Tại sao gọi là Tuần Thương Khó?

passion week - Tại sao gọi là Tuần Thương Khó?

Trước cuộc cải tổ lịch phụng vụ năm 1969, thì mùa thương khó bắt đầu từ Chúa nhật thứ năm mùa chay, và như vậy kéo dài hai tuần. Mùa thương khó gây một ấn tượng khá lớn cho các tín hữu. Tất cả các tượng ảnh trong nhà thờ đều bị phủ bởi màn tím cho đến lễ Vọng Phục sinh. Nhiều nhà thờ còn căng một bức màn lớn che khuất tất cả gian thánh. Có người giải thích là Chúa Giêsu đi trốn, bởi vì dựa trên bài Phúc âm thuật lại việc Chúa lánh mình khi dân chúng mưu toan ném đá Người. Thế nhưng với cuộc canh tân sau công đồng Vaticanô II, thì lịch phụng vụ không còn nói đến mùa thương khó nữa, mà chỉ còn Mùa Chay kéo dài cho tới lễ Phục sinh. Tuần lễ trước Phục sinh không phải là tuần Thương khó, nhưng từ ngữ “tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa” chỉ còn được gắn cho hai ngày: Chúa nhật lễ lá (Dominica in Palmis de Passione Domini) và thứ sáu tuần thánh (Feria VI in passione Domini). Vào hai dịp đó, phụng vụ đọc bài Thương khó: ngày Chúa nhật thì dựa theo Phúc âm nhất lãm thay đổi tùy theo chu kỳ ABC; còn ngày thứ Sáu thì luôn luôn đọc Phúc âm theo thánh Gioan.

Tại sao cuộc cải tổ phụng vụ lại bỏ mùa Thương khó?


Thực ra thì không phải là bỏ, nhưng mà muốn trở lại với truyền thống cổ xưa thôi. Từ thời xưa, các Kitô hữu dành 40 ngày để chuẩn bị mừng Lễ Chúa Phục sinh. Vì thế thời gian đó được gọi là Mùa 40 (trong tiếng La-tinh là Quadragesima), chứ không phải là mùa thương khó. Trong thời gian này, các dự tòng được chuẩn bị qua chương trình huấn giáo sâu đậm để lãnh các bí tích khai tâm. Còn những người đã được rửa tội rồi thì được mời gọi xét mình về cuộc sống đức tin, xem mình đã trung thành thế nào đối với lời cam kết. Dĩ nhiên, đây cũng là thời gian để thực hành công cuộc cải hoán, qua việc cầu nguyện, hãm mình, bác ái. Vào thời Trung cổ, khi mà con số dự tòng không còn đáng kể nữa, thì công cuộc huấn giáo cũng bớt phần quan trọng. Từ đó, người ta chuyển sang việc suy gẫm cuộc Thương khó của Chúa.

Thương khó là gì?

Chúng ta có thể khảo sát ý nghĩa của từ này theo tiếng Hán Việt cũng như theo nguyên gốc La-tinh. “Thương” ở đây không có nghĩa là “yêu”, nhưng có nghĩa là “đau xót, đau đớn xót xa”, chẳng hạn như khi nói “thương tâm, đau thương, thảm thương, sầu thương”. Còn “khó” không phải trái nghịch với dễ; nhưng “khó” ở đây có nghĩa là “khổ”, chẳng hạn như “khốn khó, khốn khổ”. Nói tóm lại “thương khó” cũng tương tự như là “đau khổ”. Trên thực tế, nhiều bản dịch Việt ngữ dùng những từ “Tử nạn, Khổ nạn, Chịu nạn, Chịu khổ hình”. Đó là nói đến từ ngữ Hán Việt. Đến khi bước sang nguyên bản La-tinh, ta sẽ còn thấy nhiều ý nghĩa khác nữa. Từ “thương khó” dùng để dịch từ “passio” trong tiếng La-tinh (sang tiếng Pháp và tiếng Anh thì thêm chữ “n”: passion). Thế nhưng từ passio có tới ít là bốn nghĩa.

1/ Thường thì người ta giải thích rằng passio bởi động từ “patior, pati” (có nghĩa: chịu đau khổ).

