Tại sao các Bí Tích là những phương tiện hữu hiệu cần thiết để lãnh ơn Cứu Chuộc của Chúa Kitô?

bitich - Tại sao các Bí Tích là những phương tiện hữu hiệu cần thiết để lãnh ơn Cứu Chuộc của Chúa Kitô?

Tuy nhiên, sau 2000 năm Tin Mừng Cứu Độ được rao giảng , cho đến nay mới chỉ có 1/6 nhân loại được biết Chúa Kitô và gia nhập Giáo hội của Chúa qua Phép Rửa và Thêm sức.


Như thế còn đa số người chưa được nghe Tin Mừng của Chúa và tin yêu Người là Đấng đã đến trần gian làm Con Người để “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người”( Mt 20: 28).

Với những người chưa biết Chúa Kitô và nghe Phúc Âm của Người, Giáo Hội tiếp tục cầu nguyện và hăng hái thi hành sứ mạng Chúa đã trao phó trước khi Người về Trời: Đó là “ anh em hay đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha , Chúa Con và Chúa Thánh Thần., dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em..(Mt 28: 19-20) .Đây là sứ mạng phúc âm hóa thể giới và giảng dạy chân lý mà Giáo hội đã và đang thi hành để mang Chúa Kitô và công nghiệp cứu chuộc của Người đến với những người chưa biết Chúa cũng như chưa được nghe Tin Mừng cứu độ của Người. Thật vô cùng cần thiết cho hết mọi người, mọi dân tộc trên khắp thế giới được nghe và sống Tin Mừng đó hầu được cứu rỗi vì Thiên Chúa”Đấng cứu độ chúng ta, Đấng ,muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” ( 1 Tm 2:4)

Sứ mạng phúc âm hóa thế giới không chỉ được rao phó riêng cho hàng Giáo Phẩm, giáo sĩ , tu sĩ mà còn là trách nhiệm chung của mọi người tín hữu đã nhận lãnh Phép Rửa và gia nhập Giáo Hội của Chúa. Nói rõ hơn, tất cả mọi thành viên trong Giáo Hội gồm giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân – tuy khác nhau về địa vị và trách nhiệm- nhưng đều có chung sứ mang loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô cho những ai chưa biết Chúa và nghe Phúc Âm của Người. Hàng giáo sĩ , tu sĩ thi hành sứ mạng này bằng việc rao giảng Phúc Âm của Chúa trong phạm vi thánh đường ( các linh mục Dòng nay đang phải coi sóc nhiều giáo xứ vì thiếu linh mục Triều hay giáo phận) và bằng đời sống chứng tá phản ảnh trung thực những giá trị của Phúc Âm trước mặt người đời. Người giáo dân, ngược lại, rao giảng Tin Mừng của Chúa bằng chính đời sống của mình trong khi làm việc hay sống chung với những người khác ở nhiều môi trường khác nhau.

Chính đời sống Kitô hữu phản ảnh trung thực những chân lý và giá trị của Phúc Âm như công bình , bác ái, yêu thương, thánh thiện, tôn trọng sự sống, đề cao sự thật, nhất là xa tránh mọi thói hư tật xấu của thế gian đang chìm sâu trong văn hóa của sự chết, sẽ có sức thuyết phục người khác nhận biết Chúa Kitô đang hiện diện nơi người chứng tá để mời gọi họ tin yêu Chúa như mình để cùng được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa. Và để đạt mục đích đó, tất cả mọi thành viên của Giáo Hội đều được mong đợi phúc âm hóa bản thân và môi trường sống bằng chính đời sống chứng tá của mình để mời gọi người khác tin và yêu mến Chúa để được hưởng ơn cứu độ của Người

Chúa Kitô không những rao giảng, dạy dỗ chân lý, mà còn thiết lập các bí tích làm phương tiện cứu rỗi cần thiết cho những ai muốn lãnh ơn cứu chuộc của Chúa.

