Tại sao có quá nhiều Nghi lễ trong Giáo Hội?

nghithucphungvu - Tại sao có quá nhiều Nghi lễ trong Giáo Hội?

Hỏi:Đâu là lý do cho sự tồn tại của rất nhiều nghi lễ Thánh lễ hiện nay trong Giáo Hội? Xin cha giúp giải thích nguồn gốc của nghi lễ khác nhau. Tại sao Giáo Hội chấp nhận tất cả các sự khác nhau trong cử hành Thánh lễ? – N. A., Bangaluru, bang Karnataka, Ấn Độ.

Đáp: Mặc dù một số người nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo chỉ có nghi lễ Latinh hay Rôma, đây là một quan niệm sai lầm. Nghi lễ Rôma cho đến nay là lớn nhất và phổ biến rộng rãi nhất trên thế giới, nhưng Giáo Hội Công Giáo bao gồm 23 Giáo Hội riêng biệt hoặc các nghi lễ riêng biệt. Theo Annuario Pontificio, có khoảng 16,3 triệu người Công Giáo phương Đông.

Bộ Giáo luật của các Giáo Hội phương Đông định nghĩa “nghi lễ” như sau:

“Nghi lễ là di sản phụng vụ, thần học, thiêng liêng và kỷ luật, được phân biệt theo văn hóa và hoàn cảnh lịch sử của người dân, tìm diễn tả trong mỗi Giáo Hội tự trị lối sống đức tin của Giáo Hội ấy”.

Do đó, “nghi lễ” không chỉ quan tâm đến phụng vụ của Giáo Hội, mà còn thần học, đời sống thiêng liêng và luật lệ của nó. Trong một số trường hợp, nó cũng có thể liên quan đến tính sắc tộc và ngôn ngữ nữa. Vì thế, nhiều thành viên của các nghi lễ này thích nói về Giáo Hội hơn là nói về nghi lễ. Những người khác nói rằng “Giáo Hội” đề cập đến mọi người, còn “nghi lễ” đề cập đến di sản và gia sản tinh thần và văn hóa của họ.

Không phải tất cả trong số 23 Giáo Hội có một phụng vụ riêng biệt, hoặc chỉ khác nhau trong ngôn ngữ sử dụng hoặc trong các truyền thống địa phương. Theo truyền thống, có sáu gia đình phụng vụ chính: Latinh, Alexandria, Antiokia, Armenia, Canđê và Constantinople (đôi khi được gọi là Byzantine).

Nghi lễ Latinh là chủ yếu được hình thành bởi nghi lễ Rôma, được chia thành một hình thức bình thường và một hình thức ngoại thường. Ngoài ra còn có một số truyền thống phụng vụ Latinh khác, như Ambrosian (thường được cử hành ở Tổng Giáo Phận Milan), Mozarabic (cử hành một cách hạn chế hơn ở Toledo, Tây Ban Nha), và của thành phố Braga ở Bồ Đào Nha, vốn được cho phép trong giáo phận này, nhưng không được sử dụng rộng rãi. Một số nghi lễ khác, chẳng hạn như nghi lễ của Giáo phận Lyon, Pháp, đã rơi vào quên lãng. Các nghi lễ cụ thể của một số Dòng tu, như Dòng Anh Em Thuyết Giáo, dường như đang được sử dụng trở lại, sau nhiều năm gián đoạn.

Phụng vụ Constantinople, hoặc Byzantine, được sử dụng bởi 14 Giáo Hội, phụng vụ Alexandria được sử dụng bởi ba Giáo Hội, phụng vụ Antiokia được sử dụng bởi ba Giáo Hội, phụng vụ Canđê được sử dụng bởi hai Giáo Hội, và phụng vụ Armenia được sử dụng bởi một Giáo Hội.

Thật là khó khăn để truy nguyên nguồn gốc và lịch sử của mỗi Giáo Hội. Chúng tôi có thể nói rằng các nghi lễ khác nhau được sinh ra từ nỗ lực của các dân tộc khác nhau, để diễn tả một đức tin theo các đặc điểm và truyền thống riêng biệt của họ trong ngôn ngữ, âm nhạc, văn chương và phong cách nghệ thuật.