2/ Một ý kiến khác hiểu tiếng passio theo nghĩa triết học, tức là “thụ động” (bị động), nhận hành động từ một chủ động khác. Như vậy “passio” đối ngược với “actio”.

3/ Một ý kiến thứ ba cho rằng passio bắt nguồn từ pathos trong tiếng Hy-lạp, và như vậy có nghĩa là cảm xúc, xúc động. Cũng theo chiều hướng đó, mà trong tâm lý học, passio thường được dịch là “đam mê, say mê, mê man”.

4/ Sau cùng, có người tán giải passio (passus) theo nghĩa là đi ngang qua, để nói đến cuộc vượt qua của Đức Giêsu: người trải qua sự khổ và cái chết để tiến vào vinh quang Phục sinh.

Trong 4 nghĩa vừa nói, nghĩa nào đúng hơn cả?

Trong bối cảnh của phụng vụ, thì nghĩa thứ nhất sát hơn nữa: passio có nghĩa là chịu đau khổ. Nói một cách cụ thể hơn, trong buổi cử hành phụng vụ, Hội thánh đọc lại các bài trình thuật Phúc âm thuật lại cuộc “khổ nạn” của Chúa Giêsu, từ lúc dùng bữa tiệc Vượt qua với các môn đệ (hoặc là từ khi vào Vườn Cây dầu, theo thánh Gioan), rồi bị bắt, bị xử án, bị đánh đòn, vác thánh giá lên núi Calvariô, nơi chịu tử hình. Chúng ta có thể đọc trình thuật này trong Phúc âm theo thánh Marcô chương.14-15; thánh Mattêu chương 26-27; thánh Luca chương 22-23; thánh Gioan chương 18-19. Cũng nên biết, là trong tiếng La-tinh, từ “passio” cũng được áp dụng cho trình thuật kể lại cuộc tử đạo của các Kitô hữu cổ thời.

Phụng vụ chỉ tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa Giêsu qua việc đọc bài Phúc âm nói về cuộc Thương khó của Chúa mà thôi hay sao?

Không chỉ có vậy mà thôi. Lòng đạo đức của các tín hữu còn tìm những hình thức khác để tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa qua các việc đạo đức cũng như qua cuộc sống. Xét về các hình thức đạo đức, thì các sử gia thường trưng dẫn những chứng tích bắt đầu từ thế kỷ IV (khoảng năm 380) bên Thánh địa, do một thiếu nữ tên là Egeria kể lại. Vào Chúa nhật lễ Lá, các tín hữu tại Giêrusalem tụ họp ở núi Cây dầu, rồi từ đó rước lá tiến vào thành thánh. Nhưng nhất là kể từ tối thứ năm tuần thánh trở đi, các tín hữu họp nhau tại một nhà thờ tên là Eleona trên núi Cây dầu để tham dự buổi canh thức đầu tiên, từ 7 giờ tối cho đến 11 giờ. Đến nửa đêm, bắt đầu buổi canh thức thứ hai, tại một nhà thờ gần đó, và nghe đọc bài Sách thánh về cuộc hấp hối của Chúa. Đến sáng thứ 6, thì đám rước di chuyển lên núi Calvariô, để nghe đọc bài tường thuật về cuộc Thương khó và cử hành việc suy tôn Thánh Giá. Và suốt ngày thứ sáu, nhiều cuộc suy gẫm lời Chúa được tổ chức bên cạnh nhà thờ kính nhớ mộ Chúa. Có thể nói được là từ đó trở đi, các tín hữu tìm cách diễn lại cảnh thương khó của Chúa theo gương các tín hữu Giêrusalem, không những là vào ngày thứ năm thứ sáu tuần thánh, mà còn kéo dài quanh năm nữa. Một hình thức khá quen thuộc đối với các tín hữu Việt Nam là ngắm 14 chặng đường thánh giá, đi theo Chúa Giêsu từ lúc bị xử án, rồi vác thập giá lên núi Calvariô, nơi Người chịu đóng đinh, chịu chết và mai táng. Nên biết là hình thức 14 chặng như hiện thời chỉ mới thành cố định từ thế kỷ XVII, chứ trước đây nó linh động hơn, chẳng hạn có nơi tính đến 7 lần ngã xuống đất, hoặc bắt đầu từ vườn Cây dầu, rồi bị bắt, bị điệu qua toà Anna, Caipha, vv.

