Tại sao phải xin ơn kính sợ?

Đúng như vậy, yêu mến Chúa thì mới khó chứ còn sợ Chúa thì không khó gì. Người ta vẫn thường so sánh sự khác biệt giữa Cựu ước với Tân ước như là sự khác biệt giữa sợ hãi với yêu mến, hậu quả của sự mặc khải khuôn mặt của một Thiên Chúa công thẳng và một Thiên Chúa nhân lành. Tuy vậy, trong số các hồng ân của Thánh thần, Kinh thánh có nói đến ơn kính sợ: căn gốc của nó là đoạn văn Isaia chương 11, câu 2. Dĩ nhiên, người ta có thể vặn lại là đoạn văn này thuộc về Cựu ước rồi; nhưng (như chúng ta sẽ thấy) không thiếu những đoạn văn Tân ước nói đến sự kính sợ Thiên Chúa. Để cho rõ ràng hơn, trước hết, chúng ta sẽ xét lại ý nghĩa của sự sợ; kế đó, chúng ta áp dụng vào mối tương quan với Thiên Chúa; sau cùng, chúng ta sẽ bàn đến ý nghĩa của ơn kính sợ mà chúng ta xin Chúa Thánh thần tuôn ban. Trước hết, cần phải tìm hiểu bản chất của cái sợ. Có nhiều thứ sợ lắm, chắc chị đã dư biết rồi.

Sợ bóng sợ vía, sợ ma sợ quỷ, sợ hùm sợ hạm, sợ hổ sợ báo,…

Đó chỉ là xếp loại các thứ sợ dựa theo đối tượng. Và chúng ta thấy có thứ sợ hữu lý và có thứ sợ phi lý: sợ hùm sợ beo thì ai mà chẳng sợ! Nhưng mà sợ ma hay sợ bóng thì cái sợ mất đối tượng, sợ vu vơ! Một cách xếp loại nữa là các cấp độ của sự sợ: từ chỗ nhè nhẹ (gọi là sờ sợ) tới cấp độ trầm trọng, chẳng hạn như khi nói tới: khiếp sợ, kinh sợ, kinh hãi, kinh hoàng. Bàn về nguồn gốc của sự sợ, thánh Tôma Aquinô dựa theo sự phân tích tâm lý của các nhà triết học Hy-lạp, đã viết như thế này. Trên đời này, chúng ta thường phải đương đầu với nhiều cam go. Những chuyện đó thường được phân thành hai khối: những điều tốt và những điều xấu (hoặc chuyện lành và chuyện dữ). Bản năng tự nhiên là muốn chiếm hữu điều tốt và xua đuổi điều xấu. Vì thế, đứng trước một điều tốt cam go thì ta “hy vọng” nếu ta thấy có thể đạt được, và “tuyệt vọng” (hay thất vọng) nếu ta cảm thấy mình không đủ sức đạt được. Còn với điều xấu (điều dữ), thì ta “sợ” nếu thấy mình không thể vượt được; và “liều” thì thấy mình có thể thắng được nó.

Nói như vậy thì đâu cần sợ Chúa, bởi vì Chúa đâu phải là sự dữ?

Đúng rồi. Chúa là sự thiện tuyệt đối, là hạnh phúc chân chính của con người. Vì thế Ngài là đối tượng của niềm hy vọng của chúng ta, đối tượng của nhân đức trông cậy. Thế nhưng Chúa cũng có thể trừng phạt tội lỗi của chúng ta, vì thế mà chúng ta sợ Ngài. Thực ra tâm tình đã thấy xuất hiện nơi nhiều tôn giáo hoàn cầu. Lúc nãy, chúng ta đã nhắc tới các thành ngữ: “sợ ma, sợ quỷ, sợ hùm sợ hạm”: đó không phải là cái sợ vu vơ, nhưng là sợ một lực lượng vô hình, mạnh hơn ta, và có thể làm hại cho ta. Con người cảm thấy mình bé bỏng, và sợ bị đè bẹp bởi các quyền lực siêu nhiên. Thêm vào đó, cần ghi nhận một tâm thức ở nơi nhiều tôn giáo, đó là các tai ương (hạn hán, lũ lụt, động đất, dịch tễ, vv) được coi như những hình phạt do Trời giáng xuống để phạt loài người. Hiểu như thế thì ai mà chẳng sợ ông Trời: sợ trời cũng tựa như sợ sấm sợ sét, bởi vì có thể gây cho mình mất mạng như chơi.