Nó cũng là hơi giống như thực tế rằng bốn Thánh Sử trình bày cùng một Chúa Kitô, nhưng mỗi vị có sắc thái đặc biệt, vốn cùng nhau đưa ra một hình ảnh hoàn chỉnh hơn. Tuy nhiên, thay vì mỗi giáo phận có phụng vụ riêng của mình, các khu vực khác nhau của thế giới cổ đại có xu hướng kết hợp lại xung quanh phụng vụ của giáo phận, vốn được cho là có nguồn gốc tông đồ. Do đó Rôma đã trở thành trung tâm của thế giới Latinh. Giáo Hội tại Alexandria, Ai Cập, theo truyền thống được thành lập bởi Thánh Máccô, đã trở thành nguồn cảm hứng cho Ethiopia. Giáo Hội Antiokia ở Syria, Tòa đầu tiên của thánh Phêrô, có các Kitô hữu nói nói tiếng Hi Lạp và tiếng Aramaic.

Một số người đã đi truyền giáo ở phương Đông, và phụng vụ được phát triển từ truyền thống này đã trở thành Nghi lễ Canđê và Nghi lễ Syro-Malabar. Các tín hữu Hi Lạp hướng về miền Tây, và tập tục của họ sau đó được pha trộn với các thực hành của thủ đô Đế quốc Byzantine để hình thành các phụng vụ Constantinople. Các nghi lễ Maronite và Armenia hình thành trễ hơn, và tổng hợp nhiều truyền thống, cũng như giới thiệu nhiều yếu tố độc đáo từ di sản riêng của họ.

Về sự hiệp thông của các Giáo Hội này trong Giáo Hội Công Giáo, một số đã không bao giờ chính thức cắt đứt sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, mặc dù họ không liên lạc với Ngài trong nhiều thế kỷ, do thiếu thông tin hoặc thậm chí kiến thức về sự tồn tại của các Giáo Hội khác. Các Giáo Hội khác trở về hiệp thông sau một thời gian tách biệt ở nhiều giai đoạn khác nhau trong lịch sử, thậm chí muộn hơn đến đầu thế kỷ XX.

Trong tiến trình tái thống nhất này, một số người nghĩ rằng sự quay trở về hiệp thông với Rôma có nghĩa là từ bỏ các truyền thống cổ xưa, và chọn áp dụng nghi lễ Latinh. Đây không bao giờ là chính sách chính thức, và các Giáo hoàng thường nhìn sự đa dạng như đề cao hơn là gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất. Lời kêu gọi hiệp nhất phụng vụ sau Công Đồng Trentô là trên hết tập trung vào nghi lễ Roma, và không ảnh hưởng đến các Giáo Hội phương Đông.

Các Giáo hoàng thường nhắc lại sự đánh giá cao của các ngài về các món quà đặc biệt của các Giáo Hội phương Đông, và xem đó như một món quà đích thực cho Giáo Hội hoàn vũ.

Do đó, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIV trong thông điệp Allatae sunt năm 1755, nhắc lại một số hành động của các vị tiền nhiệm của mình vì lợi ích của các Kitô hữu phương Đông:

”13. Thủ bản tiếng Hi Lạp, được xuất bản tại Benevento, chứa hai Tông hiến của các Giáo hoàng Lêô X và Clement VII, vốn mạnh mẽ chỉ trích người Latinh đối xử tàn tệ với người Hi Lạp do các thực hành mà Công Đồng Florence đã cho phép họ: đặc biệt họ có thể cử hành Thánh lễ với bánh có men, họ có thể cưới vợ trước khi được truyền Chức thánh, và vẫn sống với vợ sau khi được truyền chức, và họ có thể cho trẻ em Rước lễ dưới hai hình. Khi Giáo hoàng Piô IV ra sắc lệnh rằng người Hi Lạp sống ở các giáo phận Latinh nên thuộc quyền của Giám mục Latinh, ngài nói thêm rằng “tuy nhiên, qua sắc lệnh này, chúng tôi không nhằm mục đích rằng người Hi Lạp tự rút ra khỏi nghi lễ Hi Lạp của họ, hoặc họ bị cản trở trong bất kỳ cách nào ở những nơi khác do Đấng Bãn quyền hoặc các vị khác” (Veteris Bullarii, tập 2, Hiến chế số 75, Romanus Pontifex).