Thật vậy, trước hết, Chúa đã nói đến tầm quan trọng của bí tích Thánh Tẩy hay Rửa tội trong Tin Mừng Marcô và Gioan như sau :

“ Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ ; còn ai không tin sẽ bị luận phạt .” ( Mk 16: 16)

Hoặc :

“ Không ai có thể được vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” ( Ga 3: 5)

Trước khi về Trời, Chúa đã ăn cần căn dặn các Tông Đồ như sau :

Anh em hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” ( Mt 28 : 19)

Như thể, đủ chứng minh rằng Bí Tích Rửa Tội là điều kiện tiên quyết để được cứu độ, vì tội nguyên tổ đã cắt đứt tình thân giữa Thiên Chúa và loài người. và đã “mang sự chết vào trần gian, vì một người đã phạm tội”như Thánh Phaolô đã dạy. ( Rm 5 :12).

Nhưng vì Thiên Chúa là Cha rất nhân từ và đầy lòng xót thương , cho nên dù :

Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.:( Tv 30 : 6)

Chính vì yêu thương và muốn tha thứ nên Thiên Chúa đã sai Con Một là Chúa Kitô xuống trần gian làm Con Người để “ cứucái gì đã hư mất.” ( Mt 18:11)

Công nghiệp cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giêsu thực vô giá và đủ cho những ai muốn hưởng nhờ. Nhưng điều kiện trước tiên để được cứu rỗi là phải được tái sinh qua Phép Rửa như đã nói ở trên.


Vì tầm quan trọng của bí tích này nên, trước khi rửa tội cho ai ( người lớn) thì phải dạy cho họ biết mục đích và công dụng của bí tích này.Nghĩa là không thể đổ nước lên đầu là xong việc.Ngược lại, phải dạy cho người muốn lãnh bí tích này hiểu rõ vì sao cần được rửa tội để thay đổi con người cũ và trở thành tạo vật mới, “ mặc lấy Chúa Kitô để bắt đầu một hành trình mới đưa đến ơn cứu độ.Nói rõ hơn, không phải rửa tội xong là đủ, không cần phải làm gì nữa.Trái lại, rửa tội mới là bước khởi đầu cần thiết cho một tiến trình đổi mới hay hoán cải ( conversion process) để đoạn tuyệt với con người cũ sinh ra trong tội và bắt đầu một đời sống mới theo Trần Khí hầu trở nên hoàn thiện như mục đích của Phép Rửa.

Tiến trình đó đòi hỏi người đã được rửa tội phải quyết tâm yêu mến Chúa và xa tránh mọi tội lỗi vì phép rửa không tiêu diệt hết mọi mầm mống của tội cũng như không thay đổi hoàn toàn nhân tính để con người trở nên giống các Thiên Thần ngay trên trần thế này.

Ngược lại, vì hậu quả của tội nguyên tổ, con người vẫn hoàn toàn yếu đuối trong nhân tính, dễ nghiêng chiều về đường xấu và khó đứng vững trước mọi cảm dỗ của ma quỉ ví như “ Sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé.” ( 1 Pr 5: 8) cùng với gương xấu và dịp tội đầy rẫy trong trần gian để lôi kéo con người vào con đương hư mất đời đời.

Do đó, nếu con người không cộng tác với ơn Chúa để cương quyết sống theo đường lối của Người và xa tránh tội lỗi thì ơn phép rửa , ơn tái sinh sẽ trở nên vô ích.Và Chúa cũng không thể cứu ai không có thiện chí bước đi theo Người và cương quyết xa tránh mọi quyến rũ của ma quí, thế gian và xác thịt là nhưng cản trở và hiểm nguy lớn lao cho con người muốn hưởng công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.

Cũng vì biết con người còn yếu đuối, khó đứng ững trước mọi thách đố và dịp tội, nên Chúa Kitô đã dự liệu sẵn những phương thế hữu hiệu là các bí tích để giúp con người chống đỡ và lấy lại tình thân với Chúa sau khi đã lỗi phạm tội nào vì yếu đuối của nhân tính và vì mưu chước thâm độc của ma quỉ cộng với gương xấu, dịp tội của thế gian hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa để tôn thờ vật chất và nếp sống yêu chuộng mọi lạc thú vô luân vô đạo, như thực trạng con người ngày nay ở khắp mọi nơi. Người ta đang chối bỏ Thiên Chúa , khinh chê mọi giá tri tinh thần, luân lý và đạo đức là những căn bản để phân biệt con người có lương tri với loài vật chỉ có bản năng sinh tồn.

