha nhân từ, và là Đấng Quan Phòng, luôn muốn và làm điều tốt cho con cái. Không ai dám xác định rằng đời sống tu trì hay đời sống gia đình sẽ giúp cho mình được nên thánh. Chỉ Thiên Chúa mới có thể biết, dẫn dắt và sắp đặt cho ta đi con đường nào tốt hơn.

Lm JB. Lê Ngọc Dũng

giaoluatconggiao.com

Exit mobile version