“14. Các biên niên sử của Giáo hoàng Grêgôriô XIII, được viết bởi Fr. Maffei và in ở Rôma năm 1742, liên quan nhiều việc làm của các vị Giáo hoàng, nhằm phục hồi người Copt và người Armenia với đức tin Công Giáo, mặc dù không thành công. Nhưng sự quan tâm đặc biệt là lời nói của ngài liên quan đến việc ngài thành lập ba trường đại học ở Rôma, để giáo dục sinh viên Hi Lạp, Maronite, và Armenia, và ngài nói rõ rằng họ nên tiếp tục trong các nghi lễ phương Đông của họ (in novo Bullario, tập 4, pt. 3, const. 63, và pt. 4, const. 157 và 173).

“Một sự hiệp nhất long trọng của người Ruthenian với Tòa Thánh đã được thực hiện thời Giáo Hoàng Clement VIII. Sắc lệnh được chuẩn bị bởi các Tổng Giám mục và Giám mục miền Ruthenia cho việc thực thi sự hiệp nhất này có điều kiện sau đây: “Tuy nhiên, các nghi thức và nghi lễ của phụng vụ thánh và các bí tích thánh, phải được duy trì và tuân giữ đầy đủ, phù hợp với tập quán của Giáo Hội phương Đông; chỉ có những điểm này phải được sửa chữa, vốn là một trở ngại cho sự hiệp nhất; tất cả mọi việc sẽ được thực hiện theo cách thức cổ xưa, như chúng đã được làm từ lâu, khi có sự hiệp nhất”.

“Ít lâu sau đó, một sự rối loạn bị gây ra bởi một tin đồn lan rộng rằng sự hiệp nhất đã đặt dấu chấm hết cho tất cả các nghi lễ cũ mà người Ruthenia đã tuân giữ trong cách hát thánh thi, cử hành Thánh Lễ, cử hành các bí tích, và các nghi thức khác. Giáo hoàng Phaolô V, trong một đoản sắc được viết năm 1615 và in trong Thủ bản Hi Lạp, long trọng tuyên bố ý muốn của ngài như sau: “Với điều kiện là các nghi lễ là không trái với sự thật và giáo huấn của đức tin Công Giáo, và chúng không ngăn chặn sự hiệp thông với Giáo Hội Rôma, Giáo Hội Rôma đã không và không có ý định, hiểu biết, hoặc ý muốn, để loại bỏ hoặc phá hủy chúng bằng phương tiện sự hiệp nhất này; và điều này không được nói ra và không được suy nghĩ; thay vào đó, các nghi lễ đã được cho phép và ban cho các Giám mục và giáo sĩ Ruthenia bởi lòng từ nhân tông truyền”.

Sau đó, đề cập đến các giáo sĩ Latinh cố gắng để bắt buộc người Công Giáo phương Đông chọn nghi lễ Latinh, Đức Giáo Hoàng nói rất nghiêm khắc:

“21. Chúng tôi đã giải quyết việc chuyển từ nghi lễ Latinh sang nghi lễ Hy Lạp. Các việc chuyển theo hướng ngược lại là không bị cấm như trước đây. Tuy nhiên, một nhà truyền giáo hy vọng cho sự trở về của một nghi lễ Hi Lạp hay phương Đông với sự hiệp nhất của Giáo Hội Công Giáo có thể không làm cho ngài từ bỏ nghi lễ riêng của mình. Điều này có thể gây ra thiệt hại lớn.

