Cần phải thú nhận rằng trong quá khứ, nhiều lần người ta đã trình bày một cách lệch lạc về bậc trinh khiết cũng như về bậc hôn nhân. Sự trinh khiết thường chỉ được nhìn dưới khía cạnh tiêu cực, nghĩa là độc thân, không lập gia đình. Nếu hiểu như vậy thì thử hỏi: làm sao mà so sánh giá trị với bậc gia đình được? Nếu so sánh giữa người không lập gia đình với người lập gia đình, thì chắc chắn là người lập gia đình vẫn hơn chứ, bởi vì bao giờ có vẫn hơn không! Tiếc rằng trước đây bậc hôn nhân cũng được trình bày một cách tiêu cực không kém, theo nghĩa là hôn nhân nhằm để mà kiềm chế các dục vọng. Ai ai cũng mang những dục vọng phái tính trong mình; nhưng mà bậc thánh nhân thì có khả năng tiết dục cho nên họ sống độc thân được. Còn ai mà kém nhân đức thì nên lập gia đình, ngõ hầu có thể thỏa mãn tính dục một cách hợp pháp!
Công đồng Vaticanô II trong hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” đã sửa đổi quan niệm về hôn nhân. Hôn nhân không phải là cái gì ghê tởm, dành cho những ai không thể kiềm chế tính dục. Không phải như vậy: cần phải nhìn hôn nhân trong chương trình của Đấng Tạo hóa, nơi mà hai người nam nữ trao thân cho nhau qua một dây tình yêu bền vững, tình yêu mang lại hoa trái là các con cái. Hôn nhân là biểu tượng của tình yêu trao hiến, được nâng lên hàng bí tích, tượng trưng của mối tình chung thủy giữa đức Kitô với Hội thánh.
Dưới viễn ảnh này, cần phải đặt bậc hôn nhân lên trên bậc độc thân, những người không kết hôn. Có đúng không?
Nếu mà sự độc thân chỉ được hiểu theo nghĩa tiêu cực như là không kết hôn, thì đúng như vậy: Có vẫn hơn không! Tiếc rằng từ sau công đồng, người ta đã nói rất nhiều tới sự canh tân thần học về hôn nhân, nhưng ít người theo dõi sự canh tân thần học về độc thân. Thực ra, cần thú nhận các từ ngữ trong lãnh vực này có nhiều thiếu sót. “Độc thân” chỉ nói tới tình trạng của người sống một mình, không có đôi bạn. Nhưng thử hỏi: con người sống một mình thì đâu có tốt? Đôi khi người ta muốn tìm một từ ngữ nào tích cực hơn, chẳng hạn như “trinh khiết”. Nhưng mà trong nhiều ngôn ngữ, sự trinh khiết hình như chỉ dành riêng cho nữ giới chứ không áp dụng cho nam giới! Và kể cả khi nói tới sự trinh khiết của nữ giới, người ta thường chỉ hiểu về khía cạnh thể lý (cô gái còn trinh khi mà chưa có giao hợp).
Nếu mà toàn là những từ ngữ tiêu cực như vậy, thì dựa vào đâu để so sánh với bậc hôn nhân được?
Trước đây sự so sánh dựa trên giả thiết là người độc thân thì có khả năng tiết dục, kiềm chế được các bản năng; còn người không kiềm chế được thì đi kết bạn. Tuy nhiên, như đã nói trên, công đồng Vaticanô II đã trình bày bậc hôn nhân dưới khía cạnh tích cực hơn. Một cách tương tự như vậy, công đồng cũng muốn trình bày lại bậc độc thân một cách tích cực hơn. Độc thân không phải chỉ có nghĩa là sống một mình, không có đôi bạn. Sự độc thân và trinh khiết cần được nhìn trong viễn tượng đối thần, xét như là biểu tượng của một tình yêu dành cho một mình Thiên Chúa, biểu tượng của thực tại cánh chung. Có lẽ tác giả đầu tiên so sánh bậc trinh khiết với bậc hôn nhân là thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, ở chương 7. Dĩ nhiên là cần phải lưu ý tới bối cảnh lịch sử của nó, ngõ hầu tránh sự hiểu lầm tư tưởng của thánh Phaolô. Trong quá khứ, người ta chỉ lưu ý tới câu 28, viết như sau: “Nếu bạn cưới vợ, thì cũng chẳng có tội gì. Và nếu người con gái lấy chồng, thì cũng chẳng có tội gì. Tuy nhiên, những người ấy sẽ tự chuốc lấy những gian truân khốn khổ. Mà tôi, tôi muốn cho anh em thoát khỏi điều đó”. Người ta đã dựa vào câu đó để kết luận rằng theo thánh Phaolô, việc kết hôn là chuyện bất dắc dĩ, còn đời sống độc thân là chuyện tốt hơn. Có lẽ phải nói ngược lại mới đúng. Trong xã hội Hy-lạp thời đó, có những thuyết hạ giá thân xác và hôn nhân, cho rằng đó là chuyện tội lỗi. Thánh Phaolô đã chống lại thuyết đó; và khẳng định rằng việc lấy vợ lấy chồng không phải là xấu xa tội lỗi gì hết, bởi vì nó phù hợp với chương trình của Thiên Chúa. Sự so sánh giữa bậc hôn nhân với bậc khiết tịnh được thánh Phaolô nói ở chỗ khác, ở câu 38: “Ai cưới người trinh nữ của mình thì làm một việc tốt; nhưng ai không cưới, thì làm một việc tốt hơn”. Như vậy, sự đối chiếu không phải là giữa điều xấu với điều tốt, nhưng là giữa điều tốt và điều tốt hơn.
