Hỏi: Theo ý kiến của tôi, việc linh mục rửa tay sau khi dâng lễ vật phát sinh từ thời kỳ khi linh mục còn mang theo động vật và thực phẩm tới. Do đó, hiện nay việc rửa tay sau khi dâng bánh và rượu là đặt nhầm chỗ. Dù sao, việc rửa tay là thích hợp như là một nghi thức sám hối trước khi dâng lễ vật. (Một độc giả Đức)
Đáp: Độc giả này tán thành một thuyết về nguồn gốc của nghi thức rửa tay, vốn trở nên quen thuộc cách đây vài năm. Thuyết này nói rằng nghi thức rửa tay là thực tiễn thuở ban đầu và phải thực hiện do bụi bột, để làm sạch đôi tay của linh mục. Chỉ sau đó it lâu, một ý nghĩa thiêng liêng được gán cho nghi thức ấy.
Vì vậy, như một số người lập luận, sự xuất hiện của bánh lễ được chuẩn bị trước đã làm cho nghi thức rửa tay trở nên lỗi thời. Lý thuyết này, mặc dầu mạch lạc, có bất lợi là đã sai lầm.
Việc nghiên cứu kỹ càng các nghi thức cũ cho thấy rằng nghi thức rửa tay (có niên đại từ thế kỷ thứ tư) là cổ xưa hơn việc rước lễ vật, và thậm chí sau khi tập tục rước lễ vật được thực hiện, chủ tế thường rửa tay trước, chứ không rửa tay sau, khi nhận lễ vật.
Nghi thức rửa tay luôn có ý nghĩa của sự thanh luyện tâm hồn, và nó vẫn giữ ý nghĩa này một cách hợp lệ ngày nay. Nó là một nghi thức quan trọng, và thể hiện nhu cầu thanh luyện của linh mục trước khi bắt đầu Kinh nguyện Thánh Thể.
Quả đúng là mọi người đã làm hành vi sám hối đầu thánh lễ, nhưng nghi lễ Rôma trong nhiều thế kỷ đã có các kinh thanh luyện khác cho linh mục chủ tế trong thánh lễ.
Hầu hết các nghi thức hoặc kinh này đã được loại bỏ hoặc giảm bớt trong hình thức bình thường, nhưng một số nghi thức, chẳng hạn việc rửa tay sau khi dâng lễ vật, đã được giữ lại và không bao giờ có thể được bỏ qua trong bất kỳ Thánh Lễ nào.