Chuyện học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.1, TP. HCM, sau khi nhận được “tin vui” không cần học môn Sử để thi tốt nghiệp nữa, đã xé rồi vất trắng sân trường đề cương ôn thi môn này, quả là độc nhất vô nhị…
Giấy rơi trắng sân trường. Ảnh cắt từ clip
Bây giờ, khi sự việc đã rồi, những tiếng nói “phản biện” nhằm mục đích làm dịu, dùng các… uyển ngữ để “phá núi khơi sông” với những mệnh đề như “không chỉ là đề cương mà còn là giấy nháp”, rằng “học sinh không ghét môn Sử”… chỉ là cách khoả lấp sự thật.
Vì sao lại thế – hay “tại cái nước mình nó thế”?
Trước hết, là một người dạy Sử, người viết bài này đã thực sự thấy rát mặt và xót xa, bởi sự thật phũ phàng mà bao nhiêu năm nay, tất cả mọi người đều… biết nhưng nếu có nhìn vào sự thật thì lại nhắm mắt, bưng tai.
Câu hỏi đặt ra cho mệnh đề uyển ngữ thứ nhất là con người có hỉ hả, đồng loạt, khi xé giấy nháp để cười vui hay không? Dù có giấy nháp đi nữa thì cái sự hoan hỉ cay đắng ấy cũng xuất phát chủ yếu từ đề cương môn Sử. Nếu không phải thế thì tự hỏi xem, còn bao môn học không thi tốt nghiệp, sao không học sinh không xé mà chỉ xé mỗi đề cương môn Sử mà thôi?
Với mệnh đề uyển ngữ hai, rằng “chúng em yêu…” Sử, thật ra chỉ là để làm bớt đi cái đau đớn, ê chề của người dạy và tất cả những ai quan tâm đến lịch sử nước nhà, lịch sử nhân loại mà thôi.
Đã không ghét thì lâu nay chẳng hề có chuyện hàng ngàn điểm không môn Sử, không có chuyện lịch sử bị biến thành… đá và gạch vụn trên cái bàn ăn của nhận thức và nhân cách.
Tôi đã từng viết hàng chục bài báo phê phán sách giáo khoa (SGK) trong chuyên mục Lịch sử theo trang sách học trò, đăng tải trên báo Lao động năm 2005. Không hề có bất kỳ phản hồi nào từ hàng trăm người viết, biên soạn SGK cũng như từ cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo(!)?
Đây là điều không thể chấp nhận bởi dù tôi sai hay đúng thì sự tranh biện luôn là cần thiết. Chắc chắn tôi đã có những ý kiến chưa thật sự thoả đáng; vậy mà, sự lặng yên, cứ như “khẩu ngữ” của Bộ vậy.
Làm sao học sinh có thể tiêu hoá nổi khi năm nào cũng thế, cứ lặp đi lặp lại mãi hoài “ta thắng, địch thua; ta sáng suốt, địch dại khờ”? Mỗi con trẻ thời nay đều có thể hiểu rằng trong cuộc đời này không có ai không thất bại, không có cuộc chiến tranh nào không có sai lầm.
Chúng cũng biết chắc chắn rằng cuộc đời một con người, lịch sử dân tộc không chỉ là trận đánh này giết được bao nhiêu kẻ thù, trận đánh kia bắn cháy bao nhiêu xe tăng, máy bay mà còn nhiều nữa – vô khối những điều tốt đẹp như văn hóa, văn minh, những thành tựu của cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần.
“Người lớn” đưa cho những đứa trẻ mỗi một món ăn nhàm chán vì “khuôn sáo hoá, gò ép hoá” mọi sự phản biện về mặt tư duy, làm sao không chán?
Một khi lịch sử chỉ là sự chấp nhận một chiều thì nó huỷ hoại và đe doạ mọi sự sáng tạo, mọi sự nhận chân thực tại. Sao lại không phải là bệnh giả dối khi người lớn chúng ta dạy cho lũ trẻ một bộ môn khoa học xã hội, nhưng lại thiếu sự tôn trọng lịch sử khách quan?
Điều mà học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hiền làm buộc chúng ta nhớ đến câu ca dao nuối tiếc, thất vọng thuở nào: Em ngỡ giếng nước sâu/ Em nối sợi gàu dài/ Ai ngờ nước giếng cạn/ Em tiếc hoài sợi dây. Hàng triệu học sinh đã nối những sợi nhớ, sợi thương thật dài với lịch sử – quá khứ giống nòi, tổ tiên nhưng, những người thầy (kể cả SGK) đã làm… giếng cạn tự lâu rồi.
Chẳng lẽ bất lực sao?
Nước Mỹ chưa từng thất bại trước bất kỳ đối thủ nào trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào, trừ chiến tranh Việt Nam. Đó là thất bại đầu tiên, cho đến nay là duy nhất và nhiều năm nữa vẫn là duy nhất của Hoa Kỳ. 90% những bộ phim về chiến tranh của nước Mỹ do Hollywood sản xuất là dựng lại sự thất bại của quân đội Mỹ.
Họ đã xây Đài Kỷ niệm Chiến tranh Việt Nam ngay giữa thủ đô Washington theo cách chưa có tiền lệ: Gọi là “đài” nhưng xây chìm dưới đất, phía trên là trảng cỏ rộng mênh mông như một nấm mồ. Muốn chôn sâu xuống đất để làm vơi bớt nỗi đau nhưng không thể.
Đã không ghét thì lâu nay chẳng hề có chuyện hàng ngàn điểm không môn Sử, không có chuyện lịch sử bị biến thành… đá và gạch vụn trên cái bàn ăn của nhận thức và nhân cách.
Vết đen ô nhục bằng đá là điều phải nhận chân; lối lên nhọn hoắt với hình chữ V đâm thẳng vào trái tim nước Mỹ (Nhà Trắng và nhà Quốc hội) chính là do Lầu Năm Góc gây ra (phía sau phần nhọn của chữ V, bên kia sông Potomac)… là những thông điệp mà hai cánh của chữ V có chiều dài 247 feet chuyển tải.
Lịch sử không nhắm mắt của người ta là như thế; và vì thế, nó hấp dẫn mọi trái tim, khối óc của con người. Vì nó phải tôn trọng sự thật khách quan.
Nhân chuyện học sinh xé đề cương môn Sử, và cũng nhân chuyện ngành GD có chủ trương viết SGK mới cho sau năm 2015, người viết bài – đồng thời là một người đứng trên bục giảng lâu năm – xin kiến nghị:
Viết lại SGK môn Sử sao cho đúng, cho thật, cho sinh động và không nên dùng những từ khô khan, nhiều tính robot, ít chất nhựa sống của trái tim là điều nên làm thứ nhất.
Phải phân bố lại chương trình theo nguyên tắc tiên tiến nhất: Trung học phổ thông phân ban ngay từ đầu lớp 10, và thi tốt nghiệp tất cả các môn đã học, nhưng tinh giản, thiết thực với đời sống.
Hãy tin rằng cái hình ảnh đau lòng xé đề cương môn Sử đó là ranh giới cuối cùng của sự chịu đựng trước nhu cầu GD cần thay đổi, chương trình môn Sử cần thay đổi.
Và, cũng nên mặc định rằng, đó không chỉ là “hành vi” thiếu chín chắn của một lớp trẻ “ăn chưa nên đọi (bát), nói chưa thành lời” mà đó chính là sự phản kháng mãnh liệt đối với sai lầm của cha ông, trong đó, có người viết bài này…