Suy Niệm Lễ Đêm Giáng Sinh 2017

Mỗi lúc ăn cá, cha thường bảo: “Để tao ăn đầu và xương”.

Nó nhanh nhẩu: “Tại sao hả cha?”

Cha nó nói vẻ mặt nghiêm nghị: “Vì cha già rồi, hay đau đầu, nên ăn đầu thì nó sẽ bớt đau – cái này gọi là ăn óc bổ óc, hiểu không? Xương yếu, ăn xương thì sẽ cứng cáp hơn. Có vậy mà cũng không hiểu hả?”

Nó và hai đứa em đinh ninh là cha nói thật. Đến bữa nó nhanh nhẩu xẻ đầu và xương cho cha, ba anh em tranh nhau phần thịt.

Anh em nó lớn lên, có thể thay cha đi đò, đi sông, mò cua, thả cá, đời sống gia đình nó khấm khá hơn. Chúng đã hiểu và đủ nhận ra cha “nói dối” chuyện ăn đầu và xương cá. Vì thế mà cha nó đã được ăn thịt cá.

Bây giờ nó đã thành đạt, vợ đẹp, con ngoan. Dù cuộc sống hối hả, nhưng nó chẳng bao giờ phải “thích” ăn cái đầu hay miếng xương cá, vì vợ nó bỏ đi, chỉ mang phần thịt lên mâm cơm.

Hôm nay là ngày giỗ lần thứ 10 của cha nó. Nhìn di ảnh ba gầy còm, nở một nụ cười tươi sáng. Nhìn con cá chiên to đùng, vàng tươm mỡ vợ đặt lên bàn thờ, nó chợt bất giác rơi lệ. Một cơn đau từ đâu hiện về nhói lòng vô tận.

Nó phải giấu vợ con, quay mặt lau nước mắt. Nhưng nó không thể xóa đi được hình dáng cha già còm cõi, xiêu vẹo bước đi bên sông. Cha đi thả cá mùa nước nổi, rồi sau đó là những trận thương hàn triền miên hành hạ ông. Nó không thể xóa đi được cái ý nghĩ “nếu cha ăn nhiều thịt hơn, thì đã không già yếu như thế”.

Vừa khấn vái, nó lại bất giác kêu lên những tiếng “cha” từ trong cổ họng.

Đến lúc ra bàn ăn. Nhìn vợ đang xẻ thịt con cá, để bỏ đi phần đầu và xương. Nó giữ tay vợ lại: “Em, để anh ăn đầu, đừng bỏ đi”.

Vợ hiểu, nên bỏ đầu cá qua cho chồng. Chỉ có cô con gái nhỏ là thắc mắc “Sao hôm nay ba lại ăn đầu, nó lắm xương, nó sẽ làm đau ba đấy”.

Nó xoa đầu con gái, nuốt tiếng nấc đang chầu chực nơi cổ họng vào trong, bảo “Dạo này ba hay đau đầu, nên ăn đầu sẽ hết đau con gái à, cái này gọi là ăn đầu bổ đầu đấy con yêu”.

Nó vừa ăn, vừa cố cho những giọt nước mắt không tràn xuống bát cơm.

Là người con trong gia đình, nghe câu chuyện trên không ai mà không mủi lòng, thương cho người cha đã hy sinh hết mình vì con cái. Câu chuyện cũng diễn tả được cảm nhận của người con về tình thương của người cha đối với mình, cho dù sự cảm nhận đó có vẻ hơi muộn màng.

Hôm nay, toàn thể thế giới đang long trọng mừng lễ Giáng sinh, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2017 của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa Giáng sinh làm người. Mầu nhiệm giáng sinh diễn tả tình yêu thương của Đức Giêsu đối với loài người. Tình thương và sự hy sinh của người cha trong câu chuyện trên phần nào phản ảnh tình thương và sự hy sinh của Đức Giêsu đối với loài người chúng ta. Đúng như lời trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.” Thánh Phaolô cũng diễn tả sự hy sinh đó trong thư Philipphê rằng: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,6-8).

