Trả lời: Đúng, Chúa là tình thương và Ngài thông biết mọi sự. Ngài biết rõ mọi nhu cầu của con người . Ngài còn biết trước những gì chúng ta chưa mở miệng kêu xin cho mình và cho người khác nữa. Nhưng sở dĩ ta phải cầu xin cho chính mình và cho người khác vì những lý do sau đây:
1- Trước hết , chúng ta phải tin chắc rằng Thiên Chúa là nguồn của mọi ân sủng (gratia=grace) như Người đã tự giới thiệu Mình cho ông Môsê (Maisen) như sau: “Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông.Người xưng danh Người là ĐỨC CHÚA .
ĐỨC CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng : ĐỨC CHÚA, ĐỨC CHÚA ! Thiên Chúa nhân hậu và ân sủng , chậm tức giận, giầu nhân nghĩa và thành tín.” ( Xh 34:5-6)
Thiên Chúa nhân hậu và ân sủng (merciful and gracious) có nghĩa là mọi ân sủng và phúc lành (blessings) đều xuất phát từ chính Người là nguồn suối duy nhất. Thiên Chúa tạo dựng con người trên trần thế này chỉ vì tình thương vô biên và vô vị lợi của Ngài, chứ ø tuyệt đối Ngài không có lợi lộc gì mà phải làm như vậy. Với bản chất nhân hậu và giầu ân sủng đó, Thiên Chúa rất vui thích được ban mọi ơn dồi dào và nhưng không cho con người. Ta thử thoáng nhìn qua những gì con người đang được thừa hưởng nhưng không (gratuitous) vì không ai phải cầu xin mà vẫn được: đó là ánh sáng, dưỡng khí, nước, và đất phát sinh mọi nguồn lương thực, hoa trái giúp nuôi sống con người ở khắp mọi nơi, kể cả những người không biết Chúa hay đang thù ghét Chúa. Người nhân hậu đến nỗi “ cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương.” (Mt 5:45)
Nhưng sở dĩ ta phải cầu xin cho mình trước hết để nói lên niềm tin của ta vàoThiên Chúa là Đấng giầu ân sủng và nhân hậu. Thứ đến, cầu xin cũng để thú nhận sự nghèo nàn, thiếu thốn và bất lực của mình trước mọi khó khăn, thử thách, nên rất cần được trợ giúp để vượt qua. Vì chỉ có Thiên Chúa là nguồn ban phát mọi ơn và phúc lành nên Chúa Giêsu đã khuyến khích và thúc dục các môn đệ của Ngài như sau : “ Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho.” (Mt 7:7). Nói khác đi, chúng ta cần phải cầu xin để ca tụng lòng nhân hậu vô biên của Chúa và đồng thời cũng nói lên sự nghèo nàn, hư không của mình mặc dù Chúa biết rõ mọi nhu cầu cần thiết của chúng ta và rất vui sướng được ban ơn sung mãn cho những ai cầu xin Người.
2- Mặt khác, Chúng ta cũng phải cầu xin cho người khác nữa vì Chúa muốn chúng ta tỏ lòng thương xót và bác ái đúng mức với mọi người như Chúa vốn nhân hậu và đại lượng với chúng ta. Chúa có thể cứu giúp mọi người đau khổ, khốn cùng, bệnh tật mà không cần ai xin hộ hay phụ giúp. Tuy nhiên , Chúa muốn con người tích cực cộng tác với Chúa trong hai lãnh vực bác ái và cứu rỗi. Điều này thể hiện rõ qua hai sự kiện Chúa Giêsu chọn các Tông Đồ, sai đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và hỏi mượn mấy chiếc bánh và mấy con cá để làm phép lạ nuôi sống hàng ngàn người đi theo Chúa và đang đói. Chúa cần đôi chân của chúng ta để đi đến thăm viếng và an ủi những người đau yếu ở tư gia hay bệnh viện. Chúa cần đôi tay của Chúng ta để mang lương thực, thuốc men và quần áo cho nhưng nạn nhân thiên tai, chiến tranh và bất công xã hội.Nghĩa là, Chúa muốn chúng ta cộng tác với Người để cưú giúp những ai cần được giúp đỡ về vật chất cũng như về tinh thần. Đó là lý do chúng ta phải thực thi bác ái bằng cả hành động và lời cầu nguyện cho người khác.Chính Chúa Giêsu đã nêu gương sáng về việc này khi Chúa chữa lành nhiều bệnh tật , làm phép lạ cho bánh ra nhiều cũng như đã cầu xin với Chúa Cha cho các Tông Đồ và cho những ai nghe lời rao giảng của các ngài : “ Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con..” (Ga 17:20) .
Cũng vì mưu hạnh phúc đời đời cho con người mà Chúa đã xuống trần gian chịu đau khổ để cứu chuộc cho toàn thể nhân loại. Như thế, chính Chúa Giêsu đã hành động và cầu nguyện thay cho cả nhân loại khỏi phải phạt để được sống vĩnh cữu qua Hy Tế thập giá của Người, mặc dù Thiên Chúa Cha thương yêu và thấu suốt nhu cầu cần được cứu rỗi của cả loài người.
Sau hết, tầm quan trọng, giá trị và hiệu lực của sự cầu nguyện cho người khác đã được chứng minh hùng hồn qua việc ông Mô Sê van xin Thiên Chúa nguôi cơn thịnh nộ, định trút xuống dân Do Thái khi dân này nổi loạn kêu trách Chúa và ông Môsê đã để cho họ gặp phải những gian khổ trong hoang địa, sau khi thoát khỏi Ai Cập. Ông Môsê đã van xin Chúa như sau : “ Xin Chúa tha thứ lỗi lầm của dân này theo lượng cả ân nghĩa của Ngài, như Ngài đã từng chịu đựng dân này từ Ai Cập cho đến nay.”( x.Ds 14:19) Nhờ lời van xin này của ông thay cho dân mà Thiên Chúa đã đáp : “ Ta tha thứ như lời người xin .” (x, Ds 14:20).
Như thế chứng tỏ : nhờ lời cầu nguyện thay của ông Môsê màThiên Chúa đã tha phạt dân Do Thái trong sa mạc xưa kia.
Trong tinh thần đó và cao cả hơn hết là chính nhờ công nghiệp cứu chuộc và nguyện giúp cầu thay của Chúa Kitô mà Thiên Chúa Cha đã tha tội đáng phải phạt cho toàn thể nhân loại để mọi người có hy vọng được cứu rỗi nhờ Chúa Kitô.
Đó là nền tảng và cũng là lý do vì sao Giáo Hội dạy các tín hữu phải cầu xin không những cho mình và còn cho người khác nữa.Chính Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse và các Thánh trên trời cũng đang nguyện giúp cầu thay cho chúng ta và cho các linh hồn trong luyện tội, mặc dù Thiên Chúa là tình thương, là ân sủng, chậm bất bình và hay tha thứ. Tóm lại, chúng ta không thể lý luận rằng: vì Chúa thương yêu và thông suốt mọi sự, nên không cần phải cầu cho ai cả, cứ để Chúa tự ý ban ơn cho những ai đang cần.
Hy vọng những lời giải thích này thoả mãn câu hỏi được đặt ra và giúp độc giả tín hữu thêm hăng hái cầu xin cho mình và cho người khác.
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.