“Tạ ơn – Tạ tội và dấn thân”

ta on ta toi va dan than - “Tạ ơn - Tạ tội và dấn thân”

Ðây là tâm tình được Ðức cha Giuse Trần Văn Toản hướng tới trong thư mục vụ gởi cộng đoàn Dân Chúa giáo phận Long Xuyên nhân kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận (1960-2020).

Từ câu Lời Chúa được chọn trong logo của giáo phận “Anh em là muối cho đời” (Mt 5, 13), Ðức cha gợi lên những suy tư và mời gọi các tín hữu sống với niềm tạ ơn vì “giáo phận được hưởng những phẩm tính của Muối từ chính Chúa Kitô, trong Lời Chúa, trong Bí Tích, và trong tình yêu quan phòng của Ngài suốt lịch sử 60 năm của giáo phận” và “cũng tạ ơn các vị tiền bối đã là hiện thân của Chúa Kitô là muối cho giáo phận. Các ngài là giám mục, là tu sĩ, là giáo dân”. Cũng trong tâm tình này, vị chủ chăn đã hướng cộng đoàn nhìn về những con người địa phương với nền văn hóa miệt vườn, với niềm tin đa dạng và phong phú, và với lòng hiếu khách… đã cho giáo phận được cùng đồng hành trong 60 năm qua. Ngài cũng không quên nhắc lời tri ân đối với thiên nhiên tươi đẹp và phì nhiêu của vùng đồng bằng sông Cửu Long vì chính môi trường này, gia đình giáo phận đã được đón nhận, được nuôi sống, có thể hoạt động và thể hiện niềm tin của mình… Theo ngài, để tạ ơn Chúa, tạ ơn con người, Giáo phận cùng thực hiện lời Chúa dạy: “Con hãy về với thân quyến con và tường thuật cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và xót thương con” (Mc 5, 19).

Cùng với việc tạ ơn, giáo phận Long Xuyên cũng sống tâm tình tạ tội và sám hối, “vì đã mất chất muối trong đời Kitô hữu”. Ðức cha viết: “Trong cuộc sống, trong tác vụ, và trong vai trò của mình trong Hội Thánh và thế giới, không phải không có những lần chúng ta, là giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, đã để mình bị cướp mất chất mặn của muối. Ðó là lúc chúng ta làm cho khuôn mặt của Ðức Kitô bị lem nhọ trong cái nhìn của tha nhân, nghĩa là người Kitô hữu không còn biểu hiện cho sự tinh sạch, không còn tác dụng làm cho đời trở nên tốt hơn, không còn đem lại bình an, niềm vui và hy vọng. Trong năm kỷ niệm này, giáo phận bày tỏ sự sám hối và canh tân, để được Muối Chúa Kitô ướp mặn lại, kẻo “nó chỉ còn quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5, 13)”.

Và ngài cũng mời gọi các thành phần trong giáo phận quyết tâm dấn thân, tiếp tục là muối cho đời, cụ thể trong năm 2020 này với ba định hướng cho cuộc hành trình đức tin: Sống mầu nhiệm Chúa Kitô – Xây dựng gia đình Thiên Chúa và Phục vụ con người.

Trong thư, Ðức cha Giuse đã đề ra 5 điểm nhấn mục vụ: Ðào tạo và thường huấn hàng giáo sĩ và tu sĩ; đào tạo và thường huấn người giáo dân tông đồ; thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng; thực hiện công cuộc bác ái; dấn thân vào lãnh vực giáo dục giới trẻ ngày nay.

Và, một cách cụ thể, ngài hướng cộng đoàn đến việc “tham gia hiệp thông đồng trách nhiệm” trong sứ vụ kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận với những sinh hoạt điển hình như đào sâu đức tin qua sự học hỏi về giáo phận; cử hành đức tin bằng việc thể hiện lòng đạo đức bình dân theo hướng dẫn của giáo phận; sống đức tin với các hành động bác ái; xây dựng cộng đoàn đức tin qua sự nỗ lực tổ chức cộng đoàn giáo phận, giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn tu sĩ… thành gia đình của Thiên Chúa theo mô hình hiệp thông giáo hội sơ khai (Cv 2,42-47); loan truyền đức tin bằng việc cộng tác với nhau trong các cộng đoàn và với toàn thể giáo phận…

Vài nét về giáo phận Long Xuyên

* Giáo phận Long Xuyên trước đây lần lượt thuộc các giáo phận Ðàng Trong (1679), Tây Ðàng Trong (1844), Nam Vang (1850), Cần Thơ (1955).

* Năm 1938, An Giang có 4 giáo xứ, 30 giáo họ và 12.067 giáo dân; Kiên Giang có 3 giáo xứ, 18 giáo họ và 5.127 giáo dân; huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) có giáo xứ Bò Ót gồm 1.807 giáo dân.

* Ngày 24.11.1960, Ðức Thánh Cha Gioan XXIII ban sắc lệnh Christi Mandata thành lập giáo phận Long Xuyên gồm: tỉnh An Giang, Kiên Giang và một phần tỉnh Chương Thiện thuộc giáo phận Cần Thơ trong Tổng Giáo phận Sài Gòn, và đặt Ðức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ làm giám mục tiên khởi.

* Trước cuộc di cư năm 1954, phần đất thuộc giáo phận Long Xuyên ngày nay chỉ có hơn 10 xứ đạo với khoảng 30.000 tín hữu.

* Theo Niên Giám năm 1964, GP Long Xuyên có 93.739 giáo dân trên tổng số 1.252.705 người, với 104 linh mục triều, 3 linh mục dòng, 185 nữ tu, 6 nam tu, 59 đại chủng sinh, 270 tiểu chủng sinh, 8 trường trung học, 78 trường tiểu học, 8 cơ sở bác ái từ thiện.

* Giáo phận Long Xuyên chạy dài theo hai tỉnh An Giang, Kiên Giang và hai quận huyện thuộc tỉnh Cần Thơ là Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh với diện tích 10.256 km2. Hiện nay, giáo phận có 9 giáo hạt, với số tín hữu là 230.000 trong tổng số 4.291.006 người (tính đến 1/12/2019). Số linh mục là 315 (280 triều và 35 dòng). Có 65 nam tu sĩ và 450 nữ tu sĩ, 111 Ðại Chủng sinh, 39 chủng sinh dự bị, hàng trăm tu sinh và 1.700 giáo lý viên.

* Ở giáo phận Long Xuyên, có hai địa điểm kính viếng các vị tử đạo của giáo phận: linh mục Phêrô Ðoàn Công Quý và ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng, đặt tại Châu Ðốc và Cù Lao Giêng – trước đây gọi là họ đạo Ðầu Nước và có các nhà thờ tu viện khá cổ kính. Các nơi hành hương khác là: nhà thờ Ðức Mẹ Cồn Trên, Ðền thánh Giuse An Bình, Ðài Ðức Mẹ Tân Hiệp, Nhà thờ Hòn Chông. Cồn Phước là nơi đón tiếng khóc chào đời và thời niên thiếu của cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Ðền Thánh Vincentê ở Tân Hiệp cũng là điểm quen thuộc của rất nhiều người.

PHAN NHI

Exit mobile version