Tại sao sự độc thân lại tốt hơn?
Một lần nữa, cần phải nhấn mạnh rằng không nên nhìn sự độc thân theo nghĩa tiêu cực (không lập gia đình)! Cần phải nhìn sự độc thân hay trinh khiết theo chiều hướng tích cực. Thánh Phaolô đã giải thích những lý do của sự so sánh trong những câu 32-35 của chương 7. Lý do chính của sự so sánh ở chỗ người không kết bạn thì dành hết tình yêu cho Chúa, gắn bó với Chúa, chuyên lo việc Chúa; còn người có gia đình thì phải lo lắng chuyện gia đình.
Như vậy, bậc trinh khiết cao quý ở chỗ lý tưởng phụng sự: họ rảnh rang để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Có phải như vậy không?
Đã có nhiều người nghĩ như vậy. Nhưng mà lập luận đó không thỏa đáng. Lịch sử cho thấy rằng có nhiều đôi hôn nhân cũng dành khá nhiều thời giờ để phục vụ Thiên Chúa và đồng loại; thậm chí, có khi còn hữu hiệu hơn những người độc thân nữa. Các nhà chú giải Kinh thánh đã cố gắng tìm hiểu thêm động lực nào đã khiến thánh Phaolô chuộng bậc độc thân trinh khiết hơn là bậc hôn nhân, và họ nhận thấy rằng vấn đề phục vụ không phải là ưu tiên. Muốn hiểu tư tưởng của thánh Tông đồ, cần phải đặt trong viễn tượng cánh chung. Từ câu 29 đến câu 31, tác giả đã viết như sau: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi”. Dĩ nhiên, đã có người giải thích rằng thánh Phaolô tưởng lầm rằng sắp sửa tận thế đến nơi rồi, vì thế không cần cưới vợ gả chồng làm gì nữa! Tuy nhiên, nói như vậy thì hơi nông cạn. Chiều hướng cánh chung không hiểu theo nghĩa là tận thế đã gần kề cho bằng kỷ nguyên mới đã bắt đầu với cuộc Phục sinh của Đức Kitô. Trong tư tưởng của thánh Phaolô, cuộc Phục sinh của đức Kitô không chỉ ảnh hưởng đến thân thể của Ngài nhưng còn ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại và toàn thể vũ trụ. Một thời điểm mới đã bắt đầu, thời điểm tái tạo vạn vật. Khi lãnh bí tích rửa tội, người tín hữu được tham dự vào một cuộc tử nạn và phục sinh của đức Kitô. Vì thế họ cần phải diễn tả sự tham dự vào cuộc phục sinh ra thực tại. Chính trong bối cảnh đó, mà thánh Phaolô đối chiếu sự trinh khiết với bậc hôn nhân. Bậc hôn nhân gắn với kỷ nguyên mau tàn của hiện tại; còn bậc trinh khiết tượng trưng cho kỷ nguyên tương lai, khi con người không còn cần dựng vợ gả chồng nữa. Tư tưởng này được Phúc âm nhắc lại trong cuộc đối chất giữa Chúa Giêsu và nhóm Sađuxê (Mc 12,25).
Tóm lại, bậc trinh khiết cao hơn bậc hôn nhân cũng như cuộc sống vĩnh cửu cao quý hơn cuộc sống hiện tại. Có phải thế không?
Đúng thế. Khi đề cao bậc trinh khiết, Giáo hội không quên nêu bật rằng cần phải hiểu về sự trinh khiết “vì Nước Trời”. Chúng ta có thể đọc thấy trong Sách Giáo lý Hội thánh công giáo ở các số 1618-1620. Nhất là chúng ta đừng nên quên rằng sự so sánh này có tính cách khách thể, xét theo giá trị biểu tượng của chúng. Còn khi xét từng cá nhân, thì không ai được quyền lên mặt, tự coi mình như là cao trọng thánh thiện hơn người khác! Không phải những người khấn giữ trinh khiết vì Nước Trời đương nhiên là thánh thiện hơn những người lập gia đình. Trở lại với ngôn ngữ của thánh Phaolô, ta có thể nói được rằng sự so sánh giữa bậc trinh khiết với bậc hôn nhân thuộc về cấp độ đoàn sủng (hay đặc sủng), được thánh Phaolô giải thích ở chương 12 của thư thứ nhất gửi Corintô. Nhưng sau khi đã trình bày ý nghĩa và giá trị của các đoàn sủng, ở chương thứ 13 tiếp theo đó, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu rằng ơn cao trọng hơn cả là đức mến. Và chính đây mới thực là tiêu chuẩn đo lường sự cao thấp của mỗi người trước mặt Chúa.
(Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP, daminhvn.net)