Những bí tích mà Chúa ban cho Giáo Hội là những phương tiện cứu độ rất hữu hiệu và cần thiết cho những ai muốn được vào Nước Trời, sau khi chấm dứt hành trình đức tin một cách trung thực và can đảm trên trần thế này.

Thật vậy, với bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được rửa sạch một lần hậu quả của tội nguyên tổ và mọi tội cá nhân. Bí tích Thêm sức cho ta tri hiểu, sức mạnh và ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần để sống nhân chứng cho Chúa Kitô trong trần thế cũng như có sức để chống lại mọi nguy cơ cám dỗ của xác thịt, ma quỉ và thế gian. Bí Tích Thánh Thể không những cho ta của ăn thiêng liêng cần thiết trên đường tiến về quê trời với bao khó khăn và thách đố, mà quan trọng hơn nữa, bí tích Thánh thể còn làm sống lại cách bí nhiệm hy tế thập giá của Chúa Kitô xưa kia , vì “ mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ , nhờ đó “Chúa Kitô, Chiên vượt qua của chúng ta chiu hiến tế’’ ( 1 Cor 5, 7) thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện.” ( x.Lumen Gentium số 3).

Nghĩa là Thánh Lễ Tạ Ơn ngày nay diễn lại cách mầu nhiệm Hy Tế thập giá mà Chúa Kitô đã một lần dâng lên Chúa Cha trên núi Sọ năm xưa để đền tội thay cho nhân loại nhờ Chúa hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người, như Giáo Hội tuyên xưng mỗi khi của hành Bí Tích Thánh Thể tức Thánh Lễ Tạ Ơn ( Eucharist) để xin ơn cứu độ cho chúng ta ngày nay cùng thể thức mà ơn này được ban cho nhân loại lần đầu nhờ Hy tế Chúa Kitô hiến dâng một lần xưa kia trên thập giá.

Như thế, có thể nói Bí Tích Thánh Thể là Bí tích cứu độ mà Chúa Kitô đã thiết lập để tiếp tục ban ơn cứu chuộc của Người cho đến ngày mãn thời gian.Do đó, chúng ta được khuyến khích siêng năng tham dự Thánh lễ và rước Mình Máu Chúa Kitô là của ăn nuôi linh hồn ta và cho ta được sống đời đời vì “ ai ăn thịt Ta và uống Máu ta thì được sống muôn đời và Ta sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết.” như lời Chúa hứa ban ( Ga 6 :54)

Tóm lại các bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể và Hòa giải là những bí tích tối cần cho ta được cứu rỗi và bảo đảm ơn cứu rỗi đó bao lâu còn lữ hành trên trần thế này. Các bí tích khác như sức dầu, Truyền Chức Thánh và Hôn phối là những bí tích giúp con người cộng tác với Chúa trong chương trình sáng tạo, ( bí tích hôn phối) tức là làm tăng số con cái Chúa trên trần gian này, cũng như chuẩn bị cho ta lìa đời trong ơn nghĩa Chúa ( bí tích sức dầu) .Sau hết, bí tích Truyền Chức Thánh dành cho một thiểu số người được ơn gọi đi rao giảng Lời Chúa và phục vụ cho những lợi ích thiêng liêng của dân Chúa ví như đàn chiên được trao phó cho các mục tử chăn nuôi và dẫn đưa về “Chuồng chiên mà Chúa Kitô là cửa vào duy nhất và cần thiết.( cf LG ,no.6)

Mặt khác, bí tích truyền chức thánh cũng được lập ra để phục vụ cách riêng cho bí tích Thánh Thể, là bí tích làm sống lại Hy Tế thập giá của Chúa Kitô xưa trên bàn thờ ngày nay mỗi khi Thánh lễ tạ ơn được cử hành như đã nói ở trên.Ngoài ra, Bí tích truyền chức thánh cũng được lập ra để phục vụ cho các bí tích thêm sức, hòa giải và sức dầu, vì các bí tích này đòi hỏi thừa tác viên phải có chức linh mục, là một trong ba chức thánh của Bí Tích Truyền Chức Thánh. Hai chức thánh kia là chức Phó Tế và Giám mục.

Chúng ta cảm tạ Chúa đã ban các bí tích như phương tiện hữu hiệu để giúp ta sống trong ơn nghĩa Chúa để nhiên hậu được cứu độ như lòng Chúa mong muốn cho mọi con cái loài người.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Exit mobile version