Đó là nói đến các tín ngưỡng tự nhiên. Kinh thánh có gì khác biệt không?

Khi nói tới Kinh thánh, chúng ta cần phải phân biệt nhiều khía cạnh. Ngoài sự phân biệt giữa Cựu ước và Tân ước, chúng ta còn phải phân biệt giữa Lời Chúa mặc khải và phản ứng của con người.

(1) Xét về phản ứng của con người, thì phải nói rằng con người ở trong Kinh thánh cũng giống như bao nhiêu con người khác, đó là khiếp sợ trước sự uy nghi cao cả của Thiên Chúa. Tâm trạng này phản ánh qua tục ngữ trong Cựu ước: “không ai có thể nhìn thấy nhan Chúa mà sống nổi” (Xh 33,21). Nên biết là câu nói bắt đầu từ chính ông Môsê, người tôi trung của Chúa. Một thí dụ điển hình là khi ông Isaia nhận được thị kiến trong đền thờ thì ông thốt lên: “Nguy rồi, chết mất thôi, bởi vì tôi là một người môi miệng ô uế mà mắt tôi đã thấy Chúa các đạo binh” (Is 6,5). Con người khiếp hãi khi diện kiến Thiên Chúa. Trong bối cảnh đó, ta hiểu được rằng vì sao trong Cựu ước cũng như trong Tân ước, thường mỗi lần Chúa hiện ra thì đều bắt đầu với lời trấn an “đừng sợ”. Chúng ta có thể lấy hai thí dụ điển hình từ Tân ước, khi thiên sứ Gabriel truyền tin cho trinh nữ Maria (Lc 1,30) và khi thiên sứ hiện ra cho các phụ nữ đến viếng mộ Chúa vào buổi sáng Phục sinh (Mt 28,5). Đó là nói về phía con người của Kinh thánh.

(2) Còn khi nói đến Lời Chúa mặc khải, thì chúng ta nhận thấy sự khác biệt vượt bực so với tín ngưỡng tự nhiên. Kinh thánh trình bày một Thiên Chúa đến gặp gỡ con người, quan tâm săn sóc đến con người, chứ không phải là một lực lượng thiên nhiên hay định mạng mù quáng. Thiên Chúa cam kết hiện diện với dân mà Ngài tuyển chọn, cam kết sẽ bảo vệ họ cho dù họ phải trải qua mọi thử thách. Niềm tin này không những làm thay đổi mối tương quan giữa người tín hữu với Thiên Chúa mà cả lối xử thế của họ nữa. Chỉ cần trưng dẫn vài thí dụ thì đủ rõ. Trong Cựu ước, thánh vịnh 23 đã trở thành cảm hứng cho bao nhiều nhạc sĩ: “Chúa là mục tử tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì… Dầu qua lũng âm u, tôi sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng”. Còn trong Tân ước, thì chúng ta lại còn gặp nhiều gấp bội những lời trấn an của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ khi phải đương đầu với những cuộc bách hại: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12,32). “Thầy nói cho anh em là các bạn hữu của Thầy được biết: anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa… Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn qúy giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Lc 12,4.7).

Như vậy, theo Kinh thánh, cần phải loại bỏ từ “sợ” ra khỏi đời sống người tín hữu, phải không?