“Người Công Giáo Melkite thường tự muốn chuyển từ nghi lễ Hi Lạp sang nghi lễ Latinh, nhưng họ đã bị cấm làm như vậy. Các nhà truyền giáo đã được cảnh báo không thúc đẩy họ chuyển như thế. Việc cho phép làm như vậy đã được dành cho quyết định riêng của Tòa Thánh. Điều này là rõ ràng từ Tông Hiến của chúng tôi Demandatam, 85, đoạn 35 (Bullarium, tập 1): ‘Hơn nữa Chúng tôi rõ ràng cấm tất cả người Công Giáo Melkite, đang sử dụng nghi lễ Hi Lạp, chuyển sang nghi lễ Latinh. Chúng tôi ra lệnh nghiêm ngặt cho tất cả các nhà truyền giáo không khuyến khích bất cứ ai vội vàng chuyển từ nghi lễ Hy Lạp sang nghi lễ Latinh, thậm chí cũng không cho phép họ làm như vậy nếu họ muốn, mà không có sự cho phép của Tòa Thánh, với các hình phạt dưới đây và các hình phạt khác được quyết định bởi Chúng tôi”.

Trong số các hình phạt này, có:

“Bất kỳ nhà truyền giáo nghi lễ Latinh nào, dù là thuộc hàng giáo sĩ triều hay giáo sĩ Dòng, vì dẫn dụ với lời tư vấn hoặc hỗ trợ bất kỳ tín hữu nghi lễ phương Đông nào chuyển qua nghi lễ Latinh, sẽ bị cách chức và bị loại khỏi sứ vụ của mình, ngoài đương nhiên lập tức (ipso facto) bị treo chén và hình phạt khác, mà ông sẽ phải chịu, như được ghi trong Tông hiến Demandatam”.

Hơn một thế kỷ sau, trong tông hiến Orientalium Dignitas năm 1894, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã khẳng định rằng các hình phạt này vẫn còn hiệu lực. Ngài cũng bày tỏ sự đánh giá cao của mình đối với các Giáo Hội phương Đông:

“Các Giáo Hội ở phương Đông là xứng đáng với vinh quang và sự tôn kính, mà họ nắm giữ trong suốt thời Kitô giáo do các tưởng niệm đặc biệt và rất cổ xưa mà họ đã để lại cho chúng ta. Vì chính ở miền đất này của thế giới mà các hành động đầu tiên cho sự cứu chuộc loài người bắt đầu, phù hợp với kế hoạch toàn diện của Thiên Chúa. Họ nhanh chóng đưa ra kết quả to lớn của họ: vinh quang của việc rao giảng Đức Tin chân thật cho các dân tộc, vinh quang của việc tử đạo, và vinh quang thánh thiện đã trổ hoa trái đầu mùa. Họ đã cho chúng ta các niềm

vui đầu tiên của hoa trái ơn cứu độ. Từ họ, đã xảy đến một lũ lớn và mạnh mẽ lạ lùng của các lợi ích cho các dân tộc khác trên thế giới, dù xa xôi đến đâu chăng nữa. Khi thánh Phêrô, hoàng tử của các Tông Đồ, dự định vất bỏ sự xấu xa đa dạng của lỗi lầm và sai trái, phù hợp với ý muốn của Thiên đàng, Ngài đem ánh sáng chân lý của Thiên Chúa, Tin Mừng của hòa bình, tự do trong Đức Kitô cho các thành thị của dân ngoại”.

Ngài cũng tuyên bố:

“Việc duy trì sống nghi lễ phương Đông có tầm quan trọng hơn những gì người ta có thể tưởng tượng. Thời cổ đại, vốn trao phẩm giá cho các nghi lễ khác nhau này, là một trang sức của toàn thể Giáo Hội và làm chứng cho sự hiệp nhất thiêng liêng của đức tin Công Giáo. Thật ra, có lẽ không có gì tốt hơn để chứng tỏ dấu ấn Công Giáo tính trong Giáo Hội của Thiên Chúa, hơn là sự kính trọng đặc biệt dành cho các nghi thức ấy, vốn khác nhau về hình thức, được cử hành trong các ngôn ngữ đáng kính của thời cổ đại của họ, và chúng vẫn tiếp tục thánh hóa bằng việc sử dụng được cho phép bởi các thánh Tông đồ và các Giáo Phụ”.