Như vậy, khi chấp nhận làm người, Đức Giêsu chấp nhận những gì thuộc về con người: sinh, bệnh, lão, tử (ngoại trừ tội lỗi). Ngài được cưu mang trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, sinh ra trong đêm đông lạnh lẽo, thiếu thốn. Tin mừng cho biết: “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2, 7). Tiếp đó, Ngài được đặt tên, được cắt bì theo tục lệ Do Thái, được hai ông bà dâng trong đền thánh, phải lánh nạn sang Aicập vì bị vua Hêrôđê lùng bắt, làm thợ mộc và các công việc khác để phụ giúp Đức Mẹ và Thánh Giuse. Sau 30 năm đời sống ẩn dật, Ngài bắt đầu ra đi rao giảng Tin mừng, được dân chúng ủng hộ vì lời giảng dạy của Ngài có uy quyền, và vì đi liền với lời giảng dạy Ngài còn làm nhiều phép lạ. Các phép lạ Ngài làm đều phát xuất từ tình yêu thương: cho kẻ đói ăn, kẻ què đi được, người mù xem thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại…Nhưng cũng có rất nhiều kẻ chống đối Ngài. Đa số những kẻ chống đối đó đến từ nhóm Luật sĩ và Biệt phái. Vì sự chống đối này, nên cuối cùng Ngài đã bị bắt, chịu các nhục hình, vác thập giá, chịu đóng đinh và chết tất tưởi trên thập giá. Trước khi về trời, Ngài đã thiết lập Giáo hội, thiết lập các Bí tích để ở lại với loài người. Không thể kể hết những gì Ngài đã dành cho chúng ta, đã hy sinh vì chúng ta. Tất cả những gì Ngài làm, Ngài chịu là “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”. Đúng như lời Thiên thần loan báo trong Tin mừng hôm nay: “Đấng Cứu Thế sinh ra cho chúng ta.” (x. Lc 2,11). Đó cũng là tâm tình của Bài đọc 1, trích sách Sứ ngôn Isaia hôm nay: “Dân đang lần bước giữa tối tăm
đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi…Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.”
(Is 9,1.5).

Trở lại câu chuyện trên đây chúng ta thấy, những đứa con khi lớn lên mới hiểu hết những gì mà người cha dành cho mình, hy sinh cho anh em mình, nên đã thương cha hơn, làm hết sức mình để bù đắp cho người cha. Nhưng khi đã trưởng thành, cuộc sống có điều kiện hơn một chút thì người cha lại không còn trên cõi đời này nữa.

Còn chúng ta thì sao? Đứng trước tình thương và sự hy sinh vô bờ bến của Đức Giêsu, chúng ta phải làm gì?

Chúng ta phải yêu mến Ngài, vì “Tình yêu đáp lại tình yêu”.Nhưng phải yêu mến Ngài như thế nào? Chúng ta phải yêu mến Ngài hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự. Nghĩa là phải luôn đặt Chúa lên trên hết: Trên cha mẹ, trên của cải, trên chức quyền danh vọng và mọi thứ ở trần gian này. Yêu mến Chúa là phải tuân giữ các giới răn của Ngài. Đức Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy.”(Ga 14,21). Yêu mến Chúa là phải từ bỏ tội lỗi. Trong bài đọc II hôm nay, Thánh Phaolô khuyên rằng : Ân sủng của Thiên Chúa dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này (x. Tt 2,12).

Yêu mến Chúa, chúng ta cũng phải yêu thương tha nhân. Thánh Gioan Tông đồ nói: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20). Nhưng yêu thương tha nhân như thế nào?

Đức Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mình không muốn, thì cũng đừng làm cho người khác). Chắc chắn không ai trong chúng ta muốn người khác nói xấu, vu khống, bỏ vạ, cáo gian hay làm hại mình…thì chúng ta cũng đừng làm những điều đó cho tha nhân. Trong xã hội chúng ta đang sống, người ta thường dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Hằng ngày có biết bao nhiêu câu chuyện đau lòng liên quan đến bạo lực xảy ra đây đó trên đất nước chúng ta. Chẳng hạn: bà giết cháu, cha giết con, vợ giết chồng, bảo mẫu hành hạ trẻ em…Đó là những cách hành xử thiếu vắng tình thương. Là người kitô hữu, là con cái của Chúa, chúng ta không được làm như thế với tha nhân. Trái lại, chúng ta phải lấy tình thương đáp lại tình thương, lấy tình thương đáp lại hận thù. Thánh Phanxicô Assisi dạy chúng ta: “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục. Ðem an hoà vào nơi tranh chấp. Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.”

Kinh Thánh dạy: Điều mình muốn người khác làm cho mình thì cũng hãy làm cho người khác (x. Mt 7,12). Chắc chắn chúng ta luôn muốn điều tốt, điều lành, may mắn, hạnh phúc…đến với mình thì cũng hãy làm những điều đó cho tha nhân. Có lẽ cách tốt nhất là chúng ta thực hành lời dạy của Kinh Thương Người Có Mười Bốn Mối: cho kẻ đói ăn; cho kẻ khát uống; cho kẻ rách rưới ăn mặc; viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc; cho khách đỗ nhà; chuộc kẻ làm tôi; chôn xác kẻ chết; lấy lời lành mà khuyên người; mở dậy kẻ mê muội; yên ủi kẻ âu lo; răn bảo kẻ có tội; tha kẻ dể ta; nhịn kẻ mất lòng ta; cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Nếu chúng ta làm được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ kéo dài tình thương của đêm Noel đến với mọi người. Nguyện xin Chúa Hài Đồng Giêsu giúp nhân loại hôm nay nhận biết và yêu mến Thiên Chúa và biết sống yêu thương nhau hơn. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành

Exit mobile version