Vấn đề không đơn giản như vậy, tùy theo chúng ta hiểu tiếng “sợ” theo nghĩa nào. Như vừa nói, một tâm tình mà Kinh thánh muốn gieo vào lòng người tín hữu là sự phó thác tin tưởng nơi Thiên Chúa nhân lành, Cha quan phòng. Tâm tình này đương nhiên vượt mọi thứ lo âu sợ hãi. Chúng ta có thể trưng dẫn hai đoạn văn điển hình, một của thánh Phaolô và một của thánh Gioan. Thánh Phaolô viết ở cuối chương 8 thư gửi Rôma (35-39) như sau: “Ai có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ giam cầm, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta… Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu”. Còn thánh Gioan thì viết trong thư thứ nhất (4,18): “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt, và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo”. Mặt khác, Tân ước cũng có nhiều đoạn văn ca ngợi lòng kính sợ Chúa, thí dụ như trong bài ca Magnificat của Đức Maria: “Từ đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”. Các tín hữu được định nghĩa như là những người “kính sợ Chúa” (Cv 10,35), đối lại với phường bất lương, những kẻ không sợ Chúa cũng chẳng coi ai ra gì hết (Lc 18,2; 23,40).

Tại sao có chuyện mâu thuẫn như vậy?

Thực ra không có gì mâu thuẫn. Ngay từ trong Cựu ước, Kinh thánh đã ca ngợi những người kính sợ Chúa, coi đó như là một chân phúc (thí dụ như thánh vịnh 112: “Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban”; hoặc thánh vịnh 111: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan”). Có điều là chúng ta cần phải phân biệt nhiều cấp độ và nhiều hạng kính sợ Chúa, từ đó ta mới hiểu được ý nghĩa của ơn kính sợ mà chúng ta cầu xin Chúa Thánh thần.

(1) Ở cấp độ sơ đẳng nhất, sợ Chúa có nghĩa biết tôn trọng luật lệ luân lý, tôn trọng các nghĩa vụ đối với bản thân và tha nhân; đối lại với quân bất lương, hạng người “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.

(2) Ở cấp độ thứ hai, sợ Chúa là sợ sự công thẳng của Ngài: Ngài tốt lành vô cùng nhưng Ngài cũng công bình vô tận. Ngài không dung tha những tội lỗi của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải tránh phạm tội, kẻo sẽ bị trừng phạt ở đời này và nhất là đời sau.

(3) Ở cấp độ thứ ba, sợ Chúa không phải là sợ Ngài phạt nhưng là sợ làm cho Chúa buồn phiền. Thần học gọi là sợ “hiếu thảo của con cái”, đối lại với “sợ hãi của nô lệ” của cấp thứ hai, cũng tựa như con cái sợ làm cha mẹ buồn phiền; đối lại với nô lệ sợ bị ông chủ trừng phạt. Cái “sợ hiếu thảo” là hậu quả của tình yêu và đi đôi với tình yêu; còn sự sợ của nô lệ thì trái ngược với tình yêu. Thực vậy, khi chúng ta yêu mến một người nào, chúng ta cố gắng hết sức để đừng làm phiền lòng họ cũng như chúng ta tìm hết mọi cách để chiều chuộng họ, làm vui lòng họ. Chính ở điểm này mà chúng ta hiểu được ý nghĩa của ơn kính sợ. Theo thánh Phaolô, Thánh thần được ban cho ta để biến đổi chúng ta từ điều kiện nô lệ sang điều kiện “con cái” của Chúa (Gl 4,6-7). Nhờ đó, chúng ta có khả năng sống tín thác vào Chúa và không còn sợ hãi nữa. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng không muốn làm trái ý dù chỉ là một điều rất nhỏ bé (quen gọi là tội nhẹ). Từ đó, chúng ta cảnh giác tìm cách hoà hợp tâm tình ý nghĩ của mình với ý Chúa. Nhờ thái độ chính xác trong tương quan với Thiên Chúa, cách cư xử đối với tha nhân cũng biến đổi: không những là chúng ta không còn sợ những cái vu vơ, không những là chúng ta không còn sợ những đe doạ bất công, nhưng chúng ta cũng có tâm tình hoà nhã với mọi người: ai kính sợ Chúa thì cũng biết tôn trọng người khác, những con cái của Chúa. Họ không có thái độ ngạo mạn, coi mình như là trung tâm vũ trụ nếu chưa nói là chúa vũ trụ.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành

Exit mobile version