Nhân dịp mừng 1500 năm ngày sinh của Thánh Gioan Kim Khẩu (407-1907), Đức Giáo Hoàng Piô X đã chủ sự một Thánh Lễ giáo hoàng long trọng bằng nghi lễ Byzantine tại Vatican, vào ngày 12-2-1908. Trong bức thư của mình về việc cử hành lễ kỷ niệm này, Ngài đã viết: “Xin anh em phương Đông tách rời Chúng tôi hãy nhìn và hiểu Chúng tôi coi trọng dường bao mọi nghi lễ như vậy”.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV khẳng định thông điệp Dei Providentis năm 1917: “Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô không phải là Latinh hay Hi Lạp hay Slav, nhưng là Công Giáo; theo đó, Giáo Hội không tạo sự khác biệt giữa con cái mình và các thành viên Hi Lạp, Latinh, Slav, và các thành viên của tất cả các quốc gia khác đều bình đẳng trong con mắt của Tòa Thánh”.

Đức Giáo Hoàng Piô XI đã có một sự tôn trọng tuyệt vời cho các nghi lễ phương Đông và đã làm nhiều việc để củng cố chúng. Trong thông điệp Ecclesiam Dei vào tháng 11-1923, được công bố vào dịp kỷ niệm 300 năm thánh tử đạo cho sự hiệp nhất Công Giáo, Thánh Josaphat, Ngài viết: “Chúng ta sẽ thấy tất cả các dân tộc, đến với nhau theo cách này, sở hữu các quyền tương tự, bất cứ chủng tộc, ngôn ngữ hay phụng vụ của họ. Giáo Hội Rôma đã luôn luôn cẩn trọng tôn trọng và duy trì các nghi lễ khác nhau, và luôn nhấn mạnh đến sự bảo quản chúng”.

Đức Giáo Hoàng Piô đã cử hành lễ mừng 1500 năm ngày sinh của Thánh Cyrillô thành Alexandria, trong thông điệp Orientalis Ecclesiae năm 1944. Ngài nói:

“Mỗi một quốc gia nghi lễ phương Đông phải có tự do chính đáng của mình trong tất cả những gì gắn liền với lịch sử, tài năng và tính cách của nó, luôn cứu sự thật và tính toàn vẹn của học thuyết về Chúa Giêsu Kitô. … Họ sẽ không bao giờ bị buộc phải từ bỏ các nghi lễ hợp pháp của mình, hoặc trao đổi các tập tục đáng kính hoặc truyền thống của họ với các nghi lễ và tập tục Latinh. Tất cả đều được duy trì trong sự đánh giá và tôn trọng bình đẳng, vì họ tô điểm cho Mẹ Giáo Hội chung với chiếc áo hoàng gia nhiều màu sắc. Thật vậy, sự đa dạng này của các nghi lễ và phong tục, bảo quản không bị xâm phạm những gì là cổ xưa nhất và có giá trị nhất trong mỗi nghi lễ, không cho thấy trở ngại nào cho sự hiệp nhất chân thật và chính đáng”.

Công đồng chung Vatican II trong văn kiện Orientalium Ecclesiarum chỉ đạo rằng các truyền thống của Giáo Hội Công Giáo phương Đông nên được duy trì. Công đồng tuyên bố rằng:

“2…Thật ra, Giáo Hội Công Giáo muốn bảo toàn các truyền thống của từng Giáo Hội riêng biệt hay các nghi lễ. Ðồng thời Giáo Hội cũng muốn thích nghi nếp sống của mình với các nhu cầu khác nhau thuộc thời gian và nơi chốn…6…Mọi giáo hữu Ðông Phương nên ý thức và xác tín rằng mình có thể và phải luôn luôn tuân giữ các nghi thức phụng vụ hợp pháp và quy luật của mình, và không được thay đổi điều gì nếu không vì lý do tiến bộ riêng thuộc phạm vi tổ chức” (Bản dịch Việt ngữ của Phân khoa Thần học Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt).