Ở Việt Nam còn có hình thức ngắm 15 sự thương khó Chúa Giêsu nữa, phải Không?

Có nhiều hình thức để suy gẫm sự thương khó của Chúa. Một hình thức đơn giản hơn cả là suy gẫm 5 dấu thánh: hai dấu nơi bàn tay; hai dấu nơi bàn chân, và một dấu nơi cạnh sườn. Một hình thức nữa là suy gẫm 7 lời của Chúa Giêsu trên thập giá. Hình thức ngắm 15 sự thương khó của Chúa thì dựa trên một căn bản khác. Tại sao lại có 15 ngắm? Tại vì nó hoạ theo giờ kinh Phụng vụ. Trong ba ngày cuối Tuần thánh, tại các đan viện hay nhà thờ chánh toà, người ta cử hành phụng vụ giờ kinh cách long trọng. Ở chính giữa nhà thờ người ta thắp một giá đèn hình tam giác, với 15 ngọn nến. Tại sao 15 ngọn nến? Có người gỉai thích là tượng trưng cho Chúa Giêsu với 12 tông đồ và 2 môn đệ. Sự thực thì 15 ngọn nến tương đương với 9 thánh vịnh giờ kinh Đêm (nay gọi là kinh Sách) và 5 thánh vịnh giờ Kinh sáng, cộng với thánh ca Tin mừng Benedictus. Cứ sau mỗi thánh vịnh thì người ta tắt đi một ngọn đèn. Tại sao vậy? Có người giải thích là nó tượng trưng cho các tông đồ và môn đệ lần lượt rút lui, bỏ Chúa một mình. Nhưng cũng có người giải thích cách đơn giản là đời xưa khi chưa có đèn điện thì tất nhiên là phải thắp nhiều đèn để đọc sách. Tuy nhiên, trời càng lúc càng về sáng tỏ, cho nên có thể tắt bớt dần dần các ngọn nến đi. Cho dù giải thích nguồn gốc lịch sử như thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải khâm phục các vị thừa sai trước đây đã tìm cách để giáo dân tham gia vào phụng vụ Giờ kinh của Giáo hội, dĩ nhiên không phải bằng việc hát các thánh vịnh La-tinh (mà họ chẳng hiểu gì) nhưng qua việc suy gẫm các sự thương khó của Chúa.

Việc tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa chỉ dừng lại ở việc suy gẫm mà thôi hay sao?

Còn nhiều hình thức khác nữa. Một hình thức khá phổ thông bên Âu châu trước đây là diễn tuồng Thương khó, mà Đức Cha Nguyễn bá Tòng cũng đã thích ứng sang tiếng Việt. Nên biết là tuồng Thương khó không phải chỉ diễn ra trên sân khấu, nhưng còn trở thành hoạt cảnh, nhiều khi biến thành một cuộc rước kiệu. Dù là suy niệm bài thương khó dựa theo Phúc âm, dù là đi đàng Thánh giá hay ngắm các sự thương khó, hoặc tham dự tuồng Thương khó, người tín hữu muốn nhớ đến Chúa Giêsu đã chịu đau khổ vì tội chúng ta; từ đó ta muốn tỏ lòng biết ơn bằng cách thông dự vào sứ mạng cứu độ của Người. Thánh Phaolô đã viết rằng tôi muốn chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, muốn hoàn toàn sống cho Đấng đã yêu mến và hiến mạng vì ta (Gal 2,19-20). Thánh Phaolô cũng muốn lãnh nhận mọi đau khổ để góp phần vào cuộc khổ nạn của Chúa hầu giúp ích cho Hội thánh (Col 1,24). Thánh Phêrô tông đồ, trong bài thánh thi đọc vào kinh chiều Chúa nhật mùa Chay, cũng nhắc cho các tín hữu hãy coi cuộc thương khó của Chúa như một gương mẫu để dõi bước theo Người: “bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình” (1Pr 2,23). Thiết tưởng đó là ý nghĩa chính của các việc cử hành cuộc Thương khó của Chúa từ những thế kỷ đầu tiên tại Giêrusalem cho đến chặng đường thánh giá ngày nay: đó là chúng ta muốn đi theo Chúa.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành

Exit mobile version