Hiến chế tín lý Lumen Gentium của Công đồng chung Vatican II về Giáo Hội, nói về các Giáo Hội Công Giáo phương Đông, tại số 23, trong đó nêu:

“Các Giáo Hội khác nhau mà các Tông Ðồ và những đấng kế vị đã thành lập tại nhiều nơi khác nhau theo dòng thời gian, Chúa Quan Phòng đã muốn tụ hợp lại thành nhiều nhóm được liên kết ở tổ chức; các nhóm này có kỷ luật riêng, phụng vụ riêng, thừa hưởng di sản thần học và thiêng liêng riêng mà không phương hại đến sự hiệp nhất đức tin cũng như bản chất duy nhất và thần linh của Giáo Hội phổ quát. Trong các Giáo Hội ấy, một vài Giáo Hội, nhất là những Giáo Hội cổ xưa do các Giáo Chủ lãnh đạo, như các bà mẹ đức tin, đã sinh nhiều Giáo Hội khác như con cái mình, và vẫn còn liên kết với nhau cho đến ngày nay bằng mối dây bác ái mật thiết và bằng đời sống bí tích trong sự tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ lẫn nhau. Các Giáo Hội địa phương tuy khác nhau như thế nhưng đều hướng về sự hiệp nhất, nên càng minh chứng đặc tính Công Giáo của một Giáo Hội không phân chia. Cũng thế, ngày nay các Hội Ðồng Giám Mục có thể góp phần phong phú bằng nhiều thể cách để cụ thể hóa tinh thần cộng đoàn” (Bản dịch, như trên).

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành Bộ Giáo luật của các Giáo Hội phương Đông, và cử hành mừng 100 năm ngày công bố tông hiến Orientalium Dignitas của Đức Giáo Hoàng Lêô XII, với tông thư Orientale Lumen có đoạn như sau:

“Bởi vì, trong thực tế, chúng tôi tin rằng truyền thống đáng kính và cổ xưa của các Giáo Hội phương Đông là một phần không thể tách rời của di sản của Giáo Hội Chúa Kitô, sự cần thiết đầu tiên cho người Công Giáo là phải làm quen với truyền thống đó, để được nuôi dưỡng bởi nó và để khuyến khích tiến trình hiệp nhất trong cách tốt nhất có thể cho mỗi người.

“Anh chị em Công Giáo phương Đông của chúng ta rất ý thức về việc là người mang truyền thống này cách sống động, cùng với các anh chị em Chính thống của chúng ta. Các thành viên của Giáo Hội Công Giáo của truyền thống Latinh cũng phải được làm quen hoàn toàn với kho tàng ấy, và do đó cảm thấy, cùng với Đức Giáo Hoàng, một khát khao nồng nàn rằng sự biểu hiện đầy đủ các tính Công Giáo của Giáo Hội được phục hồi cho Giáo Hội và thế giới, được thể hiện không phải bằng một truyền thống duy nhất, và vẫn còn bởi một cộng đồng ít đối lập với nhau; và rằng chúng ta cũng có thể được trao ban một hương vị đầy đủ của di sản mặc khải của Chúa và không thể phân chia của Giáo Hội phổ quát, vốn được bảo tồn và phát triển trong đời sống của các Giáo Hội phương Đông, cũng như trong các Giáo Hội phương Tây”.

Như vậy, chúng ta có thể kết luận, sự mong ước của Giáo Hội Công Giáo là rằng thành phần phương Đông của mình không chỉ tồn tại, mà còn tiếp tục tăng trưởng, phát triển và làm giàu cho Giáo Hội hoàn vũ với nhiều kho tàng của nó.

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 25-10-2016)


